Friday, March 2, 2018

ĐỌC "CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN" của PHẠM ĐOAN TRANG (Lâm Bình Duy Nhiên)




23/10/2017

Vào một ngày cuối tháng chín, tôi nhận được một lời giới thiệu từ một chị bạn về cuốn sách của Phạm Đoan Trang. Thời buổi toàn cầu hóa, chỉ một click chuột, tôi đặt mua sách trên trang mạng Amazon và trông đợi tác phẩm gây nhiều tò mò, thích thú chỉ qua cái tên rất lạ: Chính Trị Bình Dân.
http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2017/10/chinh-tribinh-dan-gioi-thieu-696x638.jpg

Phạm Đoan Trang, nhà báo và là một gương mặt hoạt động xã hội dân sự quen thuộc trong nước. Chị thường xuyên tham gia tranh đấu cho một xã hội dân chủ và cho vấn đề nhân quyền vốn luôn bị xâm phạm một cách nghiêm trọng tại Việt Nam. Những cuộc biểu tình chống Trung cộng hay lên án vụ ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra luôn có sư hiện hiện của chị. Tiếng nói phản biện, phản kháng miệt mài khiến chị trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền và họ đã không ngần ngại sử dụng vũ lực, bắt bớ hòng dập tắt tiếng nói của chị.

Phạm Đoan Trang

Cầm cuốn Chính Trị Bình Dân trong tay với hơn 500 trang, tôi có cảm giác như bao nỗi niềm của tác giả đã gởi gắm trọn vẹn vào những trang sách này. Như lời tâm sự của chính Phạm Đoan Trang khi nhận định rằng đây không phải là “công trình mang tính hàn lâm” mà đơn giản như là “một cuốn sách nhập môn, đem lại những kiến thức chính trị căn bản” và quan trọng hơn cả, tác giả đã “cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam”.

Có thể nói, sau 30/4/1975, chưa bao giờ khái niệm chính trị lại trở nên xa lạ và “tệ hơn nữa, người Việt lại có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra”. Chính vì thế, Phạm Đoan Trang muốn phá vỡ cái định kiến nguy hiểm khi mà đại bộ phận người dân không màng đến chính trị, trở nên vô cảm và bàng quan trước những gì đang xảy ra trong xã hội.

Bình dân” đối với Phạm Đoan Trang nghĩa là đưa “chính trị” từ cái gì đó tưởng chừng cao siêu, khó hiểu thậm chí xấu xa (như định hướng của nhà cầm quyền) thành những khái niệm, định nghĩa hết sức giản đơn, gần gũi và vô cùng thiết thực với mạch sống hàng ngày trong xã hội. Chính trị trở thành “bình dân” khi nó như không khí, như hơi thở của mỗi chúng ta. Nó gắn liền với sự sinh tồn và là huyết mạch trong cuộc sống của chúng ta!

Dựa trên tinh thần ấy, tác giả đã bỏ nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu, trước tiên cho chính nhận thức và kiến thức của chính tác giả, qua một khối lượng sách vở dồi dào. Để từ đó, chị đúc kết thành những kiến thức quan trọng nhưng được giải thích qua những từ ngữ giản dị, gần gũi và dễ hiểu cho bạn đọc.

Những hoạt động chính trị trong một môi trường dân chủ được tác giả trình bày rõ ràng, từ những hoạt động đảng phái đến việc làm truyền thông hay khiếu kiện. Từ biểu tình, đình công đến khái niệm bất tuân dân sự, Phạm Đoan Trang cho người đọc thấy rõ đâu là quyền căn bản của một công dân và đâu là giới hạn của những xã hội độc tài, như Việt Nam, khi quyền công dân bị chà đạp bởi bộ máy quyền lực chính trị.

Tính chính danh đối với các chính thể độc tài là điều “ cực kỳ quan trọng và luôn được chú ý gây dựng ”cũng được tác giả trình bày cụ thể. Khi một xã hội bị khủng bố bởi bộ máy an ninh hùng hổ thì nỗi lo sợ của người dân, vô tình, đã khiến cho tính chính danh của một chính quyền không bị đưa ra chất vấn. Cứ thế, thể chế độc tài vẫn nghiễm nhiên tồn tại bất chấp những sự phản biện của những người bất đồng chính kiến.

Đọc Chính Trị Bình Dân tức quay về với hiện trạng của đất nước Việt Nam. Đọc một mạch, thi thoảng lại tự thốt lên : “ À đúng rồi!” như thể cùng chia sẻ tâm trạng của chính tác giả.

Có cảm giác, đôi khi cần gạt sang một bên những kiến thức đã có sẵn về chính trị, của những Socrate, Aristote, Platon, John Locke, Alexis de Tocqueville hay Jean-Jacques Rousseau, để chú tâm vào những gì Phạm Đoan Trang chia sẻ. Chị cô đọng tất cả các kiến thức chính trị phức tạp từ chính quyền và nhà nước đến dân chủ; từ các chủ nghĩa, ý thức hệ chính trị đến tinh thần yêu nước; từ bầu cử: chỉ dấu của dân chủ, đến bộ máy nhà nước; từ lập pháp, hành pháp, tư pháp đến hệ thống chính trị CHXHCN Việt Nam,… tất cả đều được phân tích và giải thích một cách dễ hiểu nhất nhằm đưa người đọc giáp mặt với thực tế của mọi sinh hoạt chính trị trong xã hội.

Thể chế chính trị độc tài tại Việt Nam chính là đích đến của Chính Trị Bình Dân mà Phạm Đoan Trang muốn chia sẻ cùng độc giả. Mọi phân tích dựa trên nền tảng cơ sở lý thuyết chính trị đều được tác giả áp dụng vào ví dụ thực tế, Việt Nam. Thực trạng chính trị tại Việt Nam chính là nỗi đau khôn nguôi của bao thế hệ, của những người còn đau đáu trước vận mệnh của dân tộc, của chính tác giả như chị đã không ngần ngại phơi bày sự thật, một sự thật phũ phàng, gọi tên đích danh chế độ: “Tình trạng ấy nói lện một sự thật: Luật pháp ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ là công cụ để nhà nước quản lý, hay là chỉ dùng cho dân. Công an – với vai trò lực lượng bảo vệ chế độ – thường được ưu ái, được luật pháp ưu tiên bảo vệ. Việt Nam dưới thời cộng sản là một chế độ ‘rule by law’, nơi không tồn tại ‘rule of law’” hay “ Nỗi lo lắng và sự căm ghét của đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội dân sự là không thừa”.

Khi sự vô cảm dường như đang xâm chiếm mọi không gian trong xã hội thì những tác phẩm như Chính Trị Bình Dân càng trở nên vô cùng cần thiết để khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân. Chính trị không thể nào bị tách rời ra khỏi đời sống hàng ngày trong một xã hội tiến bộ. Trốn tránh chính trị dưới bất cứ một lý do nào cũng là điều đáng tiếc và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Gấp cuốn sách lại, miên man trôi theo dòng suy nghĩ, tôi có những người bạn đang sinh sống tại các nước tiến bộ, tự do và dân chủ. Đôi khi trò chuyện, họ đưa thẳng yêu cầu: “ Tôi không muốn nói chuyện chính trị với ông!”. Họ ngại, họ sợ, họ tránh vì lý do này hay lý do khác. Vòng vo Tam quốc, để rồi khi tôi hỏi : “ Bạn nghĩ sao về Obama, về Trump, về Macron, về Putin,…?”, thế là những người bạn của tôi lại nhiệt tình bàn chuyện của các vị chính khách trên. Mọi biến cố trên chính trường được họ đem ra phân tích một cách kỹ lưỡng, cứ như thể họ đang sống với, cứ như thể đó là đề tài liên quan mật thiết, mang tính sống còn đến chính bản thân họ.

À, thì ra chính họ cũng đang quan tâm đến chính trị đó chứ. Nhưng cái chính trị mà họ bàn đến, họ thực thi quyền công dân lại là cái khái niệm chính trị trong một xã hội tiến bộ và dân chủ. Nơi hiến pháp và pháp luật được tôn trọng. Ngược lại, họ thờ ơ, họ e ngại, thậm chí sợ sệt khi đụng chạm đến hiện trạng chính trị nơi quê nhà. Sự vô cảm, không đáng trách, theo cách nhìn của Phạm Đoan Trang, trong Chính Trị Bình Dân, không những đúng với đại đa số người dân trong nước, tiếc thay đó cũng là mẫu số chung cho nhiều người dẫu đã sống bên ngoài, đang hít thở bầu không khí tự do nhưng vẫn lẩn tránh khái niệm chính trị tại Việt Nam.

Phạm Đoan Trang đã gởi gắm những tâm tình về cái gọi là nền tảng duy nhất cho một xã hội văn minh và tiến bộ: chính trị. Sự trang bị về kiến thức và hiểu biết về chính trị, hơn bao giờ hết, trở nên cấp bách và nhất thiết cho mọi công dân Việt Nam. Chỉ khi hiểu và thấm nhuần cái quyền được tác động trực tiếp vào mọi sự vận hành của bộ máy chính trị thì khi đó chúng ta mới can đảm nói không với một nền chính trị độc tài, độc đảng.

Dĩ nhiên, không thể một sớm một chiều, cái nhìn về chính trị, vốn dĩ bị định hướng một cách có lợi cho nhà cầm quyền, sẽ được thay đổi hoàn toàn. Cho nên, Chính Trị Bình Dân, đưa chính trị gần gũi với đời sống hàng ngày, với mọi quyền lợi cụ thể, qua những khái niệm lý thuyết được giải thích một cách bình dân, là nền tảng vững chắc cho sự đổi thay về văn hóa chính trị nơi người dân, như lời Phạm Đoan Trang “ Tất nhiên, cá nhân tác giả tin rằng văn hóa chính trị là cái có thể thay đổi, và cân nhắc đến yếu tố văn hóa chính trị không hề đồng nghĩa với chấp nhận thỏa hiệp và phụ thuộc vào nó. Suy cho cùng, làm chính trị là thực hành khả năng thuyết phục và vận động người khác, khả năng thu phục số đông để thách thức trật tự cũ mà văn hóa chính trị hiện hành là một phần trong đó”.

Đọc Phạm Đoan Trang và Chính Trị Bình Dân để nhận thấy rằng tương lai của đất nước phụ thuộc nhiều vào sự năng động của mọi công dân. Sự năng động góp phần xây dựng và duy trì một nền chính trị vì dân chính là tiền đề cho một Việt Nam dân chủ.

Đừng lẩn tránh chính trị. Đừng ngại ngùng chính trị. Đừng để chính trị rơi vào sự kiểm soát độc quyền của một tổ chức hay bất kỳ một đảng phái nào đó. Bức thông điệp của tác phẩm Chính Trị Bình Dân được Phạm Đoan Trang gói ghém qua lời nhắn nhủ “Còn bạn, nếu bạn vẫn quyết tâm ‘không quan tâm đến chính trị’, thì chỉ xin bạn nhớ : Bạn có quyền như thế, nhưng điều đó không tốt cho cả bạn lẫn cộng đồng”.

Đối với tôi, Phạm Đoan Trang đã thành công trong việc đưa chính trị về với cộng đồng. Chị cùng với nhiều người khác, thông qua các tổ chức xã hội dân sự, đã và đang miệt mài làm việc, đương đầu với bạo quyền, bất chấp hiểm nguy, tù tội, nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam tự do, dân chủ và phồn thịnh.

Lâm Bình Duy Nhiên, 23/10/2017

-------------------------------

PHẠM ĐOAN TRANG BỊ CÔNG AN TRUY BỨC VÌ SÁCH “CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN”
.
.
.

.
.
.
.
.
.
.
24/2/2018
.
.
.
.
“Chính Trị Bình Dân” đáng được dân bình (Vũ Thạch)







No comments:

Post a Comment