Tuesday, May 23, 2017

VŨ KHÍ CHẾT NGƯỜI TỪ THIẾT BỊ BAY SIÊU NHỎ (David Hambling - BBC Future)




David Hambling  -  BBC Future
22 tháng 5 2017

Bạn tưởng tượng ra điều gì khi nghĩ về thiết bị bay không người lái? Một món đồ chơi đơn lẻ điều khiển từ xa có nhiều cánh quạt, hay một máy bay quân sự khổng lồ không người lái?

Thiết bị bay không người lái . OTHER

Sắp tới, hình ảnh đó có thể hoàn toàn khác: thiết bị bay đang trở nên ngày càng nhỏ hơn, chế tạo rẻ hơn, và có thể tự bay vòng quanh, tự tập hợp thành nhóm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn và bay như một đàn chim.Chúng được gọi là "đàn" - nếu có đủ số lượng bay cùng nhau, và chúng chiếm ưu thế so với con người ở một số mặt; có thể cứu người, hoặc trở thành lực lượng tác chiến đầy uy lực nơi chiến trường.

Tại sao các "đàn" thiết bị bay lại quan trọng?
Đầu tiên là trên chiến trường, các đàn vật thể bay có thể mạnh hơn vũ khí và các công nghệ mà quân đội vẫn thường sử dụng trong hàng thập niên qua. Ta hãy hình dung tới cảnh này: trong một thành phố dày đặc người, các nhóm thiết bị bay bốn động cơ siêu nhỏ có thể bay quanh và thu thập tin tức tình báo. Xe tăng chiến đấu có thể bị hạ gục bởi các vật thể bay tấn công tràn ngập từ mọi hướng cùng lúc đổ về. Trên biển, hàng ngàn thiết bị bay nhỏ có thể tràn tới tấn công một tàu chiến, có thể rất nhiều trong số chúng sẽ bị bắn hạ nhưng rất nhiều "chiến binh" khác thoát được, phá hủy radar và đẩy con tàu vào tình trạng vô phương chống đỡ.

Bản quyền hình ảnh : GETTY IMAGES

Hơn thế nữa, không có người lãnh đạo hay chỉ huy nào trong một đàn vật thể bay; cả nhóm tạo thành một hệ thống tự tổ chức, trong đó mọi cá thể đều có vị trí ngang nhau. Nhóm thiết bị bay có thể tìm kiếm trong khu vực một cách hiệu quả, bay cùng nhau mà không va đụng. Và chỉ cần một người điều khiển toàn bộ nhóm thiết bị này.
Đàn vật thể bay rất lợi hại. Một tên lửa có thể bắn hạ một máy bay, trong khi một nhóm thiết bị bay vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau khi có hàng chục 'thành viên' bị tiêu diệt. Không quân sẽ không có đủ tên lửa để đối phó, bởi kẻ thù quá đông, áp đảo về mặt số lượng.
Thiết bị bay sẽ sớm được triển khai theo nhóm trong rất nhiều tình huống khác, từ các buổi biểu diễn nhạc rock đến nông trại.

Vậy là ta có thể bắt đầu nhìn thấy các các nhóm vật thể bay trong đời sống hàng ngày?
Thật vậy. Trong thực tế, có lẽ bạn đã từng thấy chúng.
Đầu năm nay, 300 vật thể bay xếp hình thành lá cờ Hoa Kỳ trong chương trình biểu diễn của Lady Gaga giữa quãng nghỉ giải Super Bowl, tỏa sáng cả trời đêm. Và hãng Intel đang quảng bá "Đêm sao băng" bằng các thiết bị bay thay thế cho pháo bông. Công ty eHang của Trung Quốc nói họ đã lập kỷ lục về đàn thiết bị bay đông đảo nhất trong một buổi trình diễn tuyệt đẹp ở New York với 1.000 thiết bị bay tạo hình bản đồ Trung Quốc và một từ tiếng Trung có nghĩa "Phước".
Các nhóm thiết bị bay còn thể kiểm tra đường ống, ống khói, đường dây điện và các nhà máy công nghiệp với giá rẻ và rất dễ dàng.
Đàn vật thể bay cũng có thể phát huy tác dụng ở nông trại. Chúng có thể phát hiện bệnh của cây và quản lý lượng nước tưới, phun xịt thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ chính xác ở các vị trí cần xịt; tất cả làm việc hài hòa để kiểm soát toàn bộ khu vực cũng như lấp các khoảng trống.
Nikolaos Papanikolopoulos từ trung tâm robotCentre for Distributed Robotics tại Đại học Minnesota đang nghiên cứu các thiết bị bay dùng năng lượng mặt trời và có khả năng phối hợp cùng nhau làm công tác khảo sát các khu vực nông trại rộng lớn với chi phí thấp.
"Nhiệm vụ của chúng có thể bao gồm phát hiện sớm tình trạng thiếu nitơ, bệnh cây trồng, và kiểm soát hiệu quả nguồn nước," Papanikolopoulos cho biết.

Còn gì nữa?
Trong khi thiết bị bay đã được sử dụng trong hoạt động cứu hộ nhiều năm qua, thì việc dùng các phiên bản nhóm thiết bị bay nhỏ hơn có thể thậm chí cứu được nhiều người hơn.

Bản quyền hình ảnh : GETTY IMAGES

Phòng thí nghiệm Thiết bị bay Siêu nhỏ của Đại học Delft đang phát triển một đàn "thiết bị bay bỏ túi" đủ nhỏ vừa trong bàn tay bạn. Chúng bay vào các khu vực trong nhà, vào những tòa nhà bị đổ nát nghiêm trọng, giúp lực lượng cứu người tìm kiếm và tỏa đi tìm người sống sót sau động đất hoặc các thảm họa khác.
Những nhà nghiên cứu tại Đại học Loughborough đã tạo ra một hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và giải cứu trên núi. Hệ thống này sử dụng một nhóm tối đa là 10 thiết bị bay nhỏ. Các thiết bị bay này có trang bị camera tầm nhiệt giúp dễ dàng tìm ra người leo núi bị lạc, và bằng cách liên hệ với nhau, chúng đảm bảo cả khu vực đều được tìm kiếm đầy đủ.

Quân đội nước nào đang phát triển các đàn thiết bị bay - và vì sao?
Nhiều cường quốc đang theo đuổi công nghệ nhóm thiết bị bay.
Chẳng hạn như Hoa Kỳ vừa tung ra nhóm thiết bị bay "Perdix" nhỏ từ máy bay chiến đấu F/A-18. Các thiết bị này chỉ nặng vài trăm gram, được thả từ các vị trí thường dành để thả pháo sáng. Thiết bị bay Perdix được làm bằng công nghệ in 3D có thể tái sử dụng, chúng trấn áp không quân đối phương bằng cách di chuyển như "chim mồi", hoặc gây nhiễu cho radar đối phương, hoặc bằng cách định vị các radar mà chúng có thể tiêu diệt.
Hải quân Hoa Kỳ cũng dự định phát triển các nhóm thiết bị bay có chi phí rẻ hơn giá thành một tên lửa. Họ phát triển phần mềm cho phép các nhóm thiết bị bay phụ có thể chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ nhất định, hoặc để các thiết bị bay mới bay nhập vào đàn liên tục.

Hồi đầu năm, các nhà điều tra phát hiện một nhà xưởng của IS bị chiếm lại ở Ramadi có hoạt động làm các thiết bị bay, từ công đoạn lắp ráp ban đầu trở đi. GETTY IMAGES

Một cường quốc khác trong lĩnh vực này là Trung Quốc, vốn từ lâu nay đã dẫn đầu trong thị trường thiết bị bay tiêu dùng cỡ nhỏ. Chỉ riêng công ty DJI của Trung Quốc đã chiếm tới 70% thị phần thiết bị bay toàn cầu, và giờ đây quân đội Trung Quốc đang suy tính xem có thể làm gì với công nghệ mới này.
Hồi 12/2016, tại một triển lãm hàng không, Tập đoàn quốc doanh Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) trình chiếu một video với 70 thiết bị bay bay cùng nhau. Thiết bị bay tạo thành nhóm và cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Các vật thể bay này có thể phối hợp "tấn công tập trung" nhắm vào bệ phóng tên lửa của kẻ thù. Tất cả chúng đồng thời lao vào tấn công cùng một lúc từ nhiều hướng - quá nhiều cùng lúc đến mức khiến hệ thống phòng thủ bị tê liệt.
Có lẽ một trong những kế hoạch tham vọng nhất là dự án của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ với hàng loạt thiết bị bay sử dụng trên bộ, trên biển và trên không. Đây có thể được sử dụng làm làn sóng tấn công đầu tiên vào bờ biển, trước khi con người đổ bộ, tìm kiếm, phát hiện và có thể tấn công đối phương. Nhóm thiết bị bay cũng có thể phòng thủ chống lại lực lượng thiết bị bay từ kẻ thù. Để khám phá khía cạnh này, Lực lượng Thủy quân Lục chiến đã thiết lập một trò chơi chiến tranh giữa các thiết bị bay. (Đã có thiết bị bay được thiết kế để bắt giữ thiết bị bay của kẻ thù).
Thiết bị bay nhỏ có thể được sử dụng làm gián điệp, thám thính, hoặc thu thập tin tức tình báo. Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp (Darpa), một cơ quan khoa học cao cấp của Lầu Năm Góc, dự định trang bị cho bộ binh thiết bị bay thám sát riêng, đặc biệt dùng trong các khu vực đô thị và bên trong các tòa nhà.
"250 thiết bị bay nhỏ có thể kiểm soát sáu tòa nhà thành phố," Stephen Crampton từ Hệ thống Nhóm Thiết bị bay cho biết. Các nhóm thiết bị bay có thể "tự tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ đem lại thông tin hữu ích, chẳng hạn như 'cho chúng ta biết nguy cơ với vị trí của mình'."

Vậy tương lai của các đàn thiết bị bay là gì?
Công nghệ đàn thiết bị bay không người lái vẫn còn rất sơ khai. Nhưng nó sẽ tiến hóa rất nhanh.
Trên lý thuyết, đàn thiết bị bay có thể đánh bại bất cứ vũ khí hiện tại nào, và có thể tấn công với hỏa lực đủ chính xác để hủy diệt trên quy mô rộng lớn. Tác động của chúng có thể trở thành đối thủ của công nghệ súng máy: bất cứ ai không sở hữu nhóm thiết bị bay có thể nhanh chóng thất trận trên chiến trường. Chiến tranh có thể trở nên đơn giản hơn với những ai có đàn vũ khí thiết bị bay lớn nhất và tốt nhất.
Nhưng chiến trường không phải là nơi duy nhất mà ta sẽ thấy các đàn thiết bị bay. Trong thực tế, một ngày nào đó chúng sẽ có mặt ngay bên cạnh con người.
Về lâu dài, nếu các nhà nghiên cứu tại Viện Wyss của Harvard nói đúng, thì các nhóm thiết bị bay nhỏ có thể trở thành một phần của môi trường chúng ta trong vai trò là côn trùng. Dự án RoboBee (Ong Robot) của họ đang phát triển những thiết bị bay nhỏ hơn cái kẹp giấy và chỉ nặng 1/10 gram. Hàng ngàn Robobee có thể được dùng để quan trắc thời tiết, giám sát, hoặc thậm chí thụ phấn cho mùa màng khi lượng ong mật giảm.
Hãy để ý đến những đàn thiết bị bay siêu nhỏ ở bất cứ đâu. Và cuối cùng, chúng đã được tất cả mọi người yêu thích, từ các nhà nông cho tới Lady Gaga.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.



No comments:

Post a Comment