Monday, September 4, 2017

NHỮNG CHIẾC XE HƠI PHÁP ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng - RFI
Phát Thứ Hai, ngày 04 tháng 9 năm 2017

Citroen, Peugeot và Renault, ba thương hiệu ô tô của Pháp, xuất hiện tại Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX. Nhưng trước đó, Đông Dương từng là mảnh đất thử nghiệm cho các nhà sáng chế xe hơi Pháp đưa ra mẫu thiết kế dành riêng cho địa hình và điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Từ sáu chiếc xe hơi được công chức và giới nhà giầu phương Tây tại Đông Dương nhập nguyên chiếc từ “Mẫu quốc” vào khoảng năm 1905, thì 15 năm sau, con số này tăng lên hơn 1.000 lần, với khoảng 10.000 đến 15.000 xe, trong đó một nửa số xe thuộc về người Á châu (Việt, Lào, Cam Bốt và Hoa).

Xe hơi trở thành phương tiện khẳng định địa vị, quyền lực và giàu sang trước ánh mắt vừa có chút thèm muốn, vừa có chút coi thường của người dân vì đó là biểu tượng của sự đô hộ Pháp. Ngoài ra còn có một số tiêu chí khác cho phép đoán được khả năng tài chính của chủ xe, hay thân thế địa vị của người trong xe qua vị trí ngồi của họ như, một quan chức của triều đình thường ngồi băng ghế sau và có tài xế riêng, một người giầu có cởi mở với hiện đại thường tự lái xe…

Vậy những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam khi nào? Quá trình phát triển của xe hơi ở Đông Dương ra sao? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Stéphanie Ponsavady, giảng viên đại học Wesleyan, Hoa Kỳ.

Nhà nghiên cứu lịch sử Đông Dương Stéphanie Ponsavady, đại học Wesleyan, Hoa Kỳ.RFI / Tiếng Việt

RFI : Xin chị cho biết những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Đông Dương vào thời điểm nào?

Stéphanie Ponsavady : Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cụm từ “xe hơi” trong tài liệu lưu trữ là năm 1905. Đó là một bản thống kê, lập tại Sài Gòn vì thị trưởng Sài Gòn muốn lập danh sách số lượng xe hơi để đánh thuế. Nhờ đó, người ta biết là năm 1905 bắt đầu có xe hơi, còn trước đó thì khó tìm được dấu vết.

Vợ chồng công tước Brabant thăm Hà Nội, trước khi trở thành vua Bỉ Léopold III và hoàng hậu Astrid năm 1934.ANOM/Agence économique de la France d'outre-mer

RFI : Theo tài liệu mà chị tìm được ở các viện lưu trữ, xe hơi được dành cho đối tượng nào tại Đông Dương?

Stéphanie Ponsavady : Vào thời kỳ đó, xe hơi chủ yếu được các cá nhân sử dụng, đa số là những người có danh vị, trong đó có luật sư, bác sĩ. Theo thống kê năm 1905 thì có khoảng 6 chiếc, phần lớn thuộc về người châu Âu và chỉ có một hoặc hai chiếc có lẽ thuộc về người Việt.
Thời kỳ đó chủ yếu là xe hơi Pháp, đó là những chiếc Citroen, Peugeot và Renault, ba thương hiệu nổi trội hồi đầu thế kỷ XX. Những chiếc xe này được người châu Âu mang sang khi họ đến định cư ở Đông Dương. Chúng có dáng nhỏ, chưa mạnh lắm, chắc khoảng 2-4 mã lực.
Sau đó, khi đến Đông Dương, chúng được cải tiến để thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có nghĩa là thường được biến thành xe mui trần, vì bên trong những chiếc xe kín như bưng vô cùng nóng bức, ngột ngạt. Nhưng điều này lại gây ra một vấn đề khác vì ở Đông Dương, cũng như ở châu Âu, khá bụi bặm. Bụi dính vào trong xe và trong động cơ. Chính vì thế, khi đến xứ Đông Dương, vấn đề đặt ra là làm thế nào cải tiến xe để thích nghi với điều kiện khí hậu, đường xá.


RFI : Chị từng nói là xe hơi được sản xuất tại Pháp sau đó được nhập sang Đông Dương, nhưng Đông Dương lại là một thị trường để ngành xe hơi Pháp thí điểm?

Stéphanie Ponsavady : Khi tôi nói đến những chiếc xe hơi đầu tiên được thống kê vào năm 1905, tôi muốn nói đến những chiếc xe nguyên dạng. Thế nhưng, ngay vào cuối thế kỷ XIX, đã có vài nhà sáng chế Pháp đề xuất những thiết kế xe hơi phù hợp với thị trường Đông Dương.
Ví dụ, vào cuối thế kỷ XIX, xuất hiện loại phương tiện được gọi là “ô tô-tầu hoả” (train automobile). Các nhà sáng chế đưa ra ý tưởng làm đường ray và những chiếc xe hơi, thay vì dùng bánh bình thường, sẽ dùng bánh sắt như tầu hoả. Đây là dự án của hai người Pháp vùng Lyon và họ đề xuất lên chính phủ thuộc địa dự án được cho là phù hợp với địa hình đồi núi Bắc Kỳ. Vì họ nghĩ rằng loại xe này có bánh xích nên sẽ không cần đến đường xá, vì xe của họ sẽ tự đi được. Thế nhưng, nha Tổng thanh tra Công Chính Đông Dương lại cho rằng ngoài chi phí đắt, xe bánh sắt có trọng lượng rất nặng nên sẽ không thể triển khai được vì nền đất ở Bắc Kỳ không ổn định và không chắc chắn cho loại xe này.
Có thể nói trong khi ở Pháp và ở châu Âu còn chưa hình thành được mô hình xe hơi hiện đại, vậy mà ngay khi người Pháp ổn định tại Đông Dương, các nhà sáng chế Pháp đã nghĩ cách thử nghiệm kỹ thuật mới ngay tại chỗ.
Sau này, Citroen lấy lại ý tưởng ban đầu đó để thử nghiệm những cuộc thám hiểm đầu tiên là ở châu Phi trong những năm 1920, sau đó là tại châu Á vào khoảng những năm 1930-1931. Cuộc thám hiểm mang tên “Croisière jaune” với mục đích đi xuyên châu Á bằng ô tô bánh sắt của Citroen vừa thành công, nhưng cũng thất bại. Thành công vì đã đi xuyên châu Á, còn thất bại là do một trong số người khởi xướng qua đời trước khi đến Đông Dương. Vì vậy, hành trình Đông Dương bị huỷ, còn thi thể người quá cố được đưa về Pháp bằng tầu thuỷ. Nên có thể nói, Đông Dương vừa là vùng đất kích thích trí tưởng tượng, vừa là nơi thử nghiệm thật sự của các mẫu xe hơi Pháp.

Triển lãm Xe hơi tại Phòng Báo chí và Thông Tin Sài Gòn, ngày 29/09/1949. ANOM/Agence économique de la France d'outre-mer

RFI : Chính quyền thuộc địa Đông Dương có tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng loại hình giao thông mới này không?

Stéphanie Ponsavady : Khi mới đến, người Pháp cố tìm cách sử dụng hệ thống đường thuỷ, nhưng sau đó không thành hiện thực vừa vì lý do chính trị, địa-chiến lược, vừa vì công nghệ. Vì thế, Nha Công Chính tập trung vào những phương tiện trên mặt đất. Từ những năm 1910-1920, các khoản đầu tư chủ yếu đổ vào phát triển hệ thống đường xá, đầu tiên là tuyến quốc lộ 1 xuyên suốt Việt Nam, sau đó là những tuyến đường khác bắt nguồn từ quốc lộ 1 toả đi khắp nơi.
Trên thiết kế, mạng lưới này hoàn toàn sử dụng được cho xe hơi. Nhưng trên thực tế, nảy sinh rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, mặt đường không hẳn phù hợp với khí hậu nhiệt đới, hay vấn đề bảo dưỡng… Vì đó là một mạng lưới lớn nên xảy ra rất nhiều cuộc tranh luận về ngân sách giữa chính quyền địa phương và bộ Thuộc Địa Pháp : Liệu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về hệ thống đường xá ? Hay chính quyền trung ương Pháp lập hẳn một ngân sách cho việc trùng tu bảo dưỡng ? Vì dù tốn kém, nhưng mạng lưới đường xá tại Đông Dương lại vô cùng quan trọng cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.


RFI : Những chiếc xe hơi này chạy bằng nguồn nhiên liệu nào?

Stéphanie Ponsavady : Khi những chiếc xe đầu tiên xuất hiện, vấn đề nhiên liệu cũng được đặt ra ngay. Ban đầu có rất nhiều loại xe hơi, trong đó có những chiếc chạy bằng động cơ nên cần xăng. Chính quyền Đông Dương nhập xăng dầu đã lọc hoặc thô chủ yếu từ các thuộc địa của Hà Lan trong khu vực, như Malaysia và Indonesia, hoặc nhập xăng từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đó là ba nguồn cung cấp chính.
Một số nghiên cứu lúc đó cũng cho thấy ở Đông Dương có những mỏ dầu trong lòng đất nhưng chính quyền thuộc địa vẫn ưu tiên nhập xăng dầu. Cũng vào giai đoạn này, một số khu vực phân phối và trạm xăng đã được xây dựng, dĩ nhiên là ở thành phố, và cũng được xây dọc theo trục quốc lộ 1. Đây là cơ sở hạ tầng cho loại xe chạy bằng xăng.
Ngoài ra còn phải kể đến những loại phương tiện khác, được cải tiến tại chỗ, chạy bằng gazogène, có nghĩa là động cơ không chạy bằng xăng mà bằng than củi. Loại xe này khá phát triển tại Đông Dương, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và trong Thế Chiến II, sau khi quân Nhật đổ vào Việt Nam.
Kiểu xe này có hình dạng khác với các mẫu ô tô thông thường vì có thêm một lò đốt than đằng sau, trong khi xe vẫn chạy. Vì thế, người ta thường thấy nô bộc ngồi ở sau xe cho củi vào lò. Chúng ta có thể thấy những chiếc Citroen, Renault được cải tiến để thích nghi với điều kiện địa phương. Thực ra, phát minh này đã được áp dụng ở châu Âu nhưng trong phạm vi nhỏ. Sau đó, người Pháp áp dụng ở Đông Dương, rồi về sau dần trở thành chuyên môn của người Việt, biến những chiếc xe hơi chạy xăng thành xe chạy gazogène.


RFI : Người Việt sở hữu xe hơi nhiều hơn từ khoảng thời gian nào?

Stéphanie Ponsavady : Trong những năm 1920, thị trường xe hơi Pháp mở rộng hơn ở Đông Dương. Thực ra là những chiếc xe hơi của người Pháp mua từ đầu những năm 1900-1910 được bán lại theo dạng xe đã qua sử dụng. Người châu Á địa phương thuộc tầng lớp khá giả mua lại để phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra, một số người mua lại xe tải hoặc xe có kích thước lớn để biến thành xe chở khách. Cả một nền công nghiệp lớn được hình thành, bắt đầu từ những năm 1910 và phát triển mạnh trong những năm 1920.
Theo tôi, có hơn 500 công ty vận tải như thế trên khắp lãnh thổ Đông Dương (Lào, Việt Nam, Cam Bốt), thường do người Việt và người Hoa quản lý. Họ đảm bảo phương tiện giao thông cho người dân địa phương là chủ yếu, vì người Pháp chỉ thích đi xe cá nhân.


RFI : Các nhà sản xuất xe hơi tung ra chiến dịch quảng cáo như thế nào để hút khách hàng ở Đông Dương?

Stéphanie Ponsavady : Quảng cáo xe hơi được trình bày tùy theo đối tượng. Với khách hàng Pháp, hình ảnh xe hơi thể hiện cuộc sống xã hội tại Pháp. Chiếc ô tô trở thành một thế giới thu nhỏ của tầng lớp tư sản Pháp ở Đông Dương được đặt trên bốn bánh. Người ta thường thấy phía sau xe là phong cảnh Đông Dương, còn trong xe là cảnh đang chuẩn bị một bữa pic-nic theo kiểu Pháp với một chiếc khăn trải và một chiếc làn đựng đồ ăn.
Từ cuối những năm 1940 đầu 1950, khi quảng cáo xe hơi nhắm vào khách hàng Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, quảng cáo lại được thiết kế hoàn toàn khác. Hình ảnh thường thấy là những phụ nữ Việt tạo dáng trước chiếc xe trong bộ áo dài. Người ta cố điểm thêm vài nét địa phương trong hình ảnh quảng cáo. Chiếc xe hơi tượng trưng cho sự hiện đại và tốc độ của châu Âu nhưng vẫn đậm bản sắc truyền thống.








No comments:

Post a Comment