Saturday, February 3, 2018

BẢN TIN TỐI 3/2/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên viết: Chưa đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào môn ngữ văn phổ thông là có tội với lịch sử. Bài báo bàn về “ý thức chủ quyền” của những quan chức làm giáo dục ở Việt Nam: “Trong danh mục các tác phẩm được Ban Soạn thảo dự kiến đưa vào chương trình ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 chưa thấy có tác phẩm văn học nào nhắc đến các sự kiện liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa trong 54 năm qua”.

Tác giả cho biết: “Có nhà văn đặt câu hỏi, không lẽ bản đồ chủ quyền của nước VN luôn có Trường Sa, Hoàng Sa mà ‘Bản đồ ngữ văn phổ thông’ lại bỏ trống, trách nhiệm này thuộc về ai?”Câu trả lời thỏa đáng có khả năng làm mất lòng các lãnh đạo muốn duy trì “tình hữu nghị” với “bạn vàng”.

Các quan chức CSVN từ lâu đã đưa sự kiện Tết Mậu Thân vào SGK và tuyên truyền với nhiều thế hệ học sinh rằng đó là “chiến thắng”. Tuy nhiên, họ lại không dám đưa vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK.

Báo VnExpress đưa tin: Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ mục tiêu ngoại giao 2018. Theo đó, “lãnh đạo hai nước đã nhất trí từng bước giải quyết ổn thỏa bất đồng trên Biển Đông. Hai bên cho rằng tuy đây không phải là toàn bộ quan hệ hai nước nhưng là vấn đề hết sức hệ trọng. Điều cấp thiết hiện nay là hai bên cần thể hiện rõ quyết tâm cùng nhau kiểm soát tốt tình hình trên biển”.

Nói cách khác, bất chấp chuyện Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, củng cố hệ thống căn cứ trên các đảo nhân tạo, triển khai thêm khí tài, máy bay, tàu chiến, lãnh đạo CSVN vẫn sẽ duy trì quan hệ với “bạn vàng”, “kiên quyết” không để các “thế lực thù địch” làm ảnh hưởng tới “tình cảm” giữa “2 đảng anh em”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Nguyễn Đức Giang chia sẻ“Đêm hôm nay Hà nội rét xuống dưới 10 độ. Vào thăm bà con dân oan miền nam đang sống vất vưởng quanh số 1 Ngô Thì Nhậm là nơi tiếp đơn khiếu kiện của chính phủ, nghe bà con kể lại cảnh mất đất mà căm phẫn, xót xa cho thân phận người Việt bị cướp đất”.

Video clip của Facebooker Nguyễn Đức Giang ghi lại cảnh người dân oan mất đất, kể chuyện: https://www.facebook.com/giang.nguyenduc/videos/1563986397050867/

Ngày 3-2 và chiến dịch “đốt lò”
Báo Zing có bài: Lòng dân – thế nước và thông điệp chỉnh đốn Đảng của Tổng bí thư. Bài viết dẫn lời TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đi nhiều nơi, tiếp xúc qua nhiều kênh, hiểu rõ lòng dân thì thấy mừng, vì nhân dân đồng thuận rất cao, luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Bác Tổng không nói rõ bác tiếp xúc những “kênh” nào để có thể chắc chắn “nhân dân đồng thuận rất cao”.

Theo bác Tổng, “xây dựng, chỉnh đốn Đảng song hành với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững”. Vậy là bác Tổng tin rằng chiến dịch thanh lý nội bộ có thể giải quyết cả những vấn đề kinh tế của đất nước?

Dịp sinh nhật lần thứ 88 của đảng CSVN, nhiều tờ báo trong nước khai thác chủ đề: Niềm tin và tư tưởng. Báo Sài Gòn Giải Phóng viết: Niềm tin và sự trưởng thành, báo Đồng Khởi có bài: Sức mạnh của ý chí và niềm tin, báo Petro Times viết: Khi niềm tin dâng trào... Các bài được viết với mục đích kêu gọi này thể hiện cơn khát “niềm tin” của đảng CSVN, muốn dân tin vào đảng, yếu tố quyết định sự tồn vong của thể chế.

Bài: Xây dựng Đảng xứng với niềm tin của Nhân dân, của trang Kinh Tế Đô Thị có đoạn bàn về hiện tượng “tự diễn biến”, một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của các lãnh đạo CS hiện nay: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tới ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”. Nỗi sợ vẫn hiện diện trong chính các bài viết thể hiện “sự lạc quan” của đảng CSVN.


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng
Báo Dân Việt đưa tin: Chánh VP Thành ủy Đà Nẵng nói về việc thư ký ông Xuân Anh ở nhà Vũ ‘nhôm’. Theo bài viết, ngay sau khi được Vũ “nhôm” chính thức “tặng” nhà, gia đình ông Hồ Ánh, cựu thư ký của ông Nguyễn Xuân Anh “lập tức chuyển hộ khẩu về địa chỉ nhà 51 Nguyễn Thái Học. Trước đó, từ năm 2012, khi là chuyên viên Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, gia đình ông Hồ Ánh cũng đã làm sổ tạm trú tại địa chỉ 51 Nguyễn Thái Học”.

Tác giả dẫn lời ông Hồ Ánh giải thích với báo giới: “Mình trả nhà cho người ta rồi đâu còn ở đó. Nói ủy quyền thì thực ra cũng không đúng lắm, mình chỉ mượn ở tạm vì lúc đó nhà đang bỏ không. Còn ủy quyền là để mình nhập hộ khẩu, có hộ khẩu Đà Nẵng cho mấy cháu đi học”.

Nhà của Vũ “Nhôm” “cấp” cho gia đình ông Hồ Ánh (từ trái, thứ hai) liền kề với các căn nhà của cựu Bí Thư Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: LĐ/NV


Một người làm quan, cả họ… ăn theo
Trang Infonet đưa tin: Vợ, con thăng tiến nhanh, Phó bí thư Thành ủy bị yêu cầu… rút kinh nghiệm. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình “vừa yêu cầu rút kinh nghiệm đối với ông Hà Quốc Phong-Phó bí thư Thành ủy Đồng Hới vì liên quan đến sự thăng tiến trong công việc của vợ và con trai”.

Bài báo cung cấp thông tin: Con trai ông Phong  vừa “vào làm việc tại Thành đoàn Đồng Hới”, đã được quan chức Thành ủy “giới thiệu để bầu vào chức vụ Uỷ viên Ban Thường vụ Thành đoàn”, rồi được “bầu giữ chức vụ Bí thư Thành đoàn nhiệm kỳ 2017-2022”. Còn vợ ông Phong được “bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng phòng TC-HC của Trung tâm Công viên-Cây xanh không đúng quy định”. Với “thành tựu” như vậy, ông Phong chỉ phải… rút kinh nghiệm.

Ông Hà Quốc Phong-Phó bí thư Thành ủy Đồng Hới (bên phải) trong lễ phát động tháng Thanh niên năm 2017. Ảnh: Thành đoàn Đồng Hới


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm
Trong phiên xử sáng nay, đại diện VKS đề nghị có hình phạt đích đáng cho Trịnh Xuân Thanh, theo báo Tuổi Trẻ. Về chuyện Trịnh Xuân Thanh khẳng định: “VKS biến không thành có” trong phiên xử hôm qua, đại diện VKS đáp lại: “Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập trong điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

LS Trần Hồng Phúc phản biện rằng: “Hồ sơ vụ án khai một đằng, tại toà khai một nẻo, nhưng theo tinh thần cải cách tư pháp, cần tôn trọng lời khai tại phiên toà chứ không chỉ căn cứ vào lời khai trong hồ sơ vụ án để nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, khai báo gian dối”.

Sau khi phần tranh luận kết thúc, HĐXX cho phép các bị cáo nói lời sau cùng. Lần thứ hai nói “lời sau cùng”, Trịnh Xuân Thanh bày tỏ: Mong được chết trong vòng tay vợ con, báo Người Lao Động đưa tin. Theo bài báo, “bước lên bục khai báo nói lời sau cùng, Trịnh Xuân Thanh cho biết trong thời gian ở trại giam B14, có những ngày đã không ngủ được vì nhớ vợ con”.

Trịnh Xuân Thanh lại dùng chủ đề gia đình để xin tòa lượng hình: “Nguyện vọng của bị cáo là sau khi có án, bị cáo được gần với vợ con, nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con”. Điều “lạ” là những người bị kết án “phản động”, dù có gia đình, con cái, vẫn không dựa vào đó để xin giảm án.

VTC đưa tin: Em trai ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng, mong được giảm hình phạt về chịu tang cha. “Noi gương” người anh, ông Đinh Mạnh Thắng nói: “Kính mong HĐXX phán xử một cách công tâm, để mức án thấp hơn so với đề xuất của VKS. Bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để nhanh chóng trở về với gia đình và xã hội, và nhất là về chịu tang người cha mới mất cách đây không lâu của bị cáo”.


Công an “nhân dân”
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Tác động cấp đất sai, trưởng công an huyện bị cảnh cáo. Theo bài viết, trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, đã “can thiệp, tác động để cấp đất trái quy định pháp luật, dẫn đến hàng chục ha rừng bị triệt hạ, phá trắng”. UBKT Tỉnh ủy Phú Yên quyết định “kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân”.

“Thành tựu” chiếm đất, phá rừng của viên trưởng Công an huyện Đồng Xuân: “Ông Tân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, tác động đến lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân ký xác nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN). Từ đó UBND huyện Đồng Xuân cấp ba GCN trái quy định pháp luật”. Mặc dù “hàng chục ha rừng bị triệt hạ, phá trắng”, nhưng người cầm trịch chỉ “bị cảnh cáo”, và tiếp tục làm công an “nhân dân”.

Từ chuyện cấp đất trái pháp luật, hàng chục ha rừng ở huyện Đồng Xuân đã bị phá trắng. Ảnh: PLTP


Vụ công an Phú Quốc bêu danh người mua dâm
Báo Đất Việt có bài: Sau bêu tên mua bán dâm, lại đi tìm để xin lỗi. Bài viết dẫn lời Đại tá Phạm Trung Thành, người phát ngôn công an tỉnh Kiên Giang, giải thích lý do chưa thể xin lỗi công khai người mua dâm vừa bị bêu danh: “Mấy ngày nay anh em đã nỗ lực đi tìm 2 người bị bêu tên trên vỉa hè để xin lỗi nhưng chưa gặp được”.

Tác giả bình luận: “2 người này đã xấu hổ quá mà bỏ về quê, giờ họ sẽ trốn được thành công, hay lại tiếp tục bị tìm ra để các đồng chí công an Dương Đông xin lỗi, thật là bi hài kịch… một buổi xin lỗi công khai và rầm rộ, đương nhiên trong buổi xin lỗi sẽ phải trình bày rõ lý do vì sao phải xin lỗi, thế là màn xúc phạm công khai kia sẽ bị khơi lại”.


Vấn đề đất đai
Bài đầu tiên trong loạt bài trên trang Môi Trường Và Đô Thị: Thái Nguyên: Đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ai cho phép? Tác giả cho biết, “tại xã Kha Sơn và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên… không ít những quả đồi trên địa bàn đã bị san phẳng, số còn lại thì đang ‘mấp mé’ nguy cơ bị ‘xẻ thịt’ bất cứ lúc nào”.

Bài viết nêu bằng chứng thể hiện sự tiếp tay của chính quyền địa phương dành cho các nhóm khai thác đất: “Đất ở Phú Bình vẫn đã, đang và sẽ bị khai thác trái phép một cách ngang nhiên. Không chỉ thế, việc đất đồi bị ‘lấy cắp’ với người dân địa phương là chuyện quá quen thuộc, quen đến nỗi họ còn ‘khoe’ rằng: ‘Đêm hôm nọ (30/1), nó còn chở 40, 50 xe (đất) đi cơ’.”

Số phận của nhiều quả đồi ở Phú Bình, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ảnh: MT&ĐT

Một mặt, ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, khẳng định: “Đất trong huyện không được phép mang đi dù chỉ một hạt”. Mặt khác, “khoảng 12h30 ngày 31/1, PV phát hiện khu vực đất đồi ở thôn Tổ Tây, thị trấn Hương Sơn đang bị múc xẻ công khai”. Có lẽ vì lực lượng khai thác đất không thèm vài ba hạt, mà lấy cả xe tải đất, nên ông Giao thấy không cần giữ lời hứa!?

Cơ quan chức năng “bó tay” hay “thông cảm” trước những xe tải chở đất giữa ban ngày? Ảnh: MT&ĐT


Sự tích “quả đấm thép”
Trang An Ninh Tiền Tệ bàn về dự án thua lỗ thứ 13 ngành Công Thương: Nếu triển khai, cả đời dự án tiếp tục lỗ. Bài viết nêu ý kiến của Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: “Nếu tiếp tục triển khai để  đưa vào hoạt động thì hiệu quả của dự án sẽ không bảo đảm, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ. Nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi”.

Bộ Công Thương cho biết “đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị và sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành. Điều hết sức quan trọng là cố gắng bảo đảm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và CHDCND Lào”. Vậy là hàng ngàn tỷ đầu tư cho dự án muối mỏ hầu như chắc chắn “mất tích”, cùng với một số hệ lụy về chính trị, ngoại giao.


Giáo dục Việt Nam: Thêm “chức danh”, thêm chuyện mờ ám
Về hiện tượng “lạm phát” giáo sư ở Việt Nam năm 2017, trang Infonet có bài phỏng vấn: “Bùng nổ” giáo sư, phó giáo sư vì sao? Bài báo dẫn lời GS Nguyễn Văn Tuấn giải thích: “Có một sự thật khác là đa số những bài báo ngành y từ Việt Nam là do người nước ngoài đứng tên tác giả chính (có lẽ vì họ chủ trì đề tài nghiên cứu) và người Việt chỉ đứng tên tác giả phụ. Theo tôi biết thì hội đồng chưa xem xét đến vị trí và vai trò của tác giả trong các công bố quốc tế”.

Ông Tuấn phân tích thêm: “Ở Việt Nam, tôi nghĩ động cơ để xin công nhận chức danh giáo sư có khi xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở. Theo tôi biết thì có qui định trường đại học phải có giáo sư hay phó giáo sư và số tiến sĩ mới có thể mở ngành đào tạo”. Nói cách khác, có những “giáo sư” đã tìm cách lấy chức danh vì đồng tiền.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: “Lò ấp tiến sĩ” chưa đàng hoàng với người tố cáo. Bài báo đưa tin, TS Hồ Xuân Mai đã “nhận được thông báo của Học viện Khoa học xã hội, từng được mệnh danh là ‘Lò ấp tiến sĩ’ liên quan đến Kết luận nội dung tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên xào sách vào ngày 22/01”. Tuy nhiên, “con dấu bưu cục trên bì thư được đóng dấu ngày 26/12/2017 gửi thông báo trả lời nhưng trong thông báo lại được ký ngày 15/01/2018”.

Bì thư trả lời Tiến sĩ Hồ Xuân Mai liên quan đến đơn tố cáo được đóng dấu ngày 26/12/2017 nhưng Thông báo Kết luận vụ việc được đề ngày 15/01/2018. Ảnh: GDVN

Về chuyện TS Trần Phương Nguyên đạo văn, Tiến sĩ Hồ Xuân Mai nhận định: “Tôi có cảm giác Hội đồng chỉ đọc một số trang đầu nên không phát hiện được chỗ ‘cắt xén’ của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên. Những đoạn dưới chép lên đoạn trên và cố tình xóa đi dấu vết thì không thể nói là vô tình được”.


***


Tin Thế Giới

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Trump cho công bố ghi chú mật, tăng cường công kích cuộc điều tra Nga. Bản ghi chú mật này do dân biểu Devin Nunes, một  đồng minh của Trump viết, cáo buộc FBI thiên vị, chống lại ông Trump.  Trump nói sau khi bản ghi chú công bố: “Rất nhiều người nên thấy xấu hổ“.

Sau khi tài liệu mật này được công bố, ông Comey, cựu Giám đốc FBI, là người bị Trump sa thải 9 tháng trước, viết trên Twitter: “Chỉ có thế thôi? Bản ghi nhớ không trung thực và lừa dối đã phá hoại Ủy ban Tình báo Hạ viện, phá huỷ lòng tin với Cộng đồng Tình báo, hủy hoại mối quan hệ với Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA court) và phơi bày cuộc điều tra kín, không thể bỏ qua, về một công dân Mỹ. Để làm gì? Bộ Tư pháp và FBI phải tiếp tục công việc của họ“.

Sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Trump hôm 30/1, dân biểu Alan Lowenthal đã ra thông cáo đả kích Trump về vấn đề di trú. VOA đưa tin: Dân biểu Lowenthal phản đối Trump về đề nghị dẹp bảo lãnh thân nhân. Dân biểu Lowenthal, đại diện quận hạt 47, California, nơi có đông người gốc Việt sinh sống, đã lên tiếng về những phát biểu không đúng của Trump.

Ông Lowenthal nói trong thông cáo: “Tổng thống Trump còn tiếp tục phát biểu sai trái khi ông gọi chính sách đoàn tụ gia đình của Hoa Kỳ là ‘di dân dây chuyền,’ và kết luận sai lầm khi Tổng thống cho rằng một di dân vào Hoa Kỳ có thể sẽ đem theo được vô số người thân khác vào định cư Hoa Kỳ – cho dù trên thật tế, luật hiện hành không cho phép điều này”.


Tin Trung Quốc
Trang Kiến Thức có bài: Sự thật “chấn động” đằng sau vụ rơi máy bay quân sự Trung Quốc. Vụ máy bay quân sự rơi ở Quý Châu, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các binh sĩ nước này, một nguồn tin từ giới chức quân sự TQ cho biết.

Nguồn tin này còn tiết lộ: “Trên máy bay không được trang bị ghế phóng, vì vậy phi công và phi hành đoàn chỉ có thể dựa vào những chiếc dù. Tuy nhiên, họ không có đủ thời gian để nhảy ra ngoài vì máy bay rơi quá nhanh“.

Chiêu dụ kiều bào nước ngoài về nước: Trung Quốc cấp visa 5 năm cho người ‘gốc Hoa’: Bước đi bành trướng mới?Trung Quốc vừa ban hành quy chế đặc biệt, cho phép người nước ngoài “gốc Hoa” có visa ở lại Trung Quốc 5 năm, thay vì 1 năm như trước đây. Nhưng chính sách này không áp dụng với những người bị xem là “bất đồng chính kiến”.
Tiến sĩ Chongyi Feng, thuộc trường Đại học Kỹ thuật Sydney, Úc, nói với đài ABC: “Nếu đây là một chính sách mới, thì nên được áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không nên chỉ nhắm vào những người được gọi là ‘yêu nước’, hoặc các lãnh đạo cộng đồng [Hoa kiều] đang tham gia vào sự phát triển của đất nước Trung Quốc”.

BBC có bài về ba nhà hoạt động trẻ, lãnh đạo phong trào Dù ở Hồng Kông được các dân biểu Mỹ đề cử giải Nobel Hòa Bình: Nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông được đề cử Nobel Hòa Bình. Anh Hoàng Chí Phong nói Reuters: “Tôi tin rằng đề cử sẽ cho cộng đồng quốc tế và [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình thấy rằng thế hệ trẻ sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ như thế nào, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với án tù hoặc lệnh cấm hoạt động chính trị vĩnh viễn“.


***

***

***








No comments:

Post a Comment