16/06/2017
Có ai ngờ, thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, người phụ nữ
rất sợ hãi cô đơn trong thơ của bà, đã ra đi và phải lên đường một mình. Như một
lời tiên tri, người con gái nhỏ bé, ăn mặc lịch lãm vững chãi, từng bước tự tin
trên đại lộ thênh thang của thành phố Paris ngày nào, đã nức nở trong những lời
thơ "Đừng bỏ em một mình", cuối cùng chịu thua, nằm xuống,
thôi chống chỏi với cuộc sống và mặc cho côn trùng rúc rỉa.
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
(trích Đừng bỏ em một mình-MĐHT- ca sĩ Hương Giang)
Pic 1. Minh Đức Hoài Trinh giữa trời Paris thưở
thanh xuân
Pic 2.Bìa tuyển tập MĐHT, Văn Nghiệp và Cuộc Đời
Tôi thường gặp bà và phu quân, nhà văn Nguyễn Quang
trong các buổi họp mặt văn nghệ. Bà gầy, nhỏ, mong manh và chịu đựng sự tàn phá
của thời gian, mất đi trí nhớ, ngồi bên chồng, níu lấy ông, một cây tùng chở
che vững chãi. Bà lặng lẽ, nét thanh lịch vẫn còn đó, nhưng chỉ còn như một cái
bóng. Tôi không thể hình dung bao nhiêu năm trước sức sống và sự tranh đấu của
người phụ nữ này kiên cường đến mức nào. Lịch sử cuộc đời bà là những trang hoạt
động tích cực và có ý nghĩa biết là bao.
-----------------
Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh,
bà thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà sinh ngày 15
tháng 10 năm 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định
cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982. Mất ngày 9 tháng 6, 2017.
Tên tuổi của Minh Đức Hoài Trinh không ai trong giới văn học không biết. Bà sinh tại Huế, con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, Ông Nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình. Năm 1945 Bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó Bà biết sự lợi dụng của phong trào nên bà bỏ về Huế tiếp tục học. Năm 1964 bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris đến năm 1967 bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, lúc đó bà đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như: Algerie và chiến trường Việt Nam. . .
Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. 1973 Bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1974-1975. Sau biến cố 1975 bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài phát thanh ORTF với chương trình Việt ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhân hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1979.
Bà đã dùng ngòi bút và khả năng của mình thường xuyên tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm phải được trả tự do, ngoài những bài báo, bà còn sáng tác hơn 25 tác phẩm giá trị, trong đó có truyện ngắn, thơ, văn…
Pic 3. Minh Đức Hoài Trinh
Pic 4. Minh Đức Hoài Trinh
--------------------------
Là một người đàn bà sống 87 năm qua các cuộc chiến,
con người, thân phận, tư duy, thăng trầm của cuộc sống, có thể nói, đều thể hiện
qua thơ, văn của bà. Năm 1948, ngày đó, người thiếu nữ thanh xuân như nụ hồng vừa
hé, làm điên đảo thần hồn nam nhi đến nỗi Phạm Duy đã phải thốt lên, "Tôi
bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười
bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo
đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn
Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con... ai cũng
đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để
vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài
Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và
hết lòng nâng đỡ"...
Tình trường, cô đơn, được mất, tan nát, trắc trở, đã
ghi đậm dấu ấn lên nhan sắc thơ mộng sâu sắc của người con gái sông Hương chịu ảnh
hưởng của hai nền giáo dục Âu Á thế nào, mà chỉ 6 năm sau, ngày Phạm Duy gặp lại,
nàng đã cho ra đời hai bài thơ chạm đến đáy hồn chàng du ca Phạm Duy.
"Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần
thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với
một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu,
tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ". Thơ
Minh Đức Hoài Trinh và nhạc Phạm Duy đã cùng chắp cánh trong hai bản tình ca
"Kiếp nào có yêu nhau" và "Đừng bỏ em một mình" đánh dấu
cho một dấu ấn trong tình ca tân nhạc Việt Nam mang đậm nét nức nở, bi lụy, rực
rỡ nữ tính. Ngày ấy, khi làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn vang lên tiếng hát
Khánh Ngọc với bài hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau, những ai nghe được tiếng
nức nở của một bài ca lòng mà tim không chùng xuống? Giọng Khánh Ngọc mạnh mẽ,
uất nghẹn, đau đớn, tiếc nuối, mang mang nỗi cô đơn và hãi sợ ...
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
(trích Kiếp Nào Có Yêu Nhau-MĐHT- ca sĩ Thái Thanh)
Nghệ sĩ là người nhạy cảm, thấy được cái đẹp, cái
đau trước người khác. Có người làm thơ hay viết nên một ca khúc bằng cảm xúc do
câu chuyện thật đời mình. Có người chỉ cần chứng kiến hay nghe kể một câu chuyện
thương tâm, cũng có thể xúc động và hư cấu nên một bài thơ, một ca khúc hay.
Hai bài thơ của MĐHT được Phạm Duy phổ nhạc, không biết được viết lên bằng những
cơn đau bà từng trải nghiệm hay do bà hư cấu mà thành. Tuy bà không nói hay kể
nguyên nhân vì đâu hai bài thơ ấy được ra đời, nhưng đã có những huyền thoại vây
quanh đoá hoa duyên dáng tài hoa ấy.
Sau khi bà mất, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân
ở Hà Nội, trong một lời chia sẻ trên facebook về bài thơ Kiếp
Nào Có Yêu Nhau, ông tiết lộ " Hồi năm 2000 có dịp ghé qua Đại
Học Cornell, Hoa Kỳ, thấy tại thư viện ĐH này khá nhiều sách của Minh Đức Hoài
Trinh, xuất bản tại miền Nam trước 75 và tại KH sau 75. Tôi cũng từng trò chuyện
với bạn PTH, con gái nhà thơ Phan Khắc Khoan, mới biết bà M.Đ. Hoài Trinh là dì
ruột bạn ấy. Ông Vũ Tú Nam từng kể với mình là bà Hoài Trinh cùng học với ông ở
lớp văn hóa kháng chiến ở Quần Tín, Thanh Hóa, (cùng khóa có Ng. M. Cầm, sau là
bộ trưởng Ngoại giao). Bạn PTH kể: đứng trong hàng ngũ Kháng Chiến, bà H.Trinh
được cử vô thành để tiếp cận thuyết phục một nhân vật là Phan Văn Giáo. Sự tiếp
cận do phía Kháng Chiến giao việc lại dẫn đến một tình yêu. Điều đau đớn là khi
tình yêu đã nảy cành kết trái thì phía Kháng Chiến cử người ám sát Ph.V.Giáo.
Khi ấy bà H.Trinh đã có thai, bị bất ngờ và cực kỳ thất vọng. Có lẽ bài thơ
"Kiếp nào có yêu nhau" như là tiếng lòng bà trước nỗi đau kia, dù giọng
rất kìm nén. Bạn PTH cũng cho biết, đứa con chung của họ, một cô gái, lớn lên
sang Paris và đi tu. Mẹ bạn PTH tức chị bà Hoài Trinh cũng mới mất tại Hà Nội
cách nay ít lâu; anh Đặng Tiến có nhắc tên bà. Tôi từng tới nhà ông bà một vài
lần, ở gần ngõ Hàng Hành."
Pic 5. Bìa nhạc Kiếp nào có yêu nhau
Pic 6. . Bìa nhạc Đừng bỏ em một mình
Và trong một chia sẻ khác trên facebook của nhà văn
Nguyễn Hữu Nghĩa khi kể lại những kỷ niệm ông đã có với MĐHT, ông cho biết
nguyên do bà viết Đừng Bỏ Em Một Mình như sau, "Tôi chợt
nhớ, ngày xưa, lâu lắm, chị nhìn thấy một đám tang đi ngang và xúc động viết
bài thơ Đừng Bỏ Em Một Mình".
Khi ca sĩ Hoàng Oanh thực hiện chương trình phát
thanh Thi Văn Tao Đàn năm 1995, bà có hỏi MĐHT về bài thơ Đừng
Bỏ Em Một Mình ,MĐHT đã chia sẻ như sau " Sự kiện thúc đẩy
tôi viết bài thơ này là do một hôm đi viếng viện bảo tàng Musée du Léon ở Pháp,
tôi thấy cái xác uớp khô của 1 người đàn bà 8,9 trăm năm về trước. Tôi chợt
nghĩ đến con người này thời xuân trẻ có mái tóc dài buông xuống lưng. Mớ tóc
còn đó khá nguyên vẹn nhưng còn được bao lâu? Tôi viết bài thơ này không phải
là lời của 1 người con gái nói với 1 người con trai, mà là lời của con người bé
nhỏ nói với vũ trụ đứng trước mặt đại dương mông mênh. Theo tôi không có âm
thanh nào ghê rợn bằng âm thanh của búa nện trên đinh cùng nhịp điệu của tiếng
cầu kinh. Phải thức suốt đêm mới hiểu được sự buốt giá của vết chân lũ hồ tinh."
Tất cả những chia sẻ và chuyện kể tôi ghi nhận được ở
trong bài viết này, dù hư hay thực, xin không kiểm chứng, và xin xem như những
huyền thoại này góp phấn, thêm hoa, điểm hương cho những thăng trầm trong cuộc
sống của Minh Đức Hoài Trinh.
Trịnh
Thanh Thủy
*
Tài
liệu tham khảo
Nhạc sĩ Phạm Duy - một vài chuyện tình ở Huế
Yêu nhau kiếp nào
*
*
23/06/2017
Năm 1945, bà tham gia phong trào kháng chiến chống
thực dân Pháp, sau đó vì tầm nhìn xa và biết sự lợi dụng của phong trào, bà bỏ
về Huế tiếp tục đi học. Ngôn ngữ và văn chương vốn đã luân lưu trong dòng máu
người nữ lưu con quan Tổng Đốc đất Thần Kinh, lại hiểu rõ tầm quan trọng và lợi
hại của truyền thông và văn hoá, bà chọn ngành báo chí và Hán Văn để du học tại
Pháp. Ngoài tiếng mẹ đẻ, bà thông thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung
Hoa. Tốt nghiệp năm 1967, bà được Đài truyền thanh/truyền hình Pháp ORTF tuyển
làm phóng viên, một nữ phóng viên đầu tiên gốc Việt. Bà được đặc phái qua các
chiến trường sôi động Algérie, Do Thái và Việt Nam. Từ 1969 cho đến 1972, ORTF
cử bà theo dõi và tường trình cuộc Hoà đàm Paris. Nhiệt tình và tài hoa của
Minh Đức đã gây được sự tín nhiệm nghề nghiệp trong một lãnh vực truyền thông quốc
tế mà lúc ấy chưa từng mở rộng cho nữ giới Việt Nam.
Ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên là người có cơ hội
tiếp xúc và có nhiều kỷ niệm với bà, Kiều Mỹ Duyên kể,
“Kỷ niệm về chị Minh Đức Hoài Trinh thì nhiều lắm.
Chị rất thông minh, biến ứng nhanh nhẹn, hay nói về chính trị, kể cho tôi nghe
nhiều chuyện thú vị. Chị thường đi họp báo Ủy Ban Liên Hợp 4 bên và chị thường
chất vấn phái đoàn CS. Câu hỏi nào của chị cũng rất hóc búa. Là người Trung, chị
quan tâm đến đồng bào miền Trung, nhất là biến cố Mậu Thân. Tôi còn nhớ phòng họp
báo không rộng lắm, người quốc gia thì ở bên tay mặt, người quốc gia khác thì
ngồi bên tay trái. Hôm đó tôi đặt câu hỏi, “Trong biến cố Mậu Thân, các ông
giết 4 giáo sư người Đức, đến VN dạy học theo diện trao đổi văn hóa quốc tế, họ
dạy học đâu có làm chính trị, sao các ông lại giết họ?” Tôi nhận được nhiều
tràng pháo tay vang dội vì câu hỏi này, tràng pháo tay của chị Minh Đức Hoài
Trinh là dòn tan nhất, lớn nhất.”
Pic 1 Phóng Viên Minh Đức Hoài Trinh làm cho đài
phát thanh ORTF
Sau 1973, bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí
tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, đến năm 1975. Song song với việc thuyết trình tại
các Hội thảo văn hoá quốc tế ở Indonesia, bà còn viết báo, sáng tác và cho xuất
bản trên 25 tác phẩm đủ lọai. Minh Đức cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí như
Bách Khoa, Phổ Thông, Sáng Tạo, Cao Đẳng Quốc Phòng. v..v.., không kể tham gia
Hội Văn bút Quốc Tế và phụ trách viết "Bức thư hậu phương"
đăng hằng ngày trên tờ báo Đông Phương để nâng cao tinh thần các chiến sĩ tiền
tuyến. Bà còn mở nhiều lớp dạy đàn tranh, học trò rất yêu thương cô giáo, Khi
tôi để bài viết về bà lên face book, vài người học trò xưa đọc được và chia sẻ
những ký ức và kỷ niệm thân thương khi học đàn tranh với bà.
Sau 1975, bà định cư tại Paris và cho xuất bản tạp
chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài ORTF, qua chương trình Việt Ngữ
để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm
tù, phải được trả tự do.
Một điểm son rực rỡ mà Minh Đức đã thực hiện được,
là đi tiên phong trong việc đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
Trước 1975, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã hoạt động và quy tụ nhiều tên tuổi lẫy
lừng của nền văn học miền Nam như Thanh Lãng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung,
Vương Hồng Sển, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hoàng
Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa và hàng trăm văn nghệ sĩ tài ba khác.
Pic 2 Phóng Viên Minh Đức Hoài Trinh
Ngày 25 tháng 6 năm 1978, tại nhà hàng Ainbiram de
Saigon ở thủ đô Paris, Pháp, hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đã
được ra mắt với nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh là chủ tịch, cùng sự có mặt của
Nguyên Sa Trần Bích Lan, luật sư Trần Thanh Hiệp và Trần Tam Tiệp giữ nhiệm vụ
tổng thư ký.
Từ đó mỗi lần nhắc đến việc thành lập Văn Bút Hải
Ngoại, người ta hay nhắc nhở đến tên tuổi của 4 người đi tiên phong trên cùng
nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Tuy nhiên trong một bài viết có tựa “Minh Đức Hoài
Trinh và Văn Bút VN Hải Ngoại 35 năm sau” Sơn Tùng, một cựu chủ tịch Văn
Bút Hải Ngoại đã khẳng định rằng, việc tranh đấu cho sự có mặt của Văn Bút, là
một nỗ lực kiên cường của một mình Minh Đức Hoài Trinh trong việc phục hoạt Văn
Bút ở hải ngoại, vì bà gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe thân cộng.
Ông viết như sau “Năm 1977, dù đời sống tị nạn
chưa ổn định, Minh Đức Hoài Trinh đã tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 42 ở
Sydney, Úc Châu, và lên diễn đàn đưa ra những tin tức và bằng chứng về số phận
đen tối của văn nghệ sĩ tại miền Nam Việt Nam sau 30.4.1975, trong đó có những
hội viên Văn Bút Việt Nam (đã giải thể), để yêu cầu Văn Bút Quốc Tế lên tiếng.
Năm sau, 1978, Minh Đức Hoài Trinh lại một mình tham
dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 43 tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển, và vận động thành
lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, một việc mà ai cũng thấy là vô hy vọng
vì sự chống đối mạnh mẽ của phe thân cộng. Nhưng khi Đại Hội Đồng bỏ phiếu, kết
quả thật đáng ngạc nhiên: 23 phiếu thuận – 23 phiếu chống. Ông Tổng Thư Ký VBQT
Alexander Blohk hậu thuẫn cuộc vận động của Minh Đức Hoài Trinh nhưng lại bỏ
phiếu trắng vì muốn giữ sự vô tư. Nếu ông bỏ phiếu thuận thì ước vọng của chị
đã thành sự thật.
Không nản chí, năm 1979, tại Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc
Tế kỳ 44 ở Rio de Janeiro, Brazil, Minh Đức Hoài Trinh lại vận động thành lập
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) như một Trung tâm của Văn Bút Quốc Tế
(VBQT), và đã thành công.
Đây là một biến cố nhiều ý nghĩa trong đời sống của người Việt tị nạn ở hải
ngoại: chỉ ba năm sau cái chết của Tự Do tại Việt Nam, người cầm bút Việt Nam ở
hải ngoại đã chính thức có tiếng nói tại một diễn đàn quốc tế quan trọng.
Có thể nói “không có Minh Đức Hoài Trinh thì không
có Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại”, và không có sự góp mặt, góp tiếng của người Việt
lưu vong tại các Đại Hội Văn Bút Quốc Tế hàng năm để bênh vực cho những người cầm
bút bị đàn áp tại Việt Nam.
Có vài bài viết không đúng sự thật khi cho rằng Thi
sĩ Nguyên Sa và Luật sư Trần Thanh Hiệp đã cùng Minh Đức Hoài Trinh lập ra
VBVNHN. Trong những tài liệu liên hệ đến cuộc vận động thành lập
VBVNHN qua ba kỳ Đại Hội VBQT năm 1977, 78 và 79 (biên bản, hình ảnh, báo chí)
không có ai khác cả, ngoài Minh Đức Hoài Trinh.
Qua một lần nói chuyện với tôi, Minh Đức Hoài Trinh
cho biết đã rất vất vả mới kiếm được hai mươi người, số hội viên tối thiểu, để
nạp đơn xin thành lập một Trung tâm trong VBQT (có thể trong đó có Trần Thanh
Hiệp và Nguyên Sa)”.
Pic 3 Phóng Viên Minh Đức Hoài Trinh trước sân điện
Thái Hòa trong Hoàng thành, hướng ra phía Ngọ Môn (Huế, Tết Mậu Thân)
Mấy năm trời MĐHT đã vận động và tranh đấu cho sự
góp mặt, góp tiếng, của người cầm bút hải ngoại trước cộng đồng giới cầm bút quốc
tế hẳn có lúc bà thấy rõ nỗi cô đơn, vô vọng của mình. Nhờ có Văn Bút Hải Ngoại,
sau này việc giúp đỡ và bênh vực cho các người cầm bút ở VN được trả tự do dễ
dàng và hiệu quả hơn. Mối tình với nước non của bà, vậy là ai cũng hiểu, nhưng
tình riêng thì, có phải cái chết của mẹ bà, của những người thân quanh bà, ngay
cả bom đạn của quê hương đã ám ảnh, dằng xé trong suốt không gian của những bài
thơ buồn?
Đêm mờ hơi sương
Đi đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.
Đi đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.
Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm
(trích Lời của đất- MĐHT)
hay
Mẹ ơi ngày ấy đến
Chúng không cho con về
Ôi lũ người chưa yêu mến
Và những tấm lòng chưa biết say mê!
Lòng chúng làm bằng thép
Tim chúng vấy bùn nhơ
Cầu hư danh gượng ép
Chà đạp lên giấc mơ
Thế là hết mẹ ơi
Tầu nhổ neo đi rồi
Con không về với mẹ
Máu rướm mềm lên môi
Gục đầu bên nấm mộ
Mẹ ơi con không về
Chuông nhà thờ ai đổ
Ai nghe buồn lê thê
Mẹ ơi ngày ấy đến
Chúng không cho con về
Ôi lũ người chưa yêu mến
Và những tấm lòng chưa biết say mê!
Lòng chúng làm bằng thép
Tim chúng vấy bùn nhơ
Cầu hư danh gượng ép
Chà đạp lên giấc mơ
Thế là hết mẹ ơi
Tầu nhổ neo đi rồi
Con không về với mẹ
Máu rướm mềm lên môi
Gục đầu bên nấm mộ
Mẹ ơi con không về
Chuông nhà thờ ai đổ
Ai nghe buồn lê thê
(trích Gục Đầu bên Mộ Mẹ-MĐHT)
Pic 4 - Minh Đức Hoài Trinh trong đại hội Văn Bút VN
hải Ngoại
Một trong những bài thơ mang tâm trạng đau buồn của
người con Việt lưu lạc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn rất nổi tiếng là bài “Ai trở
về xứ Việt”. Bà sáng tác bài này năm 1962 nhưng được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ
thơ sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Ông đã kể chúng tôi nghe một câu chuyện
liên quan, trong buổi họp mặt đón chào ông từ Úc ghé thăm Cali. Tháng 10, năm
2008, tôi đã cùng Nhật Báo Viễn Đông và Phong Trào Trần Quốc Toản bảo trợ, cùng
tổ chức một buổi văn nghệ "Phan Văn Hưng- Dòng Nhạc và Cây Đàn"
cho NS Phan Văn Hưng. Buổi họp mặt Rehearsal đó hiện diện khoảng 10 người,
có mặt BS Nhuận-chủ báo Viễn Đông, Ký giả Kiều Mỹ Duyên, nhà văn Đặng Phú
Phong..v..v.. Ông đã đàn, hát những bài ông sẽ trình diễn ở buổi văn nghệ,
trong đó có “Ai Trở Về Xứ Việt” phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh. Ông không quên kể
lại câu chuyện xưa “Khi Saigon thất thủ, ở Paris, chúng tôi một nhóm sinh
viên họp nhau trong nghęn ngào tức tưởi, có sự hiện diện của chị Minh Đức Hoài
Trinh. Ngay lúc đó, tôi lại vừa phổ xong bản nhạc Ai Trở Về Xứ Việt, thơ của chị
Minh Đức Hoài Trinh. Tôi liền ôm đàn và hát, mọi người bật lên tiếng khóc, hụt
hẫng như rắn mất đầu, vì tòa đại sứ VN đã bàn giao”. Ông chấm dứt câu
chuyện trong giọng nghẹn ngào, đầy xúc động. Sau này, Phan Văn Hưng đã mang bài
hát này đi trình diễn ở nhiều nơi và nhiều ca sĩ đã hát bài này. Khi trại cải tạo
mọc lên ở khắp đất nước VN, giam cầm các người tù của chế độ, hỏi rằng người Việt
xa xứ nào không thương cảm, xót xa khi hát lên bài hát của lòng này?
Ai trở về xứ Việt-MĐHT/PVH-ca sĩ Phan Văn Hưng
Cuối cùng tôi xin lấy bài viết nhỏ này làm một nén
hương tiễn biệt người nữ sĩ tài hoa mà tôi từng có lần gặp gỡ. Chúc bà an bình
và thong dong, rong chơi cuối trời phương ngoại.
Trịnh
Thanh Thủy
Tài
liệu tham khảo:
Nhạc sĩ Phạm Duy - một vài chuyện tình ở Huế
Yêu nhau kiếp nào
Minh Đức Hoài Trinh và Văn Bút Việt Nam Hải
Ngoại 35 Năm Sau
---------------------------------
No comments:
Post a Comment