Wednesday, December 27, 2017

QUYỀN LỰC "SẮC" : ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO MỚI CỦA BẮC KINH (Trọng Nghĩa - RFI)



Đăng ngày 26-12-2017

Ngay sau Giáng Sinh, dĩ nhiên báo chí Pháp đã dành nhiều trang bài để nói về những sự kiện liên quan đến ngày lễ trọng đại đó của người phương Tây, đặc biệt là thông điệp đầy tình người của đức giáo hoàng Phanxicô. Còn gắn với thời sự, đáng chú ý là hồ sơ của nhật báo Le Monde, mang tựa chung trên trang nhất là « Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường » và nhất là phân tích của báo Le Figaro về « Đường lối ngoại giao mới của Trung Quốc để gây ảnh hưởng », tít chính ở trang quốc tế.

Thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari, người bị báo chí Úc xem là con rối của Bắc Kinh. Ảnh minh họaAAP/Mick Tsikas/via REUTERS

Mở đầu bài viết, tác giả Cyrille Pluyette ghi nhận là vụ điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ tăng tốc đã thu hút chú ý của thế giới về các mưu toan xen vào nội tình chính trị nước khác của điện Kremlin, nhưng có nguy cơ che khuất các cố gắng mà Trung Quốc đang bỏ ra để ảnh hưởng lên các quyết định chính trị của nhiều quốc gia.

Quyền lực từ  “mềm” đang biến thành “sắc”
Đây được cho là một đường lối đối ngoại mới của Bắc Kinh, sử dụng “quyền lực mềm” để tìm cách tách một số nước ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ và đưa vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Một vụ tai tiếng gần đây tại Úc đã soi rọi cung cách Bắc Kinh sử dụng « quyền lực mềm » một cách thô bạo đến mức mà một số chuyên gia nhìn thấy đó không còn là quyền lực « mềm » nữa, tiếng Anh là “soft”  mà là quyền lực « sắc » – “sharp power”…

Công chúng Úc đã vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra là một thượng nghị sĩ của họ, thân cận với một nhà tài trợ Trung Quốc, đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh trên những chủ đề gây tranh cãi. Vài tuần lễ trước đó, báo chí New Zealand cũng tiết lộ vụ một nghị sĩ New Zealand, sinh ra ở Trung Quốc, đã giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản và việc từng dậy tiếng Anh cho gián điệp Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn phủ nhận việc họ thao túng nội tình các nước, nhưng rõ ràng là các cuộc “tấn công” này không chỉ liên quan đến Úc và New Zealand - hai nước mà Bắc Kinh đang cố tách ra khỏi đồng minh của họ là Mỹ, để đưa vào quỹ đạo Trung Quốc - mà còn mang tính chất toàn cầu, nhắm vào các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và nhất là các nước Đông Nam Á. Thậm chí cả Mỹ và Châu Âu cũng trở thành đối tượng tấn công.

Theo nhận định của Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu tại trung tâm tham vấn Mỹ Council on Foreign Relations, mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường ảnh hưởng, giảm bớt cái nhìn tiêu cực của giới truyền thông đối với Trung Quốc, và cổ vũ cho mô hình chuyên chế của Trung Quốc ».

Bắc Kinh hy vọng là những nước mà họ muốn ảnh hưởng sẽ có quan điểm thuận lợi đối với quyền lợi kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, và tránh không chỉ trích Bắc Kinh trên các vấn đề như nhân quyền hay yêu sách chủ quyền lãnh thổ, cũng như tránh đề cập đến những chủ đề úy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn hay quy chế của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Chiến lược này, do chính chủ tịch Tập Cận Bình giám sát, được nhiều bộ và ngành thực hiện. Theo Le Figaro, sau khi nhận diện xong các mục tiêu cần thu phục, như chính khách, nhà báo, giáo sư đại học, giới khoa học, doanh nhân, thì Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận họ, mời mọc, hứa hẹn những khoản tài trợ đáng kể.

Theo bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia nghiên cứu tại Viên Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp, thì chẳng khác gì một cỗ xe hủ lô (rouleau compresseur), Trung Quốc đang tiến hành một chính sách ngoại giao gây ảnh hưởng « đặc biệt năng nổ và không mệt mỏi », dùng đến một loạt các phương tiện được một « nguồn tài chính chưa từng có trên thế giới » hỗ trợ.

Theo chuyên gia này, kết quả là « những đối tượng bị Trung Quốc nhòm ngó, sau cùng đã chấp nhận một đề nghị, ít ra là để khỏi bị phiền hà tiếp ». Có điều là sau khi được đối đãi một cách hậu hĩnh, một số người cảm thấy có trách nhiệm là phải truyền đạt lập luận của Bắc Kinh…

Úc nói với Trung Quốc : « Dừng lại ngay đi ! »
Và để minh họa cho bài phân tích về đường lối ngoại giao hung hăng rõ nét đó của Trung Quốc, nhật báo Le Figaro đã nêu bật trường hợp của nước Úc, đã công khai chống lại các thủ đoạn gây ảnh hưởng của Bắc Kinh và đã bị Trung Quốc hù dọa.

Trong bài viết « Nước Úc nói “stop” đối với các hành vi can thiệp của người khổng lồ Trung Quốc », phóng viên Mathilde Blottière của Le Figaro đã ghi nhận một nghịch lý : Một bầu không khí “Chiến Tranh Lạnh” đã bao trùm quan hệ Canberra-Bắc Kinh, vào lúc mà lẽ ra hai bên phải kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập bang giao vào tuần trước.

Căng thẳng Úc-Trung đã tăng đều đặn trong những tháng gần đây sau khi các cơ quan tình báo và phương tiện truyền thông Úc vạch trần những cố gắng của Trung Quốc nhằm thao túng nền chính trị Úc, từ việc nắm thóp một số nhân vật lãnh đạo chính trị, tài trợ thả giàn cho các đảng chính trị, cho đến lập ra các hội sinh viên Trung Quốc làm tay sai cho Bắc Kinh… Theo ghi nhận của Le Figaro, « Quyền lực mềm – Soft Power » của đế chế Trung Hoa đang trên đà cứng lại và nước Úc đã hô lên « Dừng lại ngay ở đây ! ».

Le Figaro đã nhắc lại trường hợp của thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari đầy thế lực, nhưng vừa bị buộc phải từ chức do tai tiếng làm tay sai cho Trung Quốc. Bị mệnh danh là « Sam Thượng Hải – Shanghai Sam », chính khách này đã trở thành biểu tượng của cái mà nước Úc có thể trở thành, nếu lơ là cảnh giác: Một con rối của Bắc Kinh.

Sai lầm của Sam Dastyari là gì ? Le Figaro điểm lại : Sau khi chống lại đường lối chính thức của nước Úc và của đảng Lao Động của ông về Biển Đông bằng cách ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Sam Dastyari đã báo động cho nhà tỷ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một người ở Úc thân cận với đảng Cộng Sản Trung Quốc, rằng điện thoại của tỷ phú này bị tình báo Úc nghe lén. Ông còn tìm cách phá hỏng một cuộc tiếp xúc giữa một nghị sĩ đảng Lao Động với một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc tại Hồng Kông !

Trước các phản ứng từ nước Úc, chính quyền Bắc Kinh đã lớn tiếng dọa nạt Canberra, vừa cho báo chí đả kích Úc, vừa triệu mời đại sứ Úc ở Bắc Kinh lên bộ Ngoại Giao để phản đối, vừa để cho đại sứ Trung Quốc ở Canberra công khai chỉ trích nước chủ nhà !

Ý tưởng về khả năng trừng phạt Úc cũng đã được gợi lên, trong bối cảnh mà theo Le Figaro, Úc bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong lãnh vực du lịch, đại học, với du học sinh Trung Quốc là đội ngũ sinh viên nước ngoài lớn nhất ở Úc, và hàng Úc xuất qua Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông James Laurenceson, phó giám đốc Học Viện Quan Hệ Trung-Úc tại Đại Học Công Nghệ Sydney, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ được tiến hành một cách gián tiếp, chẳng hạn như giảm tốc độ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, không chọn Úc làm nơi đi du lịch hay du học.

Riêng ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc, thì cho rằng Bắc Kinh sẽ tránh phản ứng quá lố, vì không muốn làm sứt mẻ uy tín quốc tế khi trả thù một nước, chỉ vì nước đó muốn bảo vệ chủ quyền của mình.

Donald Trump khóa miệng giới nghiên cứu về môi trường
Như nói ở trên, nhật báo Le Monde đã dành hồ sơ chính với tựa trên trang nhất để nêu bật sự kiên « Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường »

Đối với tờ báo, tương tự như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà ông đã làm, tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường hoàn tất một lời hứa khác đưa ra khi tranh cử : Đó là hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường và khí hậu từng được thực hiện dưới thời tổng thống Obama tiền nhiệm.

Trong bài viết chính mang tựa đề « Các nhà khoa học Mỹ, mục tiêu của một chiến dịch săn đuổi phù thủy », nhật báo Pháp ghi nhận sự kiện Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) của Mỹ là đối tượng đầu tiên bị Nhà Trắng tấn công nhằm phá hoại các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, vì lợi ích của ngành công nghiệp.

Bài báo nhắc lại rằng tháng Hai năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã cam kết: « Cơ quan bảo vệ môi trường à ? Chúng ta sẽ loại bỏ hầu hết các biểu hiện của nó ! »… Lời hứa nói trên đã được thực hiện. Dưới quyền lãnh đạo của tân giám đốc Scott Pruitt, một người nổi tiếng là không tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu, xuất xứ từ tiểu bang Oklahoma, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (EPA) đã tận tâm tự hủy diệt và tháo dỡ các quy định bảo vệ môi trường được thông qua dưới thời Obama.

Để làm điều đó, cần phải đánh vào cán bộ, nhân viên, và ông Scott Pruitt đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh du kích nhắm vào các quan chức và các nhà khoa học đối nghịch với ông…  Theo Le Monde, ông đã hành động theo 4 hướng : làm nản lòng thậm chí đe dọa các nhân viên ; tái cấu trúc các ủy ban khoa học bằng cách bổ nhiệm những người bảo vệ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ; bịt miệng các nhà khoa học; cắt giảm ngân sách và nhân lực.

Kết quả của các thủ đoạn nói trên được thấy rõ : hàng trăm nhà khoa học đã rời khỏi cơ quan.

Một nhân vật không tin là có biến đổi khí hậu lên nắm NASA ?
Trong một bài viết thứ hai mang tựa đề « Một phi công Hải Quân cực đoan thuộc đảng Cộng hòa ngắm nghía chức lãnh đạo cơ quan vũ trụ NASA », Le Monde nêu bật một quyết định khác của Donald Trump cũng theo chiều hướng khóa miệng giới bảo vệ môi trường.

Người được ông Trump cử làm lãnh đạo Cơ Quan Hàng Không Không Gian NASA nổi tiếng là James Bridenstine, cũng là một chính khách xuất thân từ bang Oklahoma, và cũng là một người từng phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng.

Le Monde nhắc lại : Vào tháng 6 năm 2013, trước Hạ viện, James Bridenstine đã tuyên bố: « Nhiệt độ của hành tinh không tăng trong vòng mười năm nay. » Ông giải thích rằng những thay đổi khí hậu chỉ liên quan đến hiện tượng bức xạ mặt trời, chu kỳ của đại dương, rằng các biến đổi đã qua hoàn toàn không phải là do hoạt động của con người…

Việc cử một người như ông Bridenstine lãnh đạo NASA đã đi ngược lại truyền thống, vì ông không phải là một nhà khoa học mà là một chính khách. Và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến ông khổ sở hôm 01/11 vừa qua khi ông ra điều trần về quyết định bổ nhiệm.

Phanxicô và 40 triệu follower trên twitter
Báo Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho đức giáo hoàng Phanxicô và thông điệp Giáng Sinh của ngài « Đức giáo hoàng chống lại những ngọn gió chiến tranh », tựa lớn trên tranh nhất.

Theo tờ báo, từ Jerusalem, Syria, cho đến những người tị nạn Rohingyas ở Miến Điện, hay những người vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu, theo truyền thống, đức giáo hoàng hôm 25/12 đã liệt kê tất cả những nơi trên thế giới mà hòa bình còn bị chiến tranh hay khủng hoảng đe dọa,những nơi mà phẩm giá con người còn bị xâm phạm.

Theo Le Figaro, người đứng đầu Giáo Hội đã biết chọn những lời lẽ nhẹ nhàng để truyền đi thông điệp mạnh mẽ của ngài, và đấy chính là ngoại giao đích thực.

Tờ báo cũng nhắc lại rằng chưa bao giờ uy tín của Đức Giáo Hoàng lại cao như hiện nay. Tờ báo nêu một con số : ngài đã có 40 triệu người theo trên mạng xã hội Twitter, trở thành một trong những người được theo dõi nhiều nhất.

Libération : 200.000 người chết ở Mêhicô vì ma túy
Báo Libération đã nêu bật trên trang nhất một thảm họa mà đất nước Mêhicô đang phải trải tiếp tục chịu đựng : Mười một năm sau khi Nhà Nước Mêhicô tuyên chiến với ma túy, mức sản xuất bạch phiến đang bùng nổ, kèm theo là số sinh mạng bị cướp đi, với các băng buôn bán ma túy vẫn phát triển mạnh như mọi khi.

Do nhu cầu từ Mỹ tăng nhanh, Mêhicô đã trở thành nơi trung chuyển của ma túy, đặc biệt là loại heroin trộn lẫn với fentanyl. Việc bắt giữ những tay trùm ma túy khét tiếng đã không làm thay đổi bất cứ điều gì: Năm 2017 là năm có nhiều người chết vì ma túy nhất.








No comments:

Post a Comment