Thursday, September 27, 2018

TỔNG THỐNG PHÁP : CHỈ CƠ CHẾ ĐA PHƯƠNG MỚI GIÚP GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 26-09-2018

Hôm qua, 25/09/2018, tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu khẳng định chỉ có cơ chế đa phương, thúc đổi đối thoại, tăng cường hợp tác, mới có thể giúp nhân loại giải quyết được các khủng hoảng hiện nay. Đối tượng bị nguyên thủ Pháp gián tiếp chỉ trích là tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đơn phương trừng phạt và « cô lập chế độ Iran ».

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 25/09/2018. REUTERS/Shannon Stapleton

Đối với tổng thống Pháp, cội nguồn chủ yếu của « cuộc khủng hoảng sâu sắc » của « trật tự quốc tế » hiện nay, là « các bất bình đẳng nghiêm trọng » kéo dài hàng chục năm qua, với gần một tỉ người trên thế giới phải sống dưới mức nghèo đói, 250 triệu trẻ em không được đi học, 200 triệu phụ nữ không có phương tiện tránh thai… Các bất bình đẳng gia tăng là đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan các loại trỗi dậy ở khắp nơi trên thế giới. Với tư cách chủ tịch năm tới của khối các cường quốc kinh tế hàng đầu, tổng thống Macron hứa sẽ đưa cuộc chiến chống bất bình đẳng trở thành ưu tiên của G7.

Thông tín viên Valerie Gas tường trình từ New York :

« Emmanuel Macron tin tưởng là việc giải quyết các khủng hoảng phải thông qua cơ chế đa phương. Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp giải thích về điều này, thông qua các ví dụ cụ thể trong hiện tại, như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Ông nói : ‘‘Thay vì khiến cho khủng hoảng trở nên gay gắt hơn, chúng ta cần phải đưa ra được một lịch trình hành động rộng lớn hơn, để giải quyết tất cả mọi lo ngại, từ hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo, cho đến các vấn đề khu vực, do chính sách của chính quyền Iran gây ra’’.

Đây là một thông điệp gửi đến tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa mới một lần nữa biện minh cho chính sách chống lại Iran. Đối với nguyên thủ Pháp, ‘‘quan điểm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh không thể bảo vệ được bất cứ ai, trước mọi mối đe doa’’.

Về Iran, khủng hoảng Israel – Palestine, các hiệp ước thương mại, di dân, hay biến đổi khí hậu, tổng thống Pháp muốn đóng vai trò môi giới cho việc tìm ra các giải pháp chung. Ông nói : ‘‘Tôi hết sức tin tưởng quyền tự quyết của người dân, và việc gia tăng hợp tác’’.

Bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc cho phép tổng thống Pháp bày tỏ khát vọng của ông. Khát vọng ấy sẽ là nguồn cảm hứng đối với Emmanuel Macron, đặc biệt trong vai trò chủ tịch luân phiên khối G7 vào năm tới. Tổng thống Pháp muốn thay đổi G7, để tổ chức này không còn là một câu lạc bộ của các nước giàu. Mục tiêu hàng đầu mà nguyên thủ Pháp đề ra là chống lại nạn bất bình đẳng ».

Tổ chức phi chính phủ Oxfam, nổi tiếng với các hoạt động chống bất công, nghèo đói, đã hoan nghênh tuyên bố mạnh mẽ của Emmanuel Macron, đồng thời kêu gọi nguyên thủ Pháp có thêm các hành động cụ thể.

----------------------------------------------

Đăng ngày 27-09-2018

Trong tư cách chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/09/2018 cực lực đả kích Iran. Điều bất ngờ hơn là ông Trump nhân cuộc họp này, tố cáo luôn Trung Quốc cố tình « xen vào » cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội Đồng Bảo An LHQ ngày 26/09/2018REUTERS/Eduardo Munoz

Lời tố cáo Trung Quốc được coi là một vấn đề hoàn toàn không liên hệ gì với chủ đề chính của cuộc họp đặc biệt do chính tổng thống Mỹ triệu tập, đó là cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, từ hạt nhân cho đến hóa học.

Từ New York, đặc phái viên Nicolas Falez phân tích :

Donald Trump một lần nữa đã cáo buộc Iran gieo rắc hỗn loạn ở vùng Trung Đông. Theo tổng thống Mỹ, Iran là một quốc gia mà trong mọi trường hợp, phải bị ngăn chặn để không thể sở hữu bom nguyên tử, điều mà Washington đã làm khi tái lập các biện pháp trừng phạt nước Cộng Hòa Hồi Giáo này.

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Trump vận động các nước khác cô lập Iran đã bộc lộ rõ giới hạn : Các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An – dù thường trực hay không thường trực - chủ yếu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Hoa Kỳ đã bỏ rơi.

Phiên họp một lần nữa cũng cho thấy sự khác biệt trong cách đối xử của ông Donald Trump đối với Bắc Triều Tiên, mà trái với Iran, đã có được bom nguyên tử, và đã rời bỏ Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân. Tổng thống Mỹ đã hãnh diện tuyên bố : « Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận ».

Vấn đề vũ khí hóa học cũng được nêu lên trong bối cảnh ba ủy viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Anh, Pháp và Mỹ, vào mùa xuân vừa qua, đã oanh kích vào Syria, cáo buộc chế độ Bashar al-Assad là đã tiếp tục tấn công bằng khí độc.

Có mặt tại New York để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Iran Hassan Rohani hôm 26/09/2018 dĩ nhiên đã phản công. Trong một cuộc họp báo do chính ông triệu tập ít lâu sau phiên họp của Hội Đồng Bảo An mà Teheran không phải là thành viên, tổng thống Iran đặc biệt nhấn mạnh đến việc rất nhiều lãnh đạo đã ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký kết, bất chấp sự rút lui của Mỹ.

Trung Quốc bất ngờ bị tố cáo ngay tại Hội Đồng Bảo An
Nếu việc ông Donald Trump đả kích Iran không có gì là lạ, thì trong phiên họp Hội Đồng Bảo An hôm qua, tổng thống Mỹ đã gây bất ngờ khi tung ra những lời tố cáo Trung Quốc can thiệp vào tiến trình bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, sẽ diễn ra ngày 06 tháng 11 tới đây.

Trước mặt đại diện Trung Quốc là ngoại trưởng Vương Nghị, ông Trump đã tố cáo rằng chính quyền Bắc Kinh không muốn đảng Cộng Hòa (của ông) chiến thắng vì chính quyền đương nhiệm tại Mỹ đang thách thức Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại.

Theo ông, « Trung Quốc đang cố can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi vào tháng 11 năm 2018, chống lại chính quyền của tôi ». Tổng thống Mỹ nói tiếp : « Họ không muốn tôi chiến thắng hay chúng tôi chiến thắng bởi vì tôi là tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại, và chúng tôi đang chiến thắng trong thương mại, chúng tôi giành chiến thắng ở mọi cấp độ. Chúng tôi không muốn họ xen vào các cuộc bầu cử của chúng tôi ».

Như thông lệ, tổng thống Mỹ không hề nêu lên bất kỳ bằng chứng nào về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử Mỹ, nhưng sau đó, một quan chức trong ê kíp của ông Trump đã nhấn mạnh rằng sự can thiệp của Trung Quốc đã lên đến mức « không thể chấp nhận được ».

Về phần mình, Nhà Trắng đã tránh phát biểu về các hành vi can thiệp mà ông Trump tố cáo.
Trung Quốc đã có phản ứng ngay lập tức qua lời ngoại trưởng Vương Nghị, có mặt tại phiên họp Hội Đồng Bảo An. Theo ông Vương Nghị, « Trung Quốc luôn luôn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác » do đó Bắc Kinh « bác bỏ các cáo buộc nhắm vào Trung Quốc và yêu cầu các nước khác tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, không xen vào vấn đề nội bộ của chúng tôi ».

--------------------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 27-09-2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/09/2018 phát biểu rằng “tình bạn” của ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã chấm dứt”.

Nguyên thủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đây. Giới chuyên gia quan ngại leo thang căng thẳng Mỹ - Trung để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Chưa có lúc nào quan hệ Mỹ - Trung xuống đến mức thấp nhất như hiện nay. Cách nay hơn một năm, tổng thống Mỹ còn xem chủ tịch Trung Quốc là “bạn”. Tuy lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón long trọng Donald Trump tại Bắc Kinh nhưng chưa bao giờ ông Tập có những phát biểu “dạt dào” về mối quan hệ này.

Theo quan điểm của ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington với AFP, thì hai ông “Trump và Kim chưa bao giờ là bạn cả”.

Còn theo nhận xét của Bill Bishop, chủ nhà xuất bản Sinocism China Newsletter, tuần trăng mật Trump – Tập không còn, có thể có “một mức độ suy thoái hoàn toàn khác nữa trong mối quan hệ Mỹ - Trung, vượt xa khuôn khổ cuộc chiến thương mại”.

Quả thật, chỉ trong vòng một tuần, gần như ngày nào cũng bùng lên căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ thông báo trừng phạt một cơ quan quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ đáp lại cho triệu đại sứ Mỹ lên bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối, đồng thời rút ngắn thời hạn thăm Mỹ của một đô đốc Trung Quốc.

Thứ Sáu ngày 21/09, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Bắc Kinh “ngược đãi khủng khiếp” người Duy Ngô Nhĩ.

Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Washington thông báo áp thuế thêm 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh phản công hủy chuyến đi Mỹ của một phái đoàn đàm phán và của phó thủ tướng Lưu Hạc vì không chấp nhận thương thuyết trong thế “dao kề cổ”.

Cũng trong tuần này, Lầu Năm Góc còn cho nhiều chiếc oanh tạc cơ B-52 bay trên không phận Biển Đông có tranh chấp mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên 80% diện tích. Ngược lại, Bắc Kinh cực lực phản đối kế hoạch Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan mà Trung Quốc xem là một tỉnh của nước này.

Căng thẳng mới nhất là hôm qua, trong cuộc họp báo ngắn, tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc dùng mọi “thủ đoạn” can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới đây. Một trong số các ví dụ được nguyên thủ Hoa Kỳ nêu ra là tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên The Des Moines Register – một tờ báo của bang Iowa, nơi có vai trò quan trọng trong các kỳ bầu cử Mỹ.

Từ những quan sát trên, có một câu hỏi đặt ra : Phải chăng trong nhãn quan của Donald Trump, một người “bạn tốt” phải là một người dễ bảo ?









No comments:

Post a Comment