Saturday, February 17, 2018

KHI QUÁ KHỨ ĐƯỢC DÀNH TẶNG TƯƠNG LAI (Nguyễn Thị Hậu)




Nguyễn Thị Hậu
Viet-Studies 17-2-2018

Vài năm qua tôi có dịp đi đến một số thành phố ở các quốc gia châu Âu như Đức, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Áo, Sec, Slovakia, Hunggaria, Nga… và nhiều nhất là PhápĐó là các thành phố du lịch nổi tiếng, không chỉ vì ở trung tâm của Châu Âu mà còn vì, và quan trọng hơn, là những thành phố “di sản văn hóa”.

Tại đó ta có thể nhìn thấy di tích lịch sử văn hóa có ở khắp nơi: làng cổ, đô thị xưa, thành quách lâu đài, cung điện, nhà thờ hàng trăm năm tuổi, phố xá nhà cửa quán ăn kiến trúc và vật liệu xây dựng thấm đẫm truyền thống… Có những di tích đơn lẻ nhưng phần nhiều tập hợp thành một quần thể được bảo tồn đồng bộ tạo thành cả một “không gian di sản văn hóa. Những thành phố du lịch là dù lớn hay nhỏ, có từ thời cổ xưa hay mới hình thành vài chục năm… tất cả đều lấy ngôi làng, khu vực trung tâm, thị trấn nhỏ có niên đại sớm nhất ở đó để làm “điểm tựa” cho sự phát triển của thành phố. Quy hoạch này nhất quán qua nhiều thời đại, thể hiện truyền thống tôn trọng lịch sử. Ngày nay đến đó du khách không chỉ được ngắm nhìn mà còn được cảm nhận, trải nghiệm qua tham quan, mua sắm, ẩm thực, lễ hội… những sinh hoạt “đậm đà bản sắc” của từng thành phố, vùng miền. Bảo tồn và phát triển từ di sản văn hóa và kinh tế là như thế.

Chỉ quan sát riêng một loại hình là nhà thờ, tu viện cổ đã thấy sự nghiêm túc trong khoa học bảo tồn và sự nhân văn trong ứng xử với niềm tin của con người. Ở Nga, đi đến đâu cũng nhìn thấy những nhà thờ, tu viện đang trùng tu, sửa chữa và cả xây mới. Nhiều nhà thờ có niên đại khoảng thế kỷ 11,12 đã được xây dựng lại theo hình thức cũ, không quá to lớn nhưng tinh tế và duyên dáng với hai màu xanh trắng. Một số nhà thờ từng là những trung tâm của Chính thống giáo Nga ở các thành phố lớn cũng được phục dựng lại theo nguyên bản, trong đó công trình vĩ đại nhất có thể kể đến là Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ - trung tâm của Giáo Hội Chính Thống Nga, quy mô cao nhất và lớn nhất trên thế giới, tọa lạc ở thủ đô Moskva bên bờ sông Moskva.

Ở đâu cũng vậy, những ngôi nhà thờ cổ xưa hoặc nhà thờ trung tâm đều là điểm du lịch thu hút rất đông khách tham quan, tìm hiểu. Một số nhà thờ trong quá trình trùng tu đã phát hiện di tích khảo cổ và tiến hành bảo tồn tại chỗ, trở thành một bộ phận di sản và làm tăng giá trị văn hóa – lịch sử của nhà thờ. Nhà thờ ở các nước châu Âu không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn tiêu biểu cho kiến trúc và kỹ thuật xây dựng một thời kỳ, là những bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, là dấu ấn lịch sử lâu dài cùng những biến động có ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới hiện đại. Bảo tồn những nhà thờ cổ không chỉ vì một niềm tin tôn giáo truyền thống của cộng đồng, mà trên hết chính quyền và xã hội đã hành xử nhân văn với một bộ phận quan trọng, độc đáo và vĩ đại của của nền văn hóa thời trung cổ ở châu Âu. Đồng thời, nguồn thu từ phục vụ du lịch của các nhà thờ cũng không hề nhỏ, đủ khả năng trang trải chi phí bảo vệ và hoạt động phục vụ du lịch của nhà thờ.

Cách thức bảo tồn, quản lý, khai thác di sản còn cho thấy di sản tham gia vào đờisống đương đại trước hết là vì cộng đồng – chủ nhân của di sản. Ngay trong một làng nhỏ hay thị trấn bình thường dấu tích quá khứ hiện diện mỗi ngày và được trân trọng như là báu vật. Đó là ngôi nhà thờ trong đó còn lưu giữ những bức bích họa trên vòm trần hay bức tranh kính trên khung cửa cao. Là quảng trường trung tâm có Trụ sở của làng/trấn, xung quanh có mấy vòi nước cổ đúc bằng gang có cần gạt tay còn sử dụng được, là vài tiệm cà phê, tiệm ăn lâu đời của người địa phương, “cha truyền con nối” phục vụ du khách những món ăn truyền thống với phong cách chuyên nghiệp không thua tiệm ăn ở thành phố lớn. Không gian công cộng trở thành “tài sản chung” bởi nó là ký ức của bao thế hệ dân làng, rồi lại được thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và làm đẹp hơn. Di sản tiếp tục được hình thành từ đó.

Không thể không nhắc đến những bảo tàng nho nhỏ ở khắp nơi, trưng bày nhiều chủ đề khác nhau nhưng phổ biến nhất là về lịch sử địa phương. Có thể là một địa điểm khai quật khảo cổ, một tu viện cổ, ngôi nhà của một nhân vật, hay đơn giản là một tiệm ăn có sản xuất bia từ lâu đời… Tất cả đều trở thành bảo tàng chân thực, khoa học và hấp dẫn. Bảo tàng thường không ồn ào đông đúc, không có người thuyết minh nhưng ai đã vào xem thì chăm chú  xem đến hết. Không phải bảo tàng nào cũng trưng bày “hiện đại” bằng phương tiện multimedia mà phần lớn chỉ có hiện vật – bằng chứng của sự thật, sự thật dù nhỏ vẫn mang lại cho người xem hiểu biết hữu ích thậm chí là một khám phá.

Quan sát “cuộc sống” của những di sản văn hóa đô thị ở các quốc gia này, có thể nhận thấy giữa bảo tồn và bảo tàng không hề tách rời, bảo tồn di tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, những “bảo tàng mở’ mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất, tiếp nhận những giá trị lịch sử – văn hóa một cách phong phú hấp dẫn nhất.

Bảo tồn di sản văn hóa cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích, mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị. Một đô thị mà lịch sử luôn hiện diện trên đường phố bằng từng viên gạch, từng ngôi nhà bằng những tượng đài tuyệt đẹp. Một đô thị được lưu giữ ký ức bằng những công trình cổ xưa, bằng âm nhạc cổ điển bằng những bức danh họa… trong từng ngôi nhà từng quán hàng từng tiệm cà phê… Lịch sử và ký ức đô thị hiện lên thật đẹp, vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Di sản văn hóa được lưu truyền như một vẻ đẹp vĩnh cửu.

Sài Gòn 7.12.2017









No comments:

Post a Comment