Wednesday, November 29, 2017

ĐẶC QUYỀN & DIỆN MẠO (Trân Văn)


29/11/2017

Hai câu chuyện, một xảy ra ở Mỹ, một xảy ra ở Việt Nam, được báo giới hai nơi đề cập vào trung tuần tháng này cùng liên quan đến đặc quyền. Sự khác biệt về quan niệm và cách sử dụng đặc quyền đã tạo ra những diện mạo khác nhau không chỉ đối với cá nhân các đương sự…

***

Tận dụng đặc quyền của một người cha diện “sao vàng” (Gold Star) là lý do khiến Bill Krissoft, 70 tuổi, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình, trở thành khách danh dự của Liên đoàn 3 Viễn chinh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, khi đơn vị này tổ chức kỷ niệm 242 năm ngày thành lập binh chủng (1775 – 2017), hôm 10 tháng 11 ở Camp Foster - Okinawa, Nhật.

Gold Star không có biểu tượng cụ thể. Gold Star là cụm từ được dùng để chỉ những gia đình hay thân nhân nào đó của một quân nhân Mỹ tử trận.

Bill Krissoft có hai đứa con trai: Nathan và Austin. Chuyện Mỹ bị Al Queda tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã lộn ngược cuộc sống vốn êm ả của gia đình Kirissoft.

Mỹ không có “nghĩa vụ quân sự”, phục vụ quân đội là tình nguyện. Con số 3.000 người Mỹ thiệt mạng, 6.000 người Mỹ khác bị thương trong biến cố 11 tháng 9 năm 2001 đã thúc đẩy hàng trăm ngàn thanh niên Mỹ nhập ngũ – số thanh niên nhập ngũ đông tới mức quân đội Mỹ gọi đây là “thế hệ 11 tháng 9”. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2003, Nathan gia nhập Thủy quân lục chiến – binh chủng thường “đi trước, về sau” của quân đội Mỹ. Năm 2006 đến lượt Austin nối gót anh trai, tình nguyện nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học.

Vài tháng sau, trung úy Nathan Krissoft, 25 tuổi, tử trận ở Fallujah, Iraq. Khi trò chuyện với thượng cấp của con – một trung tá là chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 3 Trinh sát Thủy quân lục chiến - Bill Krissoft nhận ra, ở mặt trận, quân đội Mỹ thiếu rất nhiều bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình như mình, vậy là Bill Krissoft quyết định đăng lính. Tuy nhiên ông không được tuyển.

Năm sau - 2007, khi tham gia một buổi gặp mặt giữa Tổng thống George W. Bush với những gia đình diện “sao vàng” ở Nevada, lúc Bush hỏi những người cha, người mẹ, người vợ diện “sao vàng” rằng, liệu Bush có thể thay mặt những người lính đã đền nợ nước làm gì đó cho những người còn sống hay không (?), Bill Krissoft đứng dậy, kể cho Tổng thống Bush nghe nguyện vọng nhập ngũ của ông, Krissoft bảo Bush: Họ chê tôi đã 60 tuổi nhưng thưa Tổng thống, so với ông thì tôi vẫn trẻ hơn! Lấy tư cách một người cha diện “sao vàng”, Bill Krirsoft thỉnh cầu Tổng thống – Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ - đặc ân miễn tuổi để gia nhập quân y Hải quân (quân chủng điều hành binh chủng thủy quân lục chiến). Trọng lượng của thỉnh cầu ấy tăng thêm gấp đôi khi vợ của Bill Krisso cũng đứng dậy, nhấn mạnh với Bush, ước muốn của Bill cũng là ý nguyện của bà.

Theo lời Bill Krissoft thì dù Tổng thống Bush không cam kết mà chỉ hứa sẽ bàn với những viên chức hữu trách xem có thể đáp ứng thỉnh cầu của Bill Krissoft hay không (?), song chỉ hai ngày sau, bộ phận tuyển mộ - vốn đã vài lần lắc đầu – điện thoại, mời Bill Krissoft đến làm thủ tục nhập ngũ.

Từ khi trở thành sĩ quan của một tiểu đoàn quân y dự bị, Bill Krissoft bắt đầu ghi danh tham dự tất cả những khóa huấn luyện dành cho sĩ quan quân y ở chiến trường. Lúc hội đủ các điều kiện được xem là bắt buộc, Bill Krissoft dùng chúng để đòi lên đường sang Iraq – nơi Austin, đứa con trai thứ hai đang chiến đấu cùng với một đơn vị thủy quân lục chiến…

Bảy tháng làm việc tại Iraq đủ để Bill Krissoft đưa ra một thỉnh cầu khác, chuyển từ ngạch sĩ quan của lực lượng dự bị sang ngạch sĩ quan của lực lượng thường trực. Quân đội Mỹ gật đầu, ba tuần sau khi trở về từ Iraq, Bill Krissoft khoác ba lô lên đường sang Afghanistan. Chỉ tính riêng khoảng thời gian này tại Afghanistan, Krissoft đã cứu sống 225 người lính mà thương tích trầm trọng tới mức có thể mất mạng.

Cứ như thế, Bill Krissoft phục vụ quân đội trong sáu năm. Sau Iraq, Afghanistan là Morocco ở châu Phi, Guantanamo ở Cuba – nơi giam giữ những nghi can khủng bố bị xếp vào diện đặc biệt nguy hiểm… Bill Krissoft gia nhập quân đội Mỹ lúc 60 và chỉ chịu cởi chiến bào năm 66 tuổi, quá một năm so với tuổi có quyền nghỉ hưu.

Trò chuyện với Stars and Stripes – một tờ báo của quân đội Mỹ, Bill Krissoft bảo rằng, chẳng gì có thể lấp đầy khoảng trống do mất một đứa con nhưng việc sử dụng tư cách người cha có “ngôi sao vàng”, thỉnh cầu đặc ân miễn tuổi, cố gắng mang thật nhiều quân nhân sống sót trở về đã an ủi ông rất nhiều.

***

Trung tuần tháng này, tại Việt Nam, cũng có một người đàn ông ngoại thất tuần (77 tuổi) trở thành nhân vật của công luận như Bill Krissoft.

Ngày 17 tháng 11, ông Nguyễn Khắc Thủy, người có 51 năm “tuổi Đảng”, cựu Giám đốc Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dọa sẽ đốt thẻ Đảng rồi tự thiêu nếu Tòa xác định ông phạm tội “dâm ô với trẻ em”.

Scandal liên quan tới ông Thủy bùng lên từ tháng 6 năm 2014. Vào thời điểm đó, ông Vijay Akumar - công dân Ấn, làm việc tại thành phố Vũng Tàu và cư trú tại chung cư Lakeside tọa lạc tại thành phố này đã đến Công an thành phố Vũng Tàu tố cáo ông Thủy “dâm ô với trẻ em”. Tuy ông Akumar đã nộp cho Công an thành phố Vũng Tàu những tấm ảnh cho thấy, ông Thủy sờ mó một bé gái nhưng hệ thống tư pháp ở thành phố Vũng Tàu làm ngơ. Tháng 7 năm 2016, ông Akumar tiếp tục nộp thêm những bằng chứng, tố cáo ông Thủy vừa tiếp tục sờ mó một bé gái khác. Khác với trước đó hai năm, lần này, tố cáo của ông Akumar được chia sẻ với cả báo giới lẫn mạng xã hội. Cũng phải đến lúc đó, những người Việt cư trú trong chung cư Lakeside mới chịu lên tiếng, nhiều người trong số họ - bao gồm cả người lớn lẫn trẻ con – cho biết, họ đã từng thấy ông Thủy thọc tay vào bên trong quần, bên trong áo nhiều bé gái, hoặc đã từng là nạn nhân của ông Thủy. Hóa ra chuyện ông Thủy “dâm ô với trẻ em” đã xảy ra tại chung cư Lakeside từ năm 2012!

Áp lực của dư luận đã buộc Công an thành phố Vũng Tàu phải khởi tố vụ án “dâm ô với trẻ em” xảy ra tại chung cư Lakeside vào tháng 8 năm 2016. Thế nhưng mãi tới bảy tháng sau (ngày 27 tháng 3 năm 2017), Viện Kiểm sát thành phố Vũng Tàu mới chịu phê duyệt quyết định khởi tố ông Thủy, chính thức xác định ông Thủy là bị can trong vụ án này.

Đó là điều không may cho ông Thủy. Nếu Viện Kiểm sát thành phố Vũng Tàu “rắn” hơn, kiên định hơn trong việc kháng cự yêu cầu thực thi công lý của công chúng thêm chừng mươi ngày nữa thì dù Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đòi Bộ Công an và Viện Kiểm sát Tối cao phối hợp kiểm tra tiến trình thụ lý – giải quyết vụ án, hệ thống tư pháp vẫn phải vứt vụ án “dâm ô với trẻ em” vào sọt rác bởi đã hết thời hạn điều tra mà không xác định được bị can.

Tám tháng sau ngày bị khởi tố, ông Thủy hầu Tòa. Hệ thống tư pháp chỉ truy cứu hành vi dâm ô mà ông Thủy đã thực hiện đối với hai đứa trẻ, phạt ông ba năm tù. Tuy thừa nhận còn nhiều nạn nhân khác nhưng hệ thống tư pháp cho biết sẽ xem xét và xử lý… sau!

Không phải tự nhiên mà ông Thủy uất ức tới mức dọa tự thiêu, đốt thẻ Đảng. Trước đây đã có bao giờ hệ thống công quyền Việt Nam cư xử “cạn tàu, ráo máng” như thế đối với các công chức cao cấp, cán bộ “lão thành cách mạng” như ông. So với những cá nhân “tham nhũng”, “cố ý làm trái”, “thiếu trách nhiệm”,… gây hậu quả nghiêm trọng, khiến kinh tế - xã hội suy sụp mà còn vô sự vì miễn trừ là một loại đặc quyền bất thành văn dành cho cán bộ, đảng viên cao cấp thì “dâm ô với trẻ em” nào có đáng gì!

***

Một quân nhân Mỹ gốc Việt từng kể với người viết bài này rằng, tất cả các bãi đậu xe trong những căn cứ của quân đội Mỹ luôn có ô dành riêng cho người thuộc diện “sao vàng”, tuy nhiên những ô này luôn luôn để trống dù những người cha, người mẹ, người vợ, những đứa con thuộc diện “sao vàng” ra vào các căn cứ không phải là ít.

Tự thân đặc quyền không tạo ra sự kính trọng. Dường như sự kính trọng nằm ở chỗ khác – cách hành xử: Không tự thị, không đòi và cũng chẳng bao giờ giành lấy phần hơn cho mình. Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, đặc quyền cũng như nhau về ngữ nghĩa nhưng tùy quan niệm, nhất là quan niệm đạo đức, mà cách sử dụng đặc quyền sẽ rất khác nhau.








No comments:

Post a Comment