Thursday, August 30, 2018

CÁC CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ HÃY THẬN TRỌNG : NGA & TRUNG QUỐC ĐANG TẤN CÔNG (Agnia Grigas & Clive Hamilton - Nationalinterest)




8-30-2018

Tổng thống Donald Trump vừa ký dự luật mới nhằm mở rộng quyền hạn trên toàn liên bang của Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) để điều tra và ngăn chặn – trên cơ sở an ninh quốc gia - những khoản đầu tư của Trung Quốc và các nước khác.

Đầu tháng này, ông cũng đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng (National Defense Authorization Act - NDAA) cho năm 2019, nói rõ Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lâu dài của Mỹ và bao gồm một số quy định về việc ngăn chặn hoạt động gián điệp và quân sự. Những điều khoản này, cùng với các biện pháp trừng phạt mới nhất của Bộ Ngoại giao áp đặt lên nước Nga vì vụ đầu độc ở Anh [điệp viên 2 mang người Nga tên là Sergei Skripal –ND] là những nỗ lực trong thời gian gần đây của Mỹ nhằm ngăn chặn sự can thiệp ngày càng gia tăng của nước ngoài vào công việc của các chế độ dân chủ phương Tây.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhà Trắng, thông qua tháng 12 năm 2017, thừa nhận rằng Mỹ đang tụt hậu về khả năng đẩy lùi chiến lược tấn công mới của Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, trừ Australia, phương Tây để phần lớn tâm trí vào ảnh hưởng của Nga, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát triển và khuếch trương chiến thuật can thiệp của họ, bằng cách lợi dụng sức mạnh kinh tế đang gia tăng của mình và cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Muốn chống lại sự xâm nhập của các chế độ độc tài - tham vọng của các chế độ này đã tăng lên trong mười lăm năm qua - các nước dân chủ trên toàn thế giới cần phải tìm các chiến lược mới thì mới có thể bảo vệ được chế độ dân chủ cởi mở và xã hội đã được số hoá của mình. Nhưng trước hết họ phải học cách phân biệt sự giống và khác nhau trong các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Những điểm tương đồng có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử của đảng Leninist, mặt trận “thống nhất” và lợi dụng cộng đồng kiều dân ở nước ngoài và ảnh hưởng kinh tế có dây mơ rễ má từ những năm 1920. Nga có khoảng ba mươi triệu người nói tiếng Nga sống ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng cũng có kiều dân sống ở Đức (ước tính từ một đến bốn triệu), Israel (1,3 triệu) và Mỹ (900.000). Ở Ukraine, Gruzia và Moldova, Nga đã sử dụng một số người nói tiếng Nga sống ở những nước này làm lý do chiếm đất và reo rắc mầm mống ly khai.

Khoảng 50 triệu người gốc Trung Quốc đang sống ở các nước như Úc (1,2 triệu), Canada (1,8 triệu), và ở hầu hết các nước Đông Nam và Đông Bắc Á, người Mỹ gốc Trung Quốc lên tới khoảng năm triệu.

Kinh tế trước hết

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trong vòng từ 10 đến 15 năm qua làm gia tăng niềm tin vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vậy, họ đã tích cực tìm kiếm bạn bè và đàn áp đối phương trong cộng đồng Hoa kiều và thiết lập quan hệ với giới tinh hoa chính trị và kinh tế của nước ngoài. Những hoạt động như thế không chỉ lợi dụng mà còn phá hoại ngầm thực hành dân chủ ở phương Tây.

Nói đến chiến thuật gây ảnh hưởng thì sự khác biệt một trời một vực giữa GDP của Nga (1,5 nghìn tỷ USD, năm 2017), chỉ bằng một phần mười Trung Quốc (12 nghìn tỷ USD), đang tiến dần tới GDP của Mỹ (19 nghìn tỷ USD).

Trên trường quốc tế, nước Nga của Putin đã và đang lên gân lên cốt quá mức, một phần vì họ sẵn sàng huy động những nguồn lực hạn chế của mình cho mục đích đó (xuất khẩu khí đốt, tuyên truyền, gián điệp và năng lực trên không gian ảo) và một phần vì họ có vũ khí hạt nhân và đã từng là siêu cường. Do nền kinh tế dễ bị tổn thương của nước Nga, Mỹ và EU có thể tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga nhằm ngăn chặn các lĩnh vực khai thác năng lượng và công nghiệp của nước này. Những biện pháp cấm vận mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ở Anh có hiệu lực từ ngày 22 tháng 8, còn Thượng viện thì đang xem xét dự luật với những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn vì vụ can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, khó ngăn chặn Trung Quốc bằng những biện pháp kinh tế tương tự, mặc dù Tổng thống Trump, đang áp dụng những biện pháp tăng thuế nhập khẩu có thể nghĩ khác.

Các chiến lược nhằm kiềm chế Điện Kremlin và Bắc Kinh phải thừa nhận rằng cả hai nhà lãnh đạo độc tài đều được công chúng ủng hộ, đặc biệt là vì họ muốn tạo được ảnh hưởng trong thế giới như các cường quốc và “quốc gia văn minh” - một cố gắng vô ích nhằm phục hồi niềm vinh quang trong quá khứ, thứ hai, họ muốn gây được ảnh hưởng trên toàn cầu tương xứng với địa vị kinh tế của nước mình.

Phản ứng như thế nào?

Việc thông qua Đạo luật Foreign Investment Risk Review Modernization Act, mở rộng thẩm quyền của CFIUS, có thể trở thành một công cụ quan trọng của Mỹ và là mô hình cho châu Âu trong cuộc chiến tranh kinh tế hybrid (lai) hiện nay. Trong khi luật về CFIUS sửa đổi tập trung vào Trung Quốc và chuyển giao sở hữu trí tuệ và công nghệ, khuôn khổ của nó cũng phải được áp dụng cho các khoản đầu tư của Nga ở Mỹ, ví dụ, những khoản đầu tư của Gazprom Marketing and Trading ở Houston.

Phải có những công trình nghiên cứu rộng lớn hơn và cần phối hợp chính sách, và do đó, Mỹ cần thành lập trung tâm toàn cầu chuyên nghiên cứu các biện pháp chống lại mối đe dọa hybrid này. Trung tâm cam kết toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao (State Department’s Global Engagement Center) là khởi đầu tốt, nhưng hiện nay Trung tâm này tập trung chủ yếu vào tin giả. Trung tâm chống lại những mối đe dọa Hybrid (European Center of Excellence for Countering Hybrid Threats) của châu Âu ở Helsinki, do các nước thành viên EU và NATO thành lập, là ví dụ khác, nhưng cần phải mở rộng phạm vi hoạt động để nghiên cứu cả hành tung của Trung Quốc.

Mỹ và Châu Âu có thể học hỏi kinh nghiệm của Australia, tháng 6 vừa qua nước này đã thông qua Luật về Sự Can thiệp của Nước ngoài. Bộ luật này coi những phương pháp mới nhằm tạo ảnh hưởng và hoạt động gián điệp chủ yếu là của Trung Quốc là tội phạm hình sự. Bộ luật mới mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp ra khỏi những hình thức gián điệp thông thường và bao quát cả những hoạt động, ví dụ, những hành động do nước ngoài tổ chức nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình hợp pháp của những người phản đối nước đó và dùng bọn tay sai ở nước ngoài để can thiệp vào các cuộc bầu cử dân chủ.

Thiếu quy định và dòng tài chính xuyên biên giới thiếu minh bạch ngày càng trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cũng là nguồn gốc của tội phạm hình sự. Cần phải củng cố hơn nữa năng lực thực thi của Mạng lưới chống tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ.

Những biện pháp phản ứng trước việc Nga xuất khẩu tham nhũng và rửa tiền cũng phải được áp dụng cho những hành động nhằm mục đích tạo ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc.

Hiện nay, Tập Cận Bình có khả năng sẽ lãnh đạo đất nước cho tới lúc chết và Vladimir Putin vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, chương trình nghị sự của họ sẽ “thọ” hơn chiến lược của bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào. Muốn bảo vệ các giá trị dân chủ trong thế giới kỹ thuật số toàn cầu hoá, không để chủ nghĩa độc tài mới phá hoại thì Washington, Brussels, Canberra, và tất cả những nơi khác cần phải xây dựng cho mình tư duy dài hạn.

Đối với các chế độ dân chủ trên thế giới, kỷ nguyên mới của chiến tranh chính trị đã bắt đầu. Cần phải có ngay chiến lược phòng thủ mang tính sáng tạo.

--------------
| Agnia Grigas, là thành viên hội đồng Atlantic Council, tác giả cuốn Beyond Crimea: The New Russian Empire

| Clive Hamilton, làm việc tại Charles Sturt University, tác giả cuốn Silent Invasion: China’s Influence in Australia.

Nguồn: Agnia Grigas và Clive Hamilton/ Nationalinterest






No comments:

Post a Comment