Wednesday, October 3, 2018

ĐI MÃI KHÔNG RA KHỎI ĐẦM LẦY (Song Chi)




Chủ Nhật, 09/30/2018 - 13:01 — songchi

Có một thời những người cộng sản kịch liệt lên án chế độ phong kiến, căm ghét từ giai cấp địa chủ, phú ông ở nông thôn cho tới tầng lớp trí thức nửa Nho học nửa Tây học ở các thành thị. Đa số dân chúng hồi đó vốn cùng khổ, đã nghe theo lời những người cộng sản vùng lên cướp chính quyền với hy vọng xã hội rồi sẽ khác, người người được sống bình đẳng, ấm no, không còn giai cấp, không còn ai bóc lột ai.

Thế rồi đến khi những người gọi là cộng sản giành được chính quyền, một thời gian sau, họ lại học theo nếp sống của giai cấp phong kiến ngày xưa. Người thì xây nhà ngói nguy nga chiếm cả một quả đồi, sàn lát gạch Bát tràng, đồ đạc toàn gỗ gụ, gỗ đàn hương, chạm trổ rồng phượng cầu kỳ, người thì xây nhà theo kiểu biệt thự xưa, tường, cột ốp vàng lóa mắt, trong nhà từ sinh hoạt, ăn mặc cho tới kẻ ăn người ở hầu hạ…y hệt giai cấp phong kiến. Chỉ có điều giàu hơn, ác hơn, vô luân và coi thường pháp luật hơn gấp nhiều lần!

Có một thời những người cộng sản kịch liệt lên án chế độ tư bản, cái gì của tư bản cũng xấu xa, đồi trụy, thối nát, chỉ có các nước XHCN mà đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc…là thiên đường! Cuộc chiến tranh vừa dứt tiếng súng, những người cộng sản vào tới Sài Gòn, miền Nam, chưa được mấy ngày đã lập tức tiến hành cuộc xóa bỏ vĩ đại mọi dấu tích của chế độ tư bản từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, con người cho tới đầu óc, tư tưởng.

Thế rồi vài chục năm sau chính họ lại trở thành đám tư bản “đỏ”, thi nhau vơ vét làm giàu bằng mọi cách, cái gì bán được là bán, từ đất đai tài nguyên lãnh thổ, lãnh hải, con người…Họ đua nhau mua nhà cửa, bất động sản, chạy quốc tịch, cho con đi học ở các nước tư bản, khi bệnh thì cũng chạy sang các nước tư bản! Và cũng như thế, họ giàu hơn, ác hơn, vô luân và coi thường pháp luật hơn giai cấp tư bản cũ gấp nhiều lần!

Có một thời những người cộng sản kịch liệt lên án mọi tôn giáo, phá chùa phá nhà thờ, cực đoan đến mức không thắp hương, không cúng ông bà tổ tiên.

Rồi không biết tự khi nào, có lẽ là từ khi có chức có quyền lại có quá nhiều tài sản trong tay, bản thân lại gây quá nhiều tội ác với dân với nước, các quan chức cộng sản từ trên xuống dưới bỗng thay đổi 180 độ. Người nào cũng siêng đi chùa khấn vái, cúng dường, phóng sinh…Khi chết thì rước sư thầy cầu siêu rầm rộ, lăng mộ xây nguy nga, có thầy đi coi ngày, coi đất, cất hình gì, ra sao…

Nhưng đó chẳng phải là sùng đạo hay thật tâm tin vào Phật, vào Chúa. Trong thâm tâm, các quan chức, chính khách của đảng và nhà nước cộng sản vẫn là những con người theo chủ thuyết tam vô: vô Tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo. Họ không thực sự là những người có niềm tin vào tôn giáo, họ chỉ là những người mê tín dị đoan. Vì tâm bất an nên càng siêng đi chùa cúng kiếng, cầu siêu. Trong khi nếu thật sự thấu hiểu lẽ vô thường của đời người, hiểu luật nhân quả, họ đã phải từ bỏ lòng tham, thói sân si, ăn ở cho tử tế, có nhân có đức, thay vì làm hại cho dân cho nước thì trong những ngày tại vị, làm được điều gì có lợi cho dân cho nước trong quyền hạn của mỉnh thì làm. Nhưng họ vẫn tiếp tục vơ vét, đấu đá, hãm hại lẫn nhau để tranh giành chức quyền, với dân thì tiếp tục đàn áp, xách nhiễu, hành hạ…

Không chỉ ác với dân, họ còn ác với nhau, hại chết nhau.

Chỉ đau cho đất nước này, dân tộc này, đi suốt cả một chặng đường hơn bảy thập niên, trải qua vài cuộc chiến, chết mất mấy triệu người cộng thêm vài triệu người nữa bị chết, bị giam cầm tù đày vì những chính sách sai lầm của đảng cộng sản, từ Cải Cách Ruộng Đất, vụ án xét lại chống Đảng, cải tạo tự sản, cải tạo công thương nghiệp, học tập cải tạo, vượt biên, lao động xuất khẩu v.v… Để cuối cùng, dân vẫn khổ, vẫn không có tự do dân chủ, quyền Con Người vẫn bị chà đạp, đất nước vẫn lạc hậu, đói nghèo, chủ quyền luôn luôn bị đe dọa…Thậm chí còn tệ hơn bảy thập niên trước là lãnh thổ lãnh hải bị co lại, tài nguyên cạn kiệt, từ môi trường sống, đạo đức xã hội cho tới lương tri, tính thiện, lòng nhân ái, tự trọng…của con người bị hủy hoại nặng nề!

Đi suốt cả một con đường dài, mất mát quá nhiều để làm gì?







No comments:

Post a Comment