Monday, June 4, 2018

ĐẶC KHU, DÂN TRÍ, VÀ DÂN CHỦ (Trịnh Hữu Long)





Đọc thấy nhiều người lo ngại “dân trí thấp”, “dân tuý”, “tương lai dân chủ xa vời” của Việt Nam khi quan sát dư luận phản ứng với dự luật đặc khu, tôi thấy khá trớ trêu.

Trước hết, tôi đồng ý rằng dự luật đặc khu không nói sẽ giao đất cho Trung Quốc, thời hạn 99 năm cũng không phải là mặc nhiên. Tôi cũng đồng ý rằng sẽ có người cố ý thổi phồng yếu tố Trung Quốc vì lý do riêng của họ và việc tung tin đồn nhảm gắn với Trung Quốc là không thể chấp nhận.

Nhưng nỗi lo ngại của người dân về yếu tố Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở thực tế rất rõ ràng, chứ không phải đẹp trời thừa giấy vẽ voi. Những biểu hiện cực đoan và sai trái của một số người không làm thay đổi thực tế về mối nguy cơ đó.

Bên cạnh đó, phản ứng mạnh mẽ của dư luận là dấu hiệu tốt của dân chủ và thể hiện dân trí ngày càng cao, chứ không phải ngược lại.

Ngọn nguồn của dân chủ là việc người dân tham chính, mà biểu hiện tham chính căn bản nhất là bày tỏ quan điểm và thái độ của mình với các vấn đề quốc kế dân sinh.

Việc người dân quan tâm tới một dự luật, tìm hiểu nó (ở những mức độ khác nhau), bày tỏ quan điểm/thái độ với nó một cách công khai và ôn hoà, và đòi hỏi chính quyền phải lắng nghe ý kiến của họ là tinh thần công dân tuyệt vời mà mọi nền dân chủ đều cần tới. Chẳng phải chính những người mong mỏi dân chủ vẫn thỉnh thoảng thở dài vì cho rằng người dân thờ ơ với chính trị đó sao?

Nhiều người đòi người dân phải có chứng cứ Trung Quốc thao túng chính quyền, thao túng các địa phương, thao túng các doanh nghiệp, bẫy nợ Việt Nam, v.v. Họ quên mất rằng người dân không có được những chứng cứ đó không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của chính quyền không minh bạch thông tin.

Tinh thần công dân là luôn luôn nghi ngờ chính quyền và đòi hỏi chính quyền phải giải đáp những mối lo ngại của họ.

Phong trào phản đối Dự luật Đặc khu thể hiện rõ việc người dân nghi ngờ năng lực tư duy và năng lực quản lý của chính quyền, nghi ngờ chính quyền đang cố ý tạo điều kiện cho Trung Quốc kiếm lợi trên chủ quyền của Việt Nam. Việc phản đối đó đặt chính quyền vào vị trí phải tìm cách thuyết phục được người dân hơn nữa, và cho cả đất nước thêm một cơ hội để suy xét một vấn đề đặc biệt quan trọng. Đó là phản ứng hết sức có trách nhiệm của những công dân dân chủ.

Nhiều người thấy người dân rầm rộ phản ứng với một dự luật và lo ngại (theo họ là thái quá) đối với Trung Quốc thì cho rằng “đất nước này còn lâu mới có dân chủ”. Họ dường như nghĩ dân chủ là sau một đêm mọi thứ sẽ lung linh đẹp đẽ hết, mà quên mất rằng dân chủ là một quá trình học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm tập thể. Quá trình đó bắt đầu với việc quan tâm tới quốc kế dân sinh và mở miệng, và nó sẽ phải phạm sai lầm mới có thể trưởng thành. Những biểu hiện cực đoan có thể chính là những sai lầm đó, nhưng không vì thế mà ta khước từ bắt đầu tập thói quen dân chủ và lên án những ai đang nỗ lực tập thói quen đó.

Cần biết rằng, những biểu hiện thái quá đã nêu ở trên có ở mọi quốc gia dân chủ nhất thế giới.

Thay vì bỉ bôi và lên án, con người dân chủ khuyến khích người dân xung quanh mình mở miệng, dù lời chưa hay, ý chưa đẹp, và nhìn thấy trong những biểu hiện sơ khai đó mầm mống đẹp đẽ của dân chủ.

Trong tình huống xấu nhất, nếu phải lựa chọn giữa một Việt Nam “dân tuý” và một Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, tôi không có lý do gì mà không chọn phương án thứ nhất.

Hoàn toàn khác với những tiếng thở dài ngao ngán của nhiều người, tôi vô cùng hạnh phúc và tràn đầy hy vọng vào tương lai dân chủ của chúng ta. Với tư cách là một công dân, tôi cũng hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị phản đối Dự luật Đặc khu và xin góp một tay phổ biến một trong các kiến nghị đóKÊU GỌI PHẢN ĐỐI DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT (VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC).






No comments:

Post a Comment