Việt Nguyên
July 14, 2017
TT Trump ngay sau khi thắng cử đã nhất định hủy bỏ y
tế Obamacare, một hứa hẹn của đảng Cộng Hòa trong nhiều năm qua, nhưng thực tế
không như TT Trump và đảng Cộng Hòa nghĩ. Obamacare như TT Obama muốn là một
đánh dấu cho nhiệm kỳ Obama giống như Medicare là một đánh dấu của nhiệm kỳ
Johnson thập niên 1960.
Ngày 4 Tháng Năm 2017, đảng Cộng Hòa, Hạ Viện và TT
Trump vui mừng khi dự luật của Hạ Viện được thông qua nhưng sự vui mừng ngắn hạn,
đa số dân Mỹ không chịu bỏ Obamacare để nhận dự luật AHCA hay Trumpcare vì dự
luật có nhiều khuyết điểm có lợi cho giới giàu hơn là giới nghèo và những người
có bệnh nặng. Hội Y Khoa Hoa Kỳ (AMA) đại diện cho giới bác sĩ cũng chống đối.
Y tế phải được xem là nhân quyền và quyền của mọi người không phải là y tế của
một giới nào. Trumpcare có lợi cho giới giàu với lợi tức trên $500,000/một năm
với tín chỉ thuế trong khi Medicaid cho người nghèo bị cắt nhất là Medicaid cho
những người có lợi tức trung bình $40 ngàn – $50 ngàn một năm không được hưởng
trợ cấp khi bệnh nặng, nằm bệnh viện lâu không có Medicaid phải mất hết tài sản
để trả chi phí bệnh viện. Những người có lợi tức thấp nhưng không thấp đến mức
được Medicaid theo luật y tế Trumpcare đã cho thấy ở xã hội Hoa Kỳ thành phần
trung lưu được gọi là cột trụ là thành phần thiệt thòi nhất về y tế và thuế.
Y khoa Hoa Kỳ được xem là nền y khoa đứng đầu thế giới
nhưng trái lại nền y tế Hoa Kỳ được xếp hạng thấp trong các nước kỹ nghệ, chi
phí y tế cao đưa đến phá sản, thâm lủng ngân sách quốc gia, ảnh hưởng đến lợi tức
cá nhân.
Obamacare hay Trumpcare, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân
Chủ phải ngồi lại để đối diện vấn đề chính: tiền, tiền là cột trụ của vấn đề.
Vì trên thế giới chỉ có y tế Hoa Kỳ được gọi là kỹ nghệ y tế.
ACA hay Obamacare có nhiều điểm lợi: bệnh nhân được
mua bảo hiểm dù có bệnh trước, không giới hạn chi phí $1 triệu-$2 triệu như trước,
con cái được bảo hiểm cha mẹ mua đến 26 tuổi, chương trình có y khoa phòng ngừa
miễn phí cho bệnh nhân như soi ruột già nhưng ngược lại có nhiều khuyết điểm cần
sửa đổi. Ðược gọi là bảo hiểm nhưng kết quả là mọi người và các hãng làm việc mua
bảo hiểm rẻ với tiền khấu trừ cao, chỉ mua để không bị phạt bệnh nhân phải trả
tiền túi nhiều hơn trước. Giá thuốc cao, bảo hiểm ACA không kiểm soát giá thuốc
và không kiểm soát hóa đơn bệnh viện, lý do là TT Obama thương lượng với các đại
dược phòng để trao đổi sự ủng hộ của họ. Kỹ nghệ y tế vị lợi của Hoa Kỳ vì vậy
không thay đổi.
Tiền đóng bảo hiểm y tế cao, tiền khấu trừ cao, bác
sĩ bị giảm tiền bồi hoàn, Obamacare cần phải sửa đổi nhưng chương trình y tế
AHCA (American Heath Care Act) hay Trumpcare thay thế Obamacare với giải pháp
thị trường tự do, có bảo hiểm y tế cho mọi người, không bắt buộc mua, không kiểm
soát giá, khó giải quyết được tiền bảo hiểm cao. TT Trump hứa giữ các điểm của
Obamacare: người có bệnh sẵn vẫn được mua bảo hiểm, trẻ dưới 26 tuổi vẫn ở
trong bảo hiểm của cha mẹ, nhưng không bắt buộc mua thì những người trẻ khỏe mạnh
sẽ không mua bảo hiểm, ít người mua giá bảo hiểm phải tăng, một chu kỳ lòng
vòng. Y tế Hoa Kỳ lại khác các nền y tế của các nước kỹ nghệ khác, những người
50-64 tuổi chưa được Medicare phải đóng gấp 3 lần hiện nay với dự luật y tế Hạ
Viện vì ở tuổi này có nhiều bệnh hơn các tuổi khác, ngược với xã hội Tây Phương
người trẻ đóng nhiều hơn, người già ở tuổi hưu được hưởng bù lại bao nhiêu năm
làm việc.
CBO (Văn Phòng Ngân Sách Hạ Viện) đã kết luận người
có bệnh nặng sẽ phải trả giá cao hơn với Trumpcare. BS Elizabeth Rosenthal nay
là ký giả của hệ thống y tế Kaiser trong sách “Căn bệnh của nước Mỹ: y tế đã trở
thành kỹ nghệ lớn,” định bệnh nền y tế Hoa Kỳ cho thấy nguyên nhân chính là nền
y tế Hoa Kỳ đã ngưng tập trung vào săn sóc sức khỏe và ngay cả y học mà chỉ chú
trọng vào lợi nhuận thị trường y tế với các đại công ty cung cấp dịch vụ sức khỏe
cạnh tranh, không hẳn sẽ đưa đến giá cả phải chăng trái lại giá tăng theo nhu cầu
khi các hãng bảo hiểm lớn rút ra khỏi thị trường. Vào thế kỷ thứ 19, nền y tế
Hoa Kỳ bắt đầu với các cơ quan tôn giáo, săn sóc sức khỏe cho những người bệnh
già và hấp hối với phí tổn rẻ hay miễn phí. Thời ấy không có thuốc trụ sinh,
không có những kỹ thuật tân tiến, người bệnh được săn sóc và hồi phục nhờ hệ thống
miễn nhiễm cá nhân chống với bệnh tật. Bước vào thế kỷ 20, y khoa tiến bộ với
kiến thức y học mỗi ngày mỗi tiến, kỹ thuật cao được áp dụng vào việc định bệnh
và trị bệnh, thuốc mới được khám phá mỗi năm, tất cả các yếu tố này đẩy chi phí
lên cao. Các bệnh viện làm tròn bổn phận săn sóc người bệnh tìm cách trang trải
chi phí bảo hiểm Blue Cross nhằm giúp đỡ bệnh nhân nằm bệnh viện trả chi phí, để
bệnh nhân không rơi vào tình trạng phá sản.
Chính quyền liên bang năm 1943 cũng có luật giúp các
công ty và nghiệp đoàn đóng bảo hiểm cho nhân viên bằng cách miễn thuế trên các
chương trình bảo hiểm. Sau Thế Chiến Thứ Hai ở Mỹ, các chương trình y tế của
chính quyền bị xem là chương trình xã hội chủ nghĩa không thích hợp trong xã hội
tư bản nên các chương trình bảo hiểm tư được Quốc Hội chấp thuận và chương
trình y tế của chính phủ không bao giờ được thông qua Quốc Hội, trừ hai chương
trình Medicaid cho người nghèo của tiểu bang và Medicare cho người trên 65 tuổi
của liên bang.
Các công ty bảo hiểm sức khỏe nhắm vào lợi nhuận
bành trướng cạnh tranh với hãng Blue Cross và Blue Shield (BC, BS) (nhập thành
một năm 1982). Tất cả thành viên BC, BS đóng cùng một giá không phân biệt người
già hay người có bệnh, đến năm 1950 có 50 triệu người Mỹ được bảo hiểm bởi BC,
BS. Các hãng bảo hiểm tư khác trong khi đó chỉ nhận bán cho những người trẻ và
khỏe mạnh để kiếm lời. Ðến năm 1970-1980, các hãng bảo hiểm tư vì lợi như Aetna
và Cigna cạnh tranh khiến BC, BS lỗ nặng và không còn cách gì khác hơn là đi
vào con đường kiếm lời. BC, BS đẻ ra Well Point, giá bảo hiểm tăng vọt. Các
hãng bảo hiểm quảng cáo với giới truyền thông mục đích của họ là săn sóc sức khỏe
nhưng bản chất của hãng bảo hiểm là đầu tư. Vào thời kỳ bảo hiểm vô vị lợi, 95%
tiền đóng bảo hiểm dành cho săn sóc bệnh nhân trong khi các hãng bảo hiểm vị lợi
dành 20% vào quảng cáo, vận động Quốc Hội và quản trị (Medicare chỉ chi phí 1%
đến 2% vào quản trị).
Các bệnh viện cũng đi theo con đường vị lợi của các
hãng bảo hiểm trong kỹ nghệ y tế. Bệnh viện xây càng ngày càng lớn, khang trang
hơn khách sạn. Các bệnh viện trong hệ thống vô vị lợi che giấu mặt vị lợi, được
hưởng lợi thế không đóng thuế bất động sản và lợi tức. Năm 2011, các hệ thống bệnh
viện vô vị lợi tránh được 24.6 tỷ tiền thuế. Các bệnh viện mướn chủ tịch công
ty và chủ tịch tài chánh chuyên về quản trị biết cách làm hóa đơn cao theo đúng
luật khám bệnh và định bệnh. Lương mỗi năm cho chủ tịch (CEO) của các hệ thống
bệnh viện lớn lên đến hàng triệu Mỹ kim mỗi năm. Từ 2011 đến 2012 lương của các
giám đốc tăng lên 24% nhanh hơn các nhân viên y tế khác.
Bệnh viện tư không trả lương cho bác sĩ, bác sĩ
thành thương gia, làm phòng mạch tư phải biết quản trị văn phòng. Các hệ thống
bệnh viện lớn đóng hai bộ mặt, một mặt từ thiện như Mẹ Teresa quyên tặng để xây
các bệnh viện cho người nghèo ở Haiti, một mặt là công ty đầu tư hơn $150 triệu
vốn trên thị trường chứng khoán.
Các bác sĩ cũng tổ chức thành tổ hợp lớn dễ đưa đến
trường hợp lạm dụng với những hóa đơn phi lý đưa đến tình trạng giảm tiền bồi
hoàn từ các hãng bảo hiểm và Medicare. Năm 2013, Medicare giảm 13% tiền giải phẫu
cho các bác sĩ nhãn khoa, bù lại bác sĩ nhãn khoa tăng giá hóa đơn gởi đến các
hãng bảo hiểm tư. Một bệnh nhân được kể trong sách của bà Rosenthal, nhà thiết
kế trang mạng John Arvosis nhận được hóa đơn $10,000 mỗi mắt mổ cườm, 10 lần
hơn giá Medicare. Một bác sĩ thẩm mỹ may 3 mũi cho bệnh nhân rách mặt gởi hóa
đơn $50,000, bệnh nhân phải yêu cầu hội y sĩ can thiệp, bác sĩ giảm giá xuống
$5,000 giá này vẫn gấp 10 lần giá bình thường. Máy vi tính hiện nay dễ theo dõi
các trường hợp gian lận, như một bác sĩ đánh thuốc mê ở Dallas gần đây gởi các
hóa đơn lên đến $10 triệu trong đó có trường hợp bệnh nhân được đánh thuốc mê
trong khi ông bác sĩ bị bệnh đang nằm bệnh viện!
Theo thống kê của Mayo Clinic trên 6,800 bác sĩ được
hỏi, có hơn 50% bác sĩ lãnh lương trong bệnh viện cảm thấy mệt mỏi một phần vì
nợ tiền học, một phần cảm thấy như con ốc trong bộ máy của kỹ nghệ y tế như các
công nhân trong các ngành khác. Từ thời “Hillarycare” trong nhiệm kỳ TT
Clinton, nghề y mất nhiều ý nghĩa khi tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân mất
đi khi ở các bệnh viện các danh từ “khách hàng” và “người cung cấp dịch vụ” được
dùng thay cho bác sĩ và bệnh nhân.
BS Rosenthal nghĩ bệnh nhân có thể giúp chi phí y tế
giảm bằng cách hỏi bác sĩ giá tiền thử nghiệm, giá tiền giải phẫu, và sau khi
khám bệnh, bệnh nhân phải hỏi chẩn đoán và các phương pháp trị liệu. Trên thực
tế câu trả lời của các bệnh viện và các phòng cấp cứu vẫn là: tôi không biết,
giá tiền tùy thuộc vào từng hãng bảo hiểm. Giá tiền thay đổi tùy theo bệnh viện,
tùy theo các trung tâm y tế, trung tâm giải phẫu. Bệnh nhân cầm hóa đơn bệnh viện
nhức đầu vì đọc hóa đơn không hiểu được. Hóa đơn bệnh viện không minh bạch, đa
số chờ bệnh viện đòi tiền sau khi hãng bảo hiểm thanh toán. Paul Krugman, kinh
tế gia đoạt giải Nobel, khuyên: không nên xem bệnh nhân là khách hàng. Một bí mật
ít người biết là nợ bệnh viện dễ thương lượng, khi bệnh nhân đến phòng kế toán
bệnh viện gặp quản lý thương lượng các bệnh viện sẵn sàng giảm 30-40%. Trả tiền
mặt bệnh viện không mất thời gian chờ đợi thâu tiền từ các công ty đòi nợ hay
HMO.
Obamacare, chương trình y tế ACA, đã có nhiều khuyết
điểm: vội vàng biểu quyết, chương trình đã nhượng bộ đại kỹ nghệ dược phòng,
không kiểm soát giá thuốc, các hãng bảo hiểm tự ý đặt giá tiền đóng bảo hiểm và
tiền khấu trừ để trao đổi với y khoa phòng ngừa, các bệnh sẵn có trước khi mua
bảo hiểm và săn sóc sản phụ. Chương trình cải tổ bảo hiểm sức khỏe nhiều hơn là
cải tổ bệnh viện. Luật bất cẩn nghề nghiệp vẫn không được cải tổ (trừ vài tiểu
bang như Texas giới hạn 250,000 mỗi trường hợp) giá tiền đóng bảo hiểm bất cẩn
nghề nghiệp của bác sĩ vẫn cao.
Obamacare có lợi là đã bảo hiểm hơn 10 triệu người
trước đây không có bảo hiểm. Ngoài các lợi như đã nói phần trên, cái hay nhất của
Obamacare là cho thêm Medicaid cho người già, nghèo, bệnh tật giúp những người
trung lưu đi làm khi bệnh nặng không phải khai phá sản.
Bắt buộc phải mua bảo hiểm nếu không sẽ bị phạt là yếu
điểm của nền y tế trong nước tự do như Hoa Kỳ. Trumpcare sẽ cho bệnh nhân nhiều
tự do lựa chọn nhưng không quy định cạnh tranh tối thiểu giữa các hãng bảo hiểm
sẽ đưa đến tình trạng các hãng bảo hiểm “tự do chém.”
Dự luật của Thượng Viện đã không đưa ra được vào
ngày 5 Tháng Bảy, 2017, sau ngày Lễ Ðộc Lập như dự tính. Ðạo luật của Thượng Viện
sẽ chờ Quốc Hội thông qua. Người dân hy vọng TT Donald Trump sẽ giữ lời hứa
thay Obamacare bằng một chương trình y tế tốt hơn.
No comments:
Post a Comment