Joseph Nye
Huỳnh
Hoa dịch
Viet-Studies 26-1-2018
Quyền lực
bén đe dọa quyền lực mềm như thế nào
Những
cách thức đúng và sai trong việc ứng phó với ảnh hưởng của chế độ chuyên chế
Joseph
S Nye Jr. (*)
*
Washington
đang vật lộn tìm một thuật ngữ mới miêu tả một mối đe dọa cũ. “Quyền lực
bén” (sharp power) - được Christopher Walker và Jessica Ludwig
của Quỹ quốc gia vì Dân chủ (National Endowment for Democracy) đặt ra trong bài
viết trên Foreign Affairs.com và trong một bản báo cáo dài
hơn, đề cập tới cuộc chiến tranh thông tin được tiến hành bởi các cường quốc
chuyên chế ngày nay, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.
Trong
một thập niên qua, Bắc Kinh và Moscow đã chi tiêu hàng chục tỷ đô la Mỹ để định
hình quan niệm và hành vi của công chúng khắp thế giới – sử dụng các công cụ mới
và cũ nhằm khai thác sự bất đối xứng về độ mở giữa hệ thống chính trị hạn chế tự
do của họ và các xã hội dân chủ. Tác động có tính toàn cầu, nhưng ở Hoa Kỳ, mối
quan tâm được tập trung vào sự can thiệp của Nga tới cuộc bầu cử tổng thống năm
2016 và vào những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát cuộc thảo luận về các đề
tài nhạy cảm trên các xuất bản phẩm, phim ảnh và trường học ở Mỹ.
Trong
báo cáo ở Quỹ quốc gia vì Dân chủ, Walker và Ludwig cho rằng, sự bành trướng và
thủ đoạn tinh vi của quyền lực bén của Nga và Trung Quốc thôi thúc các nhà hoạch
định chính sách Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác phải suy nghĩ lại những công cụ
mà họ sử dụng để ứng phó. Hai học giả này đối lập quyền lực bén, dùng để “xuyên
qua, thâm nhập hoặc đục thủng môi trường chính trị và thông tin ở các quốc gia
mục tiêu”, với “quyền lực mềm” sử dụng sức hấp dẫn của văn hóa và hệ giá trị để
nâng cao sức mạnh của một quốc gia. Họ cũng cho rằng, các chế độ dân chủ không
nên chỉ “tự phòng ngừa chống lại những ảnh hưởng ranh ma của các chính thể
chuyên chế” mà còn phải “có thái độ quyết đoán hơn vì những nguyên tắc của
chính mình”.
Ngày
nay, những thách thức của cuộc chiến tranh thông tin mà Trung Quốc và Nga tiến
hành là có thật. Nhưng đối mặt với thách thức ấy, các chính phủ và xã hội dân
chủ nên tránh bị rơi vào nỗi cám dỗ phải bắt chước những phương pháp của đối
phương. Điều đó có nghĩa là hãy thận trọng, không phản ứng quá mức với quyền lực
bén theo những cách có thể gây phương hại cho lợi thế thật sự của chế độ dân chủ.
Ngay cả ngày nay, những lợi thế đó sinh ra từ quyền lực mềm.
SỨC
BỀN CỦA QUYỀN LỰC MỀM
Trong
chính trị quốc tế, quyền lực mềm (khái niệm mà tôi sử dụng lần đầu trong cuốn
sách năm 1990) là khả năng tác động tới người khác bằng sức hấp dẫn và sự thuyết
phục hơn là thông qua sức mạnh cứng của sự ép buộc và mua chuộc. Quyền lực mềm
tự nó là không đủ; nhưng khi kết hợp với quyền lực cứng, sức mạnh của nó được
nhân lên nhiều lần. Sự kết hợp như vậy tuy không mới (Đế quốc La Mã cổ đại dựa
trên sức mạnh của các binh đoàn La Mã lẫn sức hấp dẫn của nền văn minh La Mã)
nhưng là trọng tâm đặc biệt của giới lãnh đạo Hoa Kỳ. Quyền lực dựa trên đạo
quân của ai sẽ thắng, nhưng nó cũng dựa trên câu chuyện của ai sẽ thắng. Một
câu chuyện tự sự vững chắc là một nguồn sức mạnh.
Quyền
lực mềm tự nó không tốt hay xấu. Vắt óc suy nghĩ không nhất thiết là tốt hơn
luyện vung gươm. Osama bin Laden đã không đe dọa, cũng không trả tiền cho những
tên khủng bố đã lao máy bay vào Trung tâm Thương mại thế giới – ông ta lôi kéo
chúng bằng ý tưởng của mình. Nhưng mặc dù quyền lực mềm có thể được dùng cho những
cứu cánh độc ác, những phương thức của nó dựa trên sự tự nguyện, mà từ quan điểm
về sự tự chủ của con người, đây vẫn là điều đáng được ưa chuộng.
Quyền
lực bén, trái lại, dựa trên sự khích lệ bằng mua chuộc hoặc cưỡng ép bằng đe dọa.
Nếu ai đó dí súng vào đầu bạn và đòi bạn phải đưa ví tiền cho hắn, thì bạn muốn
gì hoặc nghĩ gì không thành vấn đề. Đó là quyền lực cứng. Còn nếu như kẻ đó cố
gắng thuyết phục bạn tự nguyện đưa ví tiền của bạn cho hắn thì mọi chuyện tùy
thuộc vào điều bạn muốn hoặc bạn nghĩ. Đó là quyền lực mềm.
Quyền
lực bén - sử dụng thông tin có tính lừa đảo cho những mục đích thù địch - là một
kiểu quyền lực cứng. Việc lũng đoạn các ý tưởng, các quan niệm chính trị và các
tiến trình bầu cử đã có một lịch sử lâu dài. Cả Hoa Kỳ và Liên xô đều sử dụng
các phương pháp này trong thời Chiến tranh Lạnh. Các chính phủ chuyên chế từ
lâu đã cố sử dụng tin giả gây rối loạn xã hội để làm giảm sức hấp dẫn của chế độ
dân chủ. Trong thập niên 1980, KGB [cơ quan tình báo Liên-xô] gieo rắc tin đồn
rằng bệnh AIDS là sản phẩm của chính phủ Hoa Kỳ khi thử nghiệm vũ khí hóa học;
tin đồn bắt đầu từ một bức thư nặc danh gởi tới một tờ báo nhỏ ở New Delhi, Ấn
Độ rồi lan truyền ra toàn cầu nhờ các đài báo đăng lại, lặp lại thường xuyên và
rộng rãi. Năm 2016, một phiên bản cập nhật của chính kỹ thuật đó được sử dụng để
tạo ra vụ tai tiếng “Pizzagate” – lời đồn sai sự thật rằng
giám đốc chương trình tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton đã lạm dụng trẻ
em trong một nhà hàng ở thủ đô Washington.
Ở
đây cái mới không phải là mô thức căn bản mà là tốc độ mà những tin giả như vậy
có thể lan truyền và chi phí cực thấp để phát tán nó. Điện tử thì rẻ hơn, nhanh
hơn, an toàn hơn và dễ phủ nhận hơn là các điệp viên. Với những đội quân troll và botnet (**)
được trả tiền, cùng với những cơ quan truyền thông như đài Russia Today (nước
Nga ngày nay - RT), trang mạng Sputnik, cơ quan tình báo Nga, sau
khi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính lưu trữ thư điện tử của Ủy ban toàn
quốc đảng Dân chủ và các viên chức cao cấp phụ trách chương trình tranh cử của
bà Hillary Clinton, đã có thể làm rối loạn, làm sao nhãng các chu kỳ tin tức từ
tuần lễ này sang tuần lễ khác.
Nhưng
nếu như quyền lực bén đã làm rối loạn các tiến trình dân chủ phương Tây và làm
vấy bẩn thương hiệu của các quốc gia dân chủ, nó lại có tác dụng rất ít trong
việc nâng cao quyền lực mềm của những kẻ chủ mưu sử dụng nó – và trong một số
trường hợp lại phản tác dụng. Đối với nước Nga, từ lâu đã tập trung đóng vai
trò phá rối trong chính trị quốc tế, đó là cái giá chấp nhận được. Trung Quốc lại
có những mục đích khác, đòi hỏi sức mạnh mềm để thu hút cũng như sức mạnh bén
có tính cưỡng ép bằng gây rối và kiểm duyệt. Hai mục đích này khó mà kết hợp được
với nhau. Ở Australia chẳng hạn, sự chấp nhận của công chúng đối với Trung Quốc
đã tăng lên cho tới khi có những báo cáo ngày càng gây hoang mang về việc nước
này sử dụng các công cụ sức mạnh bén để can dự vào chính trị Australia, khiến
cho hình ảnh Trung Quốc bị thụt lùi đáng kể. Theo giáo sư David Shambaugh của
trường Đại học George Washington, tính bình quân Trung Quốc chi ra mỗi năm khoảng
10 tỉ đô la Mỹ cho các công cụ quyền lực mềm nhưng thu lại được rất ít từ khoản
đầu tư này. Bộ chỉ số “Sức mạnh mềm 30” (Soft Power 30 Index)xếp
Trung Quốc ở vị trí thứ 25 (và Nga ở vị trí 26) trong tổng số 30 quốc gia được
khảo sát.
THẾ
TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA NHÀ DÂN CHỦ
Mặc
dù sức mạnh bén và sức mạnh mềm hoạt động theo những cách rất khác nhau song rất
khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng – và đó là một phần làm cho cuộc ứng phó
với quyền lực bén trở nên rất khó khăn. Mọi sự thuyết phục đều liên quan tới khả
năng chọn lựa cách thức dàn dựng thông tin. Chỉ khi nào sự dàn dựng đó chuyển dần
thành sự lừa đảo, hạn chế quyền lựa chọn tự nguyện của chủ thể, thì khi đó nó mới
vượt qua lằn ranh trở thành sự cưỡng ép. Chính cái phẩm chất này – sự cởi mở và
những giới hạn của sự lừa đảo cố tính – phân biệt quyền lực mềm với quyền lực
bén. Điều không may là không phải lúc nào cũng dễ nhận ra nó.
Trong
ngoại giao công cộng, khi đài RT của Moscow hoặc Tân Hoa xã của
Bắc Kinh được truyền phát công khai ở các quốc gia khác, chúng sử dụng quyền lực
mềm, một chuyện nên được chấp nhận cho dù chúng truyền đi những thông điệp
không được hoan nghênh. Nhưng khi đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) lén
lút ủng hộ các đài phát thanh ở các quốc gia khác, điều đó vượt qua lằn ranh để
trở thành sức mạnh bén và cần phải bị vạch trần. Không có sự vạch trần thích hợp,
nguyên tắc tự nguyện sẽ bị phá vỡ. (Sự phân biệt này cũng áp dụng cho chính
sách ngoại giao của Hoa Kỳ: trong thời Chiến tranh Lạnh, việc bí mật tài trợ
cho các đảng chống cộng trong cuộc bầu cử ở Italia năm 1948 và sự hỗ trợ lén lút
của CIA cho Đại hội Tự do Văn hóa là những ví dụ về sức mạnh bén, không phải sức
mạnh mềm).
Môi
trường thông tin ngày nay có thêm nhiều sự rắc rối. Trong thập niên 1960,
chuyên gia phát thanh Edward R. Murrow để ý thấy rằng, phần quan trọng nhất của
truyền thông quốc tế không phải là hàng chục ngàn dặm đường truyền điện tử mà
là sự tiếp xúc cá nhân trong một mét cuối cùng. Nhưng điều đó có nghĩa gì trong
một thế giới các mạng xã hội? “Bạn bè” chỉ cách một cái bấm chuột, và dễ dàng
ngụy tạo ra các bạn bè giả; mạng xã hội có thể truyền bá tin giả do các troll và botnet được
trả tiền tạo ra. Phân biệt lằn ranh phân chia giữa quyền lực bén và quyền lực mềm
trong thế giới trực tuyến đã trở thành một nhiệm vụ không chỉ dành cho các
chính phủ và báo chí mà cho cả khu vực tư nhân.
Khi
các chế độ dân chủ ứng phó với quyền lực bén, họ phải rất cẩn thận để không phản
ứng quá đáng, để không làm suy giảm quyền lực mềm của mình bằng việc đi theo lời
khuyên của những người ủng hộ việc cạnh tranh với quyền lực bén theo mô hình
chuyên chế. Phần lớn sức mạnh mềm sinh ra từ xã hội dân sự - trong trường hợp của
Washington, đó là Hollywood, các trường đại học, các quỹ công ích hơn là những
nỗ lực ngoại giao công chúng chính thức – và nếu đóng lại cánh cửa tiếp cận, hoặc
chấm dứt sự cởi mở sẽ là lãng phí tài sản thiết yếu này. Các quốc gia chuyên chế
như Nga và Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tạo ra quyền lực mềm bởi vì họ
không muốn giải phóng nguồn tài năng lớn lao của các xã hội dân sự của chính họ.
Hơn
thế nữa, dập tắt các công cụ quyền lực mềm hợp pháp của Trung Quốc và Nga có thể
phản tác dụng. Giống như mọi hình thức quyền lực khác, quyền lực mềm thường được
sử dụng cho các mục tiêu cạnh tranh được ăn cả ngã về không, nhưng nó cũng có
thể có tác dụng tích cực. Ví dụ, nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn tránh xung đột,
các chương trình giao lưu trao đổi nhằm gia tăng sức thu hút của Hoa Kỳ đối với
Trung Quốc và ngược lại, có thể là điều tốt cho cả hai quốc gia. Và đối với những
thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, quyền lực mềm có thể giúp xây dựng
lòng tin và xây dựng những mạng lưới tạo thuận lợi cho sự hợp tác. Nhưng, nếu cấm
cản những nỗ lực quyền lực mềm của Trung Quốc chỉ vì đôi khi chúng chuyển dần
thành quyền lực bén là sai lầm, thì việc cũng quan trọng như vậy là cần giám
sát lằn ranh phân chia một cách cẩn thận. Hãy xem 500 viện Khổng tử và 1.000 lớp
học Khổng tử giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc mà Bắc Kinh tài trợ ở các
trường đại học, trường phổ thông khắp thế giới. Sự tài trợ của chính phủ không
có nghĩa chúng nhất thiết là mối đe dọa quyền lực bén. Đài BBC cũng được chính
phủ Anh tài trợ nhưng nó đủ độc lập để luôn là một công cụ quyền lực mềm đáng
tin cậy. Chỉ khi nào các viện Khổng tử vượt qua lằn ranh và cố vi phạm quyền tự
do học thuật như một số trường hợp đã xảy ra thì mới nên coi nó như là quyền lực
bén.
Để
ứng phó với mối đe dọa này, các chế độ dân chủ nên cẩn trọng về các hành vi tấn
công. Chiến tranh thông tin có thể giữ một vai trò chiến thuật hữu ích trên chiến
trường, chẳng hạn như trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Nhưng sẽ là sai lầm của chế độ dân chủ nếu bắt chước các chế độ chuyên chế mà
triển khai các chương trình lớn về chiến tranh thông tin lén lút. Những hành động
như vậy sẽ không che giấu được lâu và khi bại lộ chúng sẽ làm suy giảm quyền lực
mềm.
Trong
khi đó, ở lĩnh vực các biện pháp phòng thủ, có một số bước đi mà các chính phủ
dân chủ có thể áp dụng để chống lại các kỹ thuật chiến tranh thông tin hung
hăng của các chế độ chuyên chế, kể cả việc tấn công mạng vào các tiến trình dân
chủ và các cuộc bầu cử. Các chế độ dân chủ vẫn chưa phát triển được những chiến
lược thích hợp để ngăn chặn và khả năng phục hồi nhanh. Họ sẽ cần phải chú ý
nhiều hơn vào việc bảo đảm các chương trình quyền lực mềm của Nga và Trung Quốc,
như các viện Khổng tử chẳng hạn, sẽ không biến thái thành quyền lực “bén”.
Nhưng sự cởi mở vẫn là cách phòng vệ tốt nhất: đối mặt với thách thức này, báo
chí, giới đại học, các tổ chức dân sự, chính phủ và khu vực tư nhân nên tập
trung vào việc vạch trần các kỹ thuật chiến tranh thông tin, qua việc vạch trần
ấy mà làm cho công chúng trở nên miễn nhiễm.
Điều
may mắn, cởi mở là một lợi thế khác mà chế độ dân chủ có được so với các chế độ
độc tài. Quả thực là sự cởi mở của các xã hội dân chủ đã tạo cơ hội cho các
chính phủ chuyên chế sử dụng các kỹ thuật lâu đời về chiến tranh thông tin.
Nhưng sự cởi mở cũng là cội nguồn chủ yếu sinh ra khả năng hấp dẫn và thuyết phục
của chế độ dân chủ. Ngay cả khi đối phương tăng cường sử dụng quyền lực bén thì
chế độ dân chủ vẫn không có gì phải lo sợ trong cuộc cạnh tranh công khai với
chế độ chuyên chế về quyền lực mềm. Bằng cách tự hạ mình xuống đẳng cấp của các
đối thủ chuyên chế, các nền dân chủ mới phí phạm lợi thế chủ yếu của dân chủ.
*
(*)
Joseph S. Nye Jr. là giáo sư Đại học Harvard, tác giả cuốn Is the
American Century Over? (Thế kỷ Mỹ đã kết thúc?). Ông được coi là cha đẻ của
thuật ngữ “quyền lực mềm” (soft power) để chỉ khả năng thu hút
và thuyết phục của một quốc gia thông qua các phương tiện văn hóa, ngoại giao,
hệ giá trị v.v…
(**) troll,
hoặc internet troll: tiếng lóng trên mạng để chỉ một người cố ý
đăng lên mạng những thông tin gây hấn với ý đồ phá hoại hoặc kích động tranh
cãi. Botnet hay bot, viết gọn của robot hoặc cyber-robot:
chỉ một phần mềm hoạt động trên mạng internet tự động thực hiện một số thao tác
nào đó theo chương trình của người tạo ra nó, thường là những công việc đơn giản
như quét mạng để tìm tin tức tài liệu theo từ khóa, sao chép và phát tán một số
nội dung có chứa những từ khóa định trước v.v…
*
Nguồn :
Joseph
Nye Jr.
How
Sharp Power Threatens Soft Power
Foreign Affairs, 24 January 2018
Foreign Affairs, 24 January 2018
No comments:
Post a Comment