Lê Phan
December 23, 2017
Tôi có một người bạn già mà thú vui mỗi mùa Giáng
Sinh là phải đi nghe Messiah của Handel, bản đồng ca vui mừng của Handel nói về
Đấng Messiah Chúa Cứu Thế. Mặc dầu không phải là một người Kitô Giáo, tôi đồng
ý với ông bạn là đến dịp Giáng Sinh mà không được nghe điệp khúc Hallelujah thì
có một cái gì đó thiêu thiếu.
Tôi cũng có một người bạn đồng nghiệp hiện đang làm
phóng viên cho đài BBC ở Bắc Kinh. Chị bạn tôi, cũng như ông bạn già, vẫn coi
đi nghe Messiah vào dịp Giáng Sinh là chuyện không thể không có được. Nhưng tôi
mới nhận được một tin nhắn của cô bạn than thở “Năm nay không còn được nghe Handel ở Bắc Kinh nữa.”
Ngạc nhiên tôi đi tìm hiểu thì mới tìm được một bài
của tờ The Economist viết hồi Tháng Tám trong đó tờ báo nói là “Ở Trung Quốc, hát Messiah của Handel nay bị
cấm, cũng như cấm mọi trình diễn âm nhạc tôn giáo nào ngoài nơi thờ phượng.”
Kể ra nhà cầm quyền Bắc Kinh coi bản nhạc đó của
Handel là âm nhạc tôn giáo thì cũng phải. Handel viết bản nhạc đó cho Lễ Phục
Sinh và nó đã được lần đầu tiên trình diễn ở sân khấu của thính phòng Musick
Hall ở Dublin vào ngày 13 Tháng Tư, 1742.
Tạp chí của Viện Smithsonian viết: “Những người đàn
ông và đàn bà được vào thính phòng đã ngồi lặng người say mê khi giọng tenor mở
ra với lời mở đầu ‘Comfort ye, comfort ye my people, saith your God.’ Và rồi
sau đó những giọng đơn ca pha lẫn những làn sóng của các đoạn đồng ca nói lên
câu chuyện của Đấng Messiah Chúa Giê-Su từ khi chào đời, cuộc đời, cái chết và
sự phục sinh và chiến thắng sau cùng đối với mọi tội lỗi và cái chết. Và hào hứng
nhất là điệp khúc ‘Hallelujah’ mà âm thanh hào hùng thường được chào đón ở Anh
bằng cách mọi người đứng dậy như muốn tham gia.”
Tạp chí The Economist kể lại câu chuyện của ban đồng
ca International Festival Chorus (IFC), một ban đồng ca 60 người gồm những ca
nhạc sĩ tài tử người Hoa và người ngoại quốc, vốn trong nhiều năm nay trình diễn
âm nhạc cổ điển Tây phương cho khán giả Trung Hoa. Nhưng hồi Tháng Tám vừa qua,
ban đồng ca đã trình diễn lần cuối, một cuộc thu âm một bản nhạc của một trong
số rất ít những nhạc sĩ Trung Hoa viết nhạc cổ điển, một bài nói về sông Hoàng
Hà. Bản nhạc của ông Tiền Tinh Hải, một nhạc sĩ học ở Paris thời thập niên 1920
và là nhạc sĩ đầu tiên của Trung Cộng bị ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây phương, nói
đến “Những đứa con của Trung Hoa sẽ luôn
ao ước hòa bình,” có lẽ không hợp với những gì ông Tập Cận Bình muốn cho
Trung Cộng ngày nay. Và chủ tịch Tập đã chiến thắng, có thể là một chiến thắng
với ảnh hưởng văn hóa Tây phương, nhưng là một thứ thắng như là thua.
Âm nhạc thính phòng Tây phương không có một số khán
giả rộng lớn ở Trung Cộng. Nhưng ở tỉnh Vân Nam ở miền Tây Nam, những ban đồng
ca của dân tộc mà người Hoa gọi là Miao và họ tự gọi mình là Hmong, vẫn còn tiếp
tục hát Messiah của Handel, mà họ được các nhà truyền giáo dạy cho từ nhiều đời
nay.
Trong những năm trước Thế Vận Hội năm 2008, ban đồng
ca IFC đã thường bán hết sạch vé cho các cuộc trình diễn ở đại thính đường ngay
kế bên Tử Cấm Thành với những cuộc trình diễn “Messiah.” Nhà cầm quyền đã chỉ
ra điều này trong cố gắng thuyết phục các viên chức của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế
IOC là Trung Quốc đã trở thành lịch thiệp và quốc tế.
Nhưng, cũng như “Messiah,” hầu hết các bản đồng ca của
nhạc cổ điển Tây phương đều có nguồn gốc Kitô Giáo. Năm 2008, sau khi Thế Vận Hội
chấm dứt, nhà cầm quyền lặng lẽ cấm mọi trình diễn âm nhạc tôn giáo. Cũng như mọi
sự ở Trung Cộng, không có luật lệ gì cấm cản cả. Nhưng các ban đồng ca ngày
càng thấy không làm sao bán vé được. Họ cũng không xin được giấy phép hay thuê
được thính phòng. Với ngày càng ít những cuộc trình diễn, khán giả cũng giảm dần
theo. Ở Bắc Kinh, IFC gắng tiếp tục, tổ chức những buổi trình diễn “riêng” mỗi
Giáng Sinh. Nhưng buổi
trình diễn “Messiah” vào Tháng Mười Hai, 2016, là buổi trình diễn cuối cùng.
Đảng Cộng Sản đã có thời bao dung hơn và các lãnh tụ
Cộng Sản cũng có thời hiểu biết rộng rãi hơn. Những cựu lãnh tụ như Chu Ân Lai
đã từng sống ở ngoại quốc. Ngay chính cả ông Mao Trạch Đông cũng đã sống trong
thời trẻ khi cánh cửa cho văn hóa quốc tế còn mở rộng. Đến cả những thế hệ như
ông Giang Trạch Dân cũng được nói là đã mở bản “Requiem” của Mozart để mặc niệm
khi nghe tin ông Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997. Ông Mao Trạch Đông đã tặng
cho nhạc sĩ Tiền Tinh Hải một cây bút để chứng tỏ sự tán thưởng tài năng của nhạc
sĩ.
Nhưng ông Tập khác với họ. Là một người, vì tham vọng
đã từ chối đi học ngoại quốc, ông Tập do đó cũng có một cái nhìn thiển cận hơn
về những gì có thể chấp nhận được về văn hóa. Năm ngoái, ông tuyên bố là đảng
phải “cương quyết đề phòng sự xâm nhập từ hải ngoại qua các phương tiện tôn
giáo.” Các viên chức địa phương có vẻ đã diễn dịch lệnh này là một chỉ dấu để
gia tăng tấn công vào Bach, Verdi và cả Handel nữa.
Trong giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa của ông Mao Trạch
Đông, tất cả âm nhạc Tây phương kể cả nhạc cổ điển bị lên án và những ai trình
diễn đã phải im tiếng. Cũng trong giai đoạn đó tôn giáo bị cấm, đặc biệt nhất
là Kitô Giáo. Nhưng những thập niên sau đó, với chủ thuyết nhường chỗ cho thực
tế và kinh tế nối liền liên hệ với phần còn lại của thế giới, âm nhạc Tây
phương được chào đón. Những đại thính đường được dựng lên, một thế hệ mới những
nhạc sĩ nhạc cổ điển như Lang Lang xuất hiện trên sân khấu quốc tế. Ba vị tenor
nổi tiếng, các ông Placido Domingo, José Carreras và Luciano Pavarotti, được mời
đến trình diễn ở Trung Cộng.
Nhưng trong khi đó đảng Cộng Sản vẫn sợ tôn giáo. Xuất
thân cũng từ những hội kín kể cả các hội kín tôn giáo, đảng Cộng Sản Trung Hoa
rất sợ sức mạnh của tôn giáo. Phản ứng tàn bạo của họ với Pháp Luân Công cho thấy họ sợ sức mạnh của
tôn giáo đến mức nào. Họ cũng chưa quên bài học lịch sử là các cuộc cách
mạng lật đổ chính quyền ở Trung Hoa đã thường xuất phát từ các giáo phái. Đối với
Kitô Giáo, họ vẫn luôn nghi ngờ và lo sợ bởi vì Kitô Giáo cho người ta một uy
quyền tối thượng và một luật lệ có thể nói vượt trên luật lệ nhà nước. Các
website của đảng Cộng Sản thường chỉ ra những trường hợp các nhà truyền giáo
ngoại quốc “phục vụ quyền lợi của thực dân và đế quốc,” một chuyện đã chỉ xảy
ra thời thế kỷ thứ 19, nhưng họ nói đến như là chuyện hôm nay.
Và từ tôn giáo, nay đến cả âm nhạc tôn giáo tây
phương cũng không còn được cho phép trình diễn nữa. Điều này đã làm một số nhà
quan sát ngạc nhiên. Bởi sự bành trướng của Kitô Giáo ở Trung Cộng không phát
xuất từ các thính phòng ở các thành phố lớn. Ngay hiện nay các nhà thờ, kể cả
các nhà thờ của giáo hội thầm lặng, đầy người, nhưng ở những nhà thờ này có mấy
ai biết đến tiếng nhạc của Handel hay Bach.
Một phóng viên của tờ Guardian ở Trung Cộng có lần
nhận xét “Mỗi khi đảng Cộng Sản cảm thấy
thiếu tự tin và bất an, họ thường quay ra bài Tây phương và ảnh hưởng của
phương Tây. Theo tôi cấm âm nhạc cũng là một chuyện như vậy.”
Những người bênh vực cho ông Tập lập luận là Trung Cộng
có thể chọn những gì họ muốn từ thế giới bên ngoài. Và nếu họ bác bỏ âm nhạc
tôn giáo, điều đó không có nghĩa là họ bỏ qua những hình thức khác của văn minh
Tây phương. Nhưng âm nhạc, nhất là âm nhạc tôn giáo của nhạc cổ điển, là một phần
quan trọng của văn minh Tây phương. Và khi xây tường không cho dân chúng nghe
âm nhạc cổ điển Tây phương nữa, họ cũng đã làm cho mình nghèo thêm về phương diện
văn hóa mà cũng chưa chắc thêm an toàn.
Riêng với chị bạn tôi ở Bắc Kinh thì tôi đã gửi cho
chị qua một người bạn khác một CD “Messiah” để giúp cho tiếng nhạc của Handel vẫn
còn tiếp tục dầu chỉ là ở một apartment của một người ngoại quốc. (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment