Monday, June 4, 2018

LUẬN BÀN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẶC KHU (FB Ngô Tuấn)





Việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng các cơ hội hợp tác quốc tế là điều cần thiết, nên làm nhưng cùng một lúc thiết lập nên 3 đặc khu tại 3 địa điểm vô cùng nhạy cảm cùng một lúc là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Về phương diện cá nhân, tôi có một vài ý kiến dưới đây:

1. Trái quy định của Luật Đất đai 2013

Theo Điều 126 của Luật Đất đai 2013 thì thời hạn cho thuê đất đối với cá nhân, doanh nghiệp tối đa là 50 năm.

Có một số trường hợp ngoại lệ, thời gian cho thuê đất có thể kéo dài hơn:

– Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm;

– Thời hạn cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm.

Xét về cả hai tiêu chí nêu trên, thời hạn cho thuê đất dự kiến trong dự thảo Luật Đặc khu là 99 năm, trái với quy định của Luật Đất đai hiện đang có hiệu lực. Đặc khu được thiết lập nhằm mục đích thu hút đầu tư, không phải nhằm mục đích ngoại giao nên thời hạn cho thuê đất như thế là mâu thuẫn về mặt pháp lý, mâu thuẫn về mặt thực tiễn với luật căn bản trong lĩnh vực đất đai nên muốn ban hành luật này, phải sửa đổi quy định của Luật Đất đai trước.

2. Luật hay sự đặt hàng?

Các quy phạm pháp luật được sinh ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội chung, không phải để bảo kê cho một nhóm người nào đó.

Nhìn vào dự thảo Luật Đặc khu, ta thấy có chút gì đó gờn gợn: Luật Đặc khu để áp dụng cho 3 đặc khu: Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc – nói khác đi, người ta đã tự công nhận 3 nơi này là 3 đặc khu trước rồi xây dựng luật cho nó. Người ta dự kiến xây dựng luật này để áp dụng cho những nơi mà người ta đã lựa chọn và chỉ áp dụng cho những nơi này mà thôi. Tôi hồ nghi rằng, ngay cả nhà đầu tư vào đây thì cũng đã được lựa chọn xong rồi và các tiêu chí đầu tư vào đây được quy định trong luật cũng là luật chơi riêng của họ, do họ đặt ra nên không có cửa cho những kẻ khác không cùng hướng đi với họ và tuân thủ theo sự điều khiển của họ.

Vậy nên, tôi hồ nghi về tính khách quan của dự luật này cũng như tính phổ quát, tính công bằng của nào đối với các nhà đầu tư tiềm năng, và xa hơn là sự năng động, cởi mở thực sự của môi trường đầu tư mà chúng ta đang mời gọi.

3. Giới hạn quyền của người hiện tại

Chúng ta, những con người hiện thời đang nổ lực, cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu về sau. Những điều chúng ta làm hiệu tại nếu tốt sẽ là tiền đề để làm bệ phóng cho con cháu đi lên nhưng ngược lại, nó ảnh hưởng nặng nề tới tương lai con cháu, tương lai giống nòi. Ông bà chúng ta xưa không có nhiều thứ để lại cho chúng ta vì một quá khứ quá nghèo đói, khổ đau kéo dài nhưng họ để cho chúng ta về lòng tự hào dân tộc trong việc chống ngoại xâm, về bài học sâu sắc trong cách chọn bạn mà chơi.

Luật Đặc khu hay bất kỳ một dự luật nào khác nếu được xây dựng trên tinh thần bất vụ lợi, vì dân và được tham vấn qua ý kiến của dân thì thời hạn tồn tại của nhà đầu tư nào đó trên lãnh thổ Việt Nam có 50, 70 hay 100 năm hoặc dài hơn nữa thì cũng không phải là chuyện để bàn cãi. Vấn đề ở đây, như chúng ta đã biết, người ta im ỉm xây dựng, rồi dí tay các đại biểu tại nghị trường với những lời cảnh báo có cánh kiểu như “mọi giá phải thông qua” thì có hay không có ý kiến kêu gào của người dân thì liệu có ích chi? Phải chăng chúng ta giành mất phần quyết định tương lai của con cháu mình một cách cực đoan? Chúng ta đang tước đoạt quyền định đoạt tương lai của con cháu mình? Từ khá lâu rồi, tôi có cảm giác như ngoài các khoản nợ công ra, chúng ta không để lại gì đáng kể cho con cháu mai sau…

4. Ai sẽ có tiếng nói quyết định?

Nếu như lời của Chủ tịch Quốc hội mà báo chí dẫn lời là chính xác thì khi Bộ Chính trị đã thông qua rồi thì Quốc hội chỉ họp cho vui thôi vì dù đông người và mang tiếng là người đại diện cho dân nhưng có vẻ như đó chỉ là danh nghĩa ghi trên giấy tờ chứ có thể thực sự không phải thế – Đó là sự đau xót! Dẫu vậy, không ai có quyền hơn các đại biểu tại nghị trường dù ai có nói thế nào đi nữa và người dân vẫn mong chờ từ các vị. Khi mà dự luật còn quá nhiều lấn cấn thì cần phải có thời gian để nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách thấu đáo để xem chúng ta được gì, mất gì chứ đừng tin hoàn toàn vào cánh bánh vẽ họ đưa ra mà quyết ngay để rồi hối không kịp. Tôi vẫn mong chờ những sự thức tỉnh kịp thời để mai này nhiều người trong chúng ta không phải trở thành những tội đồ với con cháu mai sau. Tôi chỉ còn mỗi các vị để tin mà thôi, ngoài ra không có lựa chọn nào khác.

Nếu mai này đất nước lâm nguy, những người đưa ra các quyết sách hôm nay chắc không có mấy người còn sống trên lãnh thổ này mà đã chọn cho mình một nơi sống an toàn hơn, cái khổ vẫn chỉ thuộc về đại đa số dân lành mà thôi. Với tinh thần tỉnh táo và phát huy truyền thống của cha ông, mong rằng các đại biểu quốc hội hiện thời hãy giữ được lập trường, quan điểm của mình, hãy thể hiện vai trò của mình trong thời khắc quan trọng sắp tới khi quốc hội họp bàn để bấm nút thông qua luật về đặc khu.

P/s: Nếu phải nói ngay về quan điểm riêng về dự luật này, tôi sẽ phủ quyết. Còn tương lai, tôi nghĩ cần xem xét, đánh giá tác động của mô hình đặc khu một cách khách quan, khoa học trước khi bàn tới việc thông qua dự luật liên quan tới nó.









No comments:

Post a Comment