Wednesday, September 20, 2017

BẢN TIN NGÀY 20/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
TS Lê Trung Tĩnh, thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, có bài đăng trên báo Pháp Luật TP: ‘Cuộc chiến’ bản đồ trước Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, nhất là về Biển Đông, như việc đưa vào sách giáo khoa: Biển Đông thuộc Trung Quốc, sử dụng quả địa cầu có đường lưỡi bòbản đồ tàu biển… thì Chính quyền Việt Nam lại hoàn toàn không có chủ trương nào ngăn chặn việc này.

Việc đưa chủ quyền biển đảo vào sách vở vẫn còn nhập nhằng, tranh cãi, thậm chí truyền thông nhà nước còn tiếp tay, giúp Trung Quốc phổ biến bản đồ “đường lưỡi bò”!

Về ông Lưu Vân Sơn, nhân vật cao cấp TQ đến thăm VN, trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nêu vấn đề Biển Đông, nhưng chỉ lặp lại những câu sáo rỗng, như hai bên “cùng nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông; tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng; cùng các nước ASEAN sớm đàm phán thực chất để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)“. Nhưng dù sao cũng khá hơn người đứng đầu đảng, không hề thấy nhắc một từ nào về Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên BCT, ĐCS Trung Quốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

TTXVN đưa tin: Hội thảo quốc tế về an ninh và hợp tác tại Biển Đông tại Nga. Viện Đông Phương học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ngày 18/9, tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 với chủ đề: “An ninh và hợp tác tại Biển Đông: Sự tiến triển của những lợi ích chính trị-quân sự của các bên liên quan“.

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ lên án các đe dọa chủ quyền ở Biển Đông, Ukraine. VOA dẫn lời ông Trump nói: “Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền của những nơi từ Ucraina cho đến Biển Đông. Chúng ta phải duy trì sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng các đường biên giới, và tôn trọng văn hóa, và sự can dự hòa bình mà những điều đó cho phép”.

RFA có bài: Quan hệ Hoa Kỳ-Campuchia xấu đi: Thách thức nào cho Việt Nam? Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, hiện là Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề Phát triển của Việt Nam, cho biết: “Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông, từ trước đến giờ quan điểm của Campuchia đã bất lợi cho Việt Nam. Thế nhưng Việt Nam vẫn phải hướng tới gìn giữ mối quan hệ rộng lớn hơn, đó là mối quan hệ giữa 3 nước Đông Dương, nên mọi bất đồng trước nay, thậm chí vấn đề Biển Đông vẫn được ‘quét xuống dưới thảm’.”


Báo QĐND ‘chống diễn biến hòa bình’
Mục “Chống diễn biến hòa bình” của báo QĐND có bài: Bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể xuyên tạc. Bài viết không nêu tên cụ thể người nào, mà chỉ nói chung chung về “một vài cá nhân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi Đảng“, đã bị “các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị… thông qua một số trang điện tử và mạng xã hội để xuyên tạc bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam“.

Hệ lụy những dự án có nhà thầu Trung Quốc
Về Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Truyền hình Thông tấn tiếp tục có phóng sự, cho thấy người dân chẳng còn chút niềm tin nào ở dự án tốn nhiều bút mực này:



Nhân quyền ở Việt Nam
Về sự việc anh Võ Tấn Minh bị đánh tử vong hôm 8/9, khi đang bị tạm giam tại công an TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận mà công luận lên tiếng, báo Pháp Luật TP có bài: Khởi tố vụ án dùng nhục hình khiến bị can tử vong. Căn cứ vào những chứng cứ thu thập được, VKSND tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội dùng nhục hình, theo Điều 298 Bộ luật Hình sự.

Trang Zing có bài: Đình chỉ công tác 5 cảnh sát liên quan đến bị can chết ở nhà tạm giữ. Nếu vụ án này được chính quyền điều tra tới nơi, tới chốn, đưa những kẻ sát nhân ra ánh sáng, hy vọng có thể vớt vát chút hình ảnh quá nhem nhuốc của ngành công an nhiều năm qua, mà gần đây nhất là vụ ông Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ chết, khi đang bị công an Vĩnh Long giam giữ.

Facebook Dân Luận có bài: Thu thập thông tin, hình ảnh về tài sản của cán bộ lãnh đạo, đảng viên ĐCS là phản động? Facebook Lều của đầy tớ đăng những hình ảnh, thông tin về tài sản của quan chức đã làm nhiều kẻ “khó chịu”. Mới đây, Huyện ủy Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra văn bản đóng dấu “mật” về việc “Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của nhóm phản động Lều của đầy tớ“.
Ảnh công văn đóng dấu “mật” của Huyện ủy Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu:


VOA có bài: Gia đình, bạn bè ‘phẫn uất’ về bản án mới của Nguyễn Văn Oai. Sau khi Tòa án Nghệ An xử ông Nguyễn Văn Oai 5 năm tù và 4 năm quản chế tại địa phương, bà Trần Thị Liễu, mẹ ông Nguyễn Văn Oai nói rằng, con bà không có tội và bản án quá bất công. Bà cũng tố cáo chính quyền ngăn cản không cho gia đình tới dự phiên tòa.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng có bài trên blog VOA: Cưỡng bức đối thoại. Tác giả cho biết, do tham gia vào Nhóm Nghiên cứu Thể chế, nên ông đã bị công an Hà Nội gửi giấy triệu tập tới 4 lần. Do những lần trước ông không tới, nên lần thứ tư, ông đã bị khoảng chục an ninh bắt cóc, cưỡng ép về đồn công an “đối thoại”.

RFA có bài: Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU: Không chịu áp lực chính trị nhưng sẽ khó nuốt. Về cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội, ngày 15/9/2017 của Nghị sĩ CHLB Đức Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, ông Lange nhấn mạnh, EVFTA không chịu áp lực chính trị nhưng Việt Nam phải cần giải quyết 3 vấn đề lớn: Còn 3/8 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế chờ Việt Nam phê chuẩn; vấn đề môi trường và thứ ba là tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Minh Hạnh, trong Phong trào Lao động Việt: “Bất cứ hiệp định thương mại nào họ cũng gắn kết giữa những quốc gia với  nhau về vấn đề nhân quyền, nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực hiện”.

Chợ An Đông biểu tình
Báo Thanh Niên có bài: Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị. Các tiểu thương ở đây được chính quyền vận động quyên góp được hơn 217 tỉ đồng, mục đích để quận 5 nâng cấp chợ An Đông “đủ sức cạnh tranh với các trung tâm thương mại vừa mọc lên trên địa bàn quận”, nhưng gần 5 năm qua, tiền thì thu mà nâng cấp đâu không thấy.

Không chấp nhận cách giải thích theo kiểu “câu giờ” của đại diện chính quyền quận 5, các tiểu thương dùng băng rôn, biểu ngữ tuần hành thẳng đến UBND TP để yêu cầu lãnh đạo TP giải quyết.

Mời xem clip tiểu thương chợ An Đông biểu tình: https://www.youtube.com/watch?v=tbALuBv_cww

LS ngô Ngọc Trai cho rằng, “Biểu tình là thể hiện quyền làm chủ của người dân. Việc không ban hành Luật biểu tình tạo nguy cơ rủi ro cho quản trị xã hội, khi những sự tất yếu xảy ra mà không có hành lang pháp lý hướng dẫn. Người dân cần sớm có Luật biểu tình để thực hiện quyền công dân của mình đã được ghi trong Hiến pháp và là quyền phổ quát của nhân loại”.


Củi Nguyễn Xuân Anh sắp vô lò?
Nhà báo Hoàng Hải Vân có bài: Vấn đề của Đà Nẵng. Tác giả cho rằng, những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh hay Huỳnh Đức Thơ mà UBKT TƯ kết luận không phải là vấn đề gốc rễ của Đà Nẵng, mà mọi chuyện bắt nguồn từ di sản “ung nhọt” thời ông Nguyễn Bá Thanh.

Tác giả nêu ra hàng loạt chuyện khuất tất của ông Nguyễn Bá Thanh, như việc cấp phép trái pháp luật cho hàng loạt các dự án tại Sơn Trà, vụ “trả thù” tướng công an Trần Văn Thanh khi ông này phanh phui chuyện tham nhũng ở Đà Nẵng … và nhiều chuyện khác, đến nỗi như PTT Vũ Đức Đam còn phải ngán!

Báo VN Finance có bài: Bê bối của Bí thư Nguyễn Xuân Anh liên quan đến đại gia Vũ ‘nhôm’? UBKT TƯ của ĐCSVN xác nhận, ông Nguyễn Xuân Anh không chỉ có một ngôi nhà số 43 đường Nguyễn Thái Học như lời tuyên bố hùng hồn năm 2015 của ông, mà gia đình ông còn đang sử dụng hai căn nhà nữa, số 45 và 47 của doanh nghiệp, trong đó có nhà của đại gia Vũ “nhôm”.

Hình: Báo Tuổi Trẻ


Củi tươi Đinh La Thăng
Sau nhiều tuần lễ vắng bóng trên mặt báo, hôm qua cả hai nhân vật mà nhiều người quan tâm, ông Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình đồng loạt xuất hiện trong một bức ảnh: Ban Kinh tế TƯ ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại sau bão. Nhà văn Nguyễn Quang Lập bình luận: “Giá cái tựa thế này thì mới hay: ‘Ban củi tươi TW ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục thiệt hại sau bão’.”

Uỷ viên Bộ Chính trị, trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các cán bộ ban kinh tế Trung ương ủng hộ bão lụt. Ảnh: báo TP


Đại án OceanBank
Báo Tuổi Trẻ có bài: Hồ sơ đại án OceanBank có bị đánh tráo? Phiên tòa sáng 19/8, LS Trương Thị Minh Thơ, Đoàn luật sư TP.HCM đã kiến nghị với tòa việc hồ sơ vụ án thiếu mất các lời khai của các bị cáo Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn, các bút lục từ số 1 tới 81 bị thay thế bằng kết luận thanh tra và phụ lục nợ xấu của OceanBank.

Báo SGGP có bài: Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm xin “gánh” hết tội cấp dưới. Trong phiên tòa xét xử ngày 19/9, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, chỉ duy nhất bản thân ông và OceanBank được hưởng lợi, các bị cáo khác không được hưởng lợi gì. Do vậy, ông xin gánh hết tội cho các bị cáo khác là cấp dưới của mình.


Bê bối ở VN Pharma
Báo Pháp Luật TP có bài: Vụ Oceanbank và VN Pharma bị điểm tên trong báo cáo tham nhũng. Như vậy là vụ bê bối thuốc điều trị ung thư giả gây chấn động cả nước đã được Ủy ban Tư pháp điểm danh trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.  Việc hối lộ bằng hình thức chi hoa hồng hàng tỷ đồng cho bác sĩ trong vụ VN Pharma, được xác định là vấn đề nghiêm trọng, gây phẫn nộ công luận, băng hoại đạo đức nghề nghiệp… cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.


Lùng nhùng các dự án BOT
Báo Thanh Niên dẫn lời TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, cho biết: ‘Thấy rõ lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT’. Theo ông Giao, các dự án BOT phải đáp ứng nguyên tắc công khai, minh bạch, để người dân có quyền lựa chọn.

Tác giả cũng cho biết, hiện nay các dự án BOT giao thông ở Việt Nam còn rất tù mù, bí mật, thậm chí vi phạm pháp luật: “Chúng ta thấy rất rõ có lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT giao thông, bởi có phải nhà đầu tư nào cũng vào đó được đâu và có phải ai cũng được chỉ định thầu đâu”.

Báo PLTP có bài: Không tăng giá qua trạm BOT ở TP.HCM. Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm 2018, Thành phố sẽ thực hiện chủ trương thu giá dịch vụ đường bộ, thay vì thu phí như hiện nay. Và cũng thực hiện mục tiêu không tăng giá trong thời gian tới. Tất cả các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động, không dừng xe, để sớm giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày càng trầm trọng, nhất là các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố.


Vấn nạn lạm thu đầu năm học
Báo Lao Động có bài: “Loạn” thu đầu năm: Nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, cần xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, bởi ban này thực chất là “cánh tay nối dài” của Ban Giám hiệu trường.

Bà Hương cũng cho biết thêm: “Ban phụ huynh không làm được gì cho học sinh ngoài việc mua quà cho cô ngày lễ tết và đến dự, phát biểu trong ngày lễ với trường. Còn việc tổ chức dã ngoại cho học sinh, phụ huynh tham dự đã quá chiều chuộng, hầu hạ các cháu. Trẻ cần được tự lập nhiều hơn, nên việc này thật sự không tốt”.

Báo Nhân Dân có bài: Tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng lạm thu. Chủ tịch UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương vì liên quan đến việc lạm thu của trường.


Những lời gan ruột về chống tham nhũng
Báo VietNamNet có bài: ‘Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén’. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp đã sinh ra các vấn nạn đút lót, chi ngầm… đang làm xã hội phát triển một cách méo mó. Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề là phải cải cách thể chế, nếu không sẽ không có giải pháp chữa bệnh tham nhũng.

Cũng theo ông Thiên: “Chúng ta đánh chén cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”. Nhưng mà, trước đây Cục Phòng chống tham nhũng nói: ‘Còn tiêu tiền mặt thì không thể chống tham nhũng’.


Lao động Việt Nam ở nước ngoài
Báo Người Lao Động có bài: Thâm nhập đường dây lao động “khổ sai” ở Nga. Mặc dù phải chạy chọt mất rất nhiều tiền để có một suất lao động chui ở Nga, nhưng khi đến nơi mới vỡ mộng: Người lao động bị giam cầm, lao động khổ cực, chỉ được ngủ ít giờ trong ngày, không được nghỉ dưỡng bệnh, lương tháng chỉ hơn 2 triệu đồng,… trong khi muốn về nước phải mất thêm hàng ngàn đô la nữa. Đó là thảm cảnh của những người lao động Việt bị lừa sang Nga.

BBC có bài: Giới chức VN nói gì về vụ lao động chết ở Đài Loan? Về vụ anh Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, bị cảnh sát Đài Loan bắn và bị “bỏ mặc cho đến chết” đang gây phẫn nộ trong dân chúng Đài Loan. Ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Loan, nói rằng, ông “đang làm việc với giới chức Đài Loan” và “đã yêu cầu chính phủ Đài Loan xử lý theo luật pháp”.

VOA có bài nói về chuyến đi Đài Loan của ông Nguyễn Quốc Đông, cha của anh Nguyễn Quốc Phi bị cảnh sát Đài Loan bắn chết ngày 31/8: Bố công nhân Việt bị cảnh sát Đài Loan bắn chết: ‘Tôi bức xúc!’. Ông Đông cho biết, trong nhiều tuần lễ ở Đài Loan để lo hậu sự của con trai, ông không nhận được sự trợ giúp lẽ ra phải có từ phía đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ông Đông nói: “Chúng tôi không đồng hành với quan điểm của Văn phòng đại diện ở Đài Bắc là anh Hải. Anh ấy có nói thế này: ‘Bác thỏa thuận đi, không nên làm các bước khác’. Tôi cũng đồng ý thỏa thuận vì cái gì đã mất rồi thì không lấy lại được. Nhưng tôi thấy đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, anh Hải, chỉ nói chuyện với tôi qua như thế thôi. Chứ thực chất không có người trực tiếp xuống động viên, đồng hành với chúng tôi để giải quyết sự việc”.

Phim “Chiến Tranh Việt Nam”
Có lẽ do các chi tiết nhạy cảm về sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và về ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, hay ông Võ Nguyên Giáp, nên Việt Nam ‘lãnh đạm’ với phim chiến tranh của Mỹ. VOA cho biết, truyền thông trong nước đồng loạt im tiếng về bộ phim tài liệu gây chú ý ở Mỹ.

BBC có bài đánh giá bộ phim: Thấy gì từ tập đầu phim The Vietnam War? Tác giả cho biết, hệ quả của cuộc chiến đối với người Việt lớn hơn so với người Mỹ. Trong khi phần lớn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam khoảng trên dưới 1 năm trong giai đoạn giữa 1965 và 1973, thì người Việt sinh ra sau Đệ Nhị Thế chiến, phải sống trong thời chiến suốt ba mươi năm ròng rã từ năm 1945 đến 1975.

Thế nhưng, ý đồ lấy Mỹ làm trọng tâm không hề giấu giếm trong “Vietnam War” được thể hiện rõ ngay trong 3 cảnh mở màn giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu 10 tập này. Cảnh đầu tiên tả những người lính Mỹ tham chiến, cảnh thứ hai cho thấy một cuộc diễu binh của quân đội Mỹ, và cảnh thứ ba là lời bình luận của cựu chiến binh Mỹ Karl Marlantes. Bài hát Hard Rain của Bob Dylan làm nền nhạc kết thúc phần một, càng báo hiệu rõ hơn nữa xu hướng “dĩ Mỹ vi trung” làm điểm tham chiếu.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
BBC có tin: Bắc Hàn: Chế tài khiến chương trình hạt nhân tăng tốc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, cho biết: “Những động thái gia tăng của Mỹ và chư hầu nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt và áp lực lên CHDCND Triều Tiên sẽ chỉ khiến chúng tôi tăng tốc hoàn thiện chương trình hạt nhân”.

Trong khi đó, tại LHQ, Trump cảnh báo Mỹ có thể phải ‘hủy diệt hoàn toàn’ Triều Tiên. Theo VOA, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cảnh báo rằng: “Chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, trừ khi Bình Nhưỡng thoái lui khỏi cuộc đối đầu hạt nhân của mình.

Lên tiếng về vụ Bắc Hàn, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi đoàn kết về hồ sơ Bắc Triều Tiên. RFI cho biết, “Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, kêu gọi một giải pháp hòa bình và ngoại giao về cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Bắc Hàn, và đề nghị Hội Đồng Bảo An đoàn kết trên vấn đề này”.

VOA có bài về thái độ của Bắc Kinh: Trung Quốc bác yêu cầu của Mỹ về Triều Tiên. VOA dẫn nguồn từ Nhân dân Nhật báo của ĐCS Trung Quốc, nói, Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chấp nhận ‘trách nhiệm’ do Hoa Kỳ áp đặt. Chế tài không phải là một công cụ để bóp nghẹt một chế độ”. Được biết, Trung Quốc chiếm khoảng 90% hàng hóa buôn bán giao dịch với Bắc Hàn.


Kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng LHQ
Trong chuyến thăm trụ sở LHQ lần đầu tiên, Tổng thống Trump giục cải tổ Liên hiệp quốc. Ông Trump nói: “Trong những năm gần đây Liên hiệp quốc không đạt được khả năng hoàn toàn vì quan liêu và quản lý yếu kém, trong khi ngân sách Liên Hiệp quốc gia tăng 140% và nhân viên đã gia tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000”.

Mỹ sẽ không trở lại hiệp ước khí hậu Paris, VOA cho biết: Cố vấn ông Trump: Mỹ quyết từ bỏ hiệp ước khí hậu Paris.

Chính trường Mỹ
Về việc chính phủ Mỹ tìm cách giới hạn quỹ liên bang cho các thành phố ‘chứa chấp’ di dân không giấy tờ, VOA đưa tin: Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo phán quyết ngăn cản sắc lệnh của Trump.  Trước đây, Thẩm phán William Orrick III thuộc San Francisco, ra phán quyết rằng, sắc lệnh của ông Trump dường như vi hiến và đã ngăn không cho sắc lệnh được thực thi.

Báo Người Việt có tin: ‘Chính sách chính phủ Trump tăng chi phí Obamacare’. Theo CNN, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Mỹ (CBO), dự đoán các chính sách của chính phủ Trump sẽ khiến Obamacare sớm đi tới sự gia tăng tiền bảo hiểm và giảm số người gia nhập vào chương trình bảo hiểm trong năm tới. Một trong những lý do chính khiến giá bảo hiểm gia tăng, là chính phủ Mỹ không xác định có tiếp tục trợ giúp cho người có lợi tức thấp hay không. CBO dự đoán, từ năm 2017 đến 2018 sẽ có thêm 2 triệu người không có bảo hiểm sức khỏe.


Khủng hoảng người tị nạn Rohingya
Trả lời những than phiền của quốc tế, bà Aung San Suu Kyi lên án vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine, theo VOA. Tuy nhiên, trong bài phát biểu từ thủ đô Naypyitaw hôm 19/9, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã tránh bàn về những lời quy trách nhiệm cho các lực lượng an ninh của Myanmar và đưa ra sự nghi ngờ về lý do khiến người Rohingya chạy trốn.

RFI dẫn nguồn từ Le Figaro và Libération: Miến Điện: Aung San Suu Kyi có thật là người « thủ đoạn » ? Theo tác giả, “thủ đoạn” là vì bà đã để cho những toan tính chính trị làm sụp đổ những nguyên tắc lý tưởng cần bảo vệ. Aung San Suu Kyi không chỉ phủ nhận thực tế về thảm cảnh của người Rohingya, mà còn tố cáo đó là “một núi băng thông tin giả”, bất chấp các bài phóng sự, những lời thuật của các nhân chứng về các vụ thảm sát.

Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn đặc biệt Nhà nước Miến Điện, trước giờ phát biểu trước quốc dân trên truyền hình về khủng hoảng người Rohingya, ngày 19/09/2017 tại Naypyidaw. Nguồn: Reuters/ Soe Zeya Tun

RFI có bài tìm hiểu về lịch sử xung đột ở Miến Điện: Miến Điện: Arakan, hai trăm năm xung đột cộng đồng. Tác giả nêu ra một yếu tố mới, ngoài vấn đề sắc tộc và lãnh thổ, còn có vấn đề kinh tế, mà cái “bóng Bắc Kinh” ẩn hiện.

Theo nhà xã hội học Saskia Sassen: “Tiếp cận vịnh Bengale và Ấn Độ Dương giờ là lợi ích cốt yếu của Trung Quốc. Điều này sẽ làm thay đổi sâu sắc mọi chuyện. Giới quân nhân Miến Điện từ lâu nay vẫn tham gia vào các vụ làm ăn vơ vét đất đai. Họ kiếm chác được nhiều với việc loại bỏ người Rohingya”.


Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19
Theo chân những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc sẽ sửa đổi hiến chương Đảng tại Đại hội 19? VOA đặt câu hỏi: ĐCS Trung Quốc sắp đưa tư tưởng Tập vào điều lệ đảng?

Tình hình châu Âu
Trước những lời hứa “cuội” của Tập Cận Bình vào tháng Giêng năm nay tại Diễn đàn Davos rằng “sẽ mở rộng cánh cửa”, RFI có bài: Châu Âu yêu cầu Trung Quốc cụ thể hóa lời hứa mở cửa thị trường.

Chủ tịch Phòng Thương Mại, ông Mats Harborn cho biết: “Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái tăng 77%, trong khi đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu (EU) vào Trung Quốc sụt giảm mất một phần tư, và tiếp tục giảm 23% trong nửa đầu năm nay”. RFA đưa tin: Doanh giới châu Âu mỏi mòn chờ Trung Quốc thực thi lời hứa.

VOA có bài: Đại diện Thương mại Mỹ lên án kiểu làm ăn của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer tuyên bố kiểu làm ăn thương mại của Trung Quốc là một sự đe dọa “chưa từng có trước đây” đối với hệ thống thương mại thế giới.


------------------------------------------

Bài Mới Nhất
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
19/09/2017
19/09/2017
19/09/2017
19/09/2017
19/09/2017
19/09/2017






No comments:

Post a Comment