Wednesday, September 20, 2017

NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN BỊ NGƯỜI MỸ GIẾT Ở VIỆT NAM (Le Minh Khai)




Le Minh Khai
Trà Mi dịch
Posted on September 18, 2017 by editor — 2 Comments

Sự bỏ mặc không công nhận việc người Mỹ giết người Việt Nam muốn độc lập bằng bất cứ với hình thức nào có ý nghĩa gì?

*
Trà Mi | Trước khi loạt phim tài liệu 10 đoạn Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) do Ken Burns and Lynn Novik thực hiện được chiếu trên đài PBS và trên mạng Internet vào tối 17/09/207 cho người ở Mỹ thì nó đã chính thức ra mắt 5 ngày trước,12/09/2017, tại Trung tâm Kennedy, Washington, D.C..

Sau đó đã có nhiều thông tin và bình luận trên báo đài Việt ngữ, VOA, BBC, Việt Vùng Vịnh, v.v.. Người dịch đã chủ ý không đọc, không xem những thông tin, bình luận có trước và để đầu trắng ngồi xem tác phẩm của Ken Burns and Lynn Novik, ít nhất là đoạn đầu tiên chiếu trên TV vào Chủ nhật 17/09/2017.

Qua đoạn đầu của loạt phim “Vietnam War” người viết nhận thấy một số thiếu sót về, thứ nhất là những người được hai tác giả chọn đưa vào phim. Tựa là “Vietnam War” nhưng ý kiến của người Miền Nam dường như không được chú ý đến như quan điểm của người Mỹ và của những người bên thắng cuộc. Nhận định “có nhiều chứ không phải một sự thật lịch sử” xác nhận sự thiếu sót, ít nhất ở đoạn đầu tiên, của loạt phim tài liệu này.

Ngay cả trong danh sách cố vấn của chương trình cũng chỉ có tên hai người phe Bắc Việt bên cạnh nhiều người Mỹ.

Ngày nay, đọc sách lịch sử, xem phim lịch sử là việc không dễ nói chi đến chuyện viết sách, làm phim hay đi dạy về lịch sử

Thay vì viết nhận xét của riêng mình, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cái nhìn của một người Mỹ, một giáo sư dạy khoa sử ở University of Hawaii at Manoa, Hoa Kỳ.

Minh hoạ và nhậận định của Le Minh Khai

Tôi mới ráng xem đoạn đầu tiên của loạt phim nhiều tập tên “Chiến tranh Việt Nam” của những người làm phim Ken Burns và Lynn Novik. Tôi không nghĩ bộ phim tài liệu này hay, nhưng giờ thì tôi thực sự ngạc nhiên thấy nó thật sự rất là tệ.

Cốt lõi của vấn đề (ít nhất là ở đoạn đầu tiên của) loạt phim tài liệu này là nó hoàn toàn chú trọng đến cái nhìn của Mỹ. Nó dựa trên một sự tưởng tượng rằng chính phủ Mỹ có thể định đoạt được số phận của mọi vấn đề thế giới, và cá nhân những người Mỹ có thể ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ Mỹ.

“Bài học” mà cuốn phim tài liệu này muốn dạy [cho người xem] là khi mà các vấn đề thế giới không tuân theo các tiêu chuẩn của lý tưởng Mỹ, và đó là vì chính phủ Hoa Kỳ không lắng nghe những ý kiến hay của cá nhân người Mỹ.

Hãy gọi đây là chuyện người Mỹ tự kinh tởm mình, “người Mỹ ngu quá”.

Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson trong một bài phát biểu tháng 1 năm 1917 © Hulton Archive / Getty Images

Câu chuyện này bàng bạc khắp nơi trong đoạn đầu của loạt phim Chiến tranh Việt Nam. Có những ví dụ rõ ràng “Người Mỹ ngu quá” như việc Tổng thống Wilson không đi gặp Hồ Chí Minh tại Versailles năm 1918 và Tổng thống Truman không trả lời thư của Hồ Chí Minh năm 1945/46.

Tuy nhiên, bộ phim tài liệu này cũng giới thiệu những câu chuyện “Người Mỹ ngu quá” ít được biết đến, chẳng hạn như câu chuyện của Peter Dewey, một nhân viên tình báo Mỹ thời chiến của OSS (tiền thân của CIA).

Dewey đóng ở Sài Gòn vào năm 1945 khi người Anh giải giáp Nhật Bản tại đây sau khi kết thúc Thế chiến II. Theo tập phim Chiến tranh Việt Nam, Dewey đã nói rằng người Việt thực sự muốn độc lập, và ông khuyến khích vị chỉ huy của quân đội Anh không nên trấn áp những mong muốn đó.

Đáng buồn thay, người Mỹ nhìn xa thấy rộng này đã bị Việt Minh (nguyên văn là “Vietnamese nationalists”), những người mà ông ủng hộ, giết chết vào ngày 26 tháng 9 năm 1945 khi ông lái xe đến sân bay.

Một lần nữa, bài học ở đây là gì? Có những người Mỹ có những ý tốt nhưng họ không được lắng nghe và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề thế giới. Nếu ý kiến của Peter Dewey mà được nghiêm túc lắng nghe vào năm 1945… mọi thứ xảy ra sau thời điểm đó có thể đã tránh được…

Bản khai hữu thệ của Herbert J. Bluechel. Nguôn: The Vietnam Virtual Archive/LMK

Điều đó, như tôi đã nói, là một sự tưởng tượng. Nhưng có một cái gì đó nham hiểm hơn về việc mô tả Peter Dewey trong Chiến tranh Việt Nam như một ông thánh tử đạo Mỹ, bởi vì sau khi Dewey chết bi thảm, đã có nhiều người Việt Nam đã bị người Mỹ giết.

Khi lái chiếc xe jeep đến sân bay, Dewey được một Đại uý Herbert J. Bluechel nào đó hộ tống. Bluechel đã không tử thương vì loạt đạn giết Dewey, và sau cái chết của Dewey, Bluechel đã bắn trả những người Việt Nam đã giết Dewey, một lần nữa, đó cũng là những người Việt Nam đã chiến đấu vì độc lập mà Dewey đã ủng hộ.

Trích dẫn từ một bản khai hữu thệ mà Bluechel đã làm (và có thể tìm thấy – chỉ bằng một cái bấm chuột – ở Vietnam Virtual Archive tại Đại học Texas Tech), Bluechel cho biết,

“Tôi chụp lấy khẩu súng trường và cố bắn vào một vài người Việt Nam đang bắn và tiến đến gần tôi. Họ đi dọc theo đường đánh dấu ‘D’ trên hình vẽ. Khẩu carbine của tôi kẹt đạn và tôi đã buộc phải vất nó đi và dùng súng lục. Tôi đã rất may mắn khi bắn trúng ba người đi dọc theo đường ‘D’, khiến cho những người còn lại phải tìm chỗ nấp.”

“Tôi nhận thấy có 10 hoặc 15 người Việt Nam đang tiến về phía Nam trên đường đi về hướng tổng hành dinh của OSS và nhận ra rằng họ đang cố gắng chận đường rút lui duy nhất của tôi. Tôi đã bắn một vài phát về phía họ khiến họ phải tìm chố nấp.”

Rồi Bluechel đã đi theo một bờ dậu hướng về tổng hành dinh của OSS. Sau đó ông nói rằng

“Tôi đã đi đến cuối hàng rào mà không bị trúng đạn, và có thể xác nhận rằng tôi đã bắn trúng năm người trong số những người đã đuổi theo tôi.”

Nếu năm người đó cộng thêm ba người mà ông ta “bắn trúng” trước đó, có nghĩa là Bluechel đã bắn tám người Việt Nam vào thời điểm này.

Bản khai hữu thệ của Herbert J. Bluechel. Nguôn: The Vietnam Virtual Archive/LMK

Có 5 người ở tổng hành dinh của OSS khi Bluechel đến, và ông nói rằng ông đã xếp họ vào “các điểm chiến lược trong và xung quanh nhà và ra lệnh cho họ bắn vào bất cứ người Việt Nam vũ trang nào mà họ thấy bắn vào hoặc đến gần căn nhà.”

Ông nói tiếp, 

“Trong khoảng 20 đến 30 phút súng bắn liên hồi, và chúng tôi đã bắn trúng vào nhiều người Việt Nam trên sân gôn phía trước trụ sở chính. Tôi ước tính lực lượng tấn công là khoảng 50 người.”

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến khi người Việt Nam “treo cờ Chữ thập đỏ và đến sân gôn trước mặt chúng tôi để di tản người chết và người bị thương.”

Nguồn Wilipedia.org

Peter Dewey được nhắc đến trên Wikipedia là “người Mỹ chết đầu tiên ở Đông Dương thuộc Pháp, bị giết trong cuộc nổi dậy của người Việt Nam 1945.” Điều đó có thể đúng, nhưng tại sao nhiều người Việt Nam đã bị người Mỹ hạ sát vào cùng ngày lại không được ghi tên?

Sự bỏ mặc không công nhận việc người Mỹ giết người Việt Nam muốn độc lập bằng bất cứ với hình thức nào có ý nghĩa gì?

Trong cái thế giới Hoa Kỳ là cái rốn của những người như Ken Burns và Lynn Novik, rõ ràng là việc đó không có ý nghĩa gì cả. Đó là một lý do, trong số nhiều lý do khác, tại sao tập phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của họ, lại là một thất vọng hoàn toàn.

Bản khai hữu thệ của Bluechel Affadavit

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The First Vietnamese Killed by Americans in Vietnam. Le Minh Khai, Le Minh Khai’s SEAsian History Blog. Always rethinking the Southeast Asian past. 17/09/2017.


-------------------------------

Peter Zinoman
Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á Học, Đại học California ở Berkeley
19 tháng 9 2017

Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) khác tất cả các phim tài liệu mà Ken Burns/Lynn Novicks đã làm xưa nay. Các bộ phim đó đều kể về một câu chuyện đặc trưng và rõ ràng với quan điểm "nước Mỹ trên hết." Ngoài người Mỹ ra thì còn ai có thể là diễn viên chính trong các bộ phim trước đây của Burns/Novick, chẳng hạn như The Brooklyn Bridge (Cây cầu Brooklyn), The Statue of Liberty (Tượng thần Tự do), The Civil War (Nội chiến), Baseball (Bóng chày), The West (Miền Tây), Thomas Jefferson, Lewis and Clark (Lewis và Clark), Jazz (nhạc Jazz), Mark Twain, Prohibition (Luật cấm đồ cồn) and The Dust Bowl (Một vùng cát bụi).

Phim 'The Vietnam War' (Cuộc chiến Việt Nam) - hình do đoàn làm phim cung cấp . OTHER

Nhưng với cuộc chiến ở Việt Nam, chúng ta có thể biện luận rằng người Việt xứng đáng đóng vai chính trong câu chuyện. Xét cho cùng, từ 1 đến 3 triệu người Việt đã bỏ mạng trong chiến tranh, lớn hơn rất nhiều (gấp từ 20 đến 60 lần) con số khoảng 58.000 người Mỹ chết trong cuộc xung đột.

Một cựu binh Mỹ lau rửa bức tường Tưởng niệm Cuộc chiến Việt Nam ở Venice Beach, California hồi 2016. MARK RALSTON


Những thiệt hại kinh khủng cả về vật chất và môi trường do bom đạn, chất khai quang, chiến tranh ở các vùng đô thị, chiến tranh du kích và chống du kích ở vùng nông thôn đã ảnh hưởng trầm trọng đến riêng vùng lãnh thổ Đông Nam Á, cũng như vấn nạn khổng lồ của tình trạng người dân trong nước buộc phải tản cư, di cư.

Hệ quả của cuộc chiến đối với người Việt lớn hơn so với người Mỹ cũng được thể hiện rõ qua khoảng thời gian trung bình mà mỗi bên phải trải nghiệm. Trong khi phần lớn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam khoảng trên dưới 1 năm trong giai đoạn giữa 1965 và 1973, thì người Việt sinh ra sau Thế chiến thứ Hai phải sống trong thời chiến suốt ba mươi năm ròng rã từ 1945 đến 1975.

Xét sự nổi trội cả về con số người Việt lẫn tầm mức thiệt hại không thể sánh được mà họ là nạn nhân, việc đặt người Việt vào vai trò trung tâm trong thời đoạn lịch sử đen tối này, ít ra, cũng phải là một mệnh lệnh đạo đức khiêm tốn.

Hàng triệu người Việt Nam đã bỏ mạng trong chiến tranh.  HOANG DINH NAM

'Dĩ Mỹ vi trung'

Thế nhưng, ý đồ lấy Mỹ làm trọng tâm không hề giấu giếm trong Vietnam War được thể hiện rõ ngay trong 3 cảnh mở màn giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu 10 tập này. Cảnh đầu tiên tả những người lính Mỹ tham chiến, cảnh thứ hai cho thấy một cuộc diễu binh của quân đội Mỹ, và cảnh thứ ba là lời bình luận của cựu chiến binh Mỹ Karl Marlantes. Bài hát Hard Rain của Bob Dylan làm nền nhạc kết thúc phần một càng báo hiệu rõ hơn nữa xu hướng "dĩ Mỹ vi trung" làm điểm tham chiếu. Mặc dù trong tập đầu, số lượng nhân vật người Việt và người Mỹ phát biểu tương đương nhau, nhưng trọng tâm tự sự vẫn nghiêng về những câu chuyện thứ yếu của người Mỹ với tầm quan trọng lịch sử đáng ngờ.


Chẳng hạn, việc Hồ Chí Minh được cho là ngưỡng mộ Hoa Kỳ, thể hiện qua bằng chứng ông hợp tác với nhân viên tình báo Mỹ trong Cục Tình báo Chiến lược (OSS) và việc ông dẫn Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Trong lịch sử chính thống về cuộc chiến, những tình tiết quá quen thuộc này được sử dụng để nhấn mạnh số phận éo le đầy kịch tính khiến Mỹ và Hồ Chí Minh "bỏ lỡ cơ hội" kết bạn với nhau. Nhưng các nghiên cứu học thuật từ lâu nay đã cho thấy tinh thần chống Mỹ mạnh mẽ trong các bài báo của Hồ Chí Minh ngay từ thập niên 1920, bao gồm cả những bài viết đầy phẫn nộ về việc hành quyết người da màu và về đảng 3K (Ku Klux Klan).

Hình chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng lao động Việt Nam năm 1953. AFP/GETTY IMAGES

Gần đây hơn, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Vũ Hữu Tường dẫn lại một loạt các bài báo chống Mỹ tương tự do Hồ Chí Minh viết trong khoảng từ năm 1951-1956. Là một thành viên của quốc tế cộng sản Đệ tam, đồng thời là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp trung thành với Stalin và kịch liệt chống Mỹ, ít có khả năng là Hồ Chí Minh thực lòng mong muốn nhận được sự trợ giúp của Mỹ như tập đầu của bộ phim gợi ý. Thay vào đó, những đợt tương tác của Hồ Chí Minh với người Mỹ (bao gồm cả thư gửi cho các tổng thống và các buổi trà đàm với nhân viên tình báo Mỹ) nhiều khả năng là do sự nhận biết mang tính thực dụng của ông về tiềm năng sức mạnh Hoa Kỳ và về nhu cầu trung lập hóa sức mạnh ấy qua liên lạc trực tiếp.

Quan điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong tập đầu tiên của bộ Chiến tranh Việt Nam cũng được thể hiện rõ qua cách tái hiện câu chuyện từ phía Việt Nam quá giản đơn. Tập đầu vẽ lại lịch sử hiện đại Việt Nam như một bức biếm họa, trong đó ách áp bức của thực dân Pháp chỉ bị thách thức bởi sự xuất hiện của Hồ Chí Minh, nhân vật có tinh thần quốc gia duy nhất trong thời thuộc địa được đề cập đến trong tự sự.


Thiếu vắng trong tường thuật này là vô số các lực lượng đối lập với Hồ Chí Minh trong phong trào chống thực dân rộng lớn hơn, bao gồm các phe quốc gia, phe lập hiến, phe Trotskyists, phe cộng hòa, phe bảo hoàng, phe phát xít và phe tân truyền thống. Đối với nhiều học giả, cuộc xung đột đẫm máu giữa phe cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và các lực lượng chống cộng khác trong cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất (1946-1954) và lần thứ Hai (1954-1975) chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh tiếp nối của xung đột chính trị từ cuối thời thuộc địa. Thiếu vắng khía cạnh này của câu chuyện, sự hình thành chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền nam, lực lượng chống đối Hồ Chí Minh quan trọng nhất thời hậu thuộc địa, có vẻ chỉ là sản phẩm độc quyền của Mỹ trong cuộc kiếm tìm đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, chứ không phải là một tinh thần chủ nghĩa quốc gia chống cộng bản địa với gốc rễ lịch sử có từ thời thuộc địa.

Hình chụp vua Bảo Đại (không rõ ngày) tại Hà Nội. Ông thoái vị tháng 8/1945 và sang sống ở Pháp từ năm 1955. AFP/GETTY IMAGES

Một bức tranh bị bóp méo tương tự cũng xuất hiện trong tập đầu là việc không đề cập đến vua Bảo Đại. Sự lãnh đạo của ông với Quốc gia Việt Nam do Pháp hậu thuẫn năm 1950 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt chống cộng, những người tiếp tục chống lại sự bá quyền của cộng sản sau năm 1954.

Hướng tiếp cận "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam cũng được thể hiện qua cách phim mô tả Ngô Đình Diệm. So với Hồ Chí Minh, người được mô tả trong tập đầu, ít nhất là một phần nào đó, qua cách nhìn của người Việt, Ngô Đình Diệm chỉ được giới thiệu qua lời của giới chức Mỹ (ông "kiêu căng" và "ngạo mạn," một "đấng cứu thế không có thông điệp"). Mặc dù ông cầm quyền suốt gần 10 năm trong những hoàn cảnh vô cùng bấp bênh, tập phim đầu thể hiện rất ít sự quan tâm tới việc người dân Việt ở miền nam Việt Nam nghĩ gì về ông.

Ông Ngô Đình Diệm phát biểu trong ngày thành lập Việt Nam Cộng hòa ngày 10/10/1955. AFP/GETTY IMAGES

Quan điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam và lý giải hời hợt về lịch sử Việt Nam đã bị nhiều cây bút có tầm ảnh hưởng lớn trên facebook tiếng Việt, diễn đàn công không bị kiểm soát quan trọng nhất ở Việt Nam, phê bình. Blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh viết, "Còn nội dung thì phim này chỉ thuần tuý thông sử, không có gì mới. Phần về phía Mỹ cảm động, sâu, đa diện- 8/10. Phần về phía Việt Nam quá hời hợt và phiến diện, may ra được 4/10. Đạo diễn phim tài liệu số 1 nước Mỹ làm phim này trong 10 năm mà chỉ có thế thì chưa đạt yêu cầu."


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách viết của tác giả, Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á học, Đại học California, gửi cho BBC Tiếng Việt từ California, Mỹ.

----------------------------------------------------


Tôi may mắn được đại diện đài truyền hình PBS và Thư Viện địa phương mời vào Ban Điều Hành Thảo Luận (discussing panel) về phim The Vietnam War do hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick bỏ ra mười năm thu thập tài liệu để làm ra cuốn phim 18 tập nầy. Phim sẽ được trình chiếu vào ngày 17 tháng 9 năm 2017 trên Đài Truyền Hình PBS của Mỹ.

Trước lượng khán giả khoảng hơn 200 người, toàn là người Mỹ (trừ cô phụ tá tôi là một bác sĩ trẻ, Quyên Huỳnh). Tôi rất áy náy, nhưng quyết định nhận lời vì nghĩ rằng đây là cơ hội để nói lên quan điểm của Người Lính Việt Nam Cộng Hoà về Chiến Tranh Việt Nam. Tôi lên đường vì ý niệm đó dù biết sẽ không dễ dàng, nhất là ngôn ngữ. 

Nguyễn Ngọc Sẵng

Sau phần trình chiếu, họ hỏi mỗi người trong Ban Điều Hành Thảo Luận một câu. Trong phim có một cựu chiến binh Bắc Việt, tên Bảo Ninh được phỏng vấn, và ông nói rằng.  trong cuộc chiến tranh Việt Nam KHÔNG có người thắng (no vinners). Người điều khiển chương trình hỏi tôi nghĩ gì về ý kiến nầy?

Hội trường

Trước khi trả lời, tôi trình bày nhận định rằng muốn biết ai thắng, ai thua phải biết ít nhất ba (3) điều căn bản: (1) mục tiêu tham chiến của các bên, (2) Sự tổn thất mà họ trả giá, (3) và đánh giá trên tổng thể do cuộc chiến gây ra.

A. Mục Tiêu Tham Chiến

1. Mỹ tham gia cuộc chiến vì muốn KIỀM CHẾ Trung Cộng, theo tài liệu Pantagon Papers, một nghiên cứu chính thức của Bộ Quốc Phòng Mỹ về sự tham dự của Mỹ tại Việt Nam từ 1945 đến 1967 do ông Daniel Ellsberg thực hiện và được công khai trên tờ The New York Times năm 1971, chủ yếu không nhằm bảo vệ sự độc lập của Miền Nam. Bảo vệ Miền Nam là chiến thuật trong chiến lược ngăn chận Tàu. Tài liệu nầy dài khoảng 4000 trang và được liệt kê là Tối Mật và được giải mã ngày 4 tháng 5 năm 2011tại thư viện của Tổng Thống Richard Nixon tại California.

2. Mục tiêu của Bắc Việt là Giải Phóng Miền Nam bằng vũ lực để Làm Bàn Đạp cho cuộc bành trướng của cộng sản quốc tế xuống vùng Đông Nam Á. Việc nầy do Hồ Chí Minh thực hiện với sứ mạng là người lãnh đạo cộng sản Đông Dương từ năm 1932. Và điều nầy hoàn toàn phù hợp với lời tuyên bố của Tổng Bí Thư Lê Duẩn "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, Trung Quốc", nếu câu nói nầy đúng sự thật. Đây là sứ mạng của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

3. Mục tiêu của những nhà lãnh đạo Miền Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền Miền Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản Miền Bắc với sự viện trợ tối đa của Nga, Tàu và khối cộng sản Đông Âu, kể cả Cuba. Nhưng vì thế yếu họ chấp nhận và yêu cầu Mỹ và khối tư bản viện trợ để họ bảo vệ lãnh thổ, và dân chúng theo họ. 

B. Những Tổn Thất Của Các Bên

1. Phía Mỹ có 58.307 binh sĩ tử trận, chi tiêu 168 tỷ Mỹ kim (có tài liệu nói 1020 tỷ), 303.604 binh sĩ bị thương, 1948 binh sĩ mất tích và lúc cao điểm của chiến tranh có 543.000 binh sĩ tham chiến. Khi chiến binh Mỹ từ chiến trường Việt Nam về bị dân chúng khinh thị, không đón tiếp trọng thể như những binh sĩ tham gia trong những cuộc chiến ngoại biên khác. Và vết thương chiến tranh chưa hoàn toàn hàn gắn được.

2. Phía Bắc Việt có 950.765 binh sĩ tử trận, gần 600.000 bị thương, số mất tích không có con số rõ ràng, ước tính khoảng 300 ngàn người... Trong chiến cuộc, Miền Bắc được xếp vào hạng 1 trong 5 quốc gia nghèo nhất thế giới. Và cuộc chiến do Miền Bắc gây ra làm thiệt mạng 2 triệu thường dân.

3. Phía Việt Nam Cộng Hoà có 275 ngàn chiến sĩ thiệt mạng, khoảng 1.170.000 người bị thương, không có con số mất tích được liệt kê và ngày 30 tháng 4 năm 1975 họ đầu hàng vô điều kiện.

C. Ai Thắng? Ai Thua?

1. Từ những phân tích trên, tôi trình bày quan điểm riêng rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu Kiểm Chế Trung Cộng, vậy Mỹ là người THẮNG.

2. Cũng từ phân tách nầy, tôi trình bày cho thính giả rằng Bắc Việt hy sinh gần 1 triệu binh sĩ, gần 6 trăm ngàn người thương tật, 300 ngàn người mất tích, làm 2 triệu thường dân bị chết oan và biến đất nước thành 1 trong 5 nước nghèo nhất thế giới, vậy Bắc Việt là người THUA vì phải trả giá quá đắt mà Trung Cộng vẫn không nhuộm đỏ được vùng Đông Nam Á. Họ THUA vì không đạt được mục tiêu.

3. Việt Nam Cộng Hoà đầu hàng vô điều kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 là người THUA. Theo bài phỏng vấn của Tướng Frederick C. Weyand ngày 12 tháng 6 năm 2006 thì cuộc chiến bị thua không phải do quân đội kém cỏi mà do những người lãnh đạo chính trị ở Washington. Họ thắng trên chiến trường, nhưng thua vì sự bội ước của đồng minh. Nhưng theo thiển nghĩ thì sau khi Hoa Kỳ đã hoàn thành mục tiêu kiềm chế Trung Cộng, họ rút lui bằng sự trả giá của nhiều bên, trong đó có cả binh sĩ của họ.

Kết luận sau cùng của tôi với cử toạ là cả hai phía người Việt đều là kẻ thua, nhất là dân tộc Việt Nam là người thua trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm của người cộng sản do Hồ Chí Minh, người cộng sản quốc tế, thực hiện sứ mạng trên sự đau xót vô vàn của dân tộc, làm kiệt quệ đất nước và tạo vết thương lịch sử dù 42 năm rồi vẫn chưa lành và không biết có cơ hội nào để lành vết thương dân tộc nầy.

Một cử toạ hỏi tôi về hậu quả tâm lý hiện tại của cuộc chiến, tôi chỉ đơn giản trả lời "bên thắng cuộc vẫn coi bên thua cuộc là kẻ thù cho dù chiến tranh đã chấn dứt 42 năm rồi". 

Cuốn phim vẫn trình bày những sự kiện mang tính cách tuyên truyền củ rích dù họ bỏ ra 10 năm sưu tập tài liệu, phỏng vấn một số người trong và ngoài nước. Vẫn trưng tấm hình Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt Cộng Bảy Lốp trên đường phố Sài Gòn, vẫn bản củ kết tội tên Trung úy William Calley sát hại 128 thường dân, vần chuyện thả bom napalm vào một số làng mạc gây thương tích cho thường dân v.v..., nhưng tôi nói thẳng với họ rằng Việt Cộng pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy ngày 9 tháng 3 năm 1974 làm thiệt mạng gần 200 em học sinh tiểu học sao đoàn làm phim không biết?, trong trận Tết Mậu Thân người cộng sản sát hại gần 6 ngàn đồng bào vô tội tại Huế, sự kiện chấn động cả thế giới mà đài truyền hình PBS không hay? Phim vẫn cho rằng công ty hoá chất Dow Chemical sản xuất bom Napalm để dội vào làng giết hại dân lành, tôi thẳng thắn nói với họ rằng bom Napalm không chế tạo để giết dân lành và vụ cô Kim Phúc là một trong những nhầm lẫn trong chiến trường như Mỹ đã từng nhầm lẫn ném bom trúng tòa đại sứ Trung Cộng tại Kosovo 1999, thỉnh thoảng ném bom nhầm tại Iraq, Afghanistan, Syria v.v..., Thậm chí họ còn ném bom nhầm vào những đơn vị quân đội của Hoa Kỳ, bắn nhầm binh sĩ Hoa Kỳ v.v..., trong chiến tranh không thế nào tránh nhầm lẫn được. Thế mà bọn truyền thông dòng chính vẫn cố tình vu khống một cách lố bịch, không chút liêm sỉ những sai lầm mà ai cũng có thể nhận thấy. Thảo nào Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump miệt thị họ không oan chút nào. 

Sau buổi hội thảo, một sử gia Mỹ tên Bill Laurie gặp tôi và ông nói Bảy Lốp là tên khủng bố đã sát hại 6 người thân của viên chức VNCH, nên bắn Lốp là không vi phạm công ước Geneve.

Có thể đáng lẽ người Mỹ đã rút quân trước 1969 nếu người tư lệnh chiến trường Việt Nam của họ có chiến thuật đúng đắn, khác với chiến thuật "Truy tầm, tiêu diệt" mà Tướng Westmoreland, người được báo chí gọi là vị Tướng bại trận tại Việt Nam (The General Who Lost Vietnam) áp dụng trong nhiều năm. Những nhà bình luận quân sự chỉ trích chiến thuật dùng lực lượng hùng hậu để truy lùng giặc của Westmoland là không đúng. Chiến thuật nầy chỉ có kết quả khi đối phương chấp nhận đương đầu, nhưng quân Bắc Việt vào thời điểm đó, họ tránh né trong những cuộc hành quân lớn, họ rút sâu vào rừng hoặc vượt qua biên giới Cao Miên, Lào để bảo toàn lực lượng.

Nếu họ sử dụng những vị Tướng tài như Tướng Harold K. Johnson, Frederick C. Weyand, v,v,. thì có lẽ người lính Mỹ đã hồi hương sớm, ít thiệt hại sau khi đã hoàn thành mục đích Kiềm Chế Trung Cộng. Và mức độ thiệt hại mà quân đội hai phía Việt Nam sẽ ít hơn, nhất là con số thiệt hại nhân mạng dân lành sẽ thấp hơn, mức độ nghèo nàn, đói rách, lạc hậu của người dân Việt Nam sẽ ít hơn, và trên hết hận thù không dai dẳng như ngày hôm nay.

Vấn đề viện trợ quân sự cho Miền Nam cũng góp phần trong chánh sách "phủi tay" của Hoa Kỳ. Từ con số 2.8 tỉ năm 1973, còn 1 tỉ năm 1974 và 300 Triệu cho năm 1975. Và cuối cùng, tháng 12 năm 1974 quốc hội Hoa Kỳ quyết định cắt hết viện trợ quân sự, chỉ 55 ngày sau là Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ. Không có quân đội nào đánh giặc mà không có vũ khí, hoặc viện trợ vũ khí, chỉ trừ "truyền thuyết" Quân Giải Phóng với tay không bắt được máy bay Mỹ.

Không ai kéo lịch sử lùi lại được. Người gây ra cuộc chiến vì nhiệm vụ quốc tế cộng sản phải thành khẩn thú nhận trách nhiệm lịch sử. Không chấp nhận hôm nay, trong tương lai lịch sử cũng sẽ ghi lại bởi chính con cháu chúng ta, họ đọc lịch sử từ hai phía, họ đọc lịch sử thế giới, họ sẽ viết lại sự thật mà thế hệ cha ông họ đã trải qua. Đó là chính sử chứ không phải tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật mà người cộng sản dùng bạo lực để bóp méo và gọi là lịch sử.

Họ phải thành tâm Hoà Giải Hoà Hợp với những nạn nhân của họ, với đồng bào trong nước để xây dựng lại sức mạnh dân tộc để chống lại giặc Tàu. Làm chậm trễ sẽ mất nước và tội của họ sẽ chồng chất thêm với đất nước và dân tộc. 

Đây là bộ phim phản ảnh một phía, trình bày phân nửa sự thật, không xứng đáng bỏ thời giờ xem. Điều nầy tôi đã viết trên Yahoo, nhưng 15 phút sau bị gỡ xuống. Hy vọng Burns và Novick sẽ đọc và nhìn lại vấn đề, nếu họ muốn trình bày một số khía cạnh thật về chiến tranh Việt Nam./.

5/9/2017


---------------------------------

LIÊN QUAN

Hoài Hương-VOA   -   17/09/2017

Khải Đơn   -   Gửi tới BBC từ Tp HCM   -   17/9/2017


FB Mạnh Kim   16/9/2017

FB Mạnh Kim  15/9/2017

Việt Nam trong thời Chiến tranh Lạnh (Chương 12 của cuốn "The Cold War: A World History") -- GS Odd Arne Westad của Đại học Harvard 

Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng  -   Gửi cho BBC Tiếng Việt   18/9/2017

Điểm phim về Việt Nam của Ken Burns (Viet Studies) :
The Insidious Ideology of Ken Burns’s The Vietnam War (TNR 19-9-17) Alex Shephard: "Burns and co-director Lynn Novick take a "many sides" approach to history at a time when "many sides" is a tool of obfuscation."









No comments:

Post a Comment