Monday, January 22, 2018

BẢN TIN TỐI 22/1/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
“Đồng chí cướp biển” giở giọng “gắp lửa bỏ tay người”: Báo Trung Quốc: Mỹ là lý do quân sự hóa Biển Đông, theo Zing. Một bài viết trên tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm 21/1/2018 cho rằng chính những cuộc tuần tra gần đây của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông “là hành động ‘cố ý gây sự’ và ‘vô trách nhiệm’, đi ngược lại ‘bối cảnh hòa bình và hợp tác’ tại khu vực”.

Bài viết cho biết thêm: “Báo nhà nước Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ chính là bên đang quân sự hóa Biển Đông, bất chấp thực tế các hoạt động xây dựng và triển khai quân ồ ạt của Bắc Kinh tại đây đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua”.

Tàu khu trục Mỹ USS Hopper. Ảnh: Reuters/TT

VTC đưa tin: Báo Trung Quốc cảnh báo Mỹ, dọa đưa thêm quân đến Biển Đông. Bài viết dẫn ý trên tờ Hoàn cầu Thời báo khẳng định “hành động khiêu khích của Mỹ sẽ chỉ khiến Trung Quốc tăng cường kiểm soát khu vực và thậm chí thậm chí có động thái đáp trả Washington nếu cần thiết”.

Trang Viet Times có bài: Đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc ở Biển Đông lại bị Mỹ chỉ trích. Bài viết trích ý phát biểu của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, bình luận rằng: “Một số quốc gia và thực thể của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể tiến hành phá hoại sự thịnh vượng, mở cửa và bao trùm. Là quốc gia dân chủ cùng chí hướng, chúng ta đối mặt với mối đe dọa cấp bách từ Triều Tiên và thách thức lâu dài từ Trung Quốc”.

Ông Harris bình luận rằng rằng Trung Quốc chính là “lực lượng chuyển đổi mang tính phá hoại” của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và kêu gọi: “Chúng ta cần phải đưa ra những quyết định quyết đoán, bảo đảm cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhất là Ấn Độ Dương tiếp tục duy trì được tự do, mở cửa và thịnh vượng”.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: AP/Viet Times

Báo Thanh Niên đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ bàn về Biển Đông tại Việt Nam. Khi đến Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sẽ “thảo luận hoạt động tự do hàng hải và thông thương tại Biển Đông, khu vực đang trở thành mục tiêu ‘biến đổi hiện trạng’ của Trung Quốc thông qua hàng loạt hoạt động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp”.

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về những diễn biến mới đáng chú ý trên Biển Đông. Bài viết dẫn ý kiến của chính quyền Philippines đánh giá chuyện khu trục hạm USS Hopper của Hải quân Mỹ vừa tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough: “Manila không để bị lôi vào cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ ‘đi qua vô hại’ của tàu USS Hopper”.
Trung Quốc tiếp tục triển khai thêm khí tài phục vụ mưu đồ bá quyền ở Biển Đông: “ngày 21/1 trang Strategy cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống đa cảm biến để thu thập dữ liệu liên tục về vị trí chính xác của tàu ngầm, tàu mặt nước hoạt động ở Biển Đông”.


Nhân quyền ở Việt Nam
“Thành tựu” về nhân quyền của chính quyền và tòa án Việt Nam đầu năm 2018: Chín người đấu tranh cho nhân quyền sắp bị CSVN đưa ra tòa, theo báo Người Việt. Thông tin từ tòa án tỉnh An Giang cho biết: “sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vào ngày Thứ Ba, 23 Tháng Giêng, 2018 để xử 4 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước…’.”

Đến ngày 25/1/2018, “tòa án huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An sẽ đưa ra xử ông Hoàng Đức Bình (FB Hoàng Bình) 35 tuổi, và Nguyễn Nam Phong, 38 tuổi”. Đến ngày 31/1/2018, tòa án Hà Nội sẽ “lôi ba người đấu tranh dân chủ ra xử vì bị vu cho tội ‘Truyền truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự 1999. Đó là các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc”.

Trang Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Mưu ma lật lọng của chủ tịch huyện Nập Pồ, Điện Biên. Bài viết bàn về “nghiệp vụ” cưỡng chế đất của một lãnh đạo: “Sau nhiều tháng ngày rình rập cướp miếng đất của gia định chị Lò Thị Ban ở xã Nậm Chua không được. Sáng ngày 07/9/2017, Chủ tịch huyện Nậm Pồ là Nguyễn Văn Thái (đt 0912.082.529) đã huy động lực lượng công an, dân phòng đến dùng thủ đoạn đến gần bố của chủ nhà, giả vờ ngã vật rồi hô hoán ‘Dân đánh chủ tịch’.”

Sau khi cưỡng chế thành công, “ông Nguyễn Văn Thái hứa sẽ nuôi ba mẹ con chị Lò Thi Ban. Nhưng đã mấy tháng trôi qua, gia đình chị phải đi ở nhờ dưới gầm nhà của người khác. Trong khi nhà và đất đã mất mà chưa nhận được một đồng tiền nào”.

Trang Thanh Niên Công Giáo có video cho thấy chị Lò Thị Ban kể lại sự việc:

Mời đọc thêm: Em trai Hoàng Đức Bình nói về anh trai và gia đình (FB Phạm Đoan Trang/TD). – Tình người (FB Mai Quốc Ấn/TD).

Chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp diễn
Báo Người Lao Động đưa tin: Tổng Bí thư: Kỷ luật hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên. Sáng nay, trong phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái”.

Bác Tổng bàn thêm về lộ trình của chiến dịch “đốt lò” trong năm 2018: “tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm”.


Bản án cho ông Đinh La Thăng và đồng phạm
Báo VnExpress đưa tin: Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Bài báo cho biết: “Hơn hai tiếng đọc bản án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân”.

Về trách nhiệm bồi thường, “với tội Cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải liên đới bồi thường 60 tỷ đồng (mỗi bị cáo 30 tỷ)”.

BBC đưa tin trực tiếp: Ông Thăng bị tuyên 13 năm tù. LS Nguyễn Khả Thành bình luận: “Bản án dành cho ông Thăng có thể dự đoán được, vì với tội ‘Cố ý làm trái’, điểm chính là căn cứ theo định lượng thiệt hại sẽ bị truy tố theo khung nào, và hình phạt sẽ nặng hay nhẹ”.

LS Lê Văn Thiệp nói với BBC: “Ông Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ kháng cáo”, bởi vì “có nhiều chứng cứ gỡ tội chưa được xem xét một cách đầy đủ”. LS Nguyễn Huy Thiệp bình luận: “Cái gốc của vấn đề là căn cứ pháp lý để kết tội là chưa hoàn toàn đầy đủ…. Ông Thăng hoàn toàn có thể kháng cáo nếu đó là ý muốn của ông ấy”.

Báo Người Việt đưa tin: Đinh La Thăng lãnh án 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân. Tác giả cho biết thêm: “Ngoài bản án bị tuyên trong phiên tòa này, ông Đinh La Thăng sẽ còn phải ra tòa trong một vụ án khác là Ngân Hàng Đại Dương, và rất có thể ông sẽ lãnh án và số năm tù gộp chung lại có thể nhiều năm hơn”.



Báo Đất Việt viết: Thẩm phán xử vụ ông Đinh La Thăng: Chỉ một sức ép! Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hà Nội, cho biết:  “Áp lực lớn nhất chỉ là thời gian nên chúng tôi tập trung nghiên cứu hồ sơ, kể cả ngày nghỉ. Nói các bị cáo từng có chức trách trong cơ quan nhà nước nhưng thực ra khi đã ra tòa thì theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không có vùng cấm nên HĐXX không chịu áp lực gì”.

Trang Infonet có bài: Ông Lê Như Tiến: ‘Bản án dành cho bị cáo Đinh La Thăng là có tình, có lý!’ Bài viết dẫn lời của ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến bình luận rằng: “Bản án Tòa tuyên hôm nay là nghiêm khắc nhưng rất có tình, có lý đối với bị cáo Đinh La Thăng. Tòa đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ, nếu không thì có thể khung hình phạt còn cao hơn nữa”.
Ông Tiến bàn thêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng: “Chính phủ báo cáo thu hồi được tiền và tài sản do tham nhũng chỉ được khoảng 8%, đất đai và công sản khoảng 50%… Đây là con số quá ít so với tài sản do tham nhũng mà có”.

Báo Dân Việt có video cho thấy: Toà tuyên án bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Báo Thanh Niên bàn về ‘di sản khủng khiếp’ của ông Đinh La Thăng: Đâu chỉ có thế. Một số “thành tựu” của ông Thăng và đồng phạm: “các dự án thua lỗ nghìn tỉ khác của ngành dầu khí: Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất, Nhà máy ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất”.

Bài viết cho biết thêm: “ông Thăng đã đẩy PVN sa lầy và mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở dự án liên doanh khai thác dầu tại Venezuela… dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN đã ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela vào tháng 6.2010… trong bản hợp đồng này, PVN đã chấp nhận những điều khoản cực kỳ vô lý”.

Phiên tòa lịch sử không dừng lại ở đây: Xét xử bị cáo Đinh La Thăng: ‘Mỗi dự án có nguy cơ là một vụ án’, theo báo Thanh Niên. Bài viết dẫn lời của HĐXX: “Mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án. Lãnh đạo PVC đang đối mặt với việc bị điều tra truy tố xét xử trong vụ án hình sự khác”.




Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Đã có mức án đề nghị trong phiên xử sáng nay: Đề nghị phạt bị cáo Trầm Bê 5-6 năm, Phạm Công Danh 20 năm tù, theo báo Tuổi Trẻ. Đại diện VKS nhận định “số tiền hơn 6.000 tỉ đồng thất thoát là số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn chưa thể thu hồi cho Ngân hàng Xây Dựng”. Cho nên, “Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án 5-6 năm tù với ông Trầm Bê, 20 năm tù với Phạm Công Danh, kiến nghị xử lý một số cá nhân tại 4 ngân hàng VNCB, TPBank, BIDV và Sacombank về khoản thất thoát 6.000 tỉ đồng”.


Báo Tiền Phong đưa tin: Đề nghị điều tra thêm nhiều cán bộ ngân hàng vụ Phạm Công Danh. Trong bài có đoạn: “Đáng lưu ý là VKS kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao xử lý các cá nhân liên quan tới việc cho vay tại 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank”.

Đến phiên xử chiều nay, Tòa cắt phần bào chữa của luật sư ông Phạm Công Danh, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bài viết ghi nhận: “Ba luật sư của ông Phạm Công Danh trong phần bào chữa đã bị chủ tọa phiên tòa lưu ý là vượt quá phạm vi vụ án. Đỉnh điểm là chủ tọa phiên tòa đã mời một luật sư về chỗ sau khi nhắc nhở đến lần thứ ba”.

Báo Thanh Niên bàn về: Người phụ nữ quyền lực thao túng Trustbank. Bài viết đưa tin: “Bộ Công an vừa chuyển đề nghị Viện KSND truy tố đối với bà Hứa Thị Phấn, người nắm giữ quyền lực tại Trustbank và 27 đồng phạm tội ‘lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ và ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.”

Mối liên quan giữa bà Hứa Thị Phấn với đại án VNCB: “các hành vi vi phạm nghiêm trọng của Hứa Thị Phấn là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính Trustbank rất xấu, bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào loại yếu kém”. Bà Phấn đã góp phần tạo nên “quả bom nổ chậm” dẫn đến “sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB)”, khiến Ngân hàng nhà nước phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.


Vây cá mập và chuyện ngoại giao
Đến đầu giờ chiều nay, một số báo trong nước mới bắt đầu đưa tin về chuyện Đại sứ quán Việt Nam ở Chile phơi vây cá mập. Báo Dân Trí có bài: Bộ Công Thương thông tin về sự việc vây cá mập phơi tại trụ sở Thương vụ Chile; trang VietNamNet viết: Bộ Công Thương xử lý vụ vây cá mập phơi tại trụ sở Thương vụ Chile; báo Tuổi Trẻ viết: Bộ Công thương yêu cầu báo cáo vụ phơi vây cá mập trên mái nhà. Một lần nữa, báo chí trong nước đưa tin chậm hơn truyền thông mạng xã hội ít nhất một ngày.

Theo bài viết trên báo Dân Trí, “sáng nay 22/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ xử lý: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc trên; báo cáo Bộ trưởng gấp”.

Bài viết trên báo Pháp Luật TP HCM: Kiểm tra gấp vụ ‘vây cá mập trên mái nhà sứ quán VN’ cho biết thêm: “Sự việc bắt đầu khi người dân quanh đó nghe mùi hôi thối xông ra đâu đó ở khu vực và khi tìm hiểu thì người ta thấy bắt nguồn từ nóc nhà thuộc Đại sứ quán Việt Nam. Ngày 13-1-2018 xuất hiện một ít vây cá nhưng đến năm ngày sau thì họ thấy hơn 100 cái”.

Báo Người Việt có bài: Vây cá mập trên mái Tòa Đại Sứ CSVN ở Chile. Tác giả cho biết: “Các tin tức được truyền đi trên các trang Facebook và báo mạng ‘lề trái’ dựa vào một bản tin khá dài ngày 19 Tháng Giêng, 2018 trên tờ El Mostrador ở thủ đô Santiago, Chile, mà báo này mô tả với những từ như ‘kinh ngạc’, ‘sửng sốt’, ‘bối rối’ vì không ngờ lại có chuyện như thế vậy xảy tại nước họ”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng: Xử lý vụ phơi vi cá mập là trách nhiệm của Ban Tuyên huấn. Bởi vì: “Cá mập là đồng chí giúp ban tuyên huấn ngăn chặn thế lực thù địch lên face chửi bới đảng và nhà nước, giết cá mập là vô hình trung tiếp tay cho thế lực thù địch. Ban tuyên huấn ra tay xử lý vụ nầy mới đúng. Chú Thưởng nhớ làm gấp rồi báo cáo nhé!”

Nhà báo Mai Quốc Ấn bàn về sừng tê giác, vi cá mập & quốc thể. Trong bài có đoạn: “Vi cá mập được phơi trên nóc nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê. Điều này có hay không thì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phải lên tiếng. Nếu không, cần phản bác ‘luận điểm sai trái của các thế lực thù địch’. Nếu có, cần nghiêm trị những kẻ đã làm hoen ố hình ảnh Quốc gia thật thích đáng!”

Facebooker Tuyên Khánh Võ viết: Hai tiếng Việt Nam tiếp tục vang lên nơi xứ người!. Tuy nhiên, “hai tiếng Việt Nam” lần này vang lên cùng tai tiếng: “Đài Truyền hình nước này đã cho công chiếu vụ việc hàng trăm vi cá mập – vốn là món hàng cấm được phơi trên mái nhà trong khuôn viên Tòa Đại sứ Việt Nam tại Thủ đô Santiago De Chile”.

Facebooker Lê Kiên viết: Món súp vi cá mập. Theo tác giả, “việc phơi vây cá mập trên mái nhà cơ quan thương vụ của ĐSQ VN tại Chile là một câu chuyện khác, nó giống như các cáo buộc nhân viên sứ quán VN tại Nam Phi tham gia phi vụ buôn sừng tê giác trước đây, trở thành nỗi hổ thẹn quốc gia mang tầm quốc tế”.


Gánh nặng BOT
Bộ trưởng GTVT tiếp tục ngụy biện: “Không có trạm thu phí đặt nhầm chỗ!”, theo Dân Trí. Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Nói trạm BOT đặt nhầm chỗ là không chính xác, có thể dùng từ là đến thời điểm này vị trí đặt trạm là chưa hợp lí”. Theo cách dùng từ của ông Thể, khái niệm “nhầm chỗ” lại không tương đồng với “vị trí chưa hợp lý”!?

Báo Dân Việt đưa tin: Ô tô dán “cầu cứu Thủ tướng” chạy qua lại ở BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp. Theo bài viết, khoảng 14 giờ 15 chiều nay, một tài xế điều khiển ô tô “treo băng rôn ghi ‘cầu cứu Thủ tướng giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân lân cận BOT, phản đối BOT đặt trạm không đúng khoảng cách 60km – 70km theo quy định của Chính phủ…” chạy đến BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp rồi dừng lại không chịu mua vé”.


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VTV đưa tin: Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đóng cửa. Nỗ lực của Thượng viện Hoa Kỳ, nhằm thông qua ngân sách ngắn hạn vẫn chưa đi đến đâu. Trong cuộc họp vào rạng sáng ngày 22/1 (giờ Việt Nam), cơ quan này chưa thể bỏ phiếu về ngân sách, do biết sẽ tiếp tục không được thông qua. Do đó, chính phủ Mỹ vẫn chưa có tiền và tiếp tục phải đóng cửa.

Như vậy, chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa sang ngày thứ ba. Hiện các nghị sĩ của hai phe Dân chủ và Cộng hòa, vẫn chưa thống nhất được các bất đồng quanh vấn đề dân di cư, mấu chốt của vấn đề “sụp đổ tài chính”. Theo dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về ngân sách ngắn hạn trong đêm 22/1, rạng sáng 23/1 theo giờ Việt Nam.

Trong cuộc thăm dò dư luận mới đây, do báo The Washington Post và kênh tin tức ABC News thực hiện chung, kết quả cho thấy: Đa số người dân Mỹ không tán thành cách điều hành của TT D.Trump. Hơn 1000 người được hỏi cho kết quả:  58% không tán thành cách TT Donald Trump điều hành công việc, trong khi chỉ có 36% ủng hộ công việc của ông chủ Nhà Trắng.

Cuộc thăm dò trên còn cho biết một vài con số thú vị: Có đến 60% phản đối bức tường mà Trump dự định xây dọc biên giới với Mexico, 50% người được hỏi cho rằng TT Trump “có tâm lý không ổn định“, và 73% không đánh giá cao năng lực của ông Trump. Kết quả có vẻ không mấy tốt đẹp với TT Trump.

Tin Trung Quốc
Báo Tiền Phong có bài viết: Chính phủ Mỹ đóng cửa: Báo Trung Quốc nói gì?. Theo đó,  hãng thông tấn Xinhua của nhà nước Trung Quốc bình luận: “việc chính phủ Mỹ đóng cửa phơi bày ‘những sai sót kinh niên’ trong hệ thống chính trị Mỹ“. Bài viết cũng nói đến việc chính quyền TT Trump, đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama như: Rút khỏi TPP, đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Xinhua tỏ ra rất đắc chí: “Thật mỉa mai khi điều đó xảy ra vào lễ kỷ niệm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump hôm 20/1, một cái tát vào mặt giới lãnh đạo ở Washington“. Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc dường như  đang cố hạ thấp mô hình dân chủ của Mỹ, đề cao mô hình một đảng “ổn định” của Trung Quốc khi bình luận: “Nếu có bất kỳ di sản nào sống sót qua quá trình chuyển đổi quyền lực thì đó là tinh thần không hợp tác giữa các đảng phái“.

Trong khi lớn tiếng chê bai thể chế dân chủ Mỹ, báo Trung Quốc lại ca ngợi mô hình độc tài của Putin. Báo Đất Việt đưa tin: Báo Trung Quốc: Nga là một quốc gia thần kỳ. Theo Đất Việt dẫn lại, trang The Paper của Trung Quốc cho rằng: “nước Nga là quốc gia thần kỳ“. Từ lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Nga và Trung Quốc là “đồng minh tự nhiên”, khi cả 2 quốc gia này đều theo mô hình độc tài, cùng tìm cách để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều có những toan tính riêng và giữa 2 nước đã không ít lần hục hặc với nhau. Nga đang cố ngoi lên để tìm lại vị trí siêu cường trước đây, dưới thời Liên Xô. Trong khi đó, tham vọng của Trung Quốc là bành trướng ra cả thế giới với chiến lược “Trung Hoa mộng”. Trung Quốc và Nga đều có tham vọng lớn, do đó mối quan hệ “đồng minh” của họ thực ra chỉ là lợi dụng nhau trước mắt. Việc báo chí của 2 nước này “ca ngợi” nhau là bình thường, kiểu “con hát mẹ khen hay” vậy.


Căng thẳng Trung Đông
Ngoại trưởng Palestine Riad al-Maliki cho biết: TT Abbas đề nghị EU chính thức công nhận Nhà nước Palestine. TT Palestine Mahmoud Abbas sẽ gặp Ngoại trưởng các nước EU trong ngày 22/1. Trong cuộc gặp này, ông Abbas hy vọng EU “sẽ có những bước đi thúc đẩy và công nhận Palestine là một nhà nước“, nhằm mục đích phản ứng lại quyết định của TT Donald Trump, về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

VOV có bài: Chuyến thăm Trung Đông khó khăn của Phó TT Mỹ. Trong khi TT Palestine Abbas có cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước EU, ông Mike Pence, Phó TT Mỹ đang có chuyến thăm đến Trung Đông, địa điểm dùng chân ngày 22/1 của ông Pence là Israel. Lần công du Trung Đông này của Phó TT Mỹ, được coi là chuyến đi khá khó khăn.

Mục đích trong chuyến đi Trung Đông lần này của ông Mike Pence là: “bảo vệ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của TT Donald Trump“. Trong cuộc gặp Quốc vương Jordan  Abdullah, Phó TT Mỹ đã gặp trở ngại đầu tiên khi Jordan đòi hỏi “giải pháp 2 nhà nước“, trong vấn đề Jerusalem. Đa số các quốc gia khối Arab cũng ủng hộ Palestine, cùng với bối cảnh căng thẳng và leo thang bạo lực giữa Israel và Plestine, nhiệm vụ “thuyết khách” của Phó TT Pence là rất khó đạt được.

Trong lúc đó, cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào các mục tiêu của YPG tại Afrin, miền Bắc Syria vẫn đang diễn ra ác liệt. Ngày 21/1, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Syria với đích đến là thành phố Afrin. Theo các con số mới nhất, đã có 18 dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert phát biểu: Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ‘hành động kiềm chế’ tại Syria. Trong khi đó, HĐBA LHQ sẽ họp về cuộc khủng hoảng Syria trong ngày 22/1. Cuộc họp lần này là theo lời đề nghị của Pháp.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Báo Người Việt đưa tin: Bắc, Nam Hàn cam kết không để ai đào tị trong Thế vận hội Mùa Đông. Theo bài viết, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đưa ra cam kết, và nỗ lực để không có ai trong đoàn Bắc Hàn trốn ở lại Hàn Quốc trong Thế vận hội. Bởi nếu có người đào tị trong thời điểm này thì đó là: “một sự bẽ bàng lớn lao cho lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và là một rắc rối lớn cho Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in“.

Trên Tiền Phong có bài viết: Triều Tiên: Tái xuất bí ẩn của các nhân vật từng được cho bị thanh trừng. Theo bài viết, vài nhân vật cao cấp của Bắc Hàn từng bị coi là đã bị bắt, thanh trừng, thậm chí là bị tử hình, nay bỗng dưng xuất hiện trên truyền thông nước này. Đây có thể là một “nước cờ” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, hoặc có thể là một kịch bản được dàn dựng. Có rất ít thông tin lọt ra ngoài từ quốc gia nghèo đói, hung hăng và bí mật nhất thế giới này.


***


***












No comments:

Post a Comment