Thursday, August 30, 2018

CHÚNG TA ĐANG CẦN GÌ NHẤT? (Nguyễn Gia Kiểng)




30/08/18

Bài học lớn nhất mà đáng lẽ chúng ta phải rút ra nhưng vẫn chưa rút ra từ giai đoạn lịch sử bi đát gần đây là phải bỏ hẳn tâm lý coi hành động, hiểu theo nghĩa hành động cụ thể, là tất cả. Lời nói là hành động và là hành động quan trọng nhất ngay cả trong đấu tranh cách mạng bạo động. Ngày nay, khi vấn đề đấu tranh bằng bạo lực không còn đặt ra nữa, lời nói gần như là vũ khi duy nhất.

Những ai quan tâm theo dõi tình hình đất nước trong lúc này đều phải đồng ý trên một điểm. Đó là hầu như tất cả các tổ chức đối lập dân chủ trong nước, tổ chức chính trị cũng như tổ chức xã hội dân sự, đều bị tê liệt, thậm chí tan rã trên thực tế. Một giải thích thường gặp là không thể làm gì trong không khí đàn áp ngột ngạt này. Giải thích dễ dàng này có thể không đúng.

Không ai phủ nhận là Đảng cộng sản đang rất hung bạo. Bày tỏ lập trường và thái độ có thể khiến người ta bị xử 15 hay 20 năm tù. Các phụ nữ trẻ có con thơ có thể bị mười năm tù vì tố giác tham nhũng và cướp bóc trên mạng xã hội. Một lực lượng chiếm đóng nước ngoài cũng không thể dã man hơn. Tuy vậy đó không thể là lý do khiến đối lập dân chủ bị tê liệt. Tại sao ?

Trong bất cứ địa hạt nào hành động cũng chủ yếu là truyền thông, là bằng lời như Jürgen Habermas đã nhận định từ gần 40 năm nay và chưa hề bị một nhà nghiên cứu nào phản bác. Đặc biệt là trong chính trị thì hành động gần như đồng nghĩa với truyền thông. Điều này càng đúng trong lúc này cho đối lập dân chủ Việt Nam. Chúng ta đang ở trong giai đoạn xây dựng lực lượng dân chủ trong đó hành động chủ yếu là thuyết phục và kết hợp. Nếu hiểu như vậy thì chừng nào chúng ta vẫn còn phương tiện tương đối an toàn để trao đổi và phổ biến các ý kiến trên mạng xã hội thì khả năng hành động của chúng ta vẫn còn. Các tổ chức rã rượi vì mất sức thu hút hơn là vì bị đàn áp. Vấn đề của phong trào dân chủ như vậy là cần nâng cao phẩm chất của cuộc thảo luận chính trị để xây dựng lực lượng và có sức thuyết phục. Phải nói rằng cho đến nay dù đã có một vài tiến bộ cuộc thảo luận chính trị của chúng ta vẫn chưa đạt trình độ cần có. Có hàng chục ngàn dư luận viên được trả lương chỉ để phá đám và làm xuống cấp cuộc thảo luận về tương lai đất nước nhưng cũng có những nhốn nháo do chính những người tự nhận là dân chủ gây ra.

Một đạo lý thảo luận

Điều mà chúng ta cần là một đạo lý thảo luận. Đạo lý đó như thế nào là một đề tài để chúng ta cùng góp ý. Theo tôi nó phải có những điểm sau đây :

1. Hoàn toàn cởi mở, không có những ý kiến cấm nêu ra và cũng không thể có những đề tài cấm bàn đến.

2. Tuyệt đối bình đẳng. Không thể có vấn đề trọng lượng của người nói, một ý kiến đúng hay sai là tự nó đúng hay sai chứ không tùy thuộc người nói. Một tên lưu manh mà nói 2 cộng 2 là 4 cũng là đúng, một giáo hoàng mà nói những người đồng tính là những người bệnh hoạn cần được điều trị cũng vẫn sai.

3. Tuyệt đối lương thiện. Chỉ nói những điều mình thực sự nghĩ sau khi đã cố gắng học hỏi và tìm hiểu, trong thiện chí sẵn sàng thay đổi ý kiến, chứ không phải nói theo cảm tính, nói theo phe phái, hay nói hồ đồ. Thí dụ nếu có những người nói rằng tự do và dân chủ không cần thiết cho đất nước thì chúng ta không nên mất thì giờ thảo luận với họ. Họ là những dư luận viên, họ chỉ phá đám chứ không thảo luận, họ chỉ nói những điều đã được trả công để nói. Nếu có những người không biết gì về một đề tài đang thảo luận mà vẫn cứ khẳng định một cách chắc nịch thì họ cũng cần được cảnh giác một cách thẳng thắn, sự vô lễ đối với kiến thức là điều không thể chấp nhận trong một cuộc thảo luận. Thái độ thiếu lương thiện thường gặp là bóp méo các sự kiện để biện hộ cho một lập trường mà mình đã sẵn có từ trước.

4. Mục đích duy nhất của thảo luận là tìm đến cái đúng. Cái đúng có thể là một giải pháp đúng cho một vấn đề được đặt ra hay là một suy nghĩ đúng trên một chủ đề, một khái niệm hay một giá trị, cũng có thể chỉ giản dị là sự hiểu biết đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về một sự kiện. Phải nhận diện và cô lập những người chỉ coi truyền thông như một phương tiện để tự đánh bóng mình hay bôi nhọ người khác.

5. Ngôn ngữ và thái độ thảo luận phải tương kính. Chúng ta có thể phản bác nhưng không thể xúc phạm, dù là một cách thô lỗ hay xỏ xiên.

6. Phải hiểu triết lý của một cuộc thảo luận là để cải tiến, cải tiến sự hiểu biết hay cái nhìn của chúng ta trên một chủ đề nào đó. Như vậy không có vấn đề thắng bại mà chỉ có vấn đề ai được hưởng lợi nhiều hơn, nghĩa là cải tiến được nhiều hơn trong cuộc trao đổi. Người "thắng" thực sự trong cuộc thảo luận đúng nghĩa chính là người mà ngôn ngữ thông thường gọi là người "thua" vì tiếp thu được nhiều hơn.

Ôn lại một kinh nghiệm lịch sử

Chúng ta đang ở trong giai đoạn kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8/1945, một khúc quanh lịch sử rất quan trọng và cũng rất đáng tiếc bởi vì nếu chọn một hướng đi khác – nghĩa là nếu Đảng cộng sản không nắm được thế chủ động và cướp được chính quyền - thì chúng ta đã không phải trải qua 30 năm nội chiến khốc liệt và 43 năm cộng sản để trở thành một nước nghèo khổ và tụt hậu bi đát như hiện nay. Chúng ta đã có thể là một trong mười hay mười lăm nước giầu mạnh nhất thế giới.

Những ai bỏ thì giờ để nghiên cứu giai đoạn này đều phải nhận thấy rằng nguyên nhân chính khiến chúng ta lao vào ngõ cụt của nội chiến và cộng sản thay vì bước lên đại lộ thênh thang của dân chủ và phồn vinh là vì chúng ta đã hoàn toàn không có tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị đã vắng mặt vì đã không có thảo luận nghiêm túc trong suốt thời gian dài trước đó.

Giai đoạn Pháp thuộc, 83 năm hay 62 năm tùy cách nhìn, đã rất phức tạp ; chúng ta mất chủ quyền nhưng đồng thời cũng tiến lên rất nhanh chóng về mọi mặt như chưa bao giờ thấy. Trí thức Việt Nam đã không hiểu phải nghĩ gì giai đoạn này và đã không nghĩ gì cả. Những người chủ trương phải hợp tác với Pháp cũng như người chủ trương chống Pháp đều không giải thích được lập trường của mình. Họ chỉ hô hào và đả kích chứ không thảo luận và vì thế không vươn lên được về mặt tư tưởng.

Không hề có bóng dáng một dự án chính trị cho Việt Nam. Những người theo Pháp chỉ biết ca tụng nước Pháp và thỉnh thoảng đưa ra một vài thỉnh cầu khúm núm ; những người chống Pháp chỉ nhìn thấy một con đường bạo lực dù không có phương tiện của bạo lực, trừ Đảng cộng sản được sự trợ giúp của Đệ Tam Quốc Tế nhưng để tranh đấu cho Đệ Tam Quốc Tế hơn là cho Việt Nam. Cả hai khuynh hướng đều không thuyết phục và đa số nhân nhân Việt Nam, trí thức cũng như quần chúng, vẫn đứng ngoài cuộc.

Sự hy sinh dũng cảm ngày 17/6/1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng –sau cuộc khởi nghĩa tuyệt vọng bốn tháng trước đó- và cuộc bạo động đẫm máu Xô Viết Nghệ Tĩnh của Đảng cộng sản đã chỉ được tiếp nối bằng một thời kỳ nở rộ của thơ, nhạc và tiểu thuyết. Cho đến Cách Mạng Tháng 8/1945 đại đa số trí thức Việt Nam vẫn chỉ biết học để thi lấy bằng và làm quan. Kết quả là khi Thế Chiến II chấm dứt, Nhật đầu hàng và Đồng Minh chưa đến, Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra như nó đã diễn ra và dẫn chúng ta vào một thảm kịch đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Tôi rất kính trọng Phan Bội Châu, ông vừa có tài hùng biện vừa có một nhân cách lớn, nhưng phải đau lòng mà nhận định rằng "tinh thần Phan Bội Châu" đã lôi kéo nhiều thế hệ sau ông vào tâm lý manh động, nghĩa là chỉ hành động theo cảm xúc và nhiệt huyết mà không cần có tư tưởng và dự án chính trị. Ở một mức độ nào đó có thể nói Phan Bội Châu đã là người cha tinh thần của cả Đảng Cộng Sản Việt Nam lẫn Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng phái quốc gia khác ra đời trước Cách Mạng Tháng 8. Không may cho chúng ta Phan Chu Trinh đã mất quá sớm, không đầy một năm sau khi từ Pháp về, và không được tiếp nối.

Ra khỏi bế tắc và vươn lên

Bài học lớn nhất mà đáng lẽ chúng ta phải rút ra nhưng vẫn chưa rút ra từ giai đoạn lịch sử bi đát gần đây là phải bỏ hẳn tâm lý coi hành động, hiểu theo nghĩa hành động cụ thể, là tất cả. Lời nói là hành động và là hành động quan trọng nhất ngay cả trong đấu tranh cách mạng bạo động. Ngày nay, khi vấn đề đấu tranh bằng bạo lực không còn đặt ra nữa, lời nói gần như là vũ khi duy nhất. Để thuyết phục, tập hợp và động viên trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị.

Nhưng làm thế nào để đạt tới đồng thuận trên một tư tưởng chính trị đúng đắn và một dự án chính trị khả thi nếu không có thảo luận nghiêm chỉnh ? Cuộc đấu tranh cho dân chủ cho tới nay không mạnh lên được vì chúng ta chưa biết thảo luận. Nó hiện đang bế tắc cũng vì thế chứ không phải vì bị đàn áp. Nhưng muốn biết thảo chúng ta cần một đạo lý thảo luận mà tôi vừa trình bày một vài đặc tính cần thiết để chờ đợi những ý kiến khác.

Thảo luận đúng đắn cũng sẽ giúp chúng ta giải đáp được vấn đề mà nhiều người cho là quan trọng nhất : lãnh đạo. Theo họ cuộc đấu tranh cho dân chủ bắt buộc phải có một hay một vài lãnh tụ nếu muốn thành công. Có thể đúng, nhưng giải pháp nào ? Chúng ta đã thấy một số người cố gắng, bằng những phương pháp khác nhau, để được nhìn nhận vai trò ngọn cờ này nhưng chưa ai thành công. Lý do là vì không ai có thể thành công. Con đường duy nhất để giải bài toán nan giải này cũng vẫn là thảo luận đứng đắn. Chính qua thảo luận thành thực và tương kính mà chúng ta hiểu nhau, gần nhau và tin nhau hơn. Chúng ta dần dần sẽ nhìn ra khả năng của từng người và những gì mà mỗi người có thể đảm nhiệm. Cùng với đồng thuận trên một tư tưởng chính trị, một dự án chính trị và một lộ trình đấu tranh thảo luận cũng sẽ giúp chúng ta tìm ra được một đội ngũ nòng cốt với những ý kiến chính xác về từng người. Vấn đề lãnh đạo tự nó sẽ được giải quyết.

Một lời sau cùng

Bế tắc hiện nay của cuộc vận động dân chủ nên được nhìn như là tự nhiên và hơn nữa cần thiết. Nó buộc chúng ta xét lại phương thức đấu tranh để đúng hẹn với lịch sử vì lịch sử sắp sang trang.

Chế độ này đang đàn áp hung bạo không phải vì nó tự tin mà vì nó tuyệt vọng. Nó không có gì để nói cả dù có hàng chục ngàn cán bộ tuyên giáo và dư luận viên. Khi một chính quyền không còn gì để nói thì sự sụp đổ là chắc chắn. Vả lại thời điểm cáo chung của các chế độ cộng sản còn lại, tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, đã đến. Mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã hụt hơi và sắp tắt thở.

Đừng sợ chế độ này còn sống lâu mà nên sợ nó sụp đổ khi một giải pháp thay thế chưa chuẩn bị xong.

Nguyễn Gia Kiểng
(30/08/2018)






No comments:

Post a Comment