Wednesday, June 20, 2018

ÂN XÁ QUỐC TẾ : VIỆT NAM PHẢI ĐIỀU TRA CÁO BUỘC TRA TẤN SAU KHI BẮT GIỮ HÀNG LOẠT (tin tổng hợp)




RFA
2018-06-18

Cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người biểu tình bị giam qua đợt bắt giữ hằng loạt vào cuối tuần qua, đồng thời những đơn vị liên quan phải tiến hành cuộc điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trụ sở tại Anh Quốc, ra kêu gọi như vừa nêu vào ngày 18 tháng 6.

Theo Ân Xá Quốc Tế, có khoảng 150 người bị bắt giữ tùy tiện khi tham gia những cuộc biểu tình diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng 6 trên khắp đất nước Việt Nam nhằm phản đối dự thảo luật khu hành chính đặc biệt.

anh Trịnh Văn Toàn bị đánh chấn thương sọ não đang được điều trị ở bệnh viện ở Sài Gòn hôm 17/6/2018.  FB Khánh Trần

Tổ chức này cho biết nhận được nhiều báo cáo của hằng chục người nói rằng họ bị tra tấn khi bị bắt; trong số này có người cho hay họ bị đánh bằng gậy gỗ khi từ chối không mở khóa điện thoại cho công an.

Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, ông Minar Pimple, lên tiếng rằng những báo cáo về tra tấn người biểu tình như thế là vô cùng đáng quan ngại. Do đó cơ quan chức năng Việt Nam cần phải tiến hành điều tra ngay, toàn diện về những cáo buộc được đưa ra đồng thời qui trách nhiệm đối với bất cứ nghi can nào gây ra hành động tra tấn.

Theo ông Minar Pimple thì cơ quan chức năng Việt Nam không thể dùng cớ duy trì trật tự xã hội như là một lệnh bài nhằm hành hạ và giam cầm người biểu tình. Họ bị tước mất quyền tự do, quyền bày tỏ ý kiến, quyền tập trung ôn hòa và quyền được hỗ trợ pháp lý.

Ân Xá Quốc Tế cho rằng làn sóng bắt bớ vào cuối tuần qua chỉ là sự trả thù đối với những người chỉ muốn bày tỏ quan ngại của họ về một chính sách của chính phủ.

---------------------

TTVN
2018-06-19

Cuộc biểu tình tại tỉnh Ninh Thuận, cụ thể là thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phát triển thành một cuộc bạo động chưa từng thấy từ sau cuộc chiến năm 1975 trở lại đây. Cuộc bạo động đã để lại rất nhiều thiệt hại về tài sản công và sức khỏe của lực lượng công lực. Nhưng bên cạnh đó, sau những ngày biểu tình, an ninh tâm lý và sức khỏe của người dân Phan Rí, Phan Thiết gặp quá nhiều vấn đề bởi nguyên nhân chính là sự trục trặc trong xử lý tình huống giữa chính quyền và nhân dân.

Hình chụp hôm 12/6/2018: xe bị đốt cháy tại trụ sở công an ở tỉnh Bình Thuận hôm 10/6/2018 do bạo động.   AFP


Tại sao con, cháu chúng tôi bị bắt, bị đánh?

ười từng tham gia biểu tình và bị công an Bình Thuận Bắt, đánh đập, tra khảo, chia sẻ: “Em lên theo giấy mời, vừa lên trụ sở công an thì nó lấy xe chở em qua điểm khác rồi bắt đầu hỏi rồi đánh em. Nó đánh em gần tắt thở luôn, nó chửi em nó kêu: “đ.. má mày, mày có khai không”, em thở không nổi em nói từ từ em khai. Nó bảo “Tao công an từ Phan Thiết vào làm chứ không phải vô chơi giỡn với mày”. Em ngồi em khai tới chiều luôn, nó kêu mai hoặc mốt nó gọi lại. Lúc về nhà nó hơi đau đau rồi đi biển không nổi luôn. Mai em thử mua rượu uống nhưng cũng không đỡ, đi bệnh viện kiểm tra thì họ bảo không bị gì nhưng tụ máu bầm khắp người không à”.

Theo thanh niên này, anh đã quá khích và ném vài cục đá trong quá trình đối mặt với lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng cảnh sát cơ động 113 Bình Thuận. Như quí thính giả đã biết, trong buổi trưa ngày 11 tháng 6 năm 2018, lực lượng chức năng và hệ thống công lực của Bình Thuận hoàn toàn thất thủ trước những đợt tấn công của nhân dân. Theo quan sát của chúng tôi, số nhân dân tham gia bạo động chừng ngót nghét ba ngàn người, số lượng cảnh sát cơ động phòng thủ ở phía cầu Nam để bảo vệ cửa ngõ yết hầu vào trung tâm hành chính Bình Thuận chừng 500 người có trang bị vũ khí đầy đủ.

Sau cuộc chiến lựu đạn cay của 113 với gạch đá của nhân dân biểu tình, lực lượng 113 đã rút dần vào bên trong khuôn viên Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Bình Thuận và qua trưa ngày 11 tháng 6, lực lượng này chính thức thất thủ, đầu hàng người dân để được đi ra bên ngoài. Sự đầu hàng của họ được nhân dân ghi nhận, tạo điều kiện để họ ra bên ngoài sau khi cởi bỏ áo giáp, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp và vũ khí.

Nhưng sau đó không lâu, sau khi bỏ chạy, bỏ cả lực lượng cảnh sát 113 để thoát thân, các quan chức Bình Thuận đã cầu cứu các lực lượng liên đới của các tỉnh khác. Và một cuộc bố ráp với người tham gia biểu tình đã diễn ra trong khuôn khổ quản lý của nhà cầm quyền Bình Thuận. Nghĩa là theo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính vì vậy hệ thống truyền thông phi nhà nước không thể vào bên trong khu vực những người từng biểu tình, và nếu có vào bên trong, sự phản ánh của họ cũng thông qua lăng kính số liệu chính trị. Hệ quả là có nhiều vấn đề xảy ra mà ngay cả trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ hay nhà nước cũng khó ngờ tới được.

Sự oan uổng và mối nguy tính mạng của người vừa trả lời phỏng vấn trên đây là sự minh chứng cho những gì chúng tôi vừa nói. Sau khi trở về từ đồn công an vì không có bằng chứng nhận 300 ngàn đồng để biểu tình, người thanh niên này về nhà với sức khỏe xuống cấp trầm trọng, nội thương đã làm anh đột quị sau khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi chừng 8h đồng hồ sau. Gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để cấp cứu nhưng không kịp, giữa đường phải quay về nhà để chuẩn bị hậu sự. Mặc dù anh vẫn còn thoi thóp sống nhưng khả năng sống được là rất thấp.

Bức xúc trước tình trạng của cháu mình, bà ngoại anh chia sẻ: “Bà đi lên theo, nó mời cháu ngoại lên, cháu ngoại đi lên vừa ngồi vào là nó hỏi chuyện hôm bữa đi biểu tình: “Đ.. má mày có khai không, công an mà nói ‘đ.. má mày, không khai là nó ký trên đầu liền hoặc đánh thốc từ dưới hai hông lên”.  Rồi thì bên bệnh viện nó phối hợp với nhau, nó bảo là đau phần mềm thôi vậy mà nó cho thuốc uống tan máu bầm. Mấy thằng ở trên bệnh viện nó sợ công an nữa, nó không cho giấy chứng nhận, nó bảo phải điện được dưới công an nó mới cho. Nó làm kiểu này có phải giết người không gớm tay không, nó bao che để nó giết dân không. Thử hỏi mình làm nhà nước có phải vì dân không, do dân đưa mình lên mình mới ông này bà nọ, tại sao đi đánh dân như vậy. Công an mà bịt mặt đi đánh dân, đánh từ dưới hông thốc lên, thử hỏi còn gì người ta nữa, phải người ta chết không?”

Họ có bị ép cung?

Một người có con bị bắt sau khi biểu tình, mới được thả về, chia sẻ: “Có người mặc áo quần thường, đeo khẩu trang, mặt quần short xuống bắt con chú. Rõ ràng công an làm như thế là sai chứ không phải đúng, nó mời mà nó không bảo vệ con của chú, mà để mấy thằng kia đánh con của chú bị nội thương như thế. Chú chưa làm tới, chứ làm tới rồi chú làm, chịu đựng hai bên để đâu vào đấy rồi chú làm chứ giờ con chú nằm thế lỡ nó bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm.”

Một xóm chài Phan Rí Cửa, Bình Thuận, sau biểu tình.  TTVN

Vị này cho rằng việc bắt con của ông là không hợp pháp, bởi vì việc bắt con của ông cũng như nhiều thanh niên khác có vẻ mờ ám và không đúng thủ tục pháp lý. Bởi theo luật hiện hành, muốn bắt một người nào đó phải có công an xã, công an phường đưa lực lượng đến gia đình, sau đó đọc lệnh bắt của Trưởng công an huyện hoặc viện trưởng viện kiểm sát. Nhưng ở đây hoàn toàn không có thủ tục này, sau khi bắt cũng không có biên bản về việc bắt giữ người. Và người tham gia đi bắt con ông cũng không mặc đồng phục ngành công an mà mặc quần ngắn và bịt khẩu trang. Điều này gây hoang mang cho gia đình ông tột độ bởi nó giống với những cuộc bắt cóc, ám toán hơn là bắt người hợp pháp.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của con ông bắt đầu có vấn đề trầm trọng, phía cơ quan công an không những không chia sẻ với gia đình nạn nhân mà phớt lờ, tránh trớ trách nhiệm. Trong khi đó, mối hoài nghi về khả năng con mình bị đánh đập dẫn đến nội thương của ông vô cùng lớn.

Điều ông mong mỏi lớn nhất hiện nay là sự việc của con ông được đưa ra ánh sáng pháp luật và an ninh bản thân ông cũng như gia đình ông được trả về đúng ý nghĩa của một người không phạm tội, không vi phạm pháp luật. Ông cho biết thêm là hiện nay, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.

-----------------------------

BBC Tiếng Việt
19 tháng 6 2018

Công an ở nhiều tỉnh thành Việt Nam đã khởi tố các bị can bị cáo buộc tham gia "phá hoại" trong đợt biểu tình nổ ra từ 10/6.

Biểu tình ở TPHCM hôm 10/6.  EPA

Chủ nhật 10/6 chứng kiến các vụ biểu tình ở nhiều địa phương Việt Nam phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) và dự án Luật An ninh mạng.

Thanh Hóa
Ngày 19/6, công an tỉnh Thanh Hóa loan báo vừa tiến hành khởi tố bị can và lệnh tạm giam 114 ngày đối với ông Nguyễn Văn Quang (31 tuổi, trú tại xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hoá) về tội: Làm, tàng trữ, tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Ông Quang bị bắt ngày 12/6 với cáo buộc đã dùng Facebook cá nhân đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung "kêu gọi, kích động nhân dân biểu tình trái pháp luật", theo trang VOV.vn.

TP Hồ Chí Minh
Ngày 19/6, cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1988, quê Bắc Giang), Trương Ngọc Hiền (sinh năm 1997, quê Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Huỳnh Đức (sinh năm 2000, quê Sóc Trăng) và Bùi Văn Tiến (sinh năm 2001, quê Tiền Giang) về tội "cố ý làm hư hỏng tài sản".

Ngoài ra, hai ông Nguyễn Văn Tuấn, Trương Ngọc Hiền bị bắt tạm giam.

Công an nói hôm 10/6, ông Nguyễn Văn Tuấn dùng tuýp sắt đập nhiều lần vào 2 xe mô tô của Phòng Cảnh sát trật tự ở số 264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3. Ông cũng bị cáo buộc tiếp tục cầm tuýp sắt đi đến khu vực đối diện số 181 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đập vào một xe buýt, sau đó nhặt cục đá ném vào chiếc ôtô 7 chỗ màu đen hiệu Land Cruiser.

Trong khi đó, ngày 18/6, công an Q.Bình Tân, TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Trọng Nghĩa (SN 1987, quê Long An) và Phạm Thị Thu Thủy (SN 1974, quê Tiền Giang) về hành vi "chống người thi hành công vụ".
Hai người này bị cáo buộc dùng gạch đá tấn công cảnh sát cơ động khi tham gia biểu tình chống công ty Pou Yuen (đóng tại quận Bình Tân) ngày 11/6.

Hôm 15/6, công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam ông Nguyen William Anh (được biết với tên Will Nguyễn).
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam viết: "Theo quá trình điều tra và khai báo của Nguyen William Anh, Công an xác định, ngày 9/6, Nguyen Willliam Anh nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch".
"Ngày 10/6, Nguyen William Anh đã tham gia xuống đường cùng nhiều người tụ tập, gây rối trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa."

https://ichef.bbci.co.uk/news/768/cpsprodpb/15036/production/_102107068_hi047554688.jpg
Ông Will Nguyễn bị công an TPHCM khởi tố. AFP PHOTO / COURTESY OF MARY DANIEL

Hãng tin nhà nước viết tiếp: "Ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Quận 3, Nguyen William Anh đã trực tiếp yêu cầu những người trong lực lượng chức năng phải di dời các xe đặc chủng để đoàn người đi qua".
"Khi yêu cầu không được đáp ứng, Nguyen William Anh đã leo lên xe đặc chủng, hô hào, kêu gọi nhiều người khác vượt qua chốt chặn."
"Những hành động của Nguyen William Anh đã được lực lượng chức năng ghi hình. Cơ quan Công an xác định, hành vi gây rối trật tự công cộng của Nguyen William Anh là rõ ràng, có chứng cứ hình ảnh."

Một người khác bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 15/6 là ông Trương Hữu Lộc (sinh năm 1961, ngụ quận Tân Bình).
Công an nói ông Lộc "thường xuyên livetreams trên facebook cá nhân kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, gây rối. Ngoài hành vi xúi giục, Lộc còn tiếp sức, trực tiếp kích động người dân tụ tập gây rối những ngày vừa qua".

Nha Trang
Ngày 18/6 công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) loan báo đã khởi tố hai người Tạ Thành Duy (47 tuổi) và Nguyễn Văn Ý (32 tuổi, cùng ở Nha Trang) về tội Gây rối trật tự công cộng.

Hai người này bị cho là tràn xuống các tuyến đường tại TP Nha Trang hôm 10/6, căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối dự thảo Luật Đặc khu.

Cảnh ở Hà Nội ngày 10/6.  GETTY IMAGES

Bình Thuận
Ngày 17/6, cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nói đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người để điều tra về hành vi gây rối trật tự, hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ tại thị trấn Phan Rí Cửa.

Theo báo Tuổi Trẻ, hầu hết các bị can trên cùng ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.
Bình Thuận là nơi biểu tình diễn ra bạo lực nhất, với việc đốt phá trước cổng UBND và Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết.

Tin liên quan











No comments:

Post a Comment