Thursday, May 10, 2018

PYONGYANG NAENGMYON (Từ Thức)





Hình ảnh lưu truyền nhiều nhất trên các mạng xã hội, sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un và Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In, không phải là cái bắt tay lịch sử, nhưng là tô mì lạnh. Mì lạnh Bình Nhưỡng, Pyongyang Naengmyon, là đặc sản Bắc Hàn, đầu bếp của Kim đã làm để thết đãi phái đoàn Nam Hàn.

Sau bữa tiệc ở Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự giữa hai nước, người ta xếp hàng dài trước những tiệm ăn để được thưởng thức món mì lạnh tại Nam Hàn, hay tại những thành phố có tiệm ăn Hàn trên khắp thế giới.

Món mì lạnh khiến tôi nghĩ tới một kỷ niệm về chuyến đi Nam Hàn lần đầu, năm 1966 hay 67 gì đó, trong phái đoàn báo chí VN Cộng Hòa được chính phủ Nam Hàn mời. Tôi là người trẻ nhất trong đoàn, vừa là sinh viên Văn Khoa vừa viết báo. Những vị khác, lớn hơn 10, 20 hay 30 tuổi như Trần Nhã ( chủ bút Saigon Post ), Hà Thượng Nhân, Phan Nghị…đã qua đời hay thất lạc tin tức.

Mỗi người có một cô hướng dẫn viên. Cô hướng dẫn viên của tôi, cũng họ Kim ( photo, chụp với cô tại Bàn Môn Điếm ), ngoài những cuộc thăm viếng trong chương trình chính thức, một hôm mời tới nhà ăn Pyongyang Naengmyon, vì bố mẹ cô là người gốc Bắc Hàn, cũng như gia đình tôi là Bắc Kỳ di cư . 

Trời lạnh khủng khiếp, nhà không có lò sưởi, tôi chờ được ăn một tô mì thật nóng. Nhưng đó là một tô mì lạnh. Mì Bình Nhưỡng phải ăn thật lạnh. Nghe nói càng lạnh càng ngon. 

Nhà không có tủ lạnh, người ta xúc một chậu tuyết trong vườn, đặt tô mì ở giữa. Nước dùng nấu thịt , thả một gói mì sợi dài, càng dài càng tốt, vì mì dài tượng trưng cho sự trường thọ, trên để một miếng thịt bò hay thịt gà, với củ cải, kim chi, khoai lang thái sợi, hay vài khoanh trứng luộc. Phải là tay thiện nghệ mới hút hết sợi mì.

Tôi ăn, không thấy mùi vị gì, hay mùi vị kỳ kỳ. Thèm một tô phở tái , chín, nạm, gầu với hành trần, rau thơm thật nóng, khói bay nghi ngút.

Sau này, mỗi lần ghé Séoul hay Pusan ( Busan ), lại được đưa đi ăn mì Bình Nhưỡng. Mì lạnh đối với người gốc Bắc Hàn cũng như phở với người Việt. Vẫn không thấy ngon, mặc dù thiên hạ trầm trồ khen ngợi. Có thể vì không hợp goût mình. Cũng có thể vì cuộc gặp gỡ lần đầu với mì lạnh không để lại một kỷ niệm ấm cúng. Giống như cuộc gặp gỡ lần đầu với một người tình, nó để lại một dư vị rất lâu. Khẩu vị là một cái gì rất chủ quan.

Cô bé Kim rất dễ thương, hơn cả dễ thương, với một gã nhà báo sinh viên trẻ, lúc đó tóc tai như người thường, nhưng căn nhà quá lạnh với một người đến từ miền nhiệt đới, nắng chang chang quanh năm.

Nhà không có lò suởi, vừa ăn vừa run. Nam Hàn là một nước nghèo, chậm tiến. Nhà cửa ngoại ô lụp xụp. Thành phố xấu nhất trên thế giới, theo tôi, là Manilla, Phi Luật Tân. Ngoại ô Seoul lúc đó không hơn gì Manilla, trừ những khu di tích cổ kính. Ở phi trường, thấy người ta xếp hàng đón một người lính từ VN về phép . Lương lính đóng ở ngoại quốc có thể nuôi cả một gia đình đông người, ở một xứ không có kỹ nghệ, đa số lêu bêu chẳng có nghề ngỗng gì. 

Sau này, mỗi lần tới, hết hồn thấy Nam Hàn thoát xác mau lẹ. Từ một nước nghèo, chậm tiến, thua miền Nam VN về mọi phương diện, từ kinh tế tới văn hóa, họ trở thành một cường quốc, bỏ cái anh VN bệ rạc, xa lắc , xa lơ đằng sau. 

Những năm 60, Nam Hàn được xếp trong số những nước nghèo nhất Phi và Á Châu. Nam Hàn bắt đầu trỗi dậy từ những năm 80 để ngày nay trở thành cưòng quốc kinh tế thứ 12 trên thế giới.

Phe ta chỉ còn hơn họ ba chuyện, đó là: 1.phở, so với mì lạnh, 2.cái ngu dốt và 3. cái huênh hoang. Huênh hoang, khoác lác bởi vì ngu dốt. 

Phở cũng dở chứng hư thân mất nết, với bánh phở ướp hóa chất, xương bò hầm vói thuốc rửa nhà cầu. 

Một ngày nào đó, nếu phải lựa giữa một tô mì lạnh khó nuốt và một tô phở nóng dễ chết, cũng đành nhắm mắt ăn mì lạnh.

Tác giả và cô hướng dẫn viên

Tô mì lạnh








No comments:

Post a Comment