Thursday, May 10, 2018

THÔN ĐÔNG (Nguyễn Đạt Thịnh)




Wednesday, 09/05/2018 - 08:30:24

Bài báo này -bài Thôn Đông- tôi kể lại từ một bài báo Mỹ- bài Vietnamese Forged a Community in New Orleans. Now It May Be Fading (Người Việt tạo ra Thôn Đông tại New Orleans. Bây giờ Thôn đó đang mờ dần đi) của ký giả Stephen Hiltner đăng trên tờ The New York Times ngày thứ Bảy, mùng 5 tháng 5, 2018; trước khi viết, tôi vào Wikipedia tìm xem mặt anh chàng Hiltner này.

Mỹ rặt; không thể nào là chắt của bà Huyện Thanh Quan, hoặc là cháu của nhà thơ Nguyễn Bính, như tôi (mơ) tưởng; nhưng quả bài viết của anh nghe sặc mùi nhớ thương kín đáo của Thanh Quan.

Anh viết Thôn Đông có những con đường mang tên rặt Việt Nam, như Saigon Drive, My-Viet Drive, Tu-Do Drive, mà những cậu tiến sĩ, những cô bác sĩ 30 tuổi, gốc Việt không đọc đúng giọng VN được. Anh thiếu sót, không nói lên sự kiện những con đường Mỹ mang tên Việt đó là kỳ công của một thế hệ người gốc Việt, cái thế hệ tị nạn đầu tiên của dân tộc VN, thế hệ không bao giờ chết, mà chỉ mờ dần đi, rồi thầm lặng chìm vào quên lãng, như những người lính VNCH đang mờ dần trong ký ức vài triệu người gốc Việt đang sống trên nhiều quốc gia hải ngoại.

Thôn Đông của VN cách France Carré của Tây khoảng 15 dặm, nơi người Pháp lưu giữ sở thích ngồi ăn lộ thiên của họ. Anh Hiltner cũng dịch Thôn Đông sang tiếng Pháp -Village de l'Est- và kể lại là dân làng đó cũng là người tị nạn VN thế hệ thứ nhất, nhưng không đông đúc như dân Việt quận Orange, hoặc người gốc Việt tại thành phố Houston.

Sau 43 năm sinh cơ, lập nghiệp tại Thôn Đông, người gốc Việt trở thành giàu có hơn ngày 30 tháng Tư 1975, chạy giặc cờ Đỏ, họ đến định cư tại đó; và một phụ nữ gốc Việt -bà Cyndi Nguyễn- đã trở thành nghị viên thành phố New Orleans. Ngày mất nước, bà lên 5, được bố cõng vào New Orleans.

Cyndi Nguyen đứng trước ngôi nhà của bà tại Thôn Đông. (NY Times)

Lý do khiến những người tị nạn chọn thành phố New Orleans để định cư là nghề nghiệp -họ là ngư dân quen sinh sống trên Biển Đông, kể cả cụ thân sinh của bà Cyndi, năm nay đã 68 tuổi. Bà vợ ông, kém ông 3 tuổi, 43 năm ngồi lột vỏ, lặt đầu tôm cho những hãng hải sản.

Bà nghị viên bùi ngùi bảo anh Hiltner là trong 30 năm đầu dân Thôn Đông yêu thương nhau như anh em một nhà -ngôi nhà VN đã cháy rụi dưới gót chân tháo chạy của họ. Đến đất mới, họ không giao thiệp được với người địa phương vì khác biệt ngôn ngữ.

Một cư dân Thôn Đông không là một ngư phủ -ông thợ may Nguyễn Minh cũng chia kiếp lưu vong với dân làng; ông cặm cụi suốt 43 năm ngồi bên chiếc máy may Singer cũ kỹ trong tiệm may Thôn Đông; nghề thợ may của ông bị kỹ nghệ quần áo may sẵn giết chết, nhưng ông vẫn sống, nhờ nhu cầu bản thân vô cùng khiêm tốn.

Cá trong xóm chài không phải mua, chỉ xin cũng dư ăn, rau đậu, gà, vịt lại sẵn ngoài vườn, nên mỗi tháng ông không cần đến trăm bạc; nhưng giờ này ông đang thiếu thốn, vì người Thôn Đông không còn đủ trẻ trung để đi biển, để có con cá ngon, nhưng vì không ai mua cá, nên đem về cho ông.

Ông thợ may Nguyễn Minh, ngồi 43 năm bên chiếc máy may cổ lỗ. (NY Times)

Trận bão Katrina năm 2005, với 1,836 người chết trong cảnh ngập lụt của thành phố New Orleans, cũng đẩy người Thôn Đông đứng lên tranh đấu cho quyền sống của mình -họ đòi chính quyền thành phố tái lập hệ thống điện, nước, và dẹp sạch bãi rác đổ ngay cạnh làng họ, chồng chất những mảnh vụn phế thải của vài ngàn căn nhà bị hư hại vì ngập lụp. Những cuộc tranh đấu để sống còn đó giúp người gốc Việt trở thành Mỹ hóa đôi chút, sau 30 năm sống trên lãnh thổ Mỹ, và đã trở thành công dân Mỹ từ nhiều thập niên.

Nhưng một góc cạnh khác -vô cùng thê lương của 'cuộc hí trường'- là Thôn Đông đang trở thành già hơn, vắng hơn -già hơn 43 tuổi, và vắng hơn gần nửa cư dân; những đứa trẻ chào đời trên đất Thôn Đông đã trở thành sinh viên đại học, bác sĩ, kỹ sư, hoặc công nhân xí nghiệp, kéo nhau ra khỏi làng. Thôn Đông trở thành khu cư trú cho người già -đa số trên 60.

Tính từ cơn 'đại hồng thủy' Katrina đến nay cũng đã 15 năm, cư dân Thôn Đông già thêm 15 tuổi nữa, tính từ mùa bão, lụt. Bà Cyndi -thế hệ trẻ của Thôn Đông- cũng đã 48. Kỷ niệm Saigon, trở thành cũ đến gần nửa thế kỷ. Thế hệ thứ nhì tị nạn -con bà Cyndi và đa số thanh niên, thiếu nữ gốc Việt, chào đời tại Thôn Đông- đang nói chuyện với bố, mẹ bằng Anh ngữ.

Linh mục Nghiêm Nguyễn, thay thế vị linh mục già, cai quản giáo đường Mary Queen.

Linh mục Nghiêm Nguyễn cai quản giáo đường Mary Queen. (NY Times)

Giáo đường Mary Queen. (NY Times)

Hiltner viết, “Hai trói buộc chặt chẽ nhất của dân làng Thôn Đông là ngôn ngữ và tôn giáo, giờ này trói buộc không còn chặt chẽ như trước nữa; học vấn và cuộc sống hàng ngày khiến người trẻ Việt Nam gần với sinh hoạt xã hội Mỹ hơn.”

Trong lúc đó cuộc sống bên trong Thôn Đông vẫn gần với tập tục của những xóm chài Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc; những ngư dân già không ra biển hành nghề nữa, họ quay sang nuôi gà, trồng rau trong sân sau, để bà vợ đem ra farmers market -chợ phiên- nhóm mỗi sáng thứ Bảy bày bán; con cái họ -đang làm những jobs chuyên gia, lương hàng năm một, vài trăm ngàn-không hiểu lối sống của cha, mẹ. Khác biệt đó khiến đám trẻ thấy mỗi ngày một xa Thôn Đông hơn. Chúng cũng không chăm chỉ và thành kính đi nhà thờ mỗi sáng Chúa Nhật nữa.

Dân Thôn Đông vẫn bán từng trái mướp... (NY Times)

... Từng con gà trong những phiên chợ hàng tuần. (NY Times)

Bà Lê Lang, 49 tuổi, một trong những người trẻ trong làng, bảo anh Hiltner, “Một vài người tuổi tôi vẫn còn ở lại Thôn Đông, nhưng thế hệ sau tôi đi biệt. Nuôi chúng nó ăn học, đậu bằng cấp trở thành bà này, ông nọ, để chúng nó không thích về Thôn Đông nữa."

Giới trung niên -cỡ bà Lang- đang dự trù chung góp vài triệu để xây dựng một ngôi thánh đường mới, khang trang hơn ngôi nhà thờ cũ, xây bằng tiền bán tôm của những ngư dân ngày họ chưa già cả; giờ này, họ đang ngồi nhớ biển, để từ từ mờ nhạt đi, như những cái bóng dĩ vãng.
“Quyên góp thì rồi cũng sẽ đủ đấy, nhưng 10 năm nữa Thôn Đông còn mấy người đi nhà thờ nữa?”
Câu nói của bà Lang, buồn hơn bài thơ của bà Huyện Thanh Quan

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. 

Bà Thanh Quan buồn, chỉ vì thành Thăng Long thay đổi theo đà tiến bộ của văn hóa để trở thành Hanoi (tên Tây) -một nỗi buồn khách quan, thơ mộng và man mát, phảng phất- người dân Thôn Đông -nạn nhân của cuộc thay đổi sắt máu thực hiện bằng súng đạn- rồi lại đang chịu đựng cuộc thay đổi thứ nhì- ngồi trước thềm nhà, thầm lặng nhìn Thôn Đông biến mất trước mắt họ.

Câu chuyện 'Hai Lần Mất Mát' có những nét buồn thầm kín, và cuộc dứt áo của những ngư phủ bỏ Biển Đông mà đi, cũng chuyên chở nhiều hùng khí dân tộc. 

Xin mời nhà thơ Mai Lộc -bạn tôi- và quý vị thi sĩ, nhạc sĩ hải ngoại, cùng quý bạn thích xướng họa, hãy cặp tay nàng thơ, cô nhạc đến thăm Thôn Đông, để viết những vần hoài cổ, xúc động hơn, buồn hơn bài 'Thăng Long Thành, hoài cổ' của bà Thanh Quan, nhưng cũng oai hùng hơn.

Tác giả bài báo này phải mời đến quý vị thi nhân, nhạc sĩ nhập cuộc để thương khóc Thôn Đông vì chỉ có vần của thơ, và nhịp của nhạc mới chiếm được, và nằm lâu trong lòng người.
(ndt)






No comments:

Post a Comment