Monday, October 2, 2017

AN NINH CỘNG SẢN và CÁI GIÁ PHẢI TRẢ (Mạc Việt Hồng)




02/10/2017

Tháng Mười đã đến và đó là một dấu mốc buồn với nhiều gia đình người Ba Lan, khi một điều luật mới của chính phủ cánh hữu vừa được hiện thực hóa.

Theo một thống kê chưa đầy đủ trên trang Onet.pl, đã có ít nhất 5 người tự tử và nhiều trường hợp chết về nhồi máu cơ tim.

Cú ra đòn quyết định
Kể từ ngày 1/ 10/ 2017 ít nhất 50 ngàn người từng làm việc trong ngành an ninh của chế độ cộng sản trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1945 tới tháng 7 năm 1990 sẽ bị hạ lương hưu. Đây là con số được Viện Hồi Ức Dân Tộc (IPN) đưa ra sau khi xem xét hàng trăm ngàn bộ hồ sơ.

Giờ đây, cứ mỗi năm tham gia vào hệ thống an ninh của chế độ cộng sản, họ sẽ bị trừ 10% lương, nhưng sẽ không thấp hơn mức hưu tối thiếu được quy định cho một công dân Ba Lan.
Với quyết định này, nhiều người bị mất tới 2/3 thậm chí 3/4 lương hưu.

Điều luật mới động chạm tới mọi đối tượng đã từng làm việc trong cơ quan an ninh thời cộng sản, kể cả những bác sĩ trong các bệnh viện công an, vận động viên từng thi đấu dưới mầu áo công an; hay những người đơn thuần chỉ làm tạp vụ, lau chùi, lái xe, cấp dưỡng nhưng biên chế trong lực lượng an ninh.

Ngay cả những người chỉ tham gia các khóa học, các khóa đào tạo nghiệp vụ an ninh cũng sẽ bị hạ lương. Và tất nhiên, giáo viên trong các trường an ninh cũng sẽ chung số phận.

Việc cắt giảm cũng đánh vào những người thân ‘ăn theo’ chế độ trợ cấp xã hội như vợ góa hay những đứa con côi, con tàn tật của một nhân viên hay sĩ quan an ninh.

Sau chuyển đổi chế độ, từ năm 1990 Ba Lan đã trải qua vài lần thanh lọc, sát hạch nhằm loại ra khỏi chính quyền những người từng nằm trong bộ máy đàn áp thời cộng sản. Rất nhiều công an cấp thấp được cho là ‘không có vấn đề gì’ và vẫn tiếp tục được ở lại làm việc trong chế độ dân chủ. Nhiều người trong số họ sau này đã lập công, đã được tuyên dương, trở thành sĩ quan cấp cao. Nhưng, điều luật mới ra đã không buông tha cho họ.

Mặc dù trong mấy tháng qua, báo chí đã gióng lên những hồi chuông vầ quyết định ‘tàn bạo’ này nhưng chưa làm lay động trái tim của đảng cầm quyền – PiS – nhất là khi đảng này luôn ở thế thượng phong trong các cuộc trưng cầu dân ý về tỉ lệ ủng hộ.

Vài trường hợp tiêu biểu
Đối với nhiều người, quyết định cứng rắn của chính quyền giống như một bản án tử hình.
Mariusz Czerwiec vào công an năm 1985. Năm 1990 ông đã qua được cuộc kiểm tra lý lịch của chế độ mới và được tiếp tục làm việc ở bộ phận điều tra. Trong suốt quá trình công tác luôn được đánh giá và một cảnh sát tốt, được yêu mến. Năm 2006 ông về hưu sớm và mở 1 tiệm tạp hóa nhỏ trong trường học. Ông đã treo cổ bên cửa tiệm ở tuổi 56 khi biết lương hưu của mình sẽ về mức tối thiểu.

Cũng chọn giải pháp kết kiễu cuộc đời là Jerzy C. ở Rzeszów.- người đã tiếp tục làm việc như 1 cảnh sát trong chính quyền mới, tới năm 2002 mới nghỉ hưu.

Sławomir Wojciechowski người tự tử mới đây còn ‘oan uổng’ hơn nữa, khi ông chưa từng 1 ngày nào kịp khoác chiếc áo mật vụ lên người. Nhưng người ta đã tìm ra hồ sơ của ông; trong đó, ông tốt nghiệp học viện an ninh với cấp bậc sĩ quan vào năm 1988, tức đúng 1 năm trước khi chế độ cộng sản sụp đổ.

Antoni Wójtowicz – một lái xe trong cơ quan an ninh cũ đã đứt mạch máu não chết khi biết sổ hưu của mình bị vơi 1 nửa, để lại người vợ góa và đứa con gái tàn tật…

Bi kịch cũng đến với những người hùng một thuở. Tên tuổi của họ từng xuất hiện trên mặt các trang báo lớn, các hãng truyền hình lớn khi họ giải cứu thành công các điệp viên CIA kẹt lại Iraq, trước khi Mỹ tấn công nước này trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.

Chiến dịch diễn ra năm 1990, có tên SAMUM, liên quan tới 6 điệp viên CIA. Trong lúc các cơ quan tình báo của Nga, Anh và Pháp đều từ chối giúp đỡ vì lý do an toàn, thì Ba Lan đã vào cuộc.

Các nhân viên CIA đã được cấp hộ chiếu Ba Lan, với sự dàn xếp của tình báo, họ trà trộn vào các công nhân xây dựng và di tản khỏi một nước Iraq sắp chiến tranh. SAMUM đã được dựng thành phim với những tình tiết nghẹt thở, khi một lính biên phòng Iraq nói thành thạo tiếng Ba Lan khi kiểm tra hộ chiếu.

Thắng lợi của chiến dịch giải cứu được cho là đã góp phần quan trọng vào việc Mỹ xóa 50% số nợ nước ngoài – tương đương với 16,5 tỉ USD – cho cho Ba Lan. Nó cũng giúp cho những người anh hùng được phép tiếp tục công việc trong lúc phần lớn đồng nghiệp của họ phải ra đi sau chuyển giao chế độ.

Hai trong số những người hùng ngày đó vẫn còn sống, giờ 84 và 72 tuổi, một người là đại tá và người kia về hưu với cấp tướng. Kế từ tháng 10 năm nay, theo luật họ sẽ chỉ còn được mức lương tối thiểu.

Bài học cho Việt Nam
Công an Ba Lan từng được đãi ngộ, được coi là con cưng của chế độ cộng sản, là ngành có nhiều mầu mè, lắm quyền lực; nhưng họ đã lãnh đủ khi thời thế đổi thay.

Nhiều người dính dáng trực tiếp tới các cuộc đàn áp, tra tấn, thẩm vấn những người hoạt động đối lập, đã phải trả giá bằng tù đầy. Số khác mất việc qua các cuộc thanh lọc và giờ đây, mất phần lớn lương hưu.

Nhưng kinh nghiệm đau buồn ở Ba Lan dường như không ảnh hưởng tới một trào lưu đang rất hot ở Việt Nam. Mấy kỳ tuyển sinh gần đây, điểm vào các trường khối công an luôn cao chót vót, bỏ xa các ngành nghề rất quan trọng cho tương lai đất nước như sư phạm, các ngành khoa học, kỹ thuật hay nông nghiệp…

Nhà nước không có một chiến lược phát triển nghề nghiệp hay một định hướng dài hạn cho giới trẻ, khiến họ bị cuốn vào những cám dỗ trước mắt như miễn học phí, ra trường dễ kiếm việc, lương cao, con cái và gia đình được hưởng nhiều ưu đãi.v.v.

Nghề nghiệp là lựa chọn của cả cuộc đời. Mặc dù khắp hang cùng ngõ hẻm đều có thể thấy khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, nhưng nó không phải là tấm bùa hộ mệnh để chế độ này có thể tồn tại mãi mãi.

Các bạn trẻ, hãy chọn cho mình một công việc không những được sự tôn trọng của cộng đồng mà còn có thể đảm bảo cho bản thân và gia đình trước mọi cuộc đổi thay, khi còn chưa quá muộn.

Mạc Việt Hồng
(Bài viết đã đăng trên BBC với sự biên tập của nhà đài)







No comments:

Post a Comment