Monday, January 22, 2018

BẢN TIN SÁNG 22/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Bắc Kinh tố cáo Hải Quân Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông. Bài viết dẫn nguồn từ tài liệu ‘Chiến lược Quốc phòng’ của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết: “Trung Quốc và Nga bị đánh giá là ‘những mỗi đe dọa gia tăng’, đồng thời Trung Quốc còn bị cáo buộc sử dụng ‘chiến thuật kinh tế hăm dọa các nước láng giềng, trong khi vẫn tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông’.”

Một tàu của Hải Quân Mỹ hoạt động gần khu vực bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Ảnh chụp 21/04/2015. Nguồn: AFP/RFI

Trang Một Thế Giới đưa tin: Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ ‘xâm phạm lãnh thổ’ trên Biển Đông. Theo bài viết, “hoạt động của chiếc Hooper là diễn biến mới nhất của hải quân Mỹ, để thách thức việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông”.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm CSIS, bình luận: “Xem ra Lầu Năm Góc quyết tâm duy trì hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải, theo nhịp cứ 6 tuần/lần, mặc sự phản đối của Trung Quốc”.


Quan hệ Việt – Trung
BBC có bài: Quan hệ Việt – Trung vẫn còn ‘rất nhạy cảm’. TS Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung, cho biết: “Sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc lấn chiếm 44 năm về trước ở Biển Đông vẫn còn là một ‘nỗi đau’ đối với người dân Việt Nam và vượt qua nỗi đau này về mặt tâm lý ‘là khó’.”

TS Phan nói thêm về chuyện chính quyền Việt Nam thường bày tỏ “tình hữu nghị” với “bạn vàng”, đúng vào các dịp lễ kỷ niệm nhạy cảm của đất nước: “Cả Việt Nam và Trung Quốc muốn có một quan hệ lâu dài, tốt đẹp, thì họ cần phải tìm cách xử lý vấn đề này, đừng để cho nó vẫn tiếp tục tồn tại, đối với người Việt Nam đó là một nỗi đau!”

“Lỗi hệ thống”
Thêm chuyện lạ trong bộ máy công quyền Việt Nam: Thi nâng ngạch công chức: Mạnh ai nấy chạy, theo báo Người Lao Động. Bài viết dẫn lời GS-TS Đinh Văn Tiến, cựu Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, thừa nhận: “Đề thi viết như hiện nay chưa sát với công việc của công chức. Thi trắc nghiệm cũng vậy, phải gắn với thực tế công việc hằng ngày thì mới đánh giá được năng lực của các ứng viên”.

Chuyên gia Diệp Văn Sơn, cựu Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam, Bộ Nội vụ, bàn về “tính ưu việt” của quy trình nâng ngạch công chức ở Việt Nam: “Tôi thấy một số trường hợp trình độ ngoại ngữ ‘nửa chữ bẻ đôi’ cũng không biết, thế mà vẫn vượt qua kỳ thi nâng ngạch công chức, rõ ràng là có tiêu cực. Cứ đến các kỳ thi là mạnh ai người nấy chạy”.

Báo Người Lao Động đặt vấn đề: Làm sao ngăn chặn bổ nhiệm người nhà? Theo bài viết, khái niệm “đúng quy trình” có thể được viện dẫn để bào chữa cho sai phạm: “Không ít trường hợp cất nhắc, bổ nhiệm người thân, người nhà trong bộ máy nhà nước dẫn đến cục bộ địa phương, gây mất đoàn kết, hình thành các nhóm lợi ích… Khi dư luận phản ánh, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh nhưng kết quả đều… đúng quy trình”.

Tác giả cho rằng: “Việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà diễn ra tinh vi, khó phát hiện và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiệu quả là do quy định của pháp luật chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ”. Vấn đề là quy định của pháp luật có thể đối đầu được với khái niệm “đúng quy trình” của một thể chế toàn trị hay không?


“Phiên tòa lịch sử”: Trước giờ tuyên án
Trang VietNamNet đưa tin: Hôm nay tuyên án ông Đinh La Thăng và đồng phạm. Bài báo cho biết: “Sau khi nghỉ nghị án, sáng nay, HĐXX tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm”. Quan điểm của VKS về chuyện ký hợp đồng EPC số 33: “Chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần”.

Theo đó, VKS kết tội ông Thăng: Vẫn chỉ định PVC thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 “dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn”.


VOA có bài: Ông Thăng và Thanh ‘cầu cứu’ Tổng bí thư Trọng? LS Trần Thu Nam bình luận: “Hành động của các bị cáo từng có thời ‘thét ra lửa’ có gì đó ‘không bình thường’.” Cả ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đều “cầu xin” bác Tổng “nương tay”. LS Nam đoán: “Phải chăng là tất cả việc ông gạt bỏ sĩ diện để mà nhún nhường trong vụ án này, nhận hết trong vụ án này để nhằm mục đích giúp cho em ông ấy?”

Theo LS Hà Huy Sơn, vì Đảng Cộng sản đang nắm quyền toàn trị ở Việt Nam, và Tổng Bí thư đang nắm quyền cao nhất trong Đảng, “nên ông Thăng, ông Thanh nhắc tới ông Nguyễn Phú Trọng, theo tôi hiểu, đây cũng là một lời cầu xin gì đó với ông Trọng”.

Vấn đề đằng sau “phiên tòa lịch sử”: Phiên tòa Thăng – Thanh: bộc lộc nhiều ‘lỗ hổng quốc gia’, theo BBC. Bài viết dẫn lời bình của nhà báo Đoàn Bảo Châu: “Tôi chỉ thấy rằng nó chỉ nói lên một thực trạng của đất nước là tình hình quản lý kinh tế của bộ máy nhà nước rất tệ”.

Trang Kiến Thức đặt câu hỏi: Cư dân mạng nói gì trước ngày ông Đinh La Thăng bị tuyên án? Bài viết đề cập một số bình luận về “thành tựu” của ông Thăng: “Sao ông không đau đớn cho tiền bạc của dân vì ông đã đội nón ra đi. Còn lại gì nào: Công trình ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình… đang chết dở và trở thành hoang phế. Oceanbank, Dầu khí đang gánh những hậu quả nặng nề”.


Vây cá mập và chuyện ngoại giao
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà viết“Một tờ báo Chile vừa đăng tải những hình ảnh được chụp hôm thứ năm (18.1) từ phía trên tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, ở địa chỉ Avenida Eliodoro Yáñez 2897, Providencia, thành phố Santiago de Chile!”

“Thành tựu” của những nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Việt Nam bên Chile: “Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra tại Chile khi gần cả 100 vây cá mập của các loài trưởng thành còn tươi được phơi ngay trong thành phố”.

Facebooker Từ Thức có bài: Đại sứ cá mập, được tóm tắt ý từ một bài trên báo Chile, cho biết, Người dân địa phương để ý vì mùi hôi tanh từ Đại sứ quán Việt Nam ở Chile. “Ngỡ ngàng, khó tin và kinh ngạc. Ba từ ngữ này tóm tắt phản ứng của cộng đồng khoa học ở Chile và trên khắp thế giới khi đọc tin, ngày 18/1, vây cá mập phơi trên nóc nhà toà đại sứ VN Ở Chile, Nam Mỹ”.

Bài viết dẫn lời ông Matias Asun, giám đốc Greenpeace tại Chile, bình luận: “Bắt cá, chặt vây là một hành động man rợ, đe dọa môi trường, việc bảo vệ cá mập phải được sự cộng tác của tất cả các quốc gia”. Cách hành xử của những “nhà ngoại giao” Việt Nam ở Chile: “Toà đại sứ không trả lời. Mỗi lần vấn đề được nêu ra, họ ngang nhiên cúp điện thoại”.

Hình ảnh vây cá mập phơi trên nóc tòa nhà DSQ VN tại Chile. Ảnh: Elmostrador

Facebooker Trương Quang Thi nhận định: Chúng ta trở nên mọi rợ kể từ ngày chúng ta có đảng. Cuộc sống thời bao cấp qua trải nghiệm của tác giả: “Tôi vẫn nhớ bản thân mình trở nên tệ hại thế nào khi ở cái tuổi lên tám, tôi phải chen lấn để mua hàng bằng tem phiếu. Khi người ta biết rằng phía trước không bao giờ có sự công bằng thì người ta sẽ phải chen lấn, gạt bỏ mọi giá trị đạo đức để mà giành lấy”.

Chuyện Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phơi vi cá mập trên mái nhà, “sau khi bị phát hiện thì cắt liên lạc để cố thủ nó phản ảnh bản chất của dân tộc này như thế… bản chất vốn dĩ của họ tham tàn cho nên họ bất chấp quy tắc ứng xử ngoại giao, bất chấp danh dự dân tộc để làm điều mọi rợ chỉ vì vài ba trăm triệu bạc từ bán vi cá mập”.

Blogger Phương Thơ có bài: Khi ngành ngoại giao VN quá kém. Bài viết bàn về “thành tựu ngoại giao” của Việt Nam cuối năm 2017, đầu năm 2018: “Sau khi VN tổ chức APEC xong thì mọi thứ gần như im lặng đáng sợ, đó là sự thất bại của cái Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP… Rồi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… cái EVFTA này VN đeo đuổi nhiều năm tốn kém, và hiện nay nó cũng hết còn đề cập nữa”.

Nghịch lý chung trong phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam: “Ngành ngoại giao của VN bị thất bại tồi tệ trong năm 2017 vừa qua, nhưng người ta vẫn quen thói khó sửa là vẫn ca ngợi là một năm đầy thành công của ngành ngoại giao VN, nó giống như con bệnh đang mắc chứng bệnh quá nặng, thay vì cần khai bệnh tật ra để mà cải sửa thì họ vẫn nói là họ khỏe mạnh, kết cục bệnh nhân ngày càng ốm yếu là hết thuốc chữa”.

Khi nền y tế lâm bệnh
Chuyện lạ và đau của nền y tế Việt Nam: Người bệnh là cái túi hứng thuốc giả, theo báo Người Lao Động. Bài viết đưa tin: “Cơ quan chức năng liên tục phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng khiến dư luận lo ngại khi một phần không nhỏ các thuốc này đã được người bệnh sử dụng trước khi thu hồi”. Hầu hết loại thuốc kém chất lượng được phát hiện trong quá trình hậu kiểm, lúc đã “gần hết hạn sử dụng”.

Người bệnh ở Việt Nam phải sống chung với thuốc giả: “Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 30.000 loại thuốc lưu hành… không dễ kiểm soát tất cả sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện trong quá trình hậu kiểm, kiểm nghiệm sau khi lưu hành dẫn đến số lượng lớn các loại ‘thuốc đen’ này đã được tiêu thụ hết”.

Ô nhiễm môi trường
Báo Nhân Dân đưa tin: Vùng quê nghèo ám ảnh bởi căn bệnh ung thư. Theo bài viết, “những năm gần đây, người dân ở thôn 10-3, xã vùng sâu Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc luôn sống trong cảnh hoang mang, lo lắng vì số người trong thôn chết bởi căn bệnh ung thư ngày càng nhiều”.

Ông Bùi Tạ Điển, trưởng thôn 10-3 chia sẻ: “Số người chết vì căn bệnh ung thư ngày càng nhiều, kể cả trẻ em lẫn người lớn. Người dân nghi ngờ nguồn nước ở đây bị ô nhiễm khiến người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều, nhưng hàng ngày vẫn sử dụng chứ không có nguồn nước nào khác”.


Nhân quyền ở Việt Nam
VNTB bàn về nỗi oan của bà Vũ Kiều Trinh: hành trình mười mấy năm với 42kg đơn. “Nghiệp vụ” bất chấp pháp luật của đội Thi hành án, Cục Thi hành án huyện Sa Pa đã khiến “một hộ gia đình lâm vào cảnh tù tội oan ức, mất hết tài sản và chịu muôn ngàn khổ cực, nguy hiểm đến tính mạng trong suốt mười mấy năm trời đi đòi công lý”. Đó là trường hợp gia đình bà Vũ Kiều Trinh.

Theo bài viết, năm 1999, bà Trinh nợ ngân hàng Agribank huyện Sa Pa 100 triệu đồng để xây dựng khách sạn. Đến lúc ra tòa, bà Trinh được yêu cầu phải “trả cho ngân hàng Agribank Sa Pa số tiền gốc 108 triệu đồng, tiền lãi hơn 101 triệu đồng”. Trong lúc vụ án của bà vẫn đang được xem xét, “ngày 14/10/1999, Cơ quan Thi hành án huyện Sa Pa đã ra quyết định kê biên tài sản bà Trinh”

“Thời gian kê biên tài sản, rồi cưỡng chế chỉ vẻn vẹn một ngày, diễn biến quá nhanh khiến bà Trinh không xoay sở kịp”. Bà Trinh lại không có mặt lúc đội Thi hành án huyện Sa Pa tiến hành cưỡng chế, “sau đó bà Trinh còn bị bắt tạm giam với cáo buộc tội ‘không thi hành bản án’. Bà Trinh bị bắt tạm giam, tài sản và khách sạn bị bán đấu giá”.


***
Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Chính phủ Mỹ đóng cửa, ông Trump kêu gọi đổi luật. Ông Trump nói rằng, Thượng viện nên sửa đổi luật lệ, để mỗi khi thông qua dự luật mới, sẽ không cần tỷ lệ “siêu đa số” 60% (hay 3/5). Thay vào đó, Trump cho rằng nên sử dụng tỷ lệ 51%, khi bỏ phiếu về ngân sách.

Trump chỉ nghĩ tới cái được thời ông ta làm tổng thống, trong lúc đảng Cộng Hòa nắm đa số ở lưỡng viện, ông ta muốn thông qua các dự luật, nhưng không nghĩ tới tác hại lâu dài, khi đảng Dân Chủ nắm đa số, họ cũng sẽ áp dụng luật tương tự là quá bán, thay vì 3/5 số phiếu.
Ông Trump viết trên Twitter: “Phe Dân chủ chỉ muốn các di dân bất hợp pháp đổ vào đất nước chúng ta một cách thiếu kiểm soát. Nếu tình trạng bế tắc tiếp diễn, phe Cộng hòa nên [sử dụng giải pháp] 51% (Giải pháp Hạt nhân) và bỏ phiếu về ngân sách thật sự và lâu dài“. Đề xuất này của Trump đã bị bác bỏ ngay bởi ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng viện.

BBC đưa tin: Thượng viện Mỹ nỗ lực phút cuối tránh đóng cửa chính phủ. Theo đó, Thượng viện Mỹ tiếp tục họp để thảo luận về ngân sách hôm Chủ Nhật 21/1 (giờ địa phương), nhằm bỏ phiếu một dự luật chi tiêu ngắn hạn để “nuôi” chính phủ đến ngày 8/2. Trước đó, các bên đã đổ lỗi cho nhau khi dự luật ngân sách liên bang không được thông qua, khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Phe Cộng Hòa và TT Trump muốn tăng chi tiêu quốc phòng, xây tường biên giới, hủy bỏ DACA. Phe Dân Chủ yêu cầu bảo vệ khoảng 800.000 ‘Dreamers’ tránh bị trục xuất, nhưng không phải thời hạn 6 năm như phe Cộng Hòa đề nghị, mà là bảo vệ vĩnh viễn.

Ông Trump lên án đảng Dân Chủ “lo cho người nhập cư hơn an ninh quốc gia“, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Chuck Schumer đáp lại “[TT Trump đang chịu] những lực lượng cực hữu trong chính quyền“. Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu vào sáng thứ 2 (giờ Mỹ), về việc kéo dài “sự sống” cho chính phủ liên bang.


Căng thẳng Trung Đông
Tại cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Quốc vương Jordan, diễn ra ngày 21/1 tại Amman, Quốc vương  Abdullah II nói: “Đông Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai“. Quốc vương Jordan cho rằng, giải pháp hai nhà nước là phương án duy nhất cho cuộc xung đột Palestine – Israel kéo dài nhiều năm qua.

Trong khi đó, tình hình ở Syria đang vô cùng căng thẳng. Sau khi không kích và pháo kích với hỏa lực mạnh vào Afrin, miền Bắc Syria, mới đây xe tăng, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã ồ ạt đổ vào Syria. Đây là hành động quân sự trong chiến dịch “Cành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ, nhắm vào Lực lượng dân quân người Kurd (YPG), mà Ankara coi là khủng bố.

Như vậy, hiện tại ở khu vực miền Bắc Syria đang có 3 lực lượng chính tham gia vào cuộc chiến. Lực lượng quân của chính quyền Assad do Nga đỡ đầu, lực lượng YPG và những người đối lập với Assad do Mỹ hậu thuẫn, và lực lượng thứ 3 do Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả Iran đứng sau hậu thuẫn.

Syria đã lên tiếng tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược nước này, Nga tuyên bố sẽ ủng hộ Damascus về mặt ngoại giao, đồng thời yêu cầu Liên Hiệp quốc buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt cuộc tấn này. Trước đó, Nga đã “dụ dỗ” người Kurd trao trả vùng Afrin cho chính quyền Syria, đổi lại Moscow sẽ đứng ra bảo vệ họ.

Tuy nhiên, người Kurd không đồng ý với đề nghị từ phía Nga. Họ cho rằng, việc rút các lực lượng Nga ngay trước chiến dịch quân sự của Ankara cho thấy có một thỏa thuận giữa hai bên. Tức là Nga và Thổ đã bắt tay trước đó, bây giờ Nga ra mặt “dụ dỗ” người Kurd, đó là hành động mờ ám.

Về việc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự quyết liệt, tấn công thẳng vào Syria để loại bỏ YPG, mà không “nể mặt” Mỹ, báo Soha đặt câu hỏi: Thổ Nhĩ Kỳ thực sự toan tính gì? Theo nhà phân tích chính trị Oussama El-Mohtar bình luận trên Sputnik của Nga: Mục đích của Thổ không chỉ xoay quanh vấn đề an ninh biên giới, Ankara còn có mục đích lớn hơn là mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, thị trường trong vùng.

El-Mortar nhận định thêm: Rất có thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã thất vọng với Mỹ cũng như EU. Với Mỹ, Ankara tỏ ra thất vọng vì Hoa Kỳ thất hứa, tiếp tục cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria. Còn với EU, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất thất vọng vì nỗ lực gia nhập EU bất thành, thậm chí còn bị EU đề xuất cho nước này tham gia, nhưng với “tư cách hạng 2”. Ngay cả việc chưa được chấp nhận gia nhập NATO cũng làm Ankara khó chịu với cả Mỹ và EU.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài tổng hợp: Nguy cơ bất ổn ở miền Bắc Syria. Theo bài viết, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Nhành ôliu” nhằm vào lực lượng người Kurd, đang kiểm soát ở tỉnh Afrin, đã đẩy Washington và Ankara vào giai đoạn căng thẳng mới. Hành động quân sự lần này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm tăng tính chất phức tạp, gây thêm nhiều bất ổn cho khu vực vốn đã quá phức tạp này.

Các bên liên quan đang lo ngại tình hình căng thẳng tại Afrin, các quốc gia như Nga và Mỹ đều có những hành động và tuyên bố ngoại giao nhằm hạ nhiệt tình hình, đồng thời bảo đảm lợi ích của phe họ. Những lời đe dọa đáp trả cũng được các bên đưa ra khá mạnh mẽ. Chưa biết tình hình sẽ ra sao, nhưng theo các thống kê, đã có hơn 10 người dân bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn trong số đó là trẻ em.


***








No comments:

Post a Comment