Saturday, May 5, 2018

TẠI SAO LẮM TIN BỊA ĐẶT? (Ngô Nhân Dụng)




Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Tổng Thống Donald Trump là người tố cáo “tin bịa đặt” nhiều nhất. Có thể nói, ông là người đưa hai chữ “fake news” lên thành ngôn ngữ thời thượng, từ cuộc tranh cử năm 2016 đã thành phổ thông trên diễn đàn chính trị, và sau đó tiếp tục được sử dụng thường xuyên, xưa tới nay chưa từng thấy.

“Fake News” đã thành một câu trả lời ngắn gọn cho bất cứ người nào, già trẻ lớn bé, khi nghe một tin tức bất lợi cho mình. Tuần trước tại sao con không nộp bài cho cô giáo? Fake News! Hôm qua anh đi ăn với cô bạn cũ phải không? Fake News! Em mua gì tại Tiffany mà thẻ tín dụng nó “chạc” $7,275? Fake News!

Thời ông Barack Obama làm tổng thống những chữ này chưa thông dụng, mặc dù khá nhiều tin bịa đặt về cá nhân ông. Obama không sinh ở nước Mỹ! Đáng lẽ, theo Hiến Pháp, không được ứng cử tổng thống. Obama không theo Thiên Chúa Giáo, đích thị là một người Hồi Giáo bí mật! Người ta có thể kiểm chứng bằng cách tới tra cứu Sở Hộ Tịch ở Hawaii, nơi ông Obama khai là sinh quán, thì biết ông có sinh ra ở Mỹ hay không. Hoặc phỏng vấn những người hàng xóm của ông trong 30, 40 năm qua thì biết ông có đi lễ nhà thờ hay không.

Nhưng cả hai tin bịa đặt trên đây được truyền bá suốt tám năm ông Obama tại chức, cả sau khi ông đã công bố giấy khai sanh của mình. Mà chính ông tổng thống không có nỗ lực đứng lên tố cáo, đả kích những người loan tin bịa đặt. Có lẽ vì ông Obama, cũng như mọi người, biết rằng loan tin bịa đặt để bêu xấu nhau là chuyện thường tình trong đời sống chính trị.

Bây giờ tình trạng có khác. Có lẽ vì có nhiều “tin tức” xấu liên can tới ông Trump được tung ra trong dư luận, nhiều hơn thời ông Obama. Từ lúc ông Trump chạy đua với các chính trị gia khác trong đảng Cộng Hòa, họ đã đưa ra nhiều chuyện về ông. Lúc ông tranh với bà Clinton, càng thêm nhiều chuyện. Ông Trump rất khôn ngoan, đã dùng nhãn hiệu “tin bịa đặt” đánh tan các tin xấu, gạt bỏ hầu hết hay tất cả các tin xấu. Ít nhất cũng xóa đi trong tai, trong trí nhớ của những cử tri ông cố chinh phục.

Tưởng rằng khi đã đắc cử, làm tổng thống thực thụ, ông Trump sẽ không cần nhắc đến những chữ “tin bịa đặt” nữa. Nhưng không. Người Mỹ đang sống trong một “thời đại tin bịa đặt!” Một thủ phạm là những phương tiện truyền thông đại chúng vừa nhanh, vừa đa dạng, hấp dẫn, vừa được nhiều người, càng ngày càng nhiều, tham gia. Họ vừa đọc tin vừa loan tin và chuyển tin cho người khác, đi khắp thế giới.

Bây giờ mọi người đã biết gián điệp Nga đã tạo ra những “nguồn tin giả mạo,” đóng vai người Mỹ, sử dụng Facebook truyền đi các tin tức bịa đặt rồi được hàng triệu, hàng trăm triệu người Mỹ khác coi và chuyển cho nhau coi trong năm 2016. Gián điệp Nga cũng làm công tác chuyên nghiệp đó ở Ukraine từ ba năm trước, rồi tiếp tục làm “nghiệp vụ” trong những cuộc bầu cử ở Pháp, ở Đức năm ngoái. Nhờ những báo động về nước Mỹ năm 2016 nên Pháp và Đức đã đề phòng, giảm bớt được mức tác hại.

Nhưng các tin bịa đặt trên Facebook cũng được giới truyền thông dòng chính loan tải trước khi kiểm chứng đầy đủ. Những tin tức chỉ có 70% thực, còn 30% bịa đặt, đã được truyền bá trọn gói! Có khi chỉ 30% thực, 70% bịa, cũng bỏ qua! Bởi vì họ chịu áp lực của khán giả, của độc giả.

Các độc giả than phiền: Tại sao trên mạng ai cũng nghe, cũng biết và rỉ tai nhau tin đó, mà chúng tôi, “những độc giả trung thành của quý báo” nghe họ nói cứ trơ mắt ếch ra, ngớ ngẩn, nhà quê, không biết cái gì cả! Các báo, đài, phải đoán trước ý thích của khán giả, độc giả, mà loan tin “với sự dè dặt thường lệ!” Nhưng thường họ quên luôn không giữ được chút dè dặt nào cả! Rồi lại phải cạnh tranh với nhau nữa, ai loan tin sớm nhất sẽ nổi đình đám!
Người ta thường nói các báo, các đài “hướng dẫn dư luận.” Trên nguyên tắc, báo nào cũng tuyên bố sẽ loan tin trung thực, khách quan. Đó là điều lý tưởng. Nhưng sự thật là chính những người làm truyền thông cũng bị dư luận thúc đẩy. Khi họ tìm cách “đáp ứng” nhu cầu của độc giả và khán giả bốn phương.

Đài Fox thiên hữu, cho nên thu hút các khán giả bảo thủ; nhưng càng được họ ủng hộ thì đài này càng nghiêng về phía bảo thủ. Đài CNN đi ngược lại, nghiêng về phía tả, được phe tả hoan nghênh rồi theo đà càng nghiêng hơn!

Có thể đổ lỗi cho giới truyền thông, vì họ muốn chiều độc giả hoặc khán giả nên không tôn trọng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhưng các khán giả và độc giả có ý định đi tìm đọc tin, coi tin tức trung thực khách quan hay không?

Số người như vậy hiếm lắm.

Nạn tin giả, tin bịa đặt lan truyền (phần nhiều không bịa 100% nhưng chỉ cần 5% cũng đủ tác hại), là do cả những người cung cấp tin lẫn “giới tiêu thụ” tin tức cùng gây ra. Bên nọ thúc đẩy bên kia, lôi kéo nhau cùng… đi lạc!

Bởi vì con người ta thường thích nghe, thích đọc những gì hợp với mình. Hợp với trí khôn ngoan, hiểu biết, đạo lý của mình. Nhưng cũng phải phù hợp với niềm tin, sở thích, thành kiến, tình yêu, ghét của họ nữa! Tin tức nào làm mình thất vọng, mình buồn, sợ, lo lắng, không ai muốn tin! Trong chính trị, đối tượng của những tình tự đó thường là các ứng cử viên, các ông tổng thống hay các đảng chính trị. Ít người Mỹ nào hoàn toàn trung lập trong các tình tự đó.

Trước khi đi mua xe hơi, người ta tìm hiểu rất kỹ, đọc bao nhiêu tài liệu nghiên cứu. Mua nhà thì nhờ bao nhiêu người kiểm tra từ mái nhà đến cống rãnh; mời cả thầy phong thủy. Nhưng khi bỏ phiếu chọn tổng thống hoặc đại biểu quốc hội, người ta không “đọc kỹ” các chương trình tranh cử, không kiểm tra xem có thực hiện được hay không, và không đối chiếu các chương trình khác nhau, để so sánh.

Khi đọc báo, nghe đài, người ta cũng không thấy “đáng, bõ công” để bỏ thời giờ kiểm chứng coi tin tức đúng hay sai. Cuộc đời ngắn ngủi, ai rỗi hơi làm những công việc nhức đầu như vậy! Đọc báo, nghe đài, miễn thấy vừa ý mình là vui rồi!

Hai giáo sư Brendan Nyhan và Jason Reifler ở hai đại học Mỹ đã nghiên cứu phản ứng của độc giả khi cho họ đọc bản tin cũ về việc quân đội Mỹ đi truy tầm vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, sau khi chiếm đóng năm 2003. Trước đó, họ đã yêu cầu mọi người cho biết một số thông tin cá nhân, để có thể xếp loại họ vào khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, trong cách xếp loại chính trị ở Mỹ.

Kết quả cuộc phỏng vấn của hai giáo sư trên cho thấy những người càng bảo thủ thì càng tin rằng quân Mỹ đã tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự thật là sau khi tìm kiếm, Mỹ thấy Iraq không hề có các vũ khí nguyên tử, hóa học… Điều đặc biệt, là sau khi cung cấp thêm tin tức cho mọi người biết kết quả khách quan đó, những người cực kỳ bảo thủ vẫn không tin. Ngược lại, một số người càng tin vào ý kiến đầu tiên của họ, một cách vững chắc hơn!

Cho nên, khi đọc trên báo, khi nghe đài, chúng ta vẫn thấy người ta đưa ra những “tin kiểm chứng bằng sự kiện” (fact-checkers) chúng ta đừng tưởng rằng những “sự kiện” đó sẽ cải chính được các tin tức hoặc lời đồn đãi sai lầm. Phần lớn những người tin vào fake news sẽ nhún vai, cho rằng chính các thứ “sự kiện” được nêu ra để phản bác niềm tin của họ là… Fake News!

Căn bệnh trên có vẻ rất trầm trọng. Có thể lan rộng và kéo dài. Những người chống Tổng Thống Trump hay Tổng Thống Obama sẽ không tin những “tin tức” có vẻ thuận lợi cho mỗi ông này. Ngược lại, những người ủng hộ các ông đó sẽ bác bỏ tất cả những tin tức bất lợi cho họ. Cách giản dị nhất là gán cho nhãn hiệu Fake News!

Đây là một đe dọa cho thể chế tự do dân chủ. Chế độ dân chủ dựa trên lựa chọn của người dân. Những người có đủ tin tức, hiểu tin tức, để dựa vào đó quyết định, theo quyền lợi của mình. Nếu chung quanh đầy tin bịa đặt thì người ta quyết định ra sao? Có thể tin vào lựa chọn của đa số hay không?

Khi nào xã hội bị chia rẽ trầm trọng, và căn bản của tình trạng chia rẽ là do tình cảm, thành kiến gây ra, thì bệnh loan tin, nghe tin bịa đặt rất khó thuyên giảm.

Nhưng xã hội loài người không phải lúc nào cũng chia rẽ, hoặc có chia rẽ nhưng không dựa trên thành kiến và những tình tự xấu như thù hận, ganh ghét. Khi đó những tin tức bịa đặt sẽ không có đất sống. Đó là mối hy vọng của các chế độ dân chủ tự do. Tin vào tự do dân chủ tức là tin vào khả năng sống thiện của loài người. 








No comments:

Post a Comment