Tham nhũng không phải bây giờ mới xuất hiện mà có từ
thời thượng cổ. Khi con người lập ra bộ máy cai trị thì tham nhũng nảy sinh.
Đơn giản là con người vốn tham, lúc có quyền hành trong tay thì lòng tham ấy được
trợ lực, trỗi dậy, biến thành tham nhũng.
Vậy thì tham nhũng là gì? Là lợi dụng chức vụ quyền
hạn để vơ vét, thâu tóm tiền bạc, của cải, tài sản không phải của mình về cho
mình. Nói cách khác, tham nhũng là cuộc cướp đoạt vật chất bằng quyền bính.
Trong bất cứ thể chế, hình thức xã hội nào, kể cả xã
hội XHCN, xã hội cộng sản “vì dân do dân”, chỉ những kẻ nắm quyền mới có thể
tham nhũng. Dân không thể nào tham nhũng bởi dân không có quyền. Dân chỉ có nhiệm
vụ chống tham nhũng. Nhưng trong xã hội XHCN dân cũng không được chống tham
nhũng bởi thấp cổ bé miệng, nói chả ai nghe. Lịch sử Việt chỉ ghi nhận duy nhất
trường hợp dân chống tham nhũng thành công là nhà thơ Đoàn Phú Tứ (tác giả bài
“Màu thời gian” nổi tiếng) dõng dạc tố cáo đại tá Trần Dụ Châu khiến ông quan
năm này bị phơi bày, chính phủ buộc phải ra tay xử lý. Còn về sau, bất kỳ người
dân nào đứng lên đấu tranh chống tham nhũng số phận đều chịu lên bờ xuống ruộng.
Muốn chống tham nhũng, bộ máy cai trị xã hội phải có
sự kiểm tra giám sát nhau theo cơ chế đối lập, dân chủ, đa đảng. Đảng nào, lực
lượng nào nắm quyền mà tham nhũng thì đảng khác, lực lượng khác sẽ phanh phui,
buộc nó phải ra đi cho đảng, lực lượng trong sạch hơn nắm quyền.
Độc đảng thì không bao giờ chống nổi tham nhũng. Có
chống cũng như ném đá ao bèo, giật gấu vá vai, chữa cháy, lấp chỗ này hở chỗ
khác. Độc đảng là cơ chế sinh ra tham nhũng, là mẹ đẻ của tham nhũng, nên nó
không thể tự chống nó, nó thừa biết chống cũng chả đem lại kết quả tốt đẹp gì.
Nó làm màu thế thôi, để lừa thiên hạ, che giấu cái thực chất thối nát của nó.
Nói thẳng ra, công cuộc chống tham nhũng do đảng cầm
quyền xứ này, hiện thời dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Phú Trọng, thực chất chỉ
là cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực, bè phái (mà họ là nhóm, lợi ích
nhóm) trị nhau. Kẻ chống lẫn kẻ bị chống đều cùng một giuộc, cùng từ một nguồn
tham lam quyền lực, từng là đồng chí, từng chung quyền lợi, từng tụng niệm những
bài giáo điều, từng thề thốt phấn đấu cho thứ này thứ nọ… Khi có quyền, khi phủ
phê phè phỡn vật chất, chia bôi anh nhiều anh ít, sinh ra tị nạnh, ghen ghét,
lôi kéo bè phái, tìm kẻ ăn cánh, không hạn chế lòng tham, dẫn tới đụng độ, tố
cáo nhau, bày mưu tính kế triệt hại nhau. Họ gọi “đồng chí kẻ thù” là “tự suy
thoái”, “lợi ích nhóm”, đẩy nhau vào lò lửa. Họ lợi dụng nhân dân, dựng chiêu
bài chống tham nhũng vì nước vì dân để tranh thủ lôi kéo nhân dân vào phe với
mình.
Những cuộc đấu đá “chống tham nhũng”, bắt bớ tràn
làn, những ông này bà nọ bị khởi tố, truy tố đã và đang diễn ra chỉ chứng minh
rằng bộ máy cai trị đã phân hóa rất ghê rợn, thậm chí thối nát, quyền lực đang
được sử dụng vào cuộc tranh giành phe nhóm chứ dân chúng chả có ích lợi gì.
Tham nhũng như thằng giặc Phạm Nhan, cứ chặt đầu này sẽ mọc ngay đầu khác, bởi
cái cơ chế sinh ra nó vẫn tồn tại thì nó phải tồn tại và phát sinh. Không có Đinh
La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Hồ Kim Thoa, Lê Phước Thanh, Ngô Văn
Tuấn, Trần Văn Truyền, Nguyễn Xuân Anh… này thì sẽ có Thăng, Thanh, Hoàng,
Thanh, Tuấn… khác. Vòng luẩn quẩn.
Tham nhũng chỉ bị đánh dẹp thực sự, chỉ giảm đi, mất
đi khi không còn bà đỡ cho nó, cơ chế đẻ ra nó.
Chống tham nhũng ở xứ này, như kiểu cách hiện thời,
chống một nghìn năm vẫn thế thôi.
------------------------------------
Chế
độ độc tài không thể chống tham nhũng! - Ba Sàm Jan 12, 2016
No comments:
Post a Comment