Saturday, February 17, 2018

MÊ MẨN NÀNG MAI (Huệ Vũ)




Friday, 16/02/2018 - 01:52:45

Nói đến Xuân, đến Tết, người Việt không thể không nói tới Mai. Mai có dáng thanh cao, thân mềm mại, chịu mọi giá lạnh của mùa đông để nở hoa vào những ngày đầu Xuân, hoa mai thơm nhẹ, dáng hoa kín đáo nên người xưa coi mai có những đức tính kiên nhẫn, chịu đựng, khiêm tốn và gọi mai là Ngự Sử, một chức quan giữ việc giám sát, can ngăn nhà vua, là người phải có những đức tính can trực, thanh khiết, uy vũ bất năng khuất. Mai, tùng, trúc hợp thành bộ Tam Hữu: “ngự sử mai, trượng phu tùng, quân tử trúc.”

Sự chịu đựng bền bĩ của cây mai đã được các võ sư cảm ngộ đưa vào võ thuật. Tương truyền một nhà sư Thiếu Lâm trong lúc luyện võ trước sân chùa, thấy cây mai già đang chịu đựng gió tuyết mà sáng tác bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền gồm cả cương nhu. Ở Việt Nam, Lão Mai Quyền là một bài quyền nổi tiếng của võ thuật truyền thống Tây Sơn. Có người nói: “thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản.” Ngoài Lão Mai Quyền, Võ thuật VN còn có Mai Hoa Quyền, Mai Hoa Kiếm, Mai Hoa Đao... có nguồn gốc Thiếu Lâm.

Hoa Mai đã được coi là loại hoa đẹp nhất, quí nhất, là “bách hoa khôi.” Người Việt tin rằng Tết nào trong nhà có cây mai ra hoa đầy cành là dấu hiệu của điềm lành, sẽ có một năm an khang, thịnh vượng, phát tài, tấn lộc. Thông thường loại mai Tết trong nhà của người Việt là hoàng mai, hoa có 5 cánh. Các loại mai núi hiếm quý có từ 5-9 cánh, hay 12-18 cánh.

Mai VN thuộc họ Ochnaceae có 550 loại, và nằm trong gia đình Ochna Integerrima có 86 loại. Hoàng Mai còn được gọi là Lạp Mai mọc tự nhiên nhiều nơi trong dãy Trường Sơn, từ Quảng Nam tới Khánh Hòa. Loại Mai Vàng thường mọc trên các vùng đất cát ven biển gọi là Mai Động, hoa chi chít, cánh nhỏ. Ở Nam Việt Nam có các loại Mai như Mai Chiếu Thủy, Mai Tứ Quý, Bạch Mai, Nam Mai, Mai Miến Điện. Bạch Mai có nhiều ở Miền Tây Nam Phần, có từ 6-8 cánh, hoa trắng nhụy vàng, thơm thoang thoảng, là loại hiếm quý. Mai Chiếu Thủy cũng màu trắng, nhưng hoa có 5 cánh nhỏ, cuống hoa hướng xuống đất.

Người Bắc Việt Nam chơi đào vào ngày Tết. Nhưng gọi là Mơ, là Mai Mơ, Hạnh Mai, nhưng Mai Mơ thuộc gia đình Prunes Mume, họ Hoa Hồng (Rosaceae), không thuộc họ Ochnaceae.

Người Tàu cũng gọi đào, mận, lê, lý là Mai, nhưng Mai Hoa (Meihua) phải dịch ra tiếng Anh là plum blossom, plum flower, peach flower, apricot flower, v.v. Người Tàu trồng khoảng 300 loại cây thuộc gia đình Prunes Mume chia thành ba loại chính là Thùy Chi Mai, Trực Chi Mai, Long Du Mai, các loại dùng để thưởng lãm gồm có Hồng Mai, Chiếu Thúy Mai, Lục Ngạc Mai, Long Du Mai, Thùy Chi Mai.

Khi đọc thơ Đường của thi nhân Trung Hoa, nhắc đến Mai, phải biết nó không phải là Mai của miền Trung và Nam Việt Nam.
Bài Tạp Thi 1 của Vương Duy:

Quân tự cố hương lai
Ung tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị
-
(Người từ quê cũ đến
Biết rõ tình hình quê nhà
Ngày đến qua song cửa
Có thấy Mai nở hoa chưa)

Cây Mai mà Vương Duy nói tới là Hàn Mai, là winter plum.

Tuy nhiên, dù thuộc gia đình Ochna Integerrima hay Prunes Mume, Mai nói chung có cánh hoa giống nhau, thân cây có sức chịu đựng mùa đông, ra hoa vào mùa xuân, sống lâu, ở tỉnh Hà Bắc hiện còn một cây Hoàng Mai đã 1.600 tuổi thọ. Hoa Mai đã được nhiều thi nhân, mặc khách ưa chuộng, say mê, và bàng bạc trong văn thơ...

Ở Tàu, Lâm Bô đời Bắc Tống là người mê hoa Mai, không chịu làm quan, về Hàng Châu cất lều tranh ở Cô Sơn, nuôi hạc, trồng Mai, tuyên bố “dĩ mai vi thê, dĩ hạc vi tử - lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con.” Lâm Bô lưu lại nhiều bài thơ, trong đó bài Sơn Viên Tiểu Mai rất nổi tiếng:

Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên, 
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên. 
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển, 
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn. 
Sương cầm dục há tiên thâu nhãn, 
Phấn điệp như tri hợp đoạn hồn. 
Hạnh hữu vi ngâm khả tương hiệp, 
Bất tu đàn bản cộng kim tôn
-
(Các hoa rụng hết, ngát mai thơm 
Độc chiếm vườn xinh một mảnh con 
Sơ bóng ngã nghiêng trên mặt nước 
Dịu hương toả xuống động hoàng hôn 
Chim sương muốn đậu thâu tầm mắt
Bướm phấn như hay kết vỡ hồn 
Vui cảnh tự ngâm cho thỏa thích 
Không cần đàn địch rượu thơm nồng)

Bạch Mai đã được đi vào Đường Thi nhiều nhất, được ca tụng nhất. Trương Thuyết đời Sơ Đường đã mở đề bài U Châu Tân Tuế Tác, ví mai như tuyết:

Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết 
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai 
-
(Kinh Nam năm ngoái mai như tuyết 
Kế Bắc giờ đây tuyết tựa mai) 

Vương An Thạch qua bài Mai Hoa nói rằng nếu Mai không có hương thơm, thì không thể phân biệt với tuyết:

Tường giác sổ chi mai, 
Lăng hàn độc tự khai. 
Dao tri bất thị tuyết, 
Vị hữu ám hương lai.
 
-
(Mai kia mấy nhánh ở bên tường
Nở hoa mặc giữa băng hàn lạnh run. 
Biết không phải tuyết từ xa, 
Bởi chưng đưa lại đậm đà mùi hương.)

Lư Phai Ma đời Nam Tống cũng đã so sánh mai với tuyết:

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch 
Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương 
-
(Mai nên nhường tuyết ba phân trắng 
Tuyết phải thua mai một bậc thơm) 

Lư Đồng so sánh mai với mỹ nhân qua bài Hữu Sở Tư:

Mỹ nhân hề! Mỹ nhân! 
Bất tri mộ vũ hề! Vi triêu vân? 
Tương tư nhất dạ mai hoa phát 
Hốt đáo song tiền nghi thị quân.
-
(Người đẹp ơi! Người đẹp ơi
Chẳng biết mưa chiều hay mây sớm
Một đêm tương tư hoa mai nở
Nhìn mai qua song cửa tưởng là nàng.)

Nhưng mai đối với Tổ Hoàng Bá đời Đường là tấm gương để nhìn thấy Tâm, ngộ đạo. Trước khi viên tịch Ngài để lại bài kệ:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường 
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường 
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt 
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương. 
-
(Vượt cõi trần lao việc chẳng thường 
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường 
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt 
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.)

Thiền Sư Mãn Giác đã truyền tâm ấn cho Thiền Sư Bản Tỉnh trước khi mất, với bài kệ Cáo Tật Thị Chúng (Có bệnh bảo mọi người) là bài kệ nổi tiếng nhất, được nhiều người Việt Nam biết đến nhất. Bài kệ không chỉ đại diện cho Thiền Tông Việt Nam mà còn đại diện cho thi văn đời Trần.

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
-
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Sự đời trôi đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.)

Ý của bài kệ, cuộc đời không có trước, không có sau. Đến hay đi cũng chỉ là một, không có cái mất, không có cái còn.

Cụ Nguyễn Trải là người vô cùng yêu mai, và ông ta giải thích qua bài Đề Hoàng Ngự Sử Mai Tuyết Hiên:

Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà? 
Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết 
-
(Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu? 
Vì tuyết trắng, mai thơm và tinh khiết) 

Có lẽ người sùng bái mai nhất ở VN là cụ Cao Bá Quát:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
-
(Xuôi ngược mười năm tìm cổ kiếm
Suốt đời chỉ bái lạy hoa mai)

(Hoa Đẹp VN)

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du nhắc nhiều tới Mai, như song mai, hồn mai, giấc mai, trướng mai… Vì quá yêu mai nên trong khi đị sứ sang Tầu, cụ đã ở lại Từ Châu trong ba tháng lạnh để chờ xem mai:

Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt 
Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa 
-
(Chịu cam khổ qua ba tháng rét
Nơi đầu sơn vui ngắm mai hoa.)

Cụ Đào Tấn quá yêu mai nên lấy hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, trối khi chết đem chôn trên Mai Sơn:

Núi Mai rồi gởi xương mai nhé
Ước được hoa mai hóa mộng hồn.

Các nhà thơ tên tuổi gần đây thường nhắc đến mai, cảm tác mai là Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Bùi Giáng, Nguyễn Bính...
Chúng tôi rất thích bài Tết Đề Mai của Vũ Hoàng Chương:

Cao sâu từng nhập bóng cây già 
Cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa 
Vườn trải băng sương trăm thức cỏ 
Xuân còn thúy vũ một cành hoa 
Lòng nghe nắng ấm say đôi chút 
Cánh để men hồng nhuốm phớt qua 
Vang tiếng chim xanh về hót đấy 
Bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa

Trên 50 năm qua, chúng tôi chưa từng được được ngắm Lão Mai, những cây mai già sum sê hoa, ở đây có chăng thường thấy được Mai Tứ Quý tức Mickey-mouse, mai có tên Mỹ như vậy, vì khi đài hoa thành đỏ thì đậu hai trái màu đen giống như hình con chuột Mickey. Mỗi mùa Tết, hoa Forsythia có hoa vàng li ti gọi là Mai Mỹ cũng bày bán rất nhiều ở các chợ VN. Forsythia thuộc họ Oleaceae, nằm trong gia đình Olive, không liên quan gì với họ Mai, họ Mơ. Hoàng mai Việt Nam cũng có trồng ở California, nhưng chưa từng có được những chậu lão mai như ở VN. Mong rằng ngày Tết này các Lão Mai VN sẽ nhớ đến những người đi xa.
Tóm lại, Mai và Tết đi liền nhau, có Tết, có Mai và ngược lại, Tết Nguyên Đán đã trở thành hồn dân tộc, cánh mai vàng cũng đã trở thành hồn dân tộc. Năm mới chúc mọi người Việt đều có tâm hồn, ý chí của Ngự Sử Mai. Và chúng tôi xin gởi đến các bạn lời chúc đầy đủ cả an khang, phước, lộc... trong năm mới:

XUÂN HY VỌNG
(Cách cú đối, Tung Hoành Trục Khoán)

ĐỪNG lo! PHÚC sẽ đến nay mai
BẢO khẽ cùng nhau sẽ phát TÀI
XUÂN đến ngàn cây đơm MỸ LỘC
TÀN dần cam khổ LỢI DANH khai
HOA phô muôn sắc dâng KHANG THỊNH
RỤNG bớt lo sầu PHÚ QUÝ lai
HẾT Tết, rượu còn mừng chữ THỌ
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT CÀNH MAI






No comments:

Post a Comment