(VNTB) Vụ việc Trịnh Xuân Thanh (TXT) đã đẩy
quan hệ hai nước Đức - Việt trở nên căng thẳng về mặt ngoại giao. Những tin tức
ngày càng đáng lo ngại từ phía CHLB Đức dù đã bị báo chí đảng ta cho vào sọt
rác vẫn cứ hàng ngày vang vọng đến mọi người dân qua hệ thống Internet đáng
ghét.
Diễn biến vụ việc và hiện tượng
Những động tác của phía CHLB Đức cứ lừ lừ như
tàu điện không phanh đẩy mối quan hệ và uy tín của nhà nước Việt Nam xuống tận
chân dốc.
Bắt đầu từ việc tuyên bố Việt Nam bắt cóc TXT
dù Việt Nam đã chủ động (sau khi bị lộ) đưa TXT lên Tivi quốc gia để nhận tội rằng
đã "chốn chánh" do suy nghĩ không chín chắn, nay xin tự thú để được đảng
và nhà nước khoan hồng.
Thế rồi phía Đức lại tiếp tục đẩy cao sự việc
bằng việc tống cổ trưởng phòng tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán VN ở Berlin phải
rời nước Đức trong vòng mấy chục tiếng đồng hồ và đưa tối hậu thư đòi Việt Nam
xin lỗi. Chưa hết, ngày 10 tháng 8, họ lại đưa vụ việc lên cấp Tổng Công tố
Liên bang.
Ngày Quốc khánh Việt Nam, Tổng thống Đức gửi
điện chúc mừng vẫn không buông tha vấn đề mà còn nhắc nhở chủ tịch nước Việt
Nam về Nhà nước Pháp quyền.
Không những thế, theo đuôi Đức, cộng hòa Séc
cũng vào cuộc điều tra và bắt giữ người liên quan đến vụ TXT. Vụ việc rất có thể
đẩy lên tầm Liên hiệp Châu Âu.
Vẫn chưa hết, trong cuộc họp báo Liên bang
ngày 22/9, Chính phủ Đức đã đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và phát lệnh
trục xuất tiếp một cán bộ ĐSQ VN ở Berlin trong vòng 4 tuần. Tệ hại hơn nữa,
Ông Breul người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức còn tuyên bố: " chúng tôi có
những bằng chứng cho thấy nhiều nhân viên sứ quán đã nhúng tay vào vụ bắt cóc
này". Điều này đồng nghĩa với việc đe dọa nhiều nhân viên Đại sứ quán Việt
Nam lại phải quay đầu về núi.
Tưởng rằng đến như vậy là vụ việc đã tạm dừng,
thế nhưng mới đây, chính phủ Đức còn tuyên bố rằng vẫn bảo lưu các biện pháp trừng
phạt khác với Việt Nam chứ không buông tha. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHLB Đức
như sau: "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác
trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển."
Và lời của Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar
Gabriel: "Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là
không có chuyện gì xảy ra".
Trước những thông tin dồn dập ngày càng bất lợi
cho Việt Nam từ phía CHLB Đức, thiết nghĩ với lòng tự cao Cộng sản (à quên, xin
lỗi - Tự hào), nhà nước Việt Nam chúng ta cần phải nghĩ gì và làm gì?
Chúng ta phải nghĩ gì?
Để giải quyết vụ việc, trước hết cần nhận thức
vấn đề TXT theo đúng quan điểm của đảng và nhà nước ta - Quan điểm về luật pháp
Xã hội chủ nghĩa lấy đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở Chủ nghĩa Mác -
Lenin làm chủ đạo. Trên cơ sở đó, tất cả cán bộ, đảng viên, Dư luận viên cần
xác định rằng:
- Chế độ ta là chế độ ưu việt nhất trong mọi
chế độ, ở đó, nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản - theo Phạm Văn Đồng -
và gấp vạn lần dân chủ tư sản - theo Nguyễn Thị Doan. Do vậy, mọi việc được xử
lý, tiến hành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng ta đều là sáng suốt, tài tình
nên không thể có sai lầm. Chỉ vì đảng ta là đạo đức, là văn minh, là đội quân
ưu tú nhất của giai cấp công nhân, mà giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến
nhất trong đất nước này. Việt Nam chúng ta đã "chiến thắng hai đế quốc to
là Pháp và Mỹ" - Hồ Chí Minh- nghĩa là chúng ta mạnh và giỏi hơn hẳn phần
còn lại của thế giới, thì Việt Nam không cần sợ bố con thằng nào.
- "Đảng ta là đảng cầm quyền" - Hồ
Chí Minh - và đứng đầu là Tổng Bí Thư. Một đảng ưu việt, vĩ đại như vậy, thì lời
TBT phải được coi như là mệnh lệnh, cao hơn cả Hiến pháp và luật pháp. Bởi Hiến
pháp cũng chỉ do Quốc hội soạn ra, mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Nghị
quyết, luật lệ của Quốc hội quan trọng nhưng đứng sau nghị quyết của đảng. Vì
thế, khi TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố về TXT: "Tinh thần là bắt bằng
được, không trốn được đâu” thì dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải
bắt bằng được, huống chi chỉ là quan hệ với CHLB Đức, một đất nước của bọn tư bản.
- Việc TXT bị bắt ở Đức đưa về Việt Nam, nhà
nước Đức gọi là bắt cóc, điều này là do có sự khác biệt giữa hai nước về quan
niệm - Cũng giống như Việt Nam ta hay nói là khác biệt về quan niệm nhân quyền
vậy. Nếu nước Đức coi việc bắt người bất ngờ trên đường phố, nơi công cộng, nơi
vắng vẻ bằng vũ lực mà không cần giấy tờ, nguyên tắc luật pháp hay cơ quan luật
pháp cho phép... mà chỉ bởi một bọn đóng vai côn đồ không có sắc phục là bắt
cóc, thì ngược lại, ở Việt Nam gọi mà "Mời" hoặc "đưa về làm việc".
Điều này đã và đang thường xuyên được thực thi trên đất nước Việt Nam chúng ta
mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào từ phía cơ quan tư pháp như Viện Kiểm sát
hoặc Tòa án các cấp, hẳn nhiên là dân thì không thể chống cự.
Chính vì vậy, mà nền tư pháp chúng ta mới có
cái tên là "nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa", nếu không thì
chúng ta thêm cái đuôi XHCN vào làm gì cho thêm rách việc?
- Việc chúng ta sang tận đất Đức bắt về, chỉ
là do việc cấp bách thực hiện bằng được lời TBT đã lỡ nói ra trước thiên hạ. Chứ
trước đó đầu tháng 7 tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã đích thân thỉnh cầu bà Thủ tướng Đức Merkel giúp đỡ việc dẫn độ
TXT. Nhưng bà Thủ tướng Đức Merkel đã từ chối và viện dẫn rằng, thủ tục dẫn độ
phải làm đúng theo những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền. Bà không có quyền
và cũng không có thể can thiệp vào thủ tục này được.
Điều này cần hiểu rằng ở nước Đức, họ không
coi nhiệm vụ và mục đích là quan trọng bằng việc bảo vệ ba thứ lăng nhăng là luật
pháp, chủ quyền và con người. Họ khác hẳn ở ta nhiệm vụ của đảng là quan trọng
nhất, hơn tất cả mọi điều khác cộng lại.
Điều đó cũng thể hiện thái độ của họ đã dám
coi đảng ta không ra cái gì. Đó là điều không thể chấp nhận được. Do vậy chúng
ta phải thực hiện theo phương châm "mày không cho thì tao cướp". Thường
thì khi thực hiện việc này rất hiệu quả. Bằng chứng là bao nhiêu vụ việc về đất
đai, thu hồi bằng công an, chó và súng đạn, nhà tù là xong.
- Quan điểm chung về luật pháp, tưởng cần nhắc
lại lời TBT Lê Duẩn mà trên mạng đã trích dẫn rất nhiều rằng "Nhà nước ta
là nhà nước XHCN, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của
giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng
ta là nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và
tự phê bình là đủ”. Do vậy, việc bắt TXT nếu có vấn đề, chỉ cần phê bình và tự
phê bình là đủ.
- Về luật pháp, cần phải xác định rõ ràng rằng,
đảng ta và nhà nước ta hết sức coi trọng luật pháp với điều kiện bảo đảm rằng
việc coi trọng đó, không được ảnh hưởng tới lợi ích cai trị của đảng và thực hiện
các mục đích của đảng. Trái với điều đó, luật pháp hay hiến pháp đều là thứ
linh tinh vô ích. Trước đây, Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng: Khi uốn thanh tre,
người ta thường uốn quá đi chút, khi nó trở lại thẳng là vừa. Việc bắt bớ TXT,
có hơi quá vì trên đất Đức mà không được sự cho phép, nhưng điều đó chỉ là sự
"hơi quá" một chút mà thôi.
- TXT dù chưa được xử tại Tòa, dù Hiến pháp
quy định rằng công dân chỉ được coi là có tội khi có bản án do tòa án quyết định.
Thế nhưng, như đã nói ở trên, ở ta, đảng cao hơn cả luật pháp và đứng ngoài luật
pháp, do vậy đảng đã cho rằng có tội thì tất nhiên phải có tội mà chẳng cần tòa
nào. Việc nước Đức không bắt giao lại TXT cho đảng ta là sự coi thường đảng ta.
Mà đảng ta thì "vĩ đại thật" - Hồ Chí Minh - chứ không phải là vĩ đại
giả hay vĩ đại đùa.
Những việc cần làm ngay
Chúng ta đã làm gì?
Cần phải nói rằng đảng và nhà nước ta rất
sáng suốt và tài tình. Bằng chứng là ngay sau khi bắt được TXT, chúng ta đã chuẩn
bị đầy đủ điều kiện cho TXT "tự thú" tại Bộ Công an. Đó là một hành động
sáng suốt.
Đảng và nhà nước ta đã lờ đi những câu hỏi có
tính chọc ngoáy rằng thì là TXT ở nước ngoài, bị truy nã quốc tế thì về VN bằng
đường nào để ung dung đến tự thú mà không bị bắt bởi lệnh truy nã? Rằng TXT đã
về cả tuần mới đến tự thú thì anh ta ăn ngủ ở đâu? Rằng phía Đức đưa ra chiếc
xe có dính máu và công cụ hỗ trợ rồi cho rằng TXT bị bắt đưa vào Đại sứ quán VN
tại Berlin thì VN có ý kiến gì...
Tất cả những câu hỏi đó, chúng ta đã kiên quyết
lờ đi, coi như không nghe, không biết và không hiểu. Chỉ cần người phát ngôn ra
nói một câu: "Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8 của người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Đức".
Thế là đủ.
Lẽ ra, với vị thế VN, chỉ cần ta "lấy
làm tiếc" thì CHLB Đức đã phải biết sợ.
Thế rồi, tất cả báo chí của chúng ta đã đồng
thanh... im lặng trước những phản ứng của CHLB Đức. Lẽ ra phía Đức cần biết
thái độ khinh miệt không thèm chấp, không thèm đếm xỉa đến để tự biết mình là
ai.
Thế nhưng, như lời HCM đã nói "chúng ta
càng nhân nhượng, thì địch càng lấn tới". Phía Đức liên tiếp nâng tầm sự
kiện này lên thành vấn đề nghiêm trọng.
Chúng ta phải làm gì?
Trước tình hình phía CHLB Đức ngày càng làm lớn
chuyện, chúng ta cần phải kiên quyết hành động để bảo vệ uy tín của đảng và nhà
nước ta bằng các biện pháp như sau:
- Khẳng định quan hệ VN-CHLB Đức là quan hệ
hai quốc gia bình đẳng, thậm chí là chúng ta ưu việt hơn, họ không thể bằng
chúng ta vì họ không được Đảng cộng sản tài tình lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện
như chúng ta. Họ tuy giàu có phồn hoa, nhưng là phồn hoa giả tạo, còn chúng ta
tuy nghèo đói, nhưng là nghèo đói thật.
- Chúng ta biết rằng giữa các nước có các mối
qua hệ từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác
chiến lược rồi đối tác chiến lược toàn diện. Giữa VN và CHLB Đức hiện nay đang
là đối tác chiến lược.
Do vậy khi Chính phủ Đức đơn phương quyết định
đình chỉ đối tác chiến lược với VN thì chúng ta cần nhanh chóng đình chỉ luôn đối
tác tòan diện với CHLB Đức, nghĩa là hạ xuống thêm một bậc. Bởi một khi họ
không thích là bạn bè tử tế với ta thì ta nghỉ chơi luôn cho họ sợ và hiểu thế
nào là vị thế của Việt Nam cũng như hậu quả của việc chọc giận đảng và nhà nước
ta.
- Buộc Chính phủ Đức phải xin lỗi VN vì đã gọi
việc VN bắt người trên đất Đức là bắt cóc. Trong khi chúng ta chỉ lén lút dùng
mật vụ bắt bỏ xe đem về cho tự thú.
- Đuổi ngay các nhân viên ĐSQ Đức về nước, gồm
là Trưởng phòng Tình báo, các nhân viên khác phải rời VN trong vòng 48 tiếng đồng
hồ.
- Trước hết, trả cho phía Đức tất cả mớ lý
thuyết của người Đức tạo ra là Chủ nghĩa Mác. Thứ lý thuyết vớ vẩn nguy hiểm đã
làm hại đất nước chúng ta mấy chục năm nay.
- Ngay lập tức dừng tất cả các dự án và các
khoản tiền viện trợ và viện trợ không hoàn lại mà Việt Nam đã dành cho CHLB Đức.
Trả lại tất cả các khoản viện trợ mà Việt Nam đã nhận của CHLB Đức để chứng
minh rằng câu nói "Người ghét, của ưa" là không có giá trị đối với
VN.
- Không tạo điều kiện cho các kiều dân Đức
đang sinh sống và làm ăn tại Việt Nam, không chấp nhận bất cứ trường hợp tỵ nạn
nào của người Đức muốn sang tỵ nạn ở Việt Nam.
- Tiến tới kêu gọi và nhận về nước khoảng
120.000 người Việt Nam và kiều bào VN đang làm ăn và sinh sống cũng như khoảng
6.000 sinh viên đang học tập tại Đức về nước làm ăn. Cử Hồ Ngọc Thắng, người mới
bị Đức sa thải, cầm đầu đám người VN này trở về phụng sự đảng.
- Không khuyến khích các tập đoàn như Tân Hiệp
Phát hoặc Seacombank, Vinashin, Dung Quất, Bauxite hoặc Dầu khí đầu tư sang Đức.
Những tập đoàn đó chỉ được đầu tư và làm ăn ở Việt Nam.
- Không tạo môi trường đầu tư, buộc họ phải
rút về nước khoảng 300 tập đoàn như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, B.Braun,
Metro, Deutsche Bank, Bayer, BASF, v.v… để họ tự bóc lột nhân công của họ.
- Không tạo điều kiện cho CHLB Đức dùng Việt
Nam đê giao thương ra thế giới như với Châu Âu hoặc các diễn đàn kinh tế khác.
Ngoài các biện pháp trên, chúng ta kiên quyết
bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế,
chính sách hợp tác phát triển với CHLB Đức.
Thiết nghĩ rằng việc phải có hành động cụ thể
quyết liệt như đã nêu trên trong điều kiện này mới có thể giữ vững uy tín của đảng,
nhà nước Việt Nam dẫn đầu trên trường quốc tế.
Hà Nội, ngày 26/7/2017
--------------------------------------
Đọc
thêm:
No comments:
Post a Comment