Wednesday, October 3, 2018

VÀI KỶ NIỆM VỀ ÔNG ĐỖ MƯỜI (Vũ Quang Việt)




Vũ Quang Việt 
2/10/2018

Tôi rời Việt Nam đi du học năm 1968 từ Miền Nam, có về Miền Nam lại năm 1970.  Mãi đến năm 1982 tôi mới trở lại Việt Nam lần đầu sau chiến tranh.

Lần đầu đó, trong vòng một tháng, tôi cố gắng đi mọi nơi có thể, từ nam ra bắc để quan sát, và đi cả bằng xe đò, có lúc chứng kiến cảnh công an bắt dừng xe, lấy gậy có mũi nhọn, xọc vào bao bì để xem hành khách có ai đem gạo lậu lên thành phố. Có lúc nhìn thấy cả gia đình ba người ở nông thôn ăn một nồi canh trộn với một bao mì gói và xuýt xoa khen ngon.

Khi trở về Mỹ tôi có viết một bài đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, và cho rằng nghèo đói, không ai muốn sản xuất, tài chính quốc gia kiệt quệ, lạm phát cao là kết quả đương nhiên của chính sách kế hoạch hóa phi thị trường, và các biện pháp ngăn sông cấm chợ để tận thu công sức của nông dân. Có người trong ngoại giao nói tôi bị coi là thành phần bôi bác chế độ. Thế là tôi không có visa về Việt Nam. Nhưng tôi vẫn quan hệ chặt chẽ, gặp thường xuyên, tổ chức gặp gỡ chuyên gia kinh tế, nghiên cứu giúp ông Nguyễn Cơ Thạch khi ông có dịp sang ông New York.

Phải đợi mãi đến 1984 khi được ông Nguyễn Cơ Thạch can thiệp, tôi mới trở lại lần thứ hai.  

Khi về nước ông Thạch giới thiệu tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi ông Đỗ Mười khi ông lên làm Thủ tướng. Ông cũng giới thiệu tôi gặp các nơi chuyên trách về kinh tế như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lúc ông Võ Văn Kiệt làm chủ nhiệm, Ủy ban Vật Giá, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, v.v..

Tôi đã ghi lại kỷ niệm hoạt động của tôi vào thời đó với ông Nguyễn Cơ Thạch trong bài “Quan hệ với Ông Nguyễn Cơ Thạch” mà Bộ Ngoại giao mời viết trong quyến sách Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (NXB Chính  trị Quốc gia, 2003) như sau :

Ông tạo nhiều cơ hội cho tôi tìm hiểu kỹ hơn về Việt Nam. Còn tôi vốn tính thích thú nghiên cứu nên coi đây là cơ hội vàng để nâng cao hiểu biết của mình. Tôi không giấu diếm điều này đã là động cơ mạnh hơn tinh thần yêu nước thúc đẩy tôi làm việc không công. Lúc đó bản thân tôi nghĩ đất nước không phải là của những người như tôi…  Sau năm 1991, Ông nghỉ công tác chính quyền. Lúc đó tôi mới xin phép đến nhà thăm Ông. Trước đó, sự liên hệ của tôi với ông hoàn toàn có tính “nghề nghiệp” nếu nói theo kiểu phương Tây. Ông không hỏi về cá nhân, dòng dõi gia đình và tôi cũng chẳng hỏi là Ông nghĩ gì dù là trong rất nhiều cuộc gặp gỡ chỉ có Ông và tôi.. .. Năm 1990, Ông đề nghị cung cấp cho tôi Hộ chiếu Việt Nam. Như vậy đã có một lãnh đạo coi tôi là người Việt Nam. Từ đó, tôi có thể nói tôi là người Việt Nam một nửa vì vẫn còn phải xin thị thực vào Việt Nam. Từ năm 2000 thì tôi đã có thể vào Việt Nam mà không cần thị thực.. .. Quan hệ của tôi và Ông là như vậy và tôi vẫn luôn nghĩ tới Ông như một nhà chính trị và nhà ngoại giao kiệt xuất.

Nếu không có sự giới thiệu của ông Nguyễn Cơ Thạch thì tôi đã không biết ông Đỗ Mười.
Ông Đỗ Mười mới mất, tôi xin ghi lại vài kỷ niệm. 

Hồi những năm 80-90, không nhớ rõ thời điểm, tôi có tổ chức một nhóm GS kinh tế người Việt, đưa về giới thiệu và giảng dạy giáo trình kinh tế dựa vào quyển sách của Paul Samuelson trong suốt 2 tuần (học suốt ngày) tại Viện Vật Giá (*).

Trong nhóm tôi mời có anh Nguyễn Mạnh Hùng, tức là nhà thơ Nam Dao, giảng dạy kinh tế ở Đại học Laval Canada. Chẳng may khi về tới phi trường Nội Bài, anh ấy bị đuổi ra khỏi VN ngay khi xuống máy bay, bước vào Hải quan. Về sau tôi được biết nguyên do là trước đó có lần anh Hùng đã gặp Hoàng Cầm và được nhà thơ tặng một bản Về Kinh Bắc ; sau đó nhà thơ Hoàng Cầm (vả cả nhà thơ Hoàng Hưng) đã bị bỏ tù mấy năm.

Trong thời gian đó, tôi yêu cầu Hải quan tạm giữ để tôi vào Hà Nội yêu cầu can thiệp. Tôi gọi điện thoại xin gặp ông Đỗ Mười.  Ông Mười gọi tôi tới văn phòng chính phủ, tuyêt không nói gì về vụ NMH bị đuổi ra, và nói là ông ấy muốn hỏi ý kiến tôi về Luật về Ngân hàng Trung ương, đưa tôi dự thảo và yêu cầu ngày hôm sau tới nói chuyện.

Hôm sau, tôi tới nhà riêng ông Mười, trình bày với ông ấy là dự thảo này phải đổi vì không thể giao cho Quốc hội quyền quyết định mức cung tiền tệ. Họp một  năm hai lần thì khi cần hành động ngay thì đã muộn. Phải giao cho Thống đốc Ngân hàng hay cho Thủ tướng (ông ấy gọi thống đốc là tổng thống, tôi thấy buồn cười trong bụng). Ông Mười đồng ý, gọi điện thoại ngay cho ông Võ Chí Công trước mặt tôi, đề nghị hoãn đăng báo Nhân Dân để sửa lại.
Như vậy là ông ấy biết nghe.

Trước đó, tôi cũng đã được ông Đỗ Mười kêu đến nhà thảo luận về đề nghị chống lạm phát và cải cách kinh tế của tôi. Tôi có trao cho ông ấy bản viết trình bày chi tiết, kể cả tính lại GDP và các chỉ số khác, cũng đến  80 trạng đánh máy (được GS Võ Đại Lược mời trình bày tại Viện kinh tế thế giới và sau đó được anh Trần Đức Nguyên mời trình bày tại Văn phòng BCH Trung ương).

Luận điểm chính để chấm dứt lạm phát là chấm dứt in tiền để tiêu, tăng lãi suất nhằm thu hút tiền của dân vào ngân hàng, và tăng thuế nhất là thuế xuất nhập khẩu (lúc đó gần như không có) vì chủ yếu Việt Nam nhận viện trợ hay vay mượn của các nước XHCN để chia cho quốc doanh ăn tàn phá hại. Sau những lần đi quan sát, đọc báo, dựa vào số liệu có sẵn và tự tính lại GDP, tôi tính thuế thu được chỉ khoảng 9% GDP so với sau này là 22-30%. Tôi cũng đề nghị cải cách để phát triển sản xuất đòi hỏi phải xóa bỏ ngân sông cấm chợ, cho phép dân tự sản xuất và tự do bán trên thị trường, cần xóa bỏ việc nhà nước định giá sản phẩm, cho tự do giá cả, và nếu doanh nghiệp nhà nước không cạnh tranh được, phải đóng cửa thải công nhân thì trả tiền cho họ một năm để họ tự bươn chải. Tôi cho rằng phải can đảm hành động thì mới cứu được kinh tế. Bà Magaret Thatcher làm được ở Anh thì Việt Nam cũng cần can đảm học theo.

Ông Mười đọc rất kỹ vì tôi thấy ông ấy bôi đỏ, gạch đít khắp tài liệu tôi viết. Có khi ông ấy đập bàn bảo tôi cách tôi nói và viết làm người khác hoang mang về chế độ.

Tôi thẳng thừng nói lại là “tôi được bác mời tới để nói còn nghe không thì tùy bác”. Tuy vậy, ông ấy giải thích lý do tại sao ông ấy chỉ chấp nhận một nửa ý kiến của tôi về tăng lãi suất, tức là tăng lãi suất tiết kiệm, chứ không tăng lãi cho vay. Ông ấy nói tăng lãi suất cho vay thì bọn địa phương và doanh nghiệp đến đập cửa nhà ông ấy. Ông ấy cho rằng lãi suất tăng, dân tiêu ít, lạm phát xuống thì lúc đó sẽ giảm lãi suất để dành xuống bằng lãi suất cho vay. Tôi đồng ý vì thấy hợp lý trong hoàn cảnh VN. Thực tế xảy ra như thế.

Tôi rất ngạc nhiên là ông Đỗ Mười biết nghe, và sẵn sàng trao đổi, vì dư luận cho rằng ông ấy cực kỳ bảo thủ.

Sau ba lần gặp gỡ, tôi chưa gặp lại lần nào thời ông ấy làm Tổng Bí Thư.

Thành công chống lạm phát và của đổi mới là có công rất lớn của ông Đỗ Mười. Tôi được nghe kể là ông Nguyễn Văn Linh chống lại chính sách chống lạm phát còn ông Mười và ông Đồng (đóng vai cố vấn) tất nhiên là ủng hộ.

Vũ Quang Việt
2.10.2018

 (*) Chú thích của biên tập viên : theo thông tin của chúng tôi, lớp học này tổ chức vào khoảng tháng 2-3 năm 1990.







No comments:

Post a Comment