Saturday, August 25, 2018

TRUNG QUỐC : CHIẾN THUẬT BẠCH TUỘC & MỤC TIÊU SIÊU CƯỜNG NĂM 2049 (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 24-08-2018

Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ sức mạnh của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, cũng như là quân sự. Theo phân tích của chuyên gia Tanguy Struye de Swielande, giáo sư Đại học Công giáo Louvain trên tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại) số ra cho tháng 6-7/2018, cùng với ba chiến thuật « Tianxia, Salami và Push and Pull » trong chiến lược con bạch tuộc, Bắc Kinh đang dồn nhiều cường quốc đối thủ vào thế bị động, gây lo ngại cho các nước láng giềng, đồng thời nhắm đến mục tiêu trở thành siêu cường thế giới năm 2049. Ban Tiếng Việt đài Phát thanh Quốc tế Pháp lược dịch.

Ngày 31/12/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân bài diễn văn cuối năm, tuyên bố « Trung Quốc muốn hành động với tư cách như là người kiến tạo hòa bình thế giới, góp phần phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự thế giới. Việc xây dựng một cộng đồng có một tương lai chung vì nhân loại, một khái niệm quan trọng cho thời kỳ ngoại giao mới của Trung Quốc, tất phải dựa trên nền tảng hợp tác theo mô hình đôi bên cùng có lợi và biến đổi hành tinh Trái Đất thành một gia đình thuận thảo ».

Thế nhưng, theo quan sát của ông Tanguy Struye de Swielande, đằng sau những lời lẽ bóng bẩy đó, là cả một chiến lược lớn đã được Trung Quốc kỹ lưỡng thiết lập. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh hiểu rõ sức mạnh của ngôn từ và với tài « biến hóa », Trung Quốc đã làm cho phương Tây mất phương hướng.

Bắc Kinh lần lượt đẩy phương Tây cũng như nhiều nước khác vào tình thế như trong một ván cờ vây, mà thoạt nhìn thì những quân cờ được triển khai một cách rời rạc, nhưng thật ra không có gì là ngẫu nhiên cả. Trái lại, mọi việc được thực hiện theo một phương châm tạo dựng « lợi thế tiềm ẩn ».

Đây chính là điểm khác biệt lớn trong cách lập chiến lược giữa phương Tây và Trung Quốc. Phương Tây nhất nhất theo một khuôn mẫu định sẵn, đặt sự việc trong mối quan hệ lý thuyết – thực hành, nên khó mà đi trệch ra ngoài.

Ngược lại, Trung Quốc có cách tiếp cận linh hoạt, vạch ra những đường hướng/lô-gic chính khi hoạch định chiến lược. Không như phương Tây, Trung Quốc không muốn nhìn sự việc theo hai mặt đối lập tốt/xấu, dân chủ/độc tài, vì thế nước này có rộng đường hành động, tránh cưỡng ép hay áp đặt và như vậy có thể truy tầm, lựa chọn « lợi thế tiềm ẩn ».

Hơn nữa, giữa phương Tây và Trung Quốc có một sự khác biệt lớn về văn hóa và triết lý. Do đó, nếu phương Tây tìm hiểu chiến lược Trung Quốc một cách khiên cưỡng qua cách nhìn của mình thì chỉ sẽ không nhìn thấy gì hoặc diễn giải lệch lạc.

Việc lời nói không đi đôi với hành động của Trung Quốc cũng giống như bao cường quốc khác mong muốn có được vị thế nước lớn hay siêu cường. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Bỉ, điểm khác biệt đáng chú ý là cho đến hiện nay Bắc Kinh đã tỏ ra khôn khéo hơn nhiều cường quốc trong cùng một vị thế. Chính các điểm đó thôi cũng đủ thấy Trung Quốc càng trở nên nguy hiểm dường nào so với các cường quốc khác.

Ba chiến thuật
Điều này giải thích phần nào thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Tanguy Struye de Swielande nhắc lại mục tiêu « 2049 » - tức đạt vị thế cường quốc hàng đầu – là ưu tiên đối với Trung Quốc. Nhưng phương thức để đạt mục tiêu này đang chia rẽ nội bộ Trung Quốc theo hai luồng ý kiến.

Một bên muốn tiếp tục ẩn mình, cho rằng thời cơ hành động với tư cách là một đại cường và/hoặc lãnh đạo thế giới là chưa tới. Bên kia muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc đang trở lại thành cường quốc, và muốn được công nhận có một vị thế cường quốc, cũng như là xóa tan một thế kỷ nhục nhã (1839 – 1949). Tuy nhiên, Trung Quốc của Tập Cận Bình dường như đi theo hướng trung dung.

Đối với các nước lân bang, trong đó có vùng Biển Đông, quan điểm của Trung Quốc ngày càng rõ nét, cho rằng khu vực này phải được hội nhập vào các lợi ích trọng tâm của nước này. Các chính sách thực hiện từ sáu năm qua đã xác nhận chính sách này, và Bắc Kinh gần như đã truy tầm thành công « lợi thế tiềm ẩn », tận dụng được việc thiếu các phản ứng nghiêm túc từ phía các cường quốc khu vực đối với chính sách xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Vượt lên trên các lợi ích trọng tâm này, bất kể là ở cấp độ khu vực hay toàn cầu, chính sách của Trung Quốc chủ yếu vẫn tự cho mình như là một giải pháp thay thế cho trật tự tự do phương Tây, mà Trung Quốc đánh giá là đang suy tàn. Ở đây, một lần nữa, Trung Quốc sẽ tận dụng « thời thế » để đẩy các quân cờ của mình, hơn là khẳng định vai trò và vị thế cường quốc của mình.

Vẫn theo chuyên gia Swielande, dù rằng các mục tiêu khu vực (bao gồm thành lập một Tianxia 2.01, tức là "châu Á cho người châu Á") và mục tiêu toàn cầu (các con đường tơ lụa mới) đều rất rõ ràng, Trung Quốc không có ý định thúc ép mọi việc, chấp nhận đầu tư và chờ đợi lâu dài để có được các thời cơ thuận lợi.

« Trung Quốc có một mối liên hệ với thời gian khác xa với phương Tây. Không những nước này có khả năng nhìn xa trong dài hạn (2049) mà còn có thể đầu tư về lâu dài : "Thời điểm hiện tại" được xem như là một sự "đầu tư". Như giải thích của ông François Julien, đó là sự thu hồi vốn đầu tư dài hạn thông qua bước khởi đầu của một tiến trình.

Phương Tây có xu hướng đi theo chiều ngược lại, thích sự thu hồi vốn nhanh (ví dụ như phần đông các chính sách kinh tế và môi trường được tiến hành dưới thời chính quyền Donald Trump được cho là đi theo xu hướng này) ».

Trung Quốc : Con bạch tuộc khôn ngoan
Trước sự linh hoạt, khôn khéo trong cách thực hiện các chính sách của Trung Quốc, ông Tanguy Struye de Swielande đã không ngần ngại ví chiến lược lớn của Trung Quốc với hình ảnh con bạch tuộc. Một loài sinh vật biển được cho là thông minh, giảo quyệt và khôn khéo.

« Vì không có khung xương, nên bạch tuộc dễ dàng thay hình đổi dạng, sự linh hoạt này chính là nét đặc trưng của các chính sách do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông chẳng hạn, nơi mà nước này áp dụng chính sách vừa trừng phạt vừa ban thưởng. Một kiểu chiến thuật được gọi là "salami2" và "push and pull3".

Bạch tuộc còn được biết đến có tài trá hình, cho phép nó không bị nhận dạng ; điều đó nhắc chúng ta nhớ đến chính sách do Trung Quốc thi hành trên trường quốc tế thông qua sức mạnh ngôn từ, cho phép nhấn mạnh đến sự "hài hòa, chuẩn mực, ý định không muốn xem xét lại vấn đề trật tự thế giớiʺ.
Với hình ảnh con bạch tuộc, Trung Quốc còn được biết đến khả năng bắt chước bằng cách tự thích nghi. Điều đó được thực hiện bằng cách sao chép trên các phương diện, chẳng hạn như quốc phòng (chiến đấu cơ, tầu chiến, thiết bị bay không người lái…), kinh tế (tầu siêu tốc, xe ô tô…), ngay cả đến các định chế (Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Á châu - AIIB). Những sao chép này đôi khi thành công đến mức trở thành đối thủ cạnh tranh với bản gốc.

Mặt khác, giống như con bạch tuộc, Trung Quốc cũng cách tân và sáng tạo. Cùng với những chiếc vòi giác mút mạnh, bạch tuộc có thể bắt lấy mồi trước khi phun nọc độc thần kinh vào chúng. Đó chẳng phải là những gì Trung Quốc đang làm với chính sách chiếc bẫy nợ, nghĩa là cấp các khoản tín dụng cho nhiều quốc gia, để rồi sau đó những nước này không có khả năng hoàn trả ? Thế là họ buộc phải nhượng quyền sở hữu nhiều tài sản chiến lược (mỏ khai thác, cảng biển…). Tóm lại, hình ảnh con bạch tuộc này cho phép minh họa một cách rõ nét và đơn giản một vài điều phức tạp. »

---------------------------------

Chú thích :

(1) – « Tianxia 2.0 »: Với chiến thuật « Thiên hạ 2.0 » này, Trung Quốc muốn đặt vùng Đông Nam Á trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh qua việc làm cho khu vực này, cũng như nhiều vùng khác phải lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi sử dụng chiêu bài « bản sắc châu Á ».

(2) – « Chiến thuật Salami » : Tiến từng bước thật nhỏ sao cho không đối phương không có phản ứng vì cho rằng chẳng có tác hại. Nhưng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng mà vẫn tránh bị phản đòn. Một khi mục tiêu đạt được, đối phương không kịp phản ứng vì quá trễ, mà ví dụ điển hình là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

(3) – « Push and Pull » : Cách thức mà Trung Quốc sử dụng cho chiến thuật thay thế. Một hình thức phạt và thưởng, cưỡng ép và chiêu dụ. Chẳng hạn như tại Biển Đông, Trung Quốc cố tình xây dựng các đảo nhân tạo, nhưng khi bị phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh đề nghị thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử mới nhằm hạ nhiệt tình hình. Một khi sự việc đã được kiểm soát, Trung Quốc « push » trở lại.







No comments:

Post a Comment