Lữ Giang
June 23, 2017
Phóng viên Cát Linh của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) cho
biết ngày 3 Tháng Sáu, Giáo Sư Phạm Minh Hoàng có kể lại sự việc xảy ra cho ông
cách đó hai ngày như sau:
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng và con gái. (Hình: rfi)
“Ông tổng lãnh sự Pháp có mời tôi lên để trao đổi một số chuyện, thì ông
nói là có một tin rất xấu cho tôi, là nhà nước Việt Nam, qua trung gian là Chủ
Tịch Nước Trần Ðại Quang vào ngày 17 Tháng Năm đã ký một văn bản tước quốc tịch
của tôi, và chuyện này chắc chắn sẽ dẫn đến việc trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam
vì tôi có song tịch Pháp-Việt.”
Ðây là một vấn đề cần được làm sáng tỏ vì nhiều trường
hợp tương tự sẽ còn xảy ra đối với nhiều người Việt khác. Nhưng đây là vấn đề về
luật lý, không thể nói theo cảm tính. Muốn làm sáng tỏ, không thể chỉ căn cứ
vào Luật Quốc Tịch Việt Nam mà còn phải căn cứ vào “Công Ước Hague Về Một Số Vấn
Ðề Liên Quan Ðến Sự Tranh Chấp Về Luật Quốc Tịch” được ban hành ngày 12 Tháng
Tư, 1930, “Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Việc Giảm Bớt Tình Trạng Vô Quốc Tịch”
ngày 30 Tháng Tám, 1961, các học lý, án lệ và tục lệ quốc tế về quốc tịch,… chứ
không thể cãi chày cãi cối. Vấn đề này đã được chúng tôi bàn nhiều lần kể từ
khi nhà cầm quyền Việt Nam ban hành luật quốc tịch đầu tiên ngày 28 Tháng Sáu,
1988. Tuy nhiên, để độc giả có thể thấy rõ vấn đề hơn, trước hết chúng tôi xin
trình bày tóm lực về trường hợp của ông Phạm Minh Hoàng.
Vài
nét về vụ án Phạm Minh Hoàng
Phạm Minh Hoàng sinh ngày 8 Tháng Tám, 1955 tại Vũng
Tàu, con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Năm
1973, ông được đi du Pháp, tốt nghiệp Cao học ngành Cơ Học Ứng Dụng. Năm 2000,
ông trở về Việt Nam, làm giảng viên hợp đồng dạy môn toán học ứng dụng tại trường
Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn. Trong thời gia này, với bút hiệu Phan Kiến Quốc, ông
viết nhiều bài đăng trên các trang web, kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và
phản đối việc giao cho nhà thầu Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên.
Ngày 13 Tháng Tám, 2010, ông bị công an bắt điều tra
về các hoạt động chống chính quyền. Ngày 9 Tháng Chín 2010, đảng Việt Tân ra
thông cáo công bố bốn đảng viên của họ bị công an bắt giữ trong thời gian qua,
bao gồm ông Phạm Minh Hoàng, Mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, và ông
Nguyễn Thành Tâm.
Nhiều người cho rằng đây là một hành động tai hại của
Việt Tân, biến các cộng sự viên thành vật tế thần để “biểu dương khí thế” (giống
ISIS đang làm hiện nay), không khác gì “thưa ông tôi ở bụi này,” làm cho các
người liên hệ không còn đường chối cãi. Ðảng Việt Tân giải thích rằng đây là một
cách “ngăn chận những thủ đoạn ngược đãi” những người này và gia đình họ, nhưng
không ai chấp nhận.
Ngày 29 Tháng Chín, 2010, Bộ Công An tổ chức họp báo
tuyên bố quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phạm Minh Hoàng, về tội hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền.
Ngày 10 Tháng Tám, 2011, tòa án ở Sai Gòn đưa ông
Hoàng ra xét xử sơ thẩm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
theo khoản 2 Ðiều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bản cáo trạng nói, năm 1996, ông Hoàng được
ông Nguyễn Ngọc Ðức là “trung ương ủy viên” của tổ chức Việt Tân ở Paris móc nối
và đã gia nhập tổ chức này năm 1998. Năm 2000, ông Hoàng về nước làm giảng viên
đại học.
Tháng Mười Một 2009, ông Hoàng lôi kéo bà Lê Thị Kiều
Oanh và ông Nguyễn Thanh Hùng đi Malaysia tham dự khóa học do Việt Tân tổ chức.
Khóa học này do ông Nguyễn Ngọc Ðức, ông Nguyễn Quốc Quân, và bà Nguyễn Thị
Thanh Vân ở Pháp phụ trách. Từ Tháng Giêng đến Tháng Năm 2010, ông Hoàng cùng
ba thành viên trong tổ chức là Phạm Duy Khánh, Jolie Trang Huỳnh và Huỳnh Châu,
tổ chức hai khóa học, tổng cộng bốn lớp học về kỹ năng tuyên truyền cho tổ chức
Việt Tân tại Việt Nam… Ngoài ra, ông Hoàng còn viết nhiều bài trong đó có 33
bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước rồi gửi
cho Việt Tân đăng và phát tán trên Internet nhằm tuyên truyền, lôi kéo, kích động,
tập hợp lực lượng hoạt động nhằm lật đổ chế độ hiện tại.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng, Luật Sư Trần Vũ Hải cho rằng
ông Hoàng về nước và tổ chức khóa học “kỹ năng phần mềm” là tự thân, không phải
do Việt Tân chỉ đạo; các bài viết của ông Hoàng cũng không phải “nhận lệnh” từ
tổ chức này và đã bị lợi dụng để phát tán lên mạng. Nhưng tòa vẫn tuyên phạt
ông Hoàng ba năm tù và ba năm quản chế tại địa phương.
Các đối tượng khác trong vụ án này như Nguyễn Thị
Thanh Vân, Nguyễn Ngọc Ðức, Phạm Duy Khánh do đang sống ở nước ngoài, khi nào bắt
được sẽ xét xử sau.
Ông Phạm Minh Hoàng sau đó kháng cáo. Ngày 29 Tháng
Mười Một 2011, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tại Sài Gòn tuyên bố chấp nhận kháng cáo
của Hoàng, giảm án xuống còn 17 tháng.
Ngày 13 Tháng Giêng 2012, ông Hoàng được trả tự do.
Tháng Ba 2016, ông Hoàng lại bị công an câu lưu tại Sài Gòn do tổ chức lớp học
về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến Pháp.
Vấn
đề quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng
Ngày 1 Tháng Sáu, tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn
thông báo cho ông Phạm Minh Hoàng biết Chủ Tịch Nước Trần Ðại Quang đã ký quyết
định số 832/QÐ-CTN ngày 17 Tháng Năm, tước quốc tịch Việt Nam của ông. Tại cuộc
họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 15 Tháng Sáu, phát ngôn viên
Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ông Hoàng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia của Việt
Nam nên việc tước quốc tịch Việt Nam đối với ông là đúng pháp luật.
Hôm 15 Tháng Sáu, ông Hoàng gửi đơn lên Bộ Tư Pháp
khiếu nại về quyết định của ông Quang, viện lý do “không có cơ sở pháp luật.”
Theo ông, Ðiều 31 Luật Quốc Tịch Việt Nam ấn định việc tước quốc tịch chỉ áp dụng
cho hai đối tượng: “Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (Khoản 1); và người
đã nhập quốc tịch Việt Nam theo Ðiều 19 (Khoản 2), tức chỉ có công dân nước
ngoài và người không có quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam (Ðiều 19).” Ông
không thuộc hai loại đối tượng đó, nên việc tước quốc tịch của ông là “không có
cơ sở pháp luật, vi phạm Ðiều 2 của Luật Quốc Tịch Việt Nam về quyền đối với quốc
tịch công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam.”
Hôm 3 Tháng Sáu, ông Hoàng gởi đến tòa Ðại Sứ Pháp ở
Hà Nội tuyên bố thực thi quyền từ bỏ quốc tịch Pháp chiếu theo Ðiều 23 Bộ Luật
Dân Sự Pháp. Ông viết: “Vì lý do trên, tôi xin ông vui lòng xem như tôi không
còn quốc tịch Pháp và chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam.”
Trước khi bàn về việc tước bỏ quốc tịch Việt Nam của
ông Hoàng, chúng tôi xin nói qua về các nguyên tắc căn bản của luật quốc tế về
quốc tịch và Luật Quốc Tịch Việt Nam.
Các
nguyên tắc của luật quốc tế về quốc tịch
“Công Ước Hague Về Một Số Vấn Ðề Liên Quan Ðến Sự
Tranh Chấp Về Luật Quốc Tịch” (Convention on Certain Questions relating to the
Conflict of Nationality Laws) ngày 12 Tháng Tư, 1930 đưa ra một số nguyên tắc tổng
quát về luật quốc tịch, có thể tóm lược như sau:
1-Mọi người đều có quyền có quốc tịch và quyền thay
đổi quốc tịch, không ai có quyền tước bỏ hai quyền đó.
2-Mỗi người có thể có hai hay nhiều quốc tịch và một
quốc gia không được dùng quyền bảo vệ ngoại giao để ngăn cản điều này.
3-Một người thụ đắc hai quốc tịch có thể xin từ bỏ một
quốc tịch mà mình không muốn.
4-Mặc dầu mỗi người có quyền có nhiều quốc tịch,
nhưng quốc gia đệ tam (tức quốc gia mà đương sự không có liên hệ về quốc tịch)
chỉ công nhận một quốc tịch duy nhất mà thôi, đó là quốc tịch của quốc gia nơi
đương sự có trú sở chính và thường xuyên hay quốc tịch của quốc gia mà đương sự
trong thực tế có quan hệ chặt chẽ nhất.
5-Một người có hai quốc tịch, khi đã từ bỏ một quốc
tịch hợp lệ, quốc tịch còn lại phải được quốc gia mà đương sự muốn có quốc tịch
nhìn nhận, cho dù đương sự đang có trú sở chính và thường xuyên tại quốc gia mà
đương sự đã từ bỏ quốc tịch.
“Công Ước Liên Hiệp Quốc ngày 30 Tháng Tám, 1961 về
việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch” (Convention on the Reduction of
Statelessness) dự liệu rằng các quốc gia kết ước sẽ ban quốc tịch của nước mình
cho những người sinh ra trên lãnh thổ của nước đó nhưng vì một lý do nào đó bị
coi là vô quốc tịch.
Khái
quát về Luật Quốc Tịch Việt Nam
Từ 30 Tháng Tư 1975 đến nay, khi số người Việt bỏ nước
ra đi ngày càng đông, nhà cầm quyền đã ban hành và sửa đổi luật quốc tịch đến bốn
lần, đầu tiên là luật quốc tịch ngày 28 Tháng Sáu 1988, rồi đến luật quốc tịch
ngày 20 Tháng Năm 1998 và sau đó là luật quốc tịch ngày 13 Tháng Mười Một 2008,
rồi luật ngày 24 Tháng Sáu 2013, bổ sung. Hai luật đầu không chấp nhận chế độ
song tịch hay đa tịch, coi tất cả những người có quốc tịch Việt Nam dù đã thủ đắc
hay xin nhập bất cứ quốc tịch nào trên thế giới vẫn được coi là người Việt Nam.
Những ai muốn bỏ quốc tịch Việt Nam phải làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Mục
tiêu của sự quy định này là giành quyền quản lý các hoạt động của tất cả những
người Việt đang định cư ở nước ngoài, nhất là các hoạt động chính trị.
Từ năm 1993 đến nay, chúng tôi dựa theo các nguyên tắc
của luật quốc tế, tục lệ quốc tế, án lệ quốc tế và luật đối chiếu về quốc tịch,
viết rất nhiều bài nhận xét về những phi lý và rắc rối của luật quốc tịch Việt
Nam. Ðến năm 2008, chính quyền mới ban hành luật số 24/2008/QH12 ngày 13 Tháng
Mười Một 2008, công nhận chế độ song tịch nhưng lại tạo ra một rắc rối khác, đó
là buộc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn năm năm kể từ ngày
luật này có hiệu lực, nếu không sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Sự quy định này sẽ
biến một số người Việt thành vô quốc tịch nếu đến ngày mãn hạn đăng ký họ chưa
nhập một quốc tịch nào khác. Như vậy sẽ vi phạm Công Ước Hague ngày 12 Tháng Tư
1930, về việc ngăn chặn tình trạng vô quốc tịch. Chúng tôi đã cảnh cáo rất mạnh
mẽ về khuyết điểm lớn này. Ngày 24 Tháng Sáu 2013, chính quyền Việt Nam ban
hành luật số 56/2014/QH13 bỏ quy định về thời hạn phải đăng ký giữ quốc tịch Việt
Nam (trước đây là đến ngày 1 Tháng Bảy 2014) và bỏ quy định người Việt Nam định
cư ở nước ngoài mặc nhiên mất quốc tịch nếu không đăng ký giữ quốc tịch. Ðây là
một sự sửa đổi phù hợp với luật quốc tế.
Việc
tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng
Ðiều 31 của Luật Quốc Tịch Việt Nam ngày 13 Tháng Mười
Một, 2008 có quy định: Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam:
1-Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước
quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập
dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của
nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2-Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại
Ðiều 19 của luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể
bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại Khoản 1 của điều này.
Ðiều luật này đã đặt ra những quy định rắc rối. Trên
nguyên tắc chỉ có thể tước bỏ một quốc tịch đối với những người song tịch mà
thôi. Ðối với những người chỉ có một quốc tịch Việt Nam duy nhất, việc tước bỏ
quốc tịch của họ, cho dù họ đã phạm bất cứ tội phạm nào, sẽ bị coi là vi phạm
Công Ước Hague ngày 12 Tháng Tư 1930.
Ông Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam từng cư trú
ở Pháp và nhập quốc tịch Pháp. Năm 2000 ông trở về Việt Nam và theo luật số
56/2014/QH13 ngày 24 Tháng Sáu 2014, ông vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy
ông có hai quốc tịch, vừa Việt vừa Pháp. Khi xuất ngoại, nếu ông dùng hộ chiếu
của Pháp, ông được coi là người Pháp và nếu ông dùng hộ chiếu Việt Nam ông được
coi là người Việt Nam. Tuy giữ song tịch có lợi, nhưng khi bị truy tố và trừng
phạt về các tội vi phạm an ninh quốc gia, nhà cầm quyền sẽ dựa vào Ðiều 31 của
Luật Quốc Tịch Việt Nam để tước quốc tịch Việt Nam của ông. Lúc đó ông còn có
quốc tịch Pháp nên không vi phạm vi Công Ước Hague.
Ông Hoàng thấy rõ điều đó nên hôm 3 Tháng Sáu đã làm
đơn xin bỏ quốc tịch Pháp, nhưng đã quá muộn vì mọi chuyện đã xong rồi. Chúng
tôi tin chắc chính phủ Pháp cũng sẽ không cho ông từ bỏ quốc tịch Pháp vì nếu
làm như vậy là vi phạm Công Ước Hague, biến ông Hoàng thành vô quốc tịch.
Bây giờ ngồi tranh luận với Bộ Tư Pháp về áp dụng Ðiều
31 của Luật Quốc Tịch Việt Nam, ai sẽ xét xử cho ông? Như ý kiến của nhiều người,
Việt Nam không còn là đất dụng võ của ông nữa, cách tốt nhất là ông nên bỏ quốc
tịch Việt Nam và quay về Pháp, vì rất nhiều người đang muốn được như ông mà
không được. Ở Pháp, ông sẽ có nhiều phương tiện để giúp đất nước thoát khỏi
nghèo đói và áp bức nếu ông thực lòng muốn làm và biết cách làm điều đó.
--------------------------
Tổng
hợp 23/06/17
Cát
Linh 23/06/17
No comments:
Post a Comment