January
25, 2018
Trước
những chú bé từng làm ông lớn hét ra lửa mửa ra đô-la, nay xun xoe xin xỏ, sụt
sùi kể khổ, thở than nức nở ở phiên tòa lịch sử vừa diễn ra, thiên hạ ồ lên chửi.
Vì sao? Trong nhiều lý do, tôi thấy vai trò quan trọng của một định kiến nhất định:
quan niệm của người Việt về một thứ thường được gọi là tư cách. Trong trường hợp
này, đó là tư cách ở đàn ông.
Ðàn
ông phải như thế nào chỉ là mặt khác của đàn bà phải như thế nào. Vì sao nước mắt
đàn bà cứ việc chảy và chảy ngập lụt lý trí, không sao hết, thậm chí em chỉ đẹp
khi em rơi lệ, còn đàn ông thì không được khóc? Chẳng lẽ họ chỉ là một chùm cơ
bắp, một chậu chất xám hay một xưởng tinh trùng? Cùng lắm họ được phép mở tuyến
lệ khi đăng quang chiến thắng, đặc biệt là trên sân cỏ, và rỏ vài ba giọt biểu
tượng để bày tỏ cảm xúc trước hoàn cảnh thương tâm của người khác. Ðó là nước mắt
tích cực. Nhưng đàn ông tuyệt đối không được rỏ nước mắt tiêu cực cho mình.
Không được yếu mềm. Không được van lơn. Không được hèn. Không được nhục.
Ông
Đinh La Thăng
Thực
lòng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác tởm khi nghe lời cuối của những đấng
mày râu từng cầm nắm bao trọng trách quốc gia kia, và bất giác nhớ đến hình ảnh
một người đàn ông kiêu hãnh cũng trong một phiên tòa lịch sử, không phải cộng sản
xử bất đồng chính kiến, mà cũng cộng sản xử cộng sản: cựu ủy viên Bộ Chính trị
Ðảng Cộng sản Trung Quốc Bạc Hy Lai. Kẹp giữa hai nhân viên an ninh khổng lồ,
ông ấy hiên ngang đứng mỉm cười, lưng thẳng, cổ thẳng, mắt nhìn thẳng, chân
dang vững, tay còng nắm chặt càng tăng vẻ lẫm liệt. Và gương mặt, đó thật sự là
gương mặt phong trần lịch duyệt của một người trưởng thành với đầy đủ ý thức về
bản thân và thế giới, chứ không phải kiểu mặt mũi của những cậu nhóc đang rập đầu
lạy lục cha chú, xin châm chước tội hư thân mất nết và thề thốt sẽ ngoan trở lại.
Ông Bạc ưỡn ngực nghe bản án chung thân, tuyên bố rằng đó là một phiên tòa giả
dối bất công, ông sẵn sàng ngồi tù để chờ một ngày thanh danh được rửa sạch. Lịch
sử sẽ xóa tội cho tôi, như lời tự bào chữa bất hủ của một lãnh tụ cộng sản. Ông
hoàn toàn đáp ứng hình dung lãng mạn của chúng ta về một đấng nam nhi yêng
hùng, đầy bản lĩnh, không khóc nhục, rên hèn, van yếu đuối, như lời thơ cũng bất
hủ của một thi sĩ cộng sản.
Ông
Bạc Hy Lai
Nhưng
khoái cảm thẩm mỹ từ hình ảnh một đấng nam nhi khí khái là một chuyện, định giá
nó về đạo đức lại là chuyện khác. Tư cách, như thường được hiểu trong tiếng Việt
– và rất khó dịch – và nhân cách là hai thứ khác nhau. Trước giờ phán xét, một
kẻ giết người không run tay nay run cầm cập, rất thiếu tư cách đàn ông, có đứng
thấp hơn trên thang điểm nhân cách so với một kẻ giết người máu lạnh nay vẫn
nghênh ngang hùng dũng? Hay chúng ta bỗng thay đổi cách thẩm định: kẻ sát nhân
són ra quần có vẻ vẫn còn là con người, trong khi kẻ sát nhân vênh vang dứt
khoát là đã mất hết nhân tính? Bạn sẽ cho đó là một so sánh khập khiễng, bởi bạn
tin rằng nước mắt của những chú nhóc tóc muối tiêu ở Hà Nội những ngày vừa rồi
là nước mắt dân túy, nước mắt cá sấu hay nước mắt tâm thần. Nhưng bạn cũng
không thể loại trừ đó có thể là nước mắt chiến thuật. Tôi không có gì để tin chắc.
Thực ra chúng ta hoàn toàn mù tịt về những phiên tòa đỏ đen của cộng sản. Hỏa
mù tung ra từ mọi phía. Lề trái thoải mái thông tin vô trách nhiệm, miễn Ba
Ðình điên tiết là OK. Lề phải như những con lợn đóng dấu kiểm dịch, bây giờ có
phát bệnh nói thật cũng vẫn bị hoài nghi. Báo chí nước ngoài chủ yếu tổng hợp
và tiếc thay cũng hóng hớt là chính. Dăm ba nhà bình luận chuyên nghiệp thì dự
báo những kịch bản Nostradamus. Ðiều chắc chắn duy nhất, khi cộng sản xử cộng sản,
là chẳng có gì chắc chắn cả. Thậm chí tối hậu như một bản án tử cũng chỉ là một
giải pháp linh động trong tay một quyền lực bành trướng và biến hóa vô độ. Luật
pháp nôn vào chính miệng nó. Công lý nhổ chỗ này một bãi, khạc chỗ kia một bãi
rồi rút nghị quyết ra chùi mồm. Các quốc gia cộng sản có thể thoát nghèo, thậm
chí trở thành những thiên đường trọc phú, song vĩnh viễn không ra khỏi địa ngục
pháp luật.
Tôi
không dư nước mắt để khóc cho bất kỳ một quan chức nào từ cấp phó phòng trở lên
trong guồng máy tàn khốc và mục ruỗng ấy. Họ biết rõ mình luồn lách giữa một
bãi mìn do chính các đồng chí của họ gài. Họ biết rõ những ai đã tan xác để họ
yên tâm vinh thân phì gia, trước khi cũng đặt nửa chân lên kíp nổ, rất có thể để
lót ổ cho những đồng chí khác. Song khí phách đàn ông là điều cuối cùng tôi đòi
họ phải trình diễn. Hãy đặt bạn vào tình thế của ông Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn:
bị gài bẫy, bắt cóc, tẩm thuốc mê, quẳng lên cáng cứu thương phủ bạt như chuẩn
bị cho một con vật vào lò mổ, thều thào dăm ba lời đầu thú, suốt phiên tòa
không ho he một lời về vụ trốn đâu cũng không thoát lưới trời của “Ðảng ta”. Chẳng
lẽ bây giờ bạn nghiêm túc yêu cầu một cái gì na ná như phẩm giá và danh dự ở
ông ấy? Ðường vượt lên chính tầm vóc của mình rất có giới hạn, đường tự hạ nhục
thì dài mênh mông. Màn cầu xin “bác Tổng Bí thư” chưa phải là nấc cuối cùng. Nếu
Tổng Bí thư vạch quần, một kẻ đã bị hóa kiếp giun dế như thế sẽ không có gì để
do dự – xin lỗi những bạn đọc dễ đỏ mặt – cầm cặc cho bác đái, như cách nói bỗ
bã trong dân gian.
Ông
Trịnh Xuân Thanh
Nhưng
không riêng gì ông ta. Trong Tiếng ồn của thời (The Noise of
Time), nhà văn Anh Julian Barnes kể câu chuyện ám ảnh từng dòng về cuộc đời
giãy giụa của một con giun khác dưới gót giày của quyền lực cộng sản: nhà soạn
nhạc Sô-viết lừng danh Dmitriy Shostakovich. Ông đối lập với đường lối văn hóa
tư tưởng do chính quyền áp đặt. Ông khinh bỉ gu đại chúng thô thiển của giới
lãnh đạo yêu nghệ thuật. Nhưng không đủ sức kháng cự, ông chỉ mong một điều duy
nhất là được yên thân ngồi viết nhạc, thứ nhạc mà tài năng và phong cách của
ông đòi hỏi. Sau một đời được tung lên rồi bị ném xuống, hết nắn lại xoa, hết
đe lại thưởng, và thường trực trên đầu là một bản án lơ lửng, một nguy cơ chôn
vùi cả sự nghiệp lẫn tiêu hủy thể xác, nhà soạn nhạc chỉ còn thấy mình là một
con giun. Ông cho phép những đứa con tinh thần rứt ruột của mình đi làm công
tác tuyên truyền bỉ ổi. Ông sẵn sàng tố giác ân nhân đã che chở mình suốt những
tháng năm ngạt thở, nếu vị tướng ấy không bị thanh toán trước khi ông kịp phản
bội. Ông sẽ hôn chân Stalin nếu cần, kẻ mà ông căm ghét, thậm chí loại thuốc lá
mà lãnh tụ này ưa hút cũng khiến ông lộn ruột, song cuối cùng ông chỉ phải ngồi
viết nhạc ca ngợi lãnh tụ quang minh. Ông công khai lên án thứ nghệ thuật “bệnh
hoạn, theo đuôi bè lũ phản động quốc tế, phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân” của
Igor Stravinsky, người đồng nghiệp lưu vong mà ông vô cùng ngưỡng mộ và luôn đặt
trên bàn một tấm ảnh. Ông đã làm tất cả, chỉ mong quyền lực cho mình yên ổn làm
một con giun. Vả lại, lưng cong thì vào quan tài cũng thẳng, như câu cửa miệng
của vị lãnh đạo kế nhiệm, Tổng Bí thư Khrushchev.
“Quyền
lực biết cách bóp một con giun vốn đã mềm nhũn để nặn nó thành một con giun
khác. Nhà soạn nhạc, con giun chưa bao giờ có xương sống, hình dung rằng xương
sống đã gãy ở một con người thì không có cách nào thay như thay một dây đàn đứt.
Cuối cùng, như lần nào cũng vậy, ông đầu hàng. Khi đặt bút ký đơn xin gia nhập
Ðảng, ông đã nghĩ đến tự sát rồi lại thôi, bởi sau cú tự sát đạo đức thì tự sát
thể xác là vô nghĩa. Thậm chí ông thấy mình không có cả lòng tự trọng cần thiết
để mà tự sát. Ông viện mọi lý do trẻ mỏ để vắng mặt trong buổi lễ gia nhập Ðảng.
Ông ương ngạnh thách thức, muốn tôi có mặt thì cứ trói tôi bỏ vào bao tải
khiêng đi như chở hành. Song tất cả đều không thành. Ông đã có mặt, đã ký, và
toàn thế giới ầm ĩ loan tin Shostakovich đã xin vào Ðảng và được Ðảng kết nạp.
Yêu Ðảng không đủ, mà còn cần được Ðảng yêu lại. Ông đã khóc. Nước mắt của một
kẻ hèn nhát. Ông đã suy tư rằng sống hèn không dễ. Làm một anh hùng dễ hơn làm
một thằng hèn. Anh hùng chỉ cần chứng tỏ can đảm trong một khoảnh khắc, khoảnh
khắc rút súng, ném bom, ấn nút, trừ khử tên độc tài và kết liễu luôn cả sinh mạng
bản thân. Nhưng làm một thằng hèn là chọn một con đường dài dằng dặc. Suốt đời.
Ðừng mong có khi nào được nghỉ. Phải thường trực nhìn xa trông rộng, thấy trước
lúc nào phải xin lỗi, lúc nào phải luồn lách, lúc nào phải khom lưng, phải liếm
nước bọt và phải thấu suốt cái tư cách thê thảm não nề của bản thân. Làm một thằng
hèn đòi hỏi kiên cường, bền chí và quyết không thay đổi bản thân.”
Cũng
một người đàn ông không một chút tiết tháo và tư cách nam nhi. Cũng rơi nước mắt
ở đỉnh cao của ô danh. Nhưng ông đã sống sót để viết những bản nhạc sống mãi.
Cái giá của phẩm giá chẳng bao giờ được niêm yết công khai. Tôi không biết những
người đàn ông nức nở ở Hà Nội kia sẵn sàng và có thể trả cái giá nào, song Hà Nội
vẫn tin vào những giọt nước mắt.
PTH
No comments:
Post a Comment