Nguyễn Quang Dy - Viet-Studies
30-9-2017
“Chưa kết thúc”
(unfinished business) không phải là chữ của tôi mà là của đạo diễn phim này. Một
số bạn bè bảo tôi bình luận về phim “The Vietnam War” (Ken Burns & Lynn
Novik, PBS, Sept 2017). Khó quá vì tôi đã xem hết đâu mà dám bình luận. Ở Việt
Nam làm sao xem được PBS. Dù có trong tay trọn bộ 10 tập phim (dài 18 giờ) thì
cũng phải mất vài ngày mới xem hết. Vì vậy đành phải xem lướt qua một lượt
(fast forward) để có khái niệm, chỉ dừng lại xem đoạn nào cần thiết, như đọc lướt
(skim-reading) một cuốn sách quá dầy. Thứ nhất, phim này dài quá, dù có kiên
trì xem hết thì cũng dễ bội thực. Thứ hai, mới xem qua một lượt đã có cảm tưởng
“Déjà Vu” nên cũng mất hứng thú. Thứ ba, tôi tò mò muốn lắng nghe xem các bên
bình luận thế nào (tuy không biết các vị đó đã xem hết chưa). Vì vậy, bài viết
này đơn giản chỉ là một số ấn tượng chung ban đầu, chứ không phải bình luận chi
tiết.
Thành công gây tranh cãi
Ấn tượng đầu tiên
là một bộ phim tài liệu làm rất công phu (chuẩn bị 10 năm), khá tốn kém (kinh
phí hơn $30 triệu) và đầy tham vọng. Tuy nó không thua kém “Vietnam: A
Television History”, Richard Ellison & Stanley Karnov, 1983, (gồm 13 tập,
dài 780 phút), nhưng Ken Burns & Lynn Novik còn tham vọng hơn. Họ muốn dùng
cái nhìn mới mẻ và “cân bằng” (balance) để lý giải lại cuộc chiến tranh, và tìm
cách “hàn gắn” vết thương (healing). Họ đã công phu sưu tầm và sử dụng nhiều tư
liệu, hình ảnh, bản nhạc đa dạng (như sử dụng 25,000 ảnh tư liệu và phỏng
vấn 80 nhân chứng thuộc các bên liên quan). Kết quả là một bộ phim lớn được
dư luận đánh giá cao như một “bộ sử thi” (Epic). Nhưng một số người
khác lại cho rằng bộ phim này chỉ đạt được “cân bằng giả tạo” (false balance),
vì tìm cách đánh đồng “hai phía đều có lỗi”, để gián tiếp thanh minh cho chính
sách của Mỹ. Nhưng có một nghịch lý là phim nào càng gây tranh cãi ồn ào thì lại
càng nổi tiếng và ăn khách.
Thứ hai, chính vì
muốn “cân bằng” và “hàn gắn” mà phim này dễ gây tranh cãi và dễ bị cả hai phía
phê phán. Trong khi người Mỹ nói chung đánh giá cao bộ phim này thì một số người
khác (kể cả các cựu chiến binh) tỏ ra thất vọng vì tác giả đã vô tình (hay cố
ý) chọn các câu chuyện và nhân chứng một cách có chủ định, nhưng bỏ qua nhiều
câu chuyện và nhân chứng quan trọng khác liên quan đến cuộc chiến. Đa số người
Việt (cả hai phía) gồm cả “bên thắng cuộc” (Chính quyền Cộng sản) và “bên thua
cuộc” (những người Chống Cộng) lại tỏ ra không hài lòng đối với bộ phim này. Có
thể do lòng hận thù của những người cực đoan (cả hai phía) vẫn chưa nguôi, nên
cuộc chiến chưa thực sự chấm dứt trong tâm thức của họ, mặc dù chiến tranh đã
chấm dứt cách đây 42 năm. Có thể các nhà làm phim sơ suất. Ví dụ trong phim
không thấy bóng dáng mấy nhân vật huyền thoại gắn liền với Chiến tranh Việt Nam
như Phạm Xuân Ẩn (“Điệp viên Hoàn hảo”), Neil Davis (NBC Bureau Chief, mất
1985), Nayan Chanda (tác giả “Brother Enemy” và YaleGlobal Online), Tim Page
(photographer).
Thứ ba, dù có nhiều
cố gắng đáng kể để “cân bằng”, nhưng bộ phim này vẫn gây ấn tượng là phim của Mỹ,
nói về các vấn đề của người Mỹ chứ chưa thực sự đề cập đến các vấn đề mà người
Việt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu vì tác giả là người Mỹ. Trong số 24 cố vấn
và trợ lý, có một số người Việt tham gia, nhưng tiếng nói của họ chắc là thiểu
số. Tuy có nhiều người Việt (gồm cả hai phía) được phỏng vấn, nhưng một số người
vẫn cho là “thiếu công bằng”, trong khi cuộc chiến diễn ra tại Việt Nam (mà chủ
yếu là tại Miền Nam). Tuy nói rằng chiến tranh đã lan sang tới Mỹ (như bạo lực
tại Kent State University đã làm 4 sinh viên thiệt mạng) nhưng đó chỉ là
“sideshow” khá nhỏ. Theo thống kê chính thức, “bên thắng cuộc” có khoảng một
triệu lính chết, và “bên thua cuộc” có khoảng 310.000 lính chết, trong khi cả
hai bên có khoảng hai triệu thường dân bị thiệt mạng, tổng số có 3-4 triệu người
Việt bị thiệt mạng, so với 58.000 lính Mỹ bị chết (và 305.000 bị thương). Trong
chiến tranh, tỷ lệ thương vong của Việt Cộng so với phía Mỹ thường gấp mười lần
(“ten to one” ratio), nhưng người Mỹ chỉ quan tâm đến số lính Mỹ bị chết, và việc
“đếm xác” (body count) là một trò chơi gian lận.
Tù nhân của quá khứ
Trong khi hầu hết,
nếu không phải tất cả (gần 2.000) lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (MIA)
đã được thống kê, xác minh và tìm kiếm hài cốt để trao trả, nhiều nhà báo quốc
tế (có quốc tịch khác nhau) bị mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn chưa được
thống kê, xác minh để tìm kiếm hài cốt. Các nhà báo còn sống sót trong nhóm
“Vietnam Old Hack” như Tim Page (phóng viên nhiếp ảnh) đã thống kê được một
danh sách hơn 70 nhà báo bị mất tích (hầu hết trong giai đoạn 1970-1971). Nhưng
các nhà báo còn sống sót nay đã già yếu, không có nguồn lực và thông tin cần
thiết để tìm kiếm, trong khi các chính phủ (bao gồm chính phủ Mỹ và Việt Nam) hầu
như không quan tâm. Bộ phim Chiến tranh Việt Nam cũng bỏ qua chuyện này. Đối với
những người đã chết (dù của phía nào) và gia đình hay bạn bè của họ, đây không
chỉ là “Nỗi buồn Chiến tranh”, mà còn là món nợ tâm linh và đạo lý, có thể để lại
một vết đen đáng xấu hổ về nhân cách trong lịch sử mà con cháu chúng ta sẽ truy
vấn. Tại sao bóng ma Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chết, vẫn ám ảnh và trỗi dậy
mỗi khi có dịp?
Hệ quả thảm khốc và
lâu dài của Chiến tranh Việt Nam đối với người dân (chết/mất tích/thương tật)
trong chiến tranh (trực tiếp do bom đạn) và sau chiến tranh (gián tiếp do môi
trường bị hủy diệt và nhiễm độc) thật khủng khiếp. Theo số liệu chính thức, Mỹ
đã ném xuống Việt Nam 7,8 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn tổng số bom đạn Mỹ đã sử
dụng trong Đại chiến II. Người Việt tiếp tục là nạn nhân của chất độc da cam (với
19 triệu gallons Agent Orange được rải), và bom mìn chưa nổ (với hơn 40.000 người
dân bị chết vì UXO). Nếu sau chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ trở về nước bị “hội
chứng PTSD” (Post-Traumatic Stress Disorder) thì hầu hết người Việt sau chiến
tranh cũng bị chấn thương tâm lý bởi “hội chứng chiến tranh” (chẳng khác gì “Hội
chứng Stockhom”), tuy họ là những người dân vô tội. Cho đến nay, trong tiềm thức
và ẩn ức của nhiều người Việt, dường như họ vẫn chưa thoát khỏi cuộc chiến, như
“tù nhân của quá khứ” (prisoners of the past). Chắc nhiều người còn nhớ, năm
1964 tướng không quân Curtis LeMay đã ngạo mạn kêu gọi ném bom Bắc Việt Nam “trở
về thời kỳ đồ đá”.
Không biết Chiến
tranh Việt Nam có xô đẩy đất nước này trở về thời đồ đá hay không, nhưng hệ quả
khôn lường của nó đã làm tổn thương và ám ảnh hai quốc gia này suốt nửa thế kỷ
qua như một định mệnh (karma). Ai cũng biết không thể thay đổi được quá khứ và
muốn hướng tới tương lai, nhưng làm thế nào là chuyện không hề dễ. Ý tưởng của
Ken Burns & Lynn Novik về bộ phim “The Vietnam War” tuy tuyệt vời, nhưng rất
khó làm, vì kể chuyện gì và kể thế nào về một bi kịch đẫm máu và vô cùng phức tạp
khi đã có quá nhiều người kể rồi. Tôi nhớ lần gặp Lynn Novik tại Hà Nội (hình
như năm 2013), tôi không muốn tham gia vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì lý do
cá nhân. Cuối tháng 4/1995, khi nhận lời tham gia “Speaking Tour” tại Mỹ cùng một
số nhà báo quốc tế trong dịp kỷ niêm “20 năm kết thúc chiến tranh”, tôi đã trót
nói rằng đây là “lần chót” tham gia bàn về Chiến tranh Việt Nam. Kỷ niệm “10
năm” (1985) là cần thiết. Kỷ niệm “20 năm” (1995) là quá đủ rồi. Hãy bàn về
tương lai. Tại sao chúng ta không bàn về những bài học thời hậu chiến, hay xung
đột tại Biển Đông?
Quá ít và quá muộn
Tại sao 20 năm sau
chiến tranh, Robert McNamara mới thừa nhận sai lầm? (“In Retrospect: The
Tragedy and Lessons of Vietnam”, 1995). Đối với một người “thông minh tài giỏi”
như ông ấy, điều này là “quá ít và quá muộn” (too little too late). Ngay từ đầu
thập niên 1960, George Ball (thứ trưởng ngoại giao thời Kennedy và Johnson) đã
khuyên Tổng thống đừng đưa quân vào Việt Nam, nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của
ông ấy. George Ball đã từ chức (1966). Tương tự, Archimedes Patti (đại diện OSS
tại Hà Nội, năm 1945) cũng nói rằng chẳng ai nghe lời khuyên của ông ấy về Việt
Nam (“Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross”, 1982). Trong phim không thấy
nhắc đến Archimedes Patti và George Ball, nhưng lại nói nhiều đến Leslie Gelb
và John Negroponte. Tại sao Việt Nam? Tại sao Iraq? Tại sao không tránh được
sai lầm? TNS Fulbright gọi đó là sự “Ngạo mạn của Quyền lực” (Arrogance of
Power). Một số người khác gọi đó là vô minh vì không hiểu kẻ thù (ignorance)
hay thiếu tử tế (indecency). Nó lý giải tại sao 42 năm sau, bi kịch Việt Nam vẫn
chưa kết thúc.
Người ta tiếp tục
viết sách, làm phim về Chiến tranh Việt Nam (nếu có kinh phí) để mô tả và lý giải
nguyên nhân cũng như hậu quả kinh hoàng của nó. Nhưng người ta thường dễ ngộ nhận
và tiếp tục mắc sai lầm. Sai lầm lớn nhất của người Mỹ (và cả người Việt) là đã
choảng nhau chí mạng như kẻ tử thù, tưởng là để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng,
nhưng hóa ra lại giúp họ trỗi dậy và từng bước gạt Mỹ ra khỏi khu vực này để độc
chiếm Biển Đông. Nay khi người Mỹ và người Việt tỉnh ngộ ra, muốn bắt tay nhau
làm đồng minh thì e rằng hơi muộn. Chiến tranh Việt Nam là một nghịch lý lớn.
Nhưng các sự kiện diễn ra sau đó là một nghịch lý còn lớn hơn. Đó là những nghịch
lý chết người đã xô đẩy hai quốc gia này vào cạm bẫy ý thức hệ và bãi lầy lịch
sử mà lối thoát còn chập chờn như ảo ảnh tận cuối đường hầm.
NQD. 30/9/2017
Tác giả gửi
cho viet-studies ngày 30-9-17
No comments:
Post a Comment