Wednesday, November 29, 2017

NHÀ HOẠT ĐỘNG TRẺ PAULUS LÊ VĂN SƠN : "CHÚNG TA CHƯA BAO GIỜ THẤT BẠI" (Tuấn Khanh ghi)



Thứ Tư, 11/29/2017 - 11:51 — tuankhanh

Phỏng vấn Paulus Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm và là hoạt động trẻ ở Việt Nam, người chọn dấn thân vì lý tưởng dân chủ và nhân quyền trên tinh thấn bất bạo động.

*

“Chúng ta chưa bao giờ thất bại”

Một trong các câu chuyện về những người trẻ dấn thân mà tôi muốn ghi lại, trường hợp của Lê Văn Sơn là một chứng minh rõ về nỗi đau và sự kiên định cho lý tưởng bản thân. Chuyện của Sơn khiến tôi suy nghĩ nhiều, cũng như hết sức xúc động. Paulus Lê Văn Sơn nằm trong nhóm thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt vào tháng 8-2011. Chính quyền Việt Nam kết án Sơn với tội danh theo điều 79: “hoạt động lật đổ chính quyền”.

 Paulus Lê Văn Sơn

Tại phiên sơ thẩm Paulus Lê Văn Sơn bị tuyên 13 năm tù; nhưng đến phiên phúc thẩm ngày 23-5-2013, án cho anh này còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế.

Câu chuyện của Lê Văn Sơn gây xúc động cho những ai biết đến, là khi mẹ của Sơn lâm bệnh nặng, nhiều lần cầu xin chính quyền xin được gặp mặt con, nhưng vẫn không được. Và rồi mòn mỏi, Bà Maria Đỗ Thị Tần qua đời lúc chưa đầy 50 tuổi. Cơn bệnh của bà bắt đầu bộc phát khi nghe tin Sơn bị bắt.

Sơn là con trai một, và hai mẹ con đã cùng nhau sống qua những ngày tháng khó khăn, nghèo khó cũng như đủ đầy, cho đến lúc Sơn học hành đỗ đạt. Nhưng cái chết đã chia lìa hai mẹ con quá sớm. Điều đáng nói, là khi lâm bệnh vì nghe tin con trai bị bắt cho đến lúc mất, chưa lần nào bà tỏ ý tiếc nuối về điều con mình đã làm.

Sơn kể về mình như sau: “Tôi tên là Lê Văn Sơn, bút danh Paulus Lê Sơn, sinh năm 1985 tại Thanh Hóa, trong gia đình có một mẹ một con. Trước khi dấn thân từ năm 2007, tôi là một người quản trị du lịch và hướng dẫn viên. Cuộc sống có nghề nghiệp, thu nhập cao, ổn định, nhưng khi tôi đi nhiều nơi trên đất nước và thấy được nhiều điều bất công xảy ra, tôi dần bắt đầu nhận thức về xã hội, và cuối cùng nhận ra rằng những bất công xã hội đó bắt nguồn từ cơ chế chính trị. Tôi đã thay đổi”.

1. Hiện thực đã thay đổi bạn, hay bạn bị tác động từ ai, từ sách vở? Đã có lúc nhiều bài báo, truyền hình nhà nước nói rằng bị lung lạc, xúi giục…?
- Chính xã hội bất công, văn hóa tàn lụi, biển đảo bị xâm lược, ngư dân bị Trung Cộng bắn giết, tất cả điều đó khiến tôi đau đáu trong tâm hồn và trí tuệ. Tôi nhìn thấy, tôi suy nghĩ và tôi đổi thay. Tôi tự hỏi, đất nước đau khổ như vậy thì một người trẻ như mình cần phải làm gì đây ? Tôi bắt đầu bước xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược biển đảo và bắn giết ngư dân Việt Nam vào năm 2007.

Đúng là tôi cũng bắt đầu tìm đọc sách báo trên internet, những trang báo mạng tự do, khách quan, đa chiều, nhưng tôi không bị lung lạc gì cả, mà thấy mình dần như bước vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ so với trí tuệ bị tù túng, o ép bởi chính sách ngu dân mà cộng sản đã áp đặt lên dân tộc này.

Phải nói rằng, từ tìm hiểu mà tôi học hỏi và chịu bị ảnh hưởng từ những người đã chọn dấn thân tranh đấu cho quê hương, dân tộc. Tôi thấy mình lớn lên từ khi tôi tìm hiểu về đấu tranh cho sự tự do, công lý, sự thật và quyền con người nhưNelson Madela, Luther King, Mahatma Gandhi…và cả với những nhân vật lịch sử Việt Nam với tinh thần chống Trung Quốc mạnh mẽ như Lê Lợi, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn…

2. Những trước khi nhận một án tù nặng như vậy, chắc bạn đã có một hoạt động cụ thể nào đó chứ? Có kỷniệm nào mà bạn có thể nhắc lại với mọi người không?
- Từ năm 2007 trở đi, năm nào tôi cũng ít nhất một lần bị bắt, bị đánh đập, bị giam giữ từ một đến 2, 3 ngày. Nhưng tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi hòa vào dòng người biểu tình chống Trung Cộng trong những Chúa Nhật cuối tuần. Có lần bị bắt, phía an ninh đánh đập, tra tấn, tôi đã làm đơn kiện ngay sau khi được thả, gửi đến cơ quan công quyền như công an phường Quang Trung, Công an Quận Đống Đa, văn phòng tiếp công dân quận Đống Đa… để chất vấn vì sao tôi bị đánh đập khi chống giặc xâm lược đất nước mình. Những nơi đó đã lẩn tránh không dám nhận đơn. Sau những vụ bị bắt giữ đánh đập và đấu tranh chính trị với các cơ quan nhà nước như vậy, tôi dần trở nên trưởng thành hơn trên con đường mình đã chọn.

3. Nhưng người thân của anh, mẹ của anh… mọi người có sợ hãi không? Đôi khi gia đình nói đồng thuận theo hành động của anh bởi họ tuyệt vọng vì không khuyên bảo được anh?
- Tôi có một người mẹ tuyệt vời, bà âm thầm ủng hộ khi biết tôi quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, lúc ban đầu, là một người mẹ nên bà sợ con mình bị tù đầy, trù dập, thủ tiêu, nhưng rồivới sự kiên trì, và với quyết tâm của tôi nên mẹ nhận thấy được con đường tôi đang đi là đúng đắn, là sự thật và có ích cho quê hương. Tôi tự hào vô cùng khi mẹ tôi đã ủng hộ, thậm chí ủng hộ cho đến chết mà không nhìn thấy được tôi, bởi tôi bị cầm tù.

4. Thỉnh thoảng, lúc này (2017) đã có một số người tranh đấu hay dấn thân cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí họ công khai thể hiện sự tiếc nuối vì đã bở dỡ một cuộc sống an nhàn. Còn bạn, bạn có tiếc nuối những ngàytháng thu nhập cao? Cuộc đời an nhàn đã có?
- Cần phải khẳng định rõ ràng là tôi chưa bao giờ hối tiếc việc dấn thân và hi sinh tuổi thanh xuân, thậm chí phải trãi qua nhà tù cộng sản vì tình yêu quê hương đất nước. Như tôi đã nói ở trên, tôi từng có công việc ổn định, lương cao, mọi sự được coi là sáng sủa với một thanh niên mới ra trường. Nhưng tôi đã quyết định đi theo con đường, bỏ lại mọi thứ, dù phải chấp nhận hi sinh cả tình cảm riêng. Gia đình bác gái tôi đã tuyên bố, nếu tôi cứ theo con đường này từ sẽ từ mặt, và cuối cùng thì bác gái cũng đã từ mặt tôi. Đau đớn và cô đơn, nhưng bù lại tôi thấy mình thật đáng sống vì không hoài phí tuổi xuân và lạc lối.

Nỗi buồn lớn nhất trong việc lựa chọn dấn thân của tôi, đó là biến cố mẹ tôi qua đời khi tôi đang bị giam cầm tháng thứ 8 trong nhà tù mà không được về chịu tang mẹ, mãi hơn 1 năm sau mẹ qua đời thì tôi mới được biết tin. Đây là nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, bằng ngôn ngữ, chữ viết. Dẫu vậy, tôi vẫn phải vượt qua và tiếp tục sống để đi tiếp con đường mà mẹ tôi vẫn chung niềm tin với tôi.

5. Ngay sau khi ra tù, bạn lại lập tức hoạt động. Bạn đang muốn điều gì trong kế hoạch tương lai?
- Tôi có nhiều ao ước và đang kết hợp làm việc để cho các bạn trẻ để hàm thụ được nhiều kiến thức đáp ứng thật tốt cho việc nhận thức về nhân quyền, tự do cho quê hương. Tôi muốn được chia sẻ về kiến thức truyền thông, kiến thức đấu tranh bất bạo động.

Tôi luôn trong tình trạng gặp nguy hiểm đến từ phía nhà cầm quyền, có thể bị bắt giam trở lại băt cứ lúc nào với những điều luật mơ hồ như 88, 79… Nhưng tôi tin và khẳng định con đường của chúng ta đang đi đã gần tới đích. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách cộng sản vô thần tàn ác.

Tôi ước mơ khôn cùng cho tương lai đất nước Việt Nam không còn bóng tối cộng sản phủ lên đầu chúng ta, con cháu chúngta. Tôi nguyện đem hết sức lực, trí tuệ và hi vọng để cống hiến cho quê hương đất nước, tôi cảm thấy mình – chúng ta chưa bao giờ thất bại. Và cả phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền Việt Nam cũng chưa bao giờ thất bại, ngược lại nó đang tiến về đích một cách rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, từng ngày.

(Tuấn Khanh ghi)

-------------------------------------

Những người bạn trẻ quanh tôi / kỳ 2 :
Thứ Ba, 10/31/2017 - 07:58 — tuankhanh

Những người bạn trẻ quanh tôi / kỳ 1 :
Thứ Tư, 10/18/2017 - 11:14 — tuankhanh








No comments:

Post a Comment