Sunday, December 17, 2017

DÒNG TWEET CỦA TRUMP & TỰ DO BÁO CHÍ (Phạm Nguyên Trường & Tam Don)


Phạm Nguyên Trường & Tam Don
18/12/2017

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12-12-2017( theo giờ New York), tổng thống Hoa Kỳ, ông D. Trump có một dòng tweet trên trang cá nhân của mình: “Thượng nghị sĩ nhẹ ký (nguyên văn: lightweight- tiếng lóng nghĩa là đĩ điếm) Kirsten Gillibrand, một người không may mắn so với Chuck Schumer và một người nào đó sẽ đến văn phòng của tôi "cầu xin" cho những đóng góp chiến dịch cách đây không lâu (và sẽ làm bất cứ điều gì đó vì họ), giờ đây đang trong cuộc chiến chống lại Trump. Rất không trung thành với Bill & Crooked-Hết rồi nhé!” (nguyên văn:USED!”).

Chạm đáy hay không chạm đáy

Dòng trạng thái gây shock của tổng thống Trump đã làm ngỡ ngàng nhiều triệu người Mỹ, trong đó có cả những người Mỹ gốc Việt. Đa phần trong số người phản ứng đã cho rằng, dòng trạng thái của TT Trump thể hiện sự tồi tệ về nhân cách và hành vi.

Báo chí Mỹ với truyền thống tự do ngôn luận lâu đời cũng đã nhanh chóng nhập cuộc, hòa vào trào lưu mạng xã hội. Vào lúc 9 giờ 30 ngày 13-12( giờ New York), một tờ báo lớn của Mỹ là USA Today đã ngay lập tức tấn công trực diện vào TT Trump bằng cách cho đăng tải bài xã luận sau đây:

“Sự đê mạt của Trump liệu có chạm đáy? 

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Huckabee Sanders, khăng khăng nói rằng dòng trạng thái của Tổng thống Donald Trump trên Tweetter về Thượng Nghị Sĩ của New York, Kirsten Gillibrand, là không có tính phân biệt đối xử về giới, nhấn mạnh rằng chỉ những người có tư tưởng “đồi bại” mới hiểu theo cách đó. (AP ngày 12 tháng 12) AP

Tổng thống mà gọi thượng nghị sĩ là gái điếm thì không đáng dọn dẹp nhà vệ sinh trong thư viện của tổng thống Obama hay đánh giày cho George W. Bush: Quan điểm của chúng tôi

Với dòng trạng thái mới nhất của ông ta trên Tweetter, rõ ràng ngụ ý rằng thượng nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ bán thân để lấy tiền mặt cho chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã thể hiện ông không xứng đáng giữ chức vụ đó. 

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Sarah Huckabee Sanders, bác bỏ chỉ trích nhắm vào Tổng thống, coi đó là hiểu lầm vì ông đã từng sử dụng những từ ngữ tương tự khi nói về đàn ông. Tất nhiên, từ ngữ dùng cho nam và nữ là khác nhau. Khi ứng viên Trump nói rằng một nhà báo đang chảy máu từ “bất cứ nơi nào” trên người cô ấy, thì ông ta không định nói về cái mũi của cô ta.

Và cũng như tất cả những trường hợp khiêu khích trên mạng của Trump, lời lẽ của tổng thống là cố ý. Ông đang tưới chất cháy của từ ngữ giới tính và bật diêm, biết rằng nó sẽ bùng lên thành ngọn lửa trong một đất nước được tháo ra từ # MeToo.

Tổng thống mà gọi thượng nghị sĩ là gái điếm thì không đáng dọn dẹp nhà vệ sinh trong thư viện tổng thống Obama hay đánh giày cho George W. Bush

Đây không phải là nói về những khác biệt trong chính sách mà chúng ta thường gặp với tất cả các tổng thống hay sự thất vọng của chúng ta về một số quyết định của họ. Cả Obama lẫn Bush đều thất bại theo nhiều cách khác nhau. Họ không giữ được lời hứa và nói dối, nhưng không ai nghi ngờ thái độ lịch sự của họ. 

Mặt khác, Donald Trump là người khủng khiếp có một không hai. Hành vi kinh tởm của ông ta có tính hủy hoại đối với công tác quản trị được mọi người chia sẻ, dựa trên các giá trị chung và sự đồng ý của người bị trị.

Ông ta đối xử với Gillibrand hạ đẳng đến mức nào không làm ai ngạc nhiên. Trong quá trình vận động tranh cử, khi bị cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục hoặc lạm dụng tình dục phụ nữ trong quá khứ, phản ứng của Trump là coi thường những người cáo buộc ông ta. Tháng 10 năm ngoái, Trump nói rằng trong hàng chục năm qua, ông ta chưa bao giờ lôi Jessica Leeds lên máy bay: “Xin hãy tin tôi, cô ấy không phải là sự lựa chọn đầu tiên của tôi, tôi có thể nói với các vị như thế”. Trump chế nhạo một người tố cáo khác, cựu phóng viên của tờ People, Natasha Stoynoff, “Xin hãy kiểm tra Facebook của cô ta, rồi các vị sẽ hiểu”. Những người nổi tiếng và các chính trị gia cũng từng bác bỏ các cáo buộc, nhưng không người nào hành động theo lối hạ đẳng đến mức nói rằng những người cáo buộc họ chưa hấp dẫn đến mức được sờ mó.

Nếu có thể coi lịch sử trong giai đoạn gần đây là bản hướng dẫn thì sự khủng khiếp có một không ai của thời đại Trump trong nền chính trị Mỹ sẽ trở nên ngày càng xấu hơn. Sự thiếu đạo đức và đơn giản là thiếu nhân cách của Trump đã được thể hiện rất rõ trong suốt 11 tháng ông ta làm tổng thống. Xin đưa ra một vài dẫn chứng:

Ông ta nhiệt tình ủng hộ ứng cử viên Thượng viện của đảng Cộng hòa ở bang Alabama, Roy Moore, người bị cáo buộc theo đuổi - và một lần lạm dụng tình dục và một lần đã tấn công – các trẻ vị thành niên mới 14 tuổi khi Moore làm công tố viên quận, ở tuổi 30. Hôm thứ ba, Trump tóm tắt thái độ sẵn sàng ủng hộ con người bị cáo buộc tội hình sự đó như sau: “Roy Moore sẽ luôn luôn bỏ phiếu với chúng tôi”.

Trump dường như đang lập kỷ lục về nói dối trong giai đoạn nắm quyền. Tính đến giữa tháng 11, ông ta đã đưa ra 1.628 báo cáo gây hiểu lầm hoặc sai trong 298 ngày tại nhiệm. Tức là 5,5 tuyên bố sai mỗi ngày, đấy là theo tường trình của The Washington Post.

Trump sử dụng mọi cơ hội - thậm chí sử dụng cả cuộc tấn công khủng bố bất thành vào hôm thứ Hai ở New York - để khuấy động cuộc tranh cãi về chủng tộc, tôn giáo hoặc sắc tộc. Quốc hội “phải chấm dứt hiện tượng di cư dây chuyền”, ông ta nói hôm Thứ Hai, bởi vì nghi phạm khủng bố “đã thâm nhập vào nước ta qua hiện tượng di cư dây truyền theo diện đoàn tụ gia đình, không phù hợp với an ninh quốc gia”. Cho nên, vì một người đàn ông - 27 tuổi Akayed Ullah, thường trú tại Hoa Kỳ, gốc Bangladesh, di dân theo diện đoàn tụ gia đình năm 2011 - bị buộc tội tấn công nước Mỹ, mà tất cả những người nhập cư vào nước này theo diện đoàn tụ gia đình đều đáng nghi ngờ? Trump có thể được tín nhiệm nếu lời chỉ trích của ông ta về người nhập cư chỉ nhắm vào những kẻ khủng bố. Nhưng, không phải như thế. Đối với ông ta, người nhập cư là tên khủng bố hay thẩm phán liên bang thì cũng như nhau. Ông ta đã từng chế giễu một thẩm phán sinh ra tại Indiana, mà cha mẹ lại là người di cư từ Mexico tới. Đối với vị tổng thống này, tất cả mọi người nhập cư đều như nhau.

Là người muốn đặt dấu ấn của mình lên chính phủ, Trump thậm chí không làm công việc của mình khi cần bổ sung các chức vụ quan trọng của chính phủ với đòi hỏi là phải được Thượng viện phê chuẩn. Tính đến tuần trước, Trump đã không đề cử người cho 60% trong số 1.200 vị trí quan trọng mà ông ta có đưa vào nhằm giữ cho chính phủ hoạt động trơn tru.

Trump tỏ ra khinh thường những lời cáo buộc về đạo đức, mà tất cả các vị tổng thống trong thời gian gần đây đều phả dè chừng. Ông ta không chịu khai báo lợi tức để đóng thuế, viện cớ là đang kiểm toán. Ông không chịu đưa doanh nghiệp nhiều tỷ USD vào tín thác mù (giao cho người khác toàn quyền quản lí – ND) và khăng khăng nói rằng đưa doanh nghiệp vào tay các ông con trai thì cũng thế.

Đấy là chưa nói đến việc ông ta coi những người ủng hộ thuyết cho rằng người da trắng là ưu việt là “những người rất tuyệt vời”, việc tha cho một cảnh sát trưởng vô luật pháp khi tay này bắn một giám đốc FBI đáng kính, và thúc Bộ Tư pháp điều tra những kẻ thù chính trị của ông ta.

Thật choáng váng khi biết rằng chỉ có sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi vị tổng thống bất nhất của chúng ta từ chức.

Quốc gia này không tìm kiếm và cũng không mong đợi có các tổng thống hoàn hảo, và một số vị chắc chắn là có nhiều khiếm khuyết. Nhưng một vị tổng thống thể hiện thái độ không tôn trọng sự thật, không tôn trọng đạo đức, không tôn trọng những trách nhiệm căn bản của công việc và không có thái độ lịch thiệp đối với người khác là không có khả năng thực hiện được những điều kiện làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”. ( Bài xã luận USA TODAY, nguyên bản tiếng Anh: https://www.usatoday.com/story/opinion/2017/12/12/trump-lows-ever-hit-rock-bottom-editorials-debates/945947001/).

CHUYỆN BÌNH THƯỜNG VÀ NỖI KHÁT KHAO

Không chỉ có tờ USA Today, nhiều tờ báo có uy tín khác như Huffington Post, Business Insider cũng đã có bài chỉ trích TT Trump về dòng trạng thái gây shock.

Chắc chắn một điều rằng, những ai đã sống trong một chế độ độc tài không có tự do báo chí sẽ có hai dòng cảm xúc trái ngược về bài báo này: 01) cảm xúc bất ngờ vì bài báo có nhiều từ ngữ nặng nề chê trách nhân cách và hành vi của TT Trump, chỉ trích mạnh mẽ thói dối trá(?) của TT Trump, 02) cảm xúc hả hê vì đây là lần hiếm hoi họ được đọc một bài báo chỉ trích và lên án một nguyên thủ quốc gia- điều không bao giờ có trong một nền báo chí công cụ của chế độ độc tài, và họ sẽ tự nhiên nảy sinh mong ước một ngày nào đó báo chí trên đất nước họ sẽ được tự do phê phán và chỉ trích các nhà lãnh đạo.

Cần phải nhớ một điều rằng, không chỉ TT Trump mà tất cả các đời tổng thống của Mỹ đều bị báo chí Mỹ phê phán và chỉ trích, chỉ khác nhau ở cấp độ. Phê phán và chỉ trích là một phần công việc của báo chí Mỹ, và tiếp nhận các phê phán và chỉ trích cũng là một phần công việc của tổng thống Mỹ. Đó là những điều bình thường trong xã hội Mỹ nói riêng và trong xã hội dân chủ nói chung. Vào giữa năm 2016, trong chuyến công du đến Việt Nam, TT B. Obama đã nói:” Tôi bị chỉ trích hàng ngày, và điều đó làm cho tôi và nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn”.

Tự do báo chí là một thành tố quan trọng để bảo đảm sự thịnh vượng của một quốc gia, gia tăng sự tiến bộ của nhân dân ở quốc gia đó. Ở Hoa Kỳ, tự do báo chí là một sự mặc định hơn 200 năm nay, đến nỗi đất nước này không có luật báo chí. Hiến pháp Mỹ không cho phép quốc hội Mỹ ban hành luật báo chí bởi nỗi lo sợ luật này, nếu được ban hành, sẽ hạn chế quyền tự do báo chí.

Giáo sư Jane Kirtley (người Mỹ) đã viết: “Một nền báo chí tự do cũng có thể có khiếm khuyết và đôi khi không đáp ứng được hết những gì người ta kỳ vọng về nó. Nhưng những nền dân chủ đang phát triển khắp thế giới vẫn hàng ngày chứng tỏ rằng họ có đủ dũng khí và tự tin để chọn sự hiểu biết hơn là ngu dốt, chọn sự thật hơn là những thông tin tuyên truyền, bằng cách chấp nhận và áp dụng lý tưởng về báo chí tự do. Sống với tự do báo chí không dễ. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể sống nếu không có điều đó”. Cũng như giáo sư Jane Kirtley, các tổng thống Mỹ đều không dễ dàng khi sống chung với một nền báo chí tự do, nhưng họ không thể sống nếu không có một nền báo chí tự do. Họ bình thản chấp nhận phê phán và chỉ trích, họ lặng lẽ thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và lịch sử, và rồi họ âm thầm lớn mạnh dần lên.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tài ở Sài Gòn, người có thâm niên 20 năm làm phóng viên trong nghề báo khi đọc xong bài báo của USA Today đã đau đớn nói: “Ở Việt Nam nếu có một bài báo như thế này, cả phóng viên và những người đứng đầu tòa soạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ẩn chứa trong câu nói của nhà báo Nguyễn Tiến Tài là một ước mơ lớn về tự do báo chí, về quyền của báo chí trong việc phê phán và chỉ trích người đứng đầu đất nước.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo







No comments:

Post a Comment