Monday, February 19, 2018

NHẠC LÍNH (Trần Doãn Nho / Người Việt)




Trần Doãn Nho / Người Việt
February 9, 2018

Qua 70 năm âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, chúng ta có nhiều loại nhạc khác nhau, tùy cách phân định, tùy thời kỳ, hay tùy xu hướng: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc hùng, nhạc lính, nhạc bộ đội, nhạc sến, nhạc sang, nhạc chiến đấu, nhạc cách mạng, vân vân. Trong số đó, nhạc lính đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội miền Nam.

Lính ở đây là lính VNCH. Trong suốt những tháng năm dài chinh chiến, người lính là hình ảnh nổi bật trong cuộc sống, gắn chặt với cuộc chiến, diễn ra từng ngày từng giờ trên khắp đất nước. Gia đình nào, không ít thì nhiều, cũng đều có thân nhân nằm trong quân đội. Những thắng, bại trên chiến trường của người lính đều nhất nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Và bi kịch của chiến tranh gắn liền với bi kịch cá nhân của từng người lính.

Nhạc lính, trước hết, nói về người lính, đã hẳn. Mà cũng là nói về chiến tranh. Về một xã hội vùng vẫy để tồn tại, để thích nghi với hoàn cảnh bom đạn. Và mơ ước. Những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, tiếc nuối, buồn chán, thất vọng, cay đắng, tủi nhục cùng với ước mơ – những gì vô cùng đời thường, vô cùng dân dã, tất cả đều được bày tỏ qua lời ca mà không cần phải sử dụng một ẩn dụ xa xôi nào. Do đó, khác với nhạc đỏ – thứ nhạc để chỉ nhạc Cộng Sản nói chung thường mang tính tuyên truyền – nhạc lính đầy tính cách nỗi niềm và mang tính nhân bản rõ nét.

Có khá nhiều tác giả viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Phạm Thế Mỹ, Đinh Miên Vũ, Phạm Đình Chương, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều nhất.

Ta ghi nhận một vài đặc điểm của nhạc lính:

- Lời ca nhạc lính, phần lớn hay hầu hết, chủ yếu mô tả đời lính, nghiệp lính, những gian khổ của đời lính, mô tả sự chia cách, nhớ nhung, mơ ước ngày đoàn tụ, mơ ước hòa bình.

- Nhạc lính có tính cách động viên hơn là tuyên truyền; có tính tâm sự hơn là thúc đẩy, có tính cách chia sẻ hơn là lên án; có tính cách than thở nhưng không chủ bại.

- Đặc biệt, khác với nhạc đỏ, nhạc lính không nhằm gây căm thù. Không những thế, trong một số trường hợp, còn kêu gọi xóa bỏ căm thù, kêu gọi tình thương, kêu gọi hòa bình. Lời ca phần lớn và chủ yếu nói về nhiệm vụ, về lòng hăng say, sự hy sinh, ca ngợi sự chịu đựng gian khổ và lòng quả cảm của người lính. Và ngay cả khi đề cập đến  cái chết anh hùng của những người sĩ quan chỉ huy trên chiến trường, ta cũng không hề thấy khêu gợi chút căm thù nào. Chỉ nói về cái chết, về sự hy sinh và nỗi tiếc thương: “Ôi! Vết đau nào đưa anh đến/ Ngàn đời của nhớ thương/ Hỡi bức chân dung trên công viên buồn” (Người Ở Lại Charlie/ Trần Thiện Thanh)

- Nhạc lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương. Nói về lính cũng chỉ để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu.

Thành thật mà nói, không phải ai cũng nghe được nhạc lính. Để thưởng thức nhạc lính, trước hết phải là… lính. Và là người yêu của… lính. Không là lính hay không mang tâm cảm của một người đêm ngày đợi chờ tin từ chiến trường, thì không thể nào thâm cảm được cái tâm trạng “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ/ Nhiều đông lắm hạ/ nối tiếp đi qua/ thiếu bóng đàn bà” của Trúc Phương hay “Chào xuân đến súng xa vang rền/ Xác hoa tàn rơi trên báng súng” của Nguyễn Văn Đông.

Chỉ khi đã đi hành quân rồi, chỉ khi đã từng ở giữa cái sống và cái chết rồi, ta mới có thể thấm thía được cái giai điệu và lời ca của nhạc lính. Nhạc lính không thể là nhạc thính phòng. Không phải là nhạc để ngồi nhâm nhi từng cốc cà phê hay cốc rượu Tây. Cao xa quá, trừu tượng quá, và điêu luyện quá không thích hợp với thực cảnh và tâm tình người lính. Giữa bom rơi đạn nổ, giữa sự xa cách, nhớ mong, giữa cái mịt mù của một kiếp người, người lính cần cái gì cụ thể, gần gũi, trực tiếp, đơn giản.

Sau Hiệp Định Genève, tuy bị chia đôi, nhưng đất nước được trải qua một thời gian yên bình. Ở miền Nam, việc đi lính – dù là hiện dịch, trừ bị hay quân dịch – là nhiệm vụ bình thường của những trai tráng vừa đến tuổi trưởng thành.

Hình ảnh của người lính được xây dựng từ những năm đầu của thời Đệ I Cộng Hòa vẫn là hình ảnh chung cho dòng nhạc lính cho đến trước Tháng Tư, 1975. Đó là hình ảnh của một người ra đi để “bảo vệ xóm làng, quê hương.” Một trong hình ảnh sắc nét và hoàn chỉnh nhất về chân dung người lính trong thời gian đầu có lẽ là hình ảnh được xây dựng trong “Anh Đi Chiến Dịch”: “Anh đi chiến dịch xa vời/ Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than” (Phạm Đình Chương).

Nhưng có lẽ không có bản nhạc nào vẽ ra hình ảnh của một người lính đẹp, trong sáng, lạc quan như trong “Thư Người Chiến Binh”: “Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương/ Anh đi sa trường/ Tình ngàn phương đời vui với phong sương/ Lãng quên ngày tháng (…) Nhớ lúc chiến tuyến/ Những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim/ Kê chung ba lô nằm canh giữa rừng già/ Chuyện trò vu vơ (…) Hẹn mùa xuân về vui giữa thôn trang/ Cắm hoa đầu súng… (Nguyên Đàm & Nguyên Diệu).

Đi để về. Xa cách để đoàn tụ. Lính, trong khung cảnh trên, là một cuộc phiêu du đầy hứng thú.

Một trong những bản nhạc khác tô vẽ nên hình tượng phiêu du hứng thú đó là “Trăng Tàn Trên Hè Phố.” “Tôi gặp lại anh người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua hè phố/ Tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ” (Trăng Tàn Trên Hè Phố/ Phạm Thế Mỹ).

Sau này, khi chiến tranh lan rộng, người lính phải chiến đấu ngày đêm, nên không còn cảnh “súng trên vai bước lê qua hè phố.” Dẫu vậy, lính vẫn là một hình ảnh đẹp. Một trong những bản nhạc mô tả sống động nhất về đời lính là bài “Tình Thư Của Lính” của Trần Thiện Thanh. Các chi tiết về đời lính rất sống thực, ngôn ngữ dung dị, không sáo ngữ màu mè, lại nhiều chất thơ. “Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước dâu em/ Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa da tình/ Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/ Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.” (Trần Thiện Thanh)

Ngoài Trần Thiện Thanh, còn có Trúc Phương. Qua hai bản “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” và “Kẻ Ở Miền Xa,” lời ca của Trúc Phương đã diễn tả một cách sống động thân phận của người lính chiến miền Nam. Giai điệu trầm buồn, lời ca bình dị, cụ thể , rất gần gũi với những người lính – nhất là những lính trơn, không quân hàm, không chức tước. Một phác thảo vô cùng hiện thực về chân dung của người lính trận.

Lính, là đi xa, thật xa. Lâu, rất lâu. Và rất lâu chẳng gặp người khác phái, một nỗi buồn rất đàn ông, nhất là đối với những anh lính trẻ: “Tôi ở miền xa/ Trời quen đất lạ/ Nhiều đông lắm hạ/ Nối tiếp đi qua/ Thiếu bóng đàn bà.”

Người lính thường xuyên chạm trán với kẻ thù. Đâu đâu cũng có thể là chiến trường: “Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc/ (…) Ngoài kia súng nổ/ Đốt lửa đêm đen/ Tầm đạn thay tiếng em.”

Một trong những bi kịch của đời lính là cái chết. Lính, chết, góa phụ và khăn sô! Có thể tóm gọn tất cả  bi kịch của chiến tranh bằng mấy chữ đơn giản và lạnh lùng đó. “Ngày anh đi, anh đi/ Anh đi từ tổ ấm/ Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?/ Đợi anh về/ Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ/ tấm khăn sô bơ vơ/ Người góa phụ cầu được sống trong mơ” (Người Ở Lại Charlie/Trần Thiện Thanh)

Chính vì thế mà hơn ai hết, những người lính ngoài mặt trận và vợ con/người yêu của lính là những người khao khát hòa bình, ước mơ đoàn tụ. “Mẹ ơi cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường/ Đồng bào ta cùng thương nhau.. xóa hận thù đi.. lấp đi đường ranh giới” (Lá Thư Người Lính Chiến/ Nguyễn Văn Đông).

***
Trong khi còn chiến tranh, nhạc lính được hát như một bày tỏ nỗi lòng, có khi như một bù đắp, của những người khoát chiến y. Hết chiến tranh rồi, nhạc lính vẫn được hát. Như một hoài niệm. Và có khi như một vết thương chưa hề lành. Đối với lính, đã hẳn. Mà cũng còn đối với hàng triệu hàng triệu người đã từng chia sẻ những gian khổ, hy sinh, mất mát, đau thương của họ. (Trần Doãn Nho)

-----------------------------
.
.










No comments:

Post a Comment