Friday, August 24, 2018

HOA KỲ TỐ CÁO TRUNG QUỐC TẠO "BẤT ỔN ĐỊNH" TRONG QUAN HỆ VỚI ĐÀI LOAN (RFI)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 24-08-2018

Hoa Kỳ ngày 23/08/2018, tố cáo Trung Quốc gây nên tình trạng « bất ổn định » trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Lời tố cáo đưa ra sau khi El Salvador thông báo hồi đầu tuần quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan và lập bang giao với Trung Quốc.

Trong một thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh là « Hoa Kỳ tiếp tục chống lại việc Trung Quốc gây bất ổn định cho quan hệ Đài Loan-Trung Quốc và việc Trung Quốc can thiệp chính trị vào một quốc gia ở phương Tây ».

Nhà Trắng cũng cảnh cáo cả El Salvador, cho là quyết định của El Salvador là một mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ, vì nó không chỉ tác động đến El Salvador, mà còn tác động đến tình hình kinh tế của cả khu vực châu Mỹ. Hoa Kỳ sẽ xem xét lại quan hệ với El Salvador.

Thông cáo lên án Trung Quốc sử dụng trợ giúp kinh tế để tìm thế thống trị và cho rằng « các nước muốn thiết lập hay mở rộng quan hệ với Trung Quốc để thu hút đầu tư trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, về lâu về dài sẽ bị thất vọng ».

Cũng trong ngày hôm qua, người mặc nhiên là đại sứ Mỹ ở Đài Loan, ông Christensen cũng nêu lên mối quan ngại của Hoa Kỳ và việc Washington sẽ xem xét lại quan hệ với El Salvador.

Mỹ đã cực lực đả kích quyết định của El Salvador vì cho rằng chính quyền đương nhiệm đã âm thầm tiến hành việc theo Trung Quốc bỏ Đài Loan chỉ vài tháng trước khi rời bỏ quyền hành.

--------------------------------

Đăng ngày 24-08-2018

Trong bối cảnh tình hình thế giới trong 24 giờ qua không có gì thật nổi bật, các nhật báo Pháp ra ngày 24/08/2018 chủ yếu dành trang nhất cho thời sự Pháp, chỉ riêng tờ báo Công Giáo là làm khác, nói về Tây Ban Nha, « cửa ngõ mới cho người di dân nhập cư vào châu Âu ». Về châu Á, lý thú nhất có lẽ là bài phân tích trên báo Le Monde về thủ đoạn cô lập Đài Loan của Trung Quốc được cho là đáng ngại đối với toàn thế giới.

Dưới tựa đề « Tại sao việc Đài Loan mất các đồng minh ngoại giao lại đáng quan ngại đối với chúng ta », Le Monde đăng bài viết của nhà nghiên cứu Pháp về Trung Hoa, Jean-Yves Heurtebise, phân tích sự kiện quốc gia châu Mỹ La Tinh El Savador vừa loan báo bỏ bang giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc, giảm số nước có bang giao với chính quyền Đài Bắc xuống còn vỏn vẹn 17 quốc gia. Đối với chuyên gia Heurtebise, sự « bỏ rơi » mới này phản ánh một « chiến thắng tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản nhà nước trên luật pháp quốc tế ».

Đài Loan từng là một đất nước và không thuộc về Trung Hoa « từ thời cổ đại »
Nhà phân tích trước hết đã đả kích luận điệu mà Bắc Kinh đưa ra cho đến nay theo đó Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, một thực tế tồn tại « từ thời cổ đại » như lời đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc vào những năm 2000.

Ông cũng phản bác lập luận của Trung Quốc theo đó « Đài Loan chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là một đất nước », như tuyên bố mới đây của người phụ trách chính sách đối với Đài Loan của Trung Quốc. Vấn đề, theo ông Heurtebise, cả lịch sử lẫn những sự kiện thực tế đều phản bác các luận điểm của Trung Quốc.

Trước hết, vào thời kỳ đầu, cư dân Đài Loan không phải là người Hán mà là người Austronesian, đã đến cư ngụ trên đảo từ hàng nghìn năm trước đây.

Sau đó, các chính quyền đầu tiên cai trị thực thụ Đài Loan là các chính quyền phương Tây, cụ thể là Tây Ban Nha và Hà Lan trong giai đoạn 1624-1662. Phải chờ đến 1683 thì Đài Loan mới bị đế chế nhà Thanh, tức là triều đại Mãn Châu, sát nhập vào tỉnh Phúc Kiến, trước khi được coi là một tỉnh thực thụ vào năm 1885. Quyền thống trị của nhà Thanh kết thúc vào năm 1895 với chế độ thực dân Nhật Bản được thiết lập, kéo dài cho đến năm 1945.
Sau đó, với sự xuất hiện của chính quyền Tưởng Giới Thạch, quần đảo Đài Loan tách ra khỏi lục địa, và từ ngày thiết lập nền dân chủ vào những năm 1990, Đài Loan hoàn toàn khác biệt với Trung Quốc về mặt chính trị.

Đài Loan có đủ tiêu chí của một quốc gia độc lập theo luật quốc tế
Điều đáng nói, theo chuyên gia Heurtebise, là không những được độc lập trên thực tế, Đài Loan còn có thể được công nhận là độc lập về mặt luật quốc tế vì đáp ứng đủ bốn điều kiện của Công Ước Montevideo năm 1933 để được công nhận : Luôn luôn có người ở ; có quyền kiểm soát trên một vùng lãnh thổ được xác định ; có một chính phủ ; và có thể thiết lập quan hệ với các nước khác.

Dĩ nhiên là từ năm 1971, Trung Quốc đã thay thế Đài Loan trong vai trò đại diện thực thể « Trung Hoa » ở Liên Hiệp Quốc, nhưng Nghị Quyết 2.758 về việc này không hề xác định đường ranh giới địa lý cụ thể của thực thể đó.

Riêng về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập Đài Loan mà mới đây nhất là lôi kéo được El Salvador, nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận hai mục tiêu : Một là giảm thiểu các tiếng nói phản đối trên trường quốc tế trong trường hợp Bắc Kinh và Đài Bắc trực tiếp đối đầu quân sự, và hai là tác động đến tiến trình dân chủ ở Đài Loan.

Thủ đoạn dùng tiền đảo ngược liên minh rất đáng quan ngại
Đối với ông Heurtebise, tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến mưu đồ của Trung Quốc đối với Đài Loan ? Trước hết, đó là vì thủ đoạn của Trung Quốc dùng tiền để đảo ngược liên minh đụng chạm đến bản thân định nghĩa thế nào là một nhà nước theo luật quốc tế.

Cho dù đó là Cộng Hòa Dominicana vào tháng Tư 2018, Burkina Faso vào tháng Năm hay El Salvador vào tháng Tám, lãnh đạo các nước đó đều cho rằng các thay đổi « lịch sử và thực tế kinh tế xã hội » đã buộc họ bỏ Đài theo Trung.

Nói cách khác, lợi ích kinh tế đã chi phối ngoại giao, điều đã được một nhà báo Haiti nói thẳng thừng khi giải thích việc nước này theo Trung Quốc : « Đài Loan chỉ đề nghị cho Haiti vay 150 triệu đô la để điện khí hóa đất nước. Đề nghị của Đài Loan có vẻ chẳng là gì so với 4,7 tỷ đô la mà Trung Quốc đã cung cấp cho Haiti ».

Vấn đề là giúp đỡ kinh tế của Bắc Kinh sẽ cho Trung Quốc thêm một lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc khi bàn về quy chế nhà nước của một vùng lãnh thổ !

Nguy cơ Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương
Theo chuyên gia Pháp, một yếu tố đáng quan tâm khác liên quan đến vấn đề địa lý chiến lược. Lấy ví dụ là vùng Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang chiêu dụ các đảo quốc, và có một tin đồn dai dẳng về ý đồ của Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự tại Vanuatu.

Giả dụ rằng Bắc Kinh nắm được các quốc gia nhỏ còn công nhận Đài Loan như Kiribati, Nauru, Quần Đảo Solomon, Tuvalu, Đảo Marshall và Palau, và đặt ở 6 nước đó 6 căn cứ quân sự. Trong tình hình đó, rõ ràng là New Zealand và Úc sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc, trong lúc việc Pháp đảm bảo an ninh chiến lược cho vùng quần đảo thuộc Pháp ở Thái Bình Dương kể như tiêu tan...

*
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trở thành kẻ nhận vơ
Trở lại trang nhất các báo, Libération đã bám sát thời sự Pháp, và đưa lên trang nhất vụ thảm sát hôm qua tại Trappes, vùng ngoại ô Paris, mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech đã ra thông cáo tự nhận là thủ phạm. Nhật báo Pháp đã tỏ ý rất hoài nghi trong hàng tựa, tự hỏi rằng phải chăng Daech đã nhận vơ là tác giả một vụ án bình thường ?
Trong bài viết trang trong, Libération đã nhắc lại lời khẳng định của chính quyền Pháp, cho rằng kẻ sát nhân chỉ là một người bị tâm thần, và cuộc điều tra chỉ được giao cho cảnh sát hình sự, chứ không phải là cơ quan chống khủng bố.
Đối với Liberation, đây không phải là lần đầu tiên mà tổ chức khủng bố nhân vơ là tác giả một số vụ án mang hay sự cố thông thường. Chuyên gia nghiên cứu Romain Caillet, tác giả của trang blog về ý thức hệ thánh chiến Jihadologie của báo Liberation nêu ví dụ : Vào tháng 6 năm 2017, Daech đã nhận là tác giả vụ nổ súng tại một sòng bạc ở Manila, Philippines, với một tay súng đã hạ sát 37 người. Cuộc điều tra cho thấy rằng đó là một kẻ nghiện cờ bạc và bị cấm vào sòng bạc. Cuộc điều tra không tìm ra bất kỳ manh mối nào về quan hệ của thủ phạm với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Một vài tháng sau, cũng vậy, Daech cũng nhận vơ vụ thảm sát tại Las Vegas, khi kẻ sát nhân nã súng vào đám đông từ một khách sạn làm 58 người chết. Thông qua cơ quan tuyên truyền của họ là Amaq, Daech khẳng định rằng thủ phạm đã cải đạo đi theo đạo Hồi, thậm chí còn có một bí danh khi hoạt động. Thế nhưng FBI đã không tìm thấy mối quan hệ nào giữa vụ xả súng và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo chuyên gia chống khủng bố Jean-Charles Brisard, thuộc Trung Tâm Phân Tích Khủng Bố, « trước năm 2017, cơ quan Amaq của Daech có thể nói sai về số người chết, tên tuổi tác giả và cách thức hành động, nhưng thường cải chính sau đó. Kể từ năm 2017, các tuyên bố nhận vơ ngày càng phổ biển hơn. »

*
Tây Ban Nha thay Ý và Hy Lạp làm cửa ngõ di dân vào châu Âu
Duy nhất tờ báo Công Giáo La Croix là nhìn sang nước láng giềng Tây Ban Nha, giải thích lý do vì sao quốc gia Nam Âu này đang trở thành « Tuyến đường mới của các di dân nhập cư muốn vào châu Âu ».
Với 32.000 người đến đây từ đầu năm nay, Tây Ban Nha vươn lên làm cửa ngõ chính của dòng di dân nhập cư vào Châu Âu qua ngã Địa Trung Hải. Từ khoảng 15 ngày nay, Maroc đã cho di tản hàng ngàn người di dân từ miền bắc nước họ xuống miền nam để cho thấy thiện chí và tinh thần hợp tác tốt trên việc kiểm soát biên giới.
Trong vòng 4 năm qua hướng tiến vào châu Âu qua Địa Trung Hải đã đảo ngược. Tập trung trên biển Égée (Hy Lạp) trước khi thỏa thuận Châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, người vượt biển sang Ý đã ngày nhiều hơn, trước khi trở nên đông đảo hơn ở Tây Ban Nha, khi mà dòng người nhập cư khác cạn dần.
Trích số liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, La Croix cho biết là năm 2015, tuyến vào châu Âu chủ yếu qua ngã Hy Lạp có đến 856.723 người, còn ngã Tây Ban Nha chỉ vỏn vẹn 5.283 người. Qua hai năm sau, Ý thay chỗ Hy Lạp làm cửa ngõ hàng đầu, nhưng chỉ còn 183.436 người đến năm 2016, và 119.369 người năm 2017. Lượng người sử dụng tuyến Tây Ban Nha vẫn thấp nhưng tăng dần : 8.162 năm 2016, 22.103 người năm.
Thế nhưng, vào năm 2018 này, Tây Ban Nha đã soán ngôi Ý. Tính đến ngày 22/08, đã có 32 472 người đến theo ngã Tây Ban Nha, 19.303 theo ngã Ý và 18 131 theo đường Hy Lạp.

*
Các chính đảng chính trị Pháp đi tìm ý tưởng mới cho năm mới
Nhân các hội thảo hè, trong lúc sắp diễn ra bầu cử Châu Âu, các đảng chính trị tại Pháp đang cố thay đổi lời lẽ ngày càng sáo mòn đi. Bị hỏng chân khi Macron làm đảo lộn sân khấu chính trị, các lãnh đạo chính trị đối lập cố tìm nguồn cảm hứng nơi một số trí thức hay các nước láng giềng.
Hố sâu chia cắt giới trí thức toàn cầu hóa và giới bình dân đã trở thành đề tài của đảng cánh hữu LR. Còn đảng RN – Tập Hợp Quốc Gia – xuất thân từ Mặt Trận Quốc Gia cực hữu thì cho là cần phải theo trào lưu (dân tộc chủ nghĩa) đầy chấn động đang xuyên qua Châu Âu, đảng Xã Hội thì đi tìm ý kiến các chuyên gia trẻ.
Đối với đảng Cộng Hòa Tiến Bước LRM đang cầm quyền, họ đang suy nghĩ về một đường hướng chính trị cho phép định nghĩa rõ hơn sự « tiến bộ » của ông Macron.

*
Chính sách mới thu thuế tận gốc gây lo âu
Trang nhất Le Figaro chú ý đến quyết định mới của chính quyền Pháp là thu thuế tận gốc, tức là trích thẳng từ lương của người đóng thuế. Phương thức thu thế mới trên phiếu lương sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng 2019, còn 4 tháng nữa nhưng người ta vẫn không yên tâm.
Thay đổi này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi đối với vấn đề đóng thuế, và chính phủ đã phải mở chiến dịch thông tin rộng lớn. Bên cạnh đó cũng xuất hiện những vấn đề ‘kỹ thuật’ mà bộ Tài Chính cố giải quyết dần dần nhưng không đạt hết kết quả. Vẫn còn những điểm mơ hồ như liên quan đến thuế phải chịu cho người giúp việc tại nhà chẳn hạn.
Riêng các lãnh đạo xí nghiệp nhỏ thì vẫn chống đối phương thức mới này.






No comments:

Post a Comment