Thursday, September 27, 2018

THƯ VIỆN VIỆT NAM TẠI LITTLE SÀI GÒN KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP (Thanh Phong - Viễn Đông Daily)




Thanh Phong  -  Viễn Đông Daily
Wednesday, 26/09/2018

LITTLE SAIGON - Trưa thứ Bảy, ngày 22 tháng 9, 2018 Ban Điều Hành Thư Viện, Bảo Tàng Viện VN tại Garden Grove đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập với sự tham dự của rất đông đồng hương, trong đó có một số nhân vật liên quan đến việc hình thành Little Saigon và sáng lập Thư Viện Việt Nam.

Ông Lê Quang Dật phụ trách nghi thức chào cờ và giới thiệu thành phần tham dự, vì quá đông nên chúng tôi không nêu danh từng quý vị hiện diện. Sau phần giới thiệu, ông Lê Quang Dật mời ký giả Du Miên, Giám Đốc Điều Hành Thư Viện lên phát biểu. Ông Du Miên hôm nay diện bộ complê màu hồng, thắt ca vát màu hồng nên dù trên bảy bó mà trông ông như một thanh niên. 

Ký giả Du Miên, Giám Đốc Thư Viện VN trong bộ complê màu hồng đang phát biểu khai mạc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trong lời phát biểu ông cũng tự cho mình chưa già, là một thanh niên tươi trẻ đầy nhiệt huyết. Tuy chưa già nhưng ký giả Du Miên sợ mình “rớt bất thình lình” nên nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Thư Viện, ông độc diễn, nói lên tất cả những gì ông để bụng từ lâu chưa có cơ hội nói, và nhờ thế nhiều người mới biết tường tận về lai lịch danh xưng Little Saigon, về những nhân vật có công gây dựng nên cái thủ đô tinh thần của người Việt tại hải ngoại, về những món ăn tinh thần là sách, báo là radio, truyền thanh, truyền hình đầu tiên của người Việt tại Nam California, và nhất là tại sao cần có và cần duy trì Thư Viện Việt Nam tại đây.

Đầu tiên nhà báo Du Miên có lời cám ơn quý vị đang hiện diện và cám ơn cả những vị không thể hiện diện nhưng lòng muốn đến vì lực bất tòng tâm. Ông nói, “Nếu không có những tấm lòng này và những tấm lòng đó, Thư Viện của chúng ta sẽ không thể tồn tại đến ngày hôm nay bước vào tuổi 20.” Hai mươi của một chàng thanh niên tươi trẻ đầy nhiệt huyết!

Sau đó, ông kể về sự hình thành Thư Viện VN, thoạt tiên có năm người là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người lớn tuổi nhất trong năm người, mới làm mấy tháng bỏ đi, bây giờ ông đang ca, đang múa khúc Nghê Thường ở trên mặt trăng. Người thứ nhì là nhà văn Nguyễn Đức Lập cũng đi theo anh Trầm Tử Thiêng. Người kế là bác sĩ Võ Trọng Di, có chuyện gia đình nên không đến được “nhưng đã gửi chiếc bánh đang để trước mặt quý vị.” Người kế nữa là nhà văn Trần Lam Giang, vì lý do sức khỏe cũng không đến được. Nên chỉ duy nhất còn lại mình ên ông. Ký giả Du Miên cho biết tình trạng sức khỏe của ông cũng không mấy khả quan, sau khi bỏ gậy chống, giờ này chập chững đi như robot.

Sau đó, ông trình bày sự cần thiết phải có Thư Viện. Nhiều người hỏi ông, thời buổi Internet này cần gì phải có Thư Viện? Nên hôm nay ông đem đến triển lãm một phần nhỏ những sách báo mà Thư Viện có; đó là những sách báo đầu tiên của những người có tâm huyết gầy dựng nên cái Cộng Đồng ngày hôm nay, và hôm nay ông cũng mời một số nhân vật có liên quan đến việc hình thành Little Saigon đến đây để chúng ta thấy sự liên quan đó như thế nào và để những người muốn viết về lịch sử hình thành Little Saigon có những dữ liệu chính xác nhất. 

Cùng cắt chiếc bánh kỷ niệm 20 năm thành lập Thư Viện VN. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Về sách báo, ông đem đến tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại San Diego vào dịp Lễ Tạ Ơn năm 1975 và tờ báo tiếng Việt đầu tiên tại Orange County do ký giả Đông Duy là cháu ruột của một vị anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng đó là tờ Tin Văn; thứ ba là cuốn Niên Giám đầu tiên của người Việt tại Nam Cali do giáo sư Trần Văn Điền, chồng của nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan, ông có nhu cầu làm cuốn Niên Giám để giới thiệu sơ khởi về việc làm của vợ mình, và trong cuốn niên giám, ông cũng vẽ bản đồ để hình thành Little Saigon

Ông khẳng định, “Chúng ta lập Thư Viện để lưu giữ lại những gì mà kẻ thù văn hóa, kẻ thù thực dân, kẻ thù Tàu, kẻ thù Việt cộng muốn tiêu diệt, chúng ta giữ được phần nào hay phần nấy.” Ông cám ơn cháu nội cụ Cường Để là Thiếu Tá Liên Thành, người đã tặng Thư Viện cuốn sách quý của cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để mà cho đến giờ phút này, người Việt Nam vẫn cúi đầu bái phục sự hy sinh, suốt đời bôn ba nơi hải ngoại cùng cụ Phan Bội Châu để đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam.

Ký giả Du Miên cũng nhấn mạnh, “Khi Cộng Sản cai trị miền Bắc và chiếm được miền Nam, chúng tưởng chúng đã tiêu hủy được tất cả sách báo, văn hóa phẩm của chúng ta nhưng rất may mắn, chúng ta vẫn còn có những người có tấm lòng, bằng mọi giá phải lưu giữ những tinh hoa của nền văn hóa nhân bản, nên Thư Viện chúng ta mới có để lưu giữ cho các thế hệ mai sau; do đó, Thư Viện này không là của riêng ai mà là của chúng ta.”

ông đảo thân hữu, đồng hương tham dự ngồi chật kín hội trường Thư Viện VN. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Ông cũng khoe Thư Viện được hình thành cũng có công của một số hậu duệ VN Quốc Dân Đảng, và hầu hết anh em thành lập Thư Viện đều là con cháu của những phong trào của cụ Phan Bội Châu, của Đảng Trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học, và hôm nay có người con của vị tiền bối VNQDĐ là bác sĩ Nguyễn Xuân Tùng, đến từ Hawaii, bác sĩ Bùi Xuân Dương cũng là một ân nhân của Thư Viện VN. Ký giả Du Miên đặc biệt đề cập đến người có công tiên khởi trong việc vận động hình thành Little Saigon là Mục Sư Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Đức, ông là người đã dựng lên Saint Anselm để giúp đỡ cho người Việt mình.

Mục Sư Nguyễn Xuân Đức đã từng bị bọn đầu gấu kỳ thị ở đây đòi giết ông và ông đã cung cấp tài liệu cho ông Du Miên. Khi Mục sư Đức về VN tổ chức Đại Hội Tin Lành Toàn Quốc cho khoảng 5 ngàn tín hữu và ông đã qua đời trong dịp này. Trước khi qua đời ông đã cho một số người biết ông đã cùng một số người phôi thai vận động cho Little Saigon như thế nào. Ngày hôm nay, ông mời Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN Tại Hoa Kỳ) là anh ruột của MSTS Nguyễn Xuân Đức tới tham dự , và người thứ hai ông mời đến là ông Phùng Minh Tiến, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Phát Triển Little Saigon. Sau khi Little Saigon có danh xưng rồi, ông đã tranh đấu với thành phố, với tiểu bang để danh xưng đó được chính thức công nhận là thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn.

Ông Du Miên cũng cho hay, một số người Tàu ở đây cố tình đánh phá việc thành lập Little Saigon, họ có tiền, có quyền, ngay cả việc thuê một bà cựu Thị Trưởng làm Thư Ký cho họ, họ muốn cái Little Saigon này phải trở thành China town, Asia town. “Cho nên khi viết về việc thành lập Little Saigon, chúng ta nên thận trọng; chúng ta giữ được bản sắc, giữ được văn hóa, chúng ta còn tồn tại, lịch sử đã chứng minh điều đó, một nghìn năm giặc Tàu đô hộ, gần 100 năm giặc Pháp xâm chiếm nhưng tổ tiên mình đã khéo léo không để bị đồng hóa, vẫn giữ được văn hóa dân tộc thì ngày hôm nay chúng ta vẫn tin rằng tổ quốc VN của chúng ta không thể mất vào tay giặc Tàu.” Ông nêu tờ Hồn Việt là tờ báo đầu tiên viết về linh mục Vũ Tuấn Tú làm thánh lễ đầu tiên ở đây như thế nào và cộng đồng San Diego làm cái Tết VN đầu tiên như thế nào? Nhạc sĩ Lam Phương viết về Little Saigon đăng ở đâu? Đăng trên tờ báo đó, những dấu tích đó là lịch sử của người Việt tỵ nạn chúng ta cần phải được lưu giữ cho các thế hệ mai sau.

Phần cuối bài nói chuyện, Ký giả Du Miên trăn trối trước, “Nếu rủi ro mà bác sĩ hỏi gia đình tôi có muốn rút dây” không? Thì quý vị đừng có lo. Đã có ba nhân vật mà người thứ nhất là anh Bùi Thế Phát, thứ nhì là kỹ sư Hoàng Quốc Phong, người thứ ba là kỹ sư Nguyễn Đăng Khoa dạy lớp Khí Công ở đây. Ba người tương đối trẻ hơn ông sẵn sàng gánh vác trách nhiệm giữ gìn Thư Viện Việt Nam của chúng ta, và còn bao nhiêu người trẻ khác nối tiếp công việc của chúng ta.”

Ký giả Du Miên dịp này cũng nhắc đến công lao tuy âm thầm nhưng vô cùng to lớn của ông Đốc Sự Bùi Đắc Danh, hai mươi năm qua, hàng ngày ông đã đến mở cửa Thư Viện, tiếp đón đồng hương đến đọc sách, báo, tra cứu tài liệu, nếu không có ông, không biết Thư Viện VN có còn như hôm nay hay không! Ông cũng không quên nêu danh và cám ơn một số mạnh thường quân đã đóng góp tài chánh gíup Thư Viện trang trải tiền thuê cơ sở này hàng tháng.

Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng nói mấy lời rất ngắn gọn, cám ơn ký giả Du Miên và những vị thành lập Thư Viện, mong rằng mỗi người chúng ta tiếp tay duy trì Thư Viện này tồn tại mãi mãi. Sau đó, mọi người cùng tham gia cắt chiếc bánh và dự tiệc mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Thư Viện Việt Nam.

Quý đồng hương khắp nơi muốn giúp đỡ Thư Viện tồn tại xin vui lòng liên lạc (714) 398-3033, hay đến trực tiếp Thư Viện tại địa chỉ 10872 Westminster Ave, Suite 214-215 Garden Grove, CA 92843 (góc ngã tư Westminster – Euclid St). 








No comments:

Post a Comment