Tuesday, November 28, 2017

NGUYỄN VĂN HÓA, CÚ LỪA NGOẠN MỤC & BẢN ÁN TRẢ THÙ (Paulus Lê Sơn)


Paulus Lê Sơn
28/11/2017

7 năm tù giam và 3 năm quản chế đã được thét lên từ miệng lưỡi quan tòa cộng sản dành cho thanh niên 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa vào sáng ngày 27 tháng 11 năm 2017 tại Tòa án tỉnh Hà Tĩnh. Một phiên tòa và một bản án trả thù vì làm tổn hại đến hình ảnh Formosa.

Phiên tòa dường như được sắp đặt để diễn ra một cách bí mật và kín đáo nhất có thể. Dư luận chỉ được biết sau khi bản án đã được tuyên một cách chóng vánh và nặng nề.

Nguyễn Văn Hóa hành động

Hóa, 22 tuổi, quê Hà Tĩnh, mảnh đất đã chịu biết bao hậu quả từ thiên tai đến nhân tai địch họa. Tháng 4 năm 2016, cái tên Formosa được dấy lên vì thảm họa môi trường mà nó gây ra cho biển miền Trung đạt đến đỉnh điểm của sự hủy diệt khiến hàng trăm ngàn người dân rơi vào cuộc sống bế tắc.

Đứng trước tình cảnh đó, Hóa đã không cầm lòng ngồi yên một chỗ mà dấn thân bằng việc đưa tin để cho cả thế giới biết đến những cuộc biểu tình đòi công lý của nạn nhân Formosa qua những hình ảnh được anh ghi lại với flycam. Hóa đã đồng hành cùng với các nạn nhân Formosa tìm kiếm công lý, những hành động hết sức có ý nghĩa của tuổi trẻ cho tha nhân và cho quê hương.

Thế mà em lại bị an ninh cộng sản bắt cóc ngày 11/1/2017 khi đang đi trên đường và an ninh vu cáo Hóa tàng trữ ma túy trong người. Mãi đến 12 ngày sau công an Hà Tĩnh mới thông báo cho gia đình Hóa biết.

Cú lừa ngoạn mục

Sự non nớt trong kinh nghiệm của người trẻ 22 tuổi trước những thủ đoạn tinh vi và xảo trá bậc nhất thế giới của an ninh cộng sản là một cuộc đấu không cân sức. Phần thắng đã rơi vào tay an ninh điều điều tra.

Trong giáo án điều tra của công an cộng sản hầu như không thể thống kê bằng số học. Họ có vô vàn chiêu thức hoàn thành hồ sơ vụ án trong đó nhục hình, bức cung, tra tấn, mớm cung, phủ dụ, tâm lý chiến, tình cảm, lời hứa, thậm chí là cùng chiến tuyến, ngụy trang…

Nguyễn Văn Hóa đã dính bẫy nào của an ninh cộng sản giăng sẵn? Có lẽ là tất cả. Vị tất chúng ta không hề ngạc nhiên khi an ninh điều tra Hà Tĩnh tung ra một video với hình ảnh của Hóa nhìn tờ giấy có sẵn nội dung để đọc. Đó cũng là đòn đánh mạnh vào dư luận đang sục sôi căm phẫn trước hành động bắt giam một người lên tiếng phản đối Formosa.

Hóa có lẽ đã ngây thơ tin lời hứa của an ninh Hà Tĩnh là thành khẩn khai báo nhận tội, khi ra tòa sẽ xử án tượng trưng 2 hoặc 3 năm rồi trở về với gia đình.

Từ chính trường cho đến nhà tù, con người đã quá quen thuộc với sự lừa lọc của cộng sản. Trước đây, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Ngày nay, tù nhân trong nhà tù Việt Nam có kinh nghiệm về lời hứa của công an thường hay ví von “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bày”.

Và Bản Án Trả Thù

Chúng tôi được biết, trước khi bước vào phiên tòa án xét xử, Hóa cảm thấy khá tự tin vì nghĩ rằng mình sẽ được xử với mức án nhẹ nhất vì đã có lời hứa từ an ninh điều tra. Tuy nhiên sau khi nghe tòa tuyên án 7 năm tù, Hóa chùng xuống lặng lẽ.

Câu hỏi đặt ra tại sao Hóa đã đọc bản nhận tội theo văn phong của an ninh cộng sản mà khi ra tòa vẫn phải nhận một mức án cao như vậy ? Có phải cứ lên án phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường cho dân tộc Việt Nam thì bị sẽ bị trả thù?

Từ cuối năm 2016 đến nay, những người bị bắt giam, truy nã có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến thảm họa Formosa thì tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đã có hai người bị đưa ra xét xử, đó là Nguyễn Văn Oai 5 năm tù giam hôm 18.9.2017, và hôm nay Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam.

Việc tuyên bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế dành cho một người trẻ vì đưa tin về thảm họa Formosa và hậu quả của thảm hoạ đó mà người dân phải gánh chịu, nhà cầm quyền cộng sản càng chứng tỏ họ là đồng lõa của Formosa và là kẻ thù của người dân Việt Nam.

Cái họa này là họa chung của cả dân tộc mà Hóa là một trong những người đã phải đánh đổi tuổi thanh xuân trong lao tù cộng sản. Từng người, từng lớp người dân trên đất nước sẽ tiếp tục là thứ dân đen bị nướng trên ngọn lửa hung tàn.

Dù chúng ta biết sự trả thù của tòa án cộng sản cho một người trẻ ngày hôm nay là đê hèn và bỉ ổi, nhưng chúng ta không hành động thì sự trả thù của nó sẽ còn giáng trả lên cả dân tộc chứ không còn dừng lại một vài cá nhân hay tổ chức nào đó. Nó chỉ có đủ sức mạnh trả thù lên một cá nhân nhưng nó sẽ suy yếu trước sự đoàn kết của cả một dân tộc.

27/11/2017
P.L.S.
Tác giả gửi BVN

---------------------------------------

Tiến Thiện, thông tín viên RFA
2017-11-27

Sáng nay trong phiên xử không hề được thông báo trước, tòa án nhân dân Hà Tĩnh đã tuyên phạt phòng viên, blogger Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù, 3 năm quản chế, về tội tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27/11/2017 phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm cấm đi khỏi nơi cư trú với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 điều 88, bộ luật Hình sự.
 Courtesy CAND

Tội tuyên truyền chống Nhà nước?

Ngày 27/11/2017 phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm cấm đi khỏi nơi cư trú với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 điều 88, bộ luật Hình sự.

Nhiều người rất bất ngờ khi hay biết nhà hoạt động trẻ này bị kết án vì gần như không ai có được thông tin nào về phiên tòa xét xử hôm nay. Truy cập vào trang web của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi nhận thấy ngày 28/11/2017 phiên tòa xử Nguyễn Văn Hóa mới chính thức diễn ra.

Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn nêu quan điểm:

 “Tôi nghĩ phiên tòa xét xử ngày hôm nay là một phiên tòa xử cách bí mật. Dầu họ đưa tin là ngày mai mới xét xử, mà hôm nay họ vội vã đưa ra xét xử. Và việc xử trong một buổi sáng để có một  kết quả: 7 năm tù và 3 năm quản chế tôi cho là một bản án bỏ túi mà hoàn toàn đã được dự liệu trước về mức án. Chúng ta ai cũng biết rằng đối với những vụ án chính trị này đều là những vụ án bỏ túi mà thôi. Riêng với phiên tòa này thì mọi người có thể nhận thấy được tính cách bỏ túi đó như thế nào. Về mặt công khai họ lừa mọi người là ngày 28/11 mới xét xử nhưng hôm nay 27/11 họ đã đem ra xét xử”.

Thông tin mà chúng tôi thu thập được cho hay trong phiên xét xử ngày hôm nay không có bất kỳ một luật sư nào tham gia biện hộ cho Nguyễn Văn Hóa. Cho đến buổi tối cùng ngày chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với gia đình của anh Hóa nhưng không được trả lời.

Luật sư Định bày tỏ ý kiến:

“Theo luật Việt Nam, bị cáo hoàn toàn có quyền không chấp nhận luật sư để tự mình bào chữa. Nhưng chúng ta thấy trong bất kỳ một phiên tòa nào không có luật sư thì nó thiếu một chuẩn mực quan trọng về mặt pháp lý trên toàn thế giới mà ai cũng phải công nhận.
Một phiên tòa mà không có luật sư là một phiên tòa què quặt. Ai cũng biết rằng Cơ quan an ninh Việt Nam không bao giờ muốn có luật sư tham gia các vụ án chính trị kiểu này. Bởi vì họ sợ luật sư sẽ thách thức những chứng cứ mà họ đưa ra. Bởi chúng ta biết những chứng cứ đó đa phần là ngụy tạo và được suy diễn hơn là dựa trên hồ sơ của vụ án, dựa trên bản chất sự việc và những hành vi của các bị cáo. Cho nên việc không có luật sư thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.

Vi phạm các nguyên tắc tổ chức của phiên tòa?

Báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải thông tin cho rằng Nguyễn Văn Hóa đã quay phim chụp hình, và viết bài về thảm họa môi trường biển và lũ lụt miền Trung là “tuyên truyền, xuyên tạc và phỉ báng chính quyền”. Đồng thời quy kết anh đã nhận tiền của các “cá nhân cực đoan và thế lực thù địch” để bịa đặt gây hoang mang trong quần chúng.

Thật ra đối tượng mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn ám chỉ là hợp đồng cộng tác viên giữa Nguyễn Văn Hóa với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA Vietnamese Service), tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho biết trong một thông cáo.

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, sống tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hóa là một thành viên trẻ tích cực trong các hoạt động giáo xứ và xã hội.

Từ sự kiện Formosa xả thải trực tiếp ra biển gây nên thảm họa cá chết hàng loạt trên các tỉnh miền Trung, Nguyễn Văn Hóa đã có nhiều đóng góp để đưa sự thật ra ánh sáng.

Anh là người đầu tiên sử dụng thiết bị bay (drone) để ghi hình lại cuộc biểu tình của hơn 20 ngàn người trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm 2016.

Vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, nhà cầm quyền thông báo cho gia đình Hóa rằng anh bị bắt giữ với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258, bộ luật Hình sự.

Đến tháng 4, 2017 cơ quan công an điều tra tỉnh Hà Tĩnh đã thay đổi tội danh của anh từ điều 258 sang điều 88 là “tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa”.

Trong những bức hình và video được đăng tải trên báo chí trong nước thì nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị còng tay đứng trước vành móng ngựa.

“Đó là một điều rất đáng ngạc nhiên, bởi vì bị cáo đứng trước tòa án cho đến khi có một bản án có hiệu lực pháp luật thì hoàn toàn vẫn là một người vô tội, xét về phương diện pháp lý. Cho nên việc còng tay dù là vì bất kỳ lý do gì đi nữa cũng là vi phạm các nguyên tắc tổ chức của phiên tòa.” Luật sư Lê Công Định nói.

Facebooker Huy Jos, bạn của Nguyễn Văn Hóa chia sẻ:

“Về việc kết án Hóa, với tư cách là một người bạn và người hoạt động tìm quyền lợi cho người dân thì tôi thấy cái án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế là quá và bất công cho một thanh niên trẻ đấu tranh cho xã hội”.

Mức án bỏ túi mà luật sư Lê Công Định nêu trên là một bản án hà khắc, Huy Jos trầm buồn chia sẻ:

“Với một người trẻ thì tôi nghĩ Hóa không hối tiếc về những việc mình làm, và bị nhà cầm quyền bỏ tù 7 năm và 3 năm quản chế. Nhưng với tôi là một người bạn thì tôi không biết bao lâu tôi mới được gặp lại người bạn của tôi”.

Mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và mở cửa nhằm thay đổi xã hội, bao gồm quyền của người đồng tính và chuyển giới, Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ thông tin truyền thông và không chấp nhận các ý kiến chỉ trích.

Những tháng gần đây, chính phủ Hà Nội tăng cường các biện pháp đàn áp các tiếng nói bất đồng trên mạng xã hội Facebook, nơi Việt Nam có số lượng người sử dụng nằm trong top 10.

Thảm họa môi trường Formosa là chủ đề nhạy cảm đối với chính phủ Việt Nam khiến nhà cầm quyền quan ngại về mặt ổn định chính trị, bảo vệ môi trường và đầu tư nước ngoài, một trong những động lực được cho là nhằm tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, chính phủ Hà Nội đã tuyên bố sẽ truy tố những người biểu tình Formosa với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".

Các tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới và giới chức phương Tây thường xuyên lên án Việt Nam về các hành động bỏ tù người dân khi họ bày tỏ ôn hòa, nhưng chính phủ Việt Nam nói rằng chỉ những người vi phạm pháp luật mới bị trừng phạt.

Theo Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch, trong vòng 12 tháng qua, ít nhất 28 người đã bị công an bắt giữ và bị tuyên án nhiều năm tù giam với những điều khoản an ninh quốc gia được cho là mơ hồ.

Cũng theo Human Rights Watch, hơn 100 nhà hoạt động vẫn đang phải chịu tù đày vì những quyền cơ bản như tự do biểu đạt, lập hội, và tự do tín ngưỡng.

Cũng liên quan đến các hoạt động mang tính đàn áp, bắt bớ, Luật sư Võ An Đôn, người đại diện bào chữa cho Blogger “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho biết ông vừa bị Liên đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thu hồi giấy phép hành nghề.

Luật sư Võ An Đôn nói với hãng thông tấn Reuteurs rằng: "Chính phủ không muốn tôi làm luật sư nữa vì tôi đang bảo vệ người nghèo, những người bị buộc tội một cách không công bằng, những trường hợp nhạy cảm ở Việt Nam".

Luật sư Đôn cũng nói ông sẽ không thể bào chữa cho Mẹ Nấm trong phiên phúc thẩm, dự trù diễn ra vào ngày thứ Năm, 30 tháng 11 sắp tới.

Xin được nhắc lại, Blogger – Nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, biệt danh “Mẹ Nấm” bị Tòa án Nhân dân Tỉnh Khánh Hòa tuyên án10 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 6 vừa qua.

*
VIDEO :
Thời sự tối 27/11/2017 | Phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tuyên án 7 năm tù giam | © Official RFA








No comments:

Post a Comment