Thursday, November 29, 2018

BẢN TIN NGÀY 29/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




29/11/2018

Tin Biển Đông

Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu, Việt Nam không để ‘bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung’, theo VnExpress. Bất chấp tình hình Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, triển khai thêm khí tài và một số kế hoạch đầy tham vọng, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn “khẳng định trong những năm qua, tình hình Biển Đông cơ bản ổn định; tuy nhiên, việc đánh bắt hải sản của ngư dân vẫn còn diễn biến phức tạp”.

Vấn đề là, Trung Quốc tỏ thái độ không lùi bước ở Biển Đông, Hoa Kỳ và các đồng minh không nhượng bộ Trung Quốc. Mâu thuẫn này tạo ra tác động kinh tế – chính trị, ảnh hưởng tới Việt Nam. Chuyện Việt Nam “không để bị lôi cuốn”, có muốn cũng không được.  


Tin nhân quyền

BBC đưa tin: Trần Huỳnh Duy Thức có thể trong tình thế ‘nguy kịch’. Gia đình ông Thức nói với BBC rằng, họ đang tiếp tục kêu gọi trả tự do cho ông, trong khi ông Thức có những biểu hiện như ‘bị trúng độc’. Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, kể với BBC: “Hôm qua (27/11), anh Thức có gọi điện về nhà năm phút theo quy định của trại giam. Nhưng không kịp nói gì về sức khỏe của mình… Anh Thức chỉ nói dù có chết anh ấy cũng không nhận tội”.

Trước đó, trong buổi điều trần công khai về Hiệp định EVFTA tại Nghị viện châu Âu, TS Nguyễn Quang A đã kêu gọi chính quyền trả tự do do ông Thức, một “doanh nhân cực kỳ thông minh” và là người “ủng hộ EVFTA”. Ông Quang A đã nói: “Ông ấy là một tài sản quý giá. Đừng để tài sản quý giá đó bị lãng phí ở trong tù”.

RFA có bài phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Thành phố Đà Nẵng: Nếu đảng xóa tên tôi vì vấn đề Sơn Trà thì đáng buồn! Ông Vinh nghĩ rằng, có thể việc ông lên tiếng công khai trên mạng xã hội và báo chí thời gian gần đây, liên quan đến bán đảo Sơn Trà, nên ông bị đảng xóa tên, dù ông đã ngưng sinh hoạt đảng từ năm 2014.


Ông Trần Bắc Hà bị bắt ở Campuchia?

BBC đặt câu hỏi: Ông Trần Bắc Hà bị bắt ở Campuchia?Theo đó, dư luận mạng xã hội đêm qua loan tin, Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, bị Việt Nam bắt giữ ở Campuchia. Bàn về vai trò của ông Bắc Hà đối với bức tranh kinh tế – chính trị Việt Nam trước đây, những người thạo tin nói rằng, ông Hà là “kế toán trưởng của triều đại đồng chí X”.

Bên cạnh đó, cũng có tin ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc BIDV và là người đồng hương của ông Trần Bắc Hà bị bắt ở tỉnh An Giang. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rằng vi phạm của ông Lục Lang là nghiêm trọng.

Ông Trần Bắc Hà (phải) và Trần Lục Lang. Ảnh trên mạng

Báo Người Việt có bài: Trần Bắc Hà, đàn em của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bị bắt ở Cambodia? Theo đó, một số Facebooker khẳng định ông Trần Bắc Hà bị bắt ở Campuchia. Còn truyền thông nhà nước CSVN thì không xác nhận, cũng không phủ nhận thông tin này.

Cuối tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, vi phạm của ông Trần Bắc Hà và các “đồng chí” trong vụ án Ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng. Một số sai phạm như “vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ”.



“Củi” ở ngành dầu khí

Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí, theo Zing. Kiểm toán Nhà nước phát hiện, từ năm 2010-2015, Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã giấu số tiền lãi nhận được từ các ngân hàng là 22,1 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty này đã thông đồng với các ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền chênh lệch vào tài khoản cá nhân, hoặc nhận trực tiếp, để bỏ túi riêng.

RFA có bài: Phát hiện sai phạm tại dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Bài viết nhắc lại một loạt sai phạm của PVN nói riêng và ngành dầu khí Việt Nam nói chung, từ thời các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh còn làm quan chức PVN. Ngành dầu khí từng được cơ cấu để làm một trong các “quả đấm thép” chủ lực của kinh tế Việt Nam, nhưng giờ thì mọi sự đã rõ, đây là một trong những ngành được ưu ái để… đốt tiền ở mức khủng khiếp nhất trong các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.


Vụ án Vũ “nhôm” và DongABank

Trong phiên xử ngày 28/11, HĐXX đã cách ly Vũ “nhôm” trong quá trình xét hỏi, theo báo Dân Trí. Bài báo cho biết, trong giai đoạn 2 của vụ án Vũ “nhôm”, cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra chuyện bị cáo Trần Phương Bình chuyển cho Vũ “nhôm” số tiền 13,4 triệu USD. Vũ “nhôm” vẫn không thừa nhận “đồng phạm với Trần Phương Bình về việc chiếm đoạt tài sản của DongABank”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình nhận tội. Ông Bình thừa nhận tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, trong đó có hành vi cấu kết với Vũ “nhôm”, gây thiệt hại cho DongABank hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Bình còn phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khiến DongABank thất thoát hơn 1.550 tỉ đồng.

Báo Tiền Phong có bài: Vụ án Vũ ‘nhôm’ còn liên quan đến nhiều quan chức. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhận định về hậu quả của vụ Vũ “nhôm” làm thất thoát tài sản ở DongABank: “Hậu vụ án này là quá nặng nề. Sau vụ án này sẽ liên quan nhiều đến quan chức của các địa phương và ngành công an. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm”.

Báo Lao Động có bài: Không phải Nguyễn Văn Dương hay Vũ “nhôm” làm tha hóa cán bộ! Bài viết cho rằng, “quyền lực và đồng tiền” đã làm tha hóa hàng loạt cán bộ, quan chức, thậm chí lãnh đạo cấp cao của chế độ CSVN, đã bảo kê cho Vũ “nhôm” và Nguyễn Văn Dương. Vấn đề là chế độ toàn trị đã tạo điều kiện để những kẻ tha hóa đó gây thiệt hại hàng ngàn tỉ, thậm chí chục ngàn tỉ, tiền của dân.



Các vụ “ăn” đất ở Đà Nẵng

Báo VnExpress có bài: Hàng loạt sai phạm trong sang nhượng sân vận động Chi Lăng. Theo đó, sân vận động này “vốn bị Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh đem sổ đỏ cầm cố ngân hàng và trở thành tài sản kê biên để thi hành án”. Sai phạm này xảy ra từ thời ông Trần Văn Minh còn làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

UBND TP Đà Nẵng khi đó không quyết định giao đất cho nhà đầu tư mà lại “giao cho Công ty Quản lý Khai thác quỹ đất Đà Nẵng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Việc giao đất không thông qua quyết định giao đất mà bằng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là vi phạm thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục pháp luật đất đai”.

Chính quyền Đà Nẵng xin chuộc lại sân Chi Lăng với giá hơn 1.200 tỷ, theo Zing. TP Đà Nẵng “sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp”, tổng số tiền là 1.251 tỷ đồng.

Cần nhắc lại vụ Công ty Cổ phần Vipico trúng đấu giá 652 tỷ lô đất A20, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ngày 16/11 vừa qua, UBND Đà Nẵng bất ngờ ra quyết định hủy kết quả đấu giá, tịch thu tiền số tiền đặt cọc. Lý do chính quyền đưa ra: Vipico chậm nộp tiền sử dụng đất 52 ngày.

UBND Đà Nẵng báo cáo mập mờ với chính phủ về quyết định trên. Ngoài ra, chính quyền ông Huỳnh Đức Thơ còn viện dẫn báo cáo khuyến nghị của Kiểm toán nhà nước làm căn cứ. Ông Huỳnh Đức Thơ biện minh: “Thành phố không thể làm khác về chủ trương hủy kết quả trúng đấu giá của Công ty CP Vipico liên quan đến khu đất A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt”.

Tuy nhiên, trái với tuyên bố của ông Thơ và chính quyền Đà Nẵng, Kiểm toán Nhà nước phủ nhận kiến nghị thu hồi đấu giá đất 600 tỷ ở Đà Nẵng, theo báo Nhà Đầu Tư. Ngày 26/11, Kiểm toán Nhà nước cho biết, chỉ kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng “xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”, chứ không kiến nghị UBND TP Đà Nẵng huỷ kết quả đấu giá tại lô đất A20.

Dùng nhiều lý do, thủ đoạn, ông Thơ đang làm gì với lô đất A20 và số tiền Vipico đặt cọc? Họ ăn chia không hợp lý nên tìm cách cướp lại và làm hại doanh nghiệp, hay lô đất này vô tình rơi vào tay phe nhóm khác, không theo kịch bản của phiên đấu giá, nên giờ ông Thơ muốn đòi lại?

LS Nguyễn Văn Chiến nhận định, vụ Đà Nẵng huỷ kết quả đấu giá lô đất 652 tỷ: “Doanh nghiệp có căn cứ để khởi kiện”, theo VnEconomy. Hôm qua, LS Chiến cho biết: UBND Đà Nẵng “thu toàn bộ tiền cọc và tiền chậm nộp, thờ ơ trước nguy cơ doanh nghiệp lâm vào vòng phá sản. Nếu việc chậm nộp lần 2 được xác định là vi phạm thì chí ít cũng phải có sự nhắc nhở và cảnh báo vi phạm”.


Phó chủ tịch TP Nha Trang bị khởi tố

VTC đưa tin: Khởi tố, khám xét nhà phó chủ tịch UBND TP Nha Trang. Các báo “lề đảng” đưa tin dè dặt từ chính quyền, chiều 28/11, ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang bị khởi tố do liên quan đến sai phạm tại dự án KĐT Hoàng Long. Ông Toàn bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, ngày 15/10, bà Vũ Thị Mai Hương, nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Long, TP Nha Trang cũng bị khởi tố vì liên quan.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao Phó chủ tịch TP Nha Trang Lê Huy Toàn bị khởi tố, khám xét? Bài báo nói về sai phạm của ông Toàn và các “đồng chí” của ông ở dự án KĐT Hoàng Long: “Nhiều hộ gia đình được bồi thường, cấp đất tái định cư tại dự án Khu đô thị Hoàng Long là giả mạo. Cơ quan cảnh sát điều tra nhanh chóng xác định ông Nguyễn Khánh Hùng (ngụ phường Phước Long) là người làm và cung cấp các loại giấy tờ giả cho những người có nhu cầu”.


Cán bộ gian dối

Zing đưa tin: Kỷ luật chủ tịch huyện khai man bằng đại học. Ông Mai Thanh Ngon, Phó bí thư huyện, kiêm Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, chỉ có các chứng chỉ đào tạo ngắn hạn về quân sự nhưng gian dối, kê khai trình độ đại học nhằm hợp thức hóa thủ tục, ứng cử lãnh đạo huyện. Ông Ngon “được” kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” về mặt đảng và chính quyền. Ngoài ra, ông Ngon không bị truy cứu trách nhiệm gì khác.

Ông Ngon bị cấp dưới tố cáo, và vẫn bình yên vô sự với hình thức “khiển trách”. Còn ông Nguyễn Hoàng Quý, người kiên trì phanh phui thì suýt bị kỷ luật vì tố cáo chủ tịch huyện không có bằng đại học. Ông Quý nhiều lần tố cáo nhưng chính quyền tỉnh Sóc Trăng bao che, đùn đẩy và ông Quý suýt bị kỷ luật ngược vì bị cáo buộc tố cáo sai sự thật. Dù kết quả cho thấy ông Ngon gian dối, nhưng ông này vẫn tại vị, khiến ông Quý lo lắng cho “số phận” mình trong thời gian tới.

Đấu thầu gian lận

Báo Đất Việt có bài: Chỉ định thầu chiếm 69%, tiêu cực diễn biến phức tạp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, năm 2017 các bộ ngành của Việt Nam triển khai trên 221 ngàn gói thầu, trong đó, có đến 69% các gói thầu được chỉ định, không qua đấu giá, với giá trị gần 73 ngàn tỷ đồng. Ngoài chỉ định thầu, hầu hết những phiên đấu giá còn lại mang tính hình thức, hạn chế người ngoài, chỉ cho “người nhà” và người của phe nhóm khác tham gia.

Ngoài ra, còn có thủ đoạn “thông thầu”, “quân xanh”, “quân đỏ” dàn xếp giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với chính quyền nhằm đục khoét ngân sách. Những hành vi trên khiến nhà thầu phải chi số tiền lớn cho cán bộ để được trúng thầu. Giới xây dựng cầu đường cho biết, luật ngầm là phải chi cho cán bộ ít nhất 20% giá trị gói thầu.

Trang VnEconomy bàn về sai phạm hàng chục tỷ đồng trong đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Bình Dương. Kiểm toán Nhà nước cho biết, ông Phạm Thanh Sơn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước “đã ký công văn chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an về việc điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương”.

Đây chỉ là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp, lý giải vì sao Việt Nam đầu tư nhiều, nhưng tiền chỉ chảy vào túi cán bộ lãnh đạo và doanh nghiệp sân sau, kết quả đầu tư rất yếu kém. Chừng nào còn độc tài cộng sản, thì còn tham nhũng, tiêu cực. Những khẩu hiệu, hô hào chống tiêu cực chỉ là mị dân.


Nền giáo dục kiểu “hồng vệ binh”

Bộ trưởng Nhạ đã lên tiếng về vụ giáo viên tát học sinh 231 cái. Tuy nhiên, vẫn như nhiều bê bối vừa qua trong ngành giáo dục, ông Nhạ vẫn không nhận trách nhiệm của cá nhân hay của ngành mình, mà ông chỉ bình luận vô thưởng vô phạt: Bộ trưởng GD&ĐT: Tôi rất buồn vì cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái.

Ông Nhạ cho biết, ông “rất buồn vì trong ngành xảy ra hiện tượng như thế”. Mỗi lần có sự cố thì ông Nhạ buồn. Ông buồn rồi thôi, còn những chuyện bê bối trong ngành giáo dục ông xem như chuyện của ai, không liên quan tới ông. Đáng nói là sau nhiều ngày xảy ra vụ việc, trước áp lực của cử tri, bộ trưởng Nhạ mới chịu “buồn”. Không thì chẳng ai biết nỗi buồn này của ông.

Đội sao đỏ, “hồng vệ binh” của giáo dục cộng sản, gieo rắc nỗi sợ hãi chốn học đường. Học sinh hứng 231 cái tát: Nên xóa bỏ vai trò “sao đỏ” trong trường, theo VOV. Trong bài có đoạn: “Trong một xã hội còn đang vỡ vỏ thì đôi khi không làm một việc nào đó (tưởng đúng) có khi lại tốt”.

Hình ảnh những tay an ninh, dân phòng, công an làm tay sai cho “cường hào ác bá đỏ” đã được học việc từ thời học sinh, làm “sao đỏ” trong trường học. Đó là lý do tại sao sao đỏ – “hồng vệ binh”, là nỗi ám ảnh của học trò, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Sao đỏ, chính là hiện thân của sự sai trái, biến học sinh, rồi lớn lên thành cô giáo, thành quan chức, trở thành những người “khuyết tật” văn minh của xã hội.


***







No comments:

Post a Comment