Sunday, May 28, 2017

TƯỞNG NIỆM THIÊN AN MÔN (Trần Khải - Việt Báo)




28/05/2017

(LGT: Trong vài ngày tới, trong tuần lễ đầu của tháng 6, sẽ là những ngày tưởng niệm trận thảm sát Thiên An Môn. Xin trân trọng đăng lại bài này để vinh danh cuộc chiến dân chủ của sinh viên Trung Quốc năm 1989. Những cái chết trên quảng trường Thiên An Môn sẽ không vô ích.)

Những cuộc biểu tình cả triệu người nơi quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi năm 1989 để đòi tự do, dân chủ và nhân quyền… bây giờ chỉ còn trong trí nhớ những người cao niên ở Hoa Lục, nơi chính phủ tìm cách xóa mọi dấu tích cuộc đàn áp dã man đã làm nhiều ngàn người chết.

Dù vậy, thân nhân người bị giết ở Thiên An Môn vẫn đòi sự thật.

Bản tin RFI hôm 1-6-2016 ghi nhận rằng:

“Thứ Bảy 04/06/2016 tới đây là kỷ niệm lần thứ 27 sự kiện Chính quyền Trung Quốc dùng quân đội đàn áp người ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh - và ở các thành phố khác của Trung Quốc – làm cho hàng trăm, hoặc hàng ngàn người chết. Vào hôm nay, hội Các Bà Mẹ Thiên An Môn đã công bố thư ngỏ lên án chính sách đàn áp và bưng bít thông tin của chính quyền về vụ Thiên An Môn.

Trong bức thư ngỏ, nhóm đấu tranh Các Bà Mẹ Thiên An Môn, tập hợp một số thân nhân của những người đã bị giết, đã lại tố cáo chính quyền là không đếm xỉa gì đến các nạn nhân, và họ tuyên bố sẽ kiên trì đấu tranh để sự thật được sáng tỏ.

Theo bức thư được tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch công bố, Nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn còn tố cáo Chính quyền đã khủng bố họ trong gần ba mươi năm qua để không cho họ nói lên sự thật. Các hành vi khủng bố bị tố cáo đi từ theo dõi, hù dọa, cho đến câu lưu hay bỏ tù. Tuy nhiên các bà mẹ Thiên An Môn khẳng định rằng họ «không còn gì để sợ hãi».

Cho đến nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục cấm thảo luận hay tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến chế độ mà họ muốn duy trì. nhớ đến những sự kiện đó, lo sợ một cách tính toán như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ bám quyền lực. Không một cuộc điều tra công khai nào về vụ Thiên An Môn được tiến hành, thậm chí con số người chết chính xác vẫn còn là một ẩn số.

Và năm nay, cũng như mọi năm trước, càng gần đến ngày kỷ niệm 04/06, an ninh Trung Quốc lại tăng cường chiến dịch dập tắt mọi ý kiến bất đồng. Đã có ít nhất ba nhà đấu tranh bị giam giữ tại Bắc Kinh từ sáng hôm qua, 31/05 sau khi tham dự một buổi tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, nơi họ bị chụp ảnh dưới một biểu ngữ mang hàng chữ «Đừng quên những vết thương của đất nước»…”(
ngưng trích)

Trong khi đó, tất cả những dấu tích lưu giữ ở Hồng kông về những cuộc biểu tình vì dân chủ ở Thiên An Môn cũng đang bị nhà nước TQ xóa dần đi.

Bản tin BBC ngày 14-4-2016 kể rằng:

“Một bảo tàng ở Hong Kong trưng bày và triển lãm riêng về cuộc biểu tình Thiên An Môn sẽ đóng cửa vào tháng 9/2016, sau một tranh chấp pháp lý được cho là có động cơ chính trị.

Những người thuê nhà khác ở tòa nhà là địa điểm mà bảo tàng tọa lạc từ lâu đã muốn bảo tàng này đóng cửa vì 'lý do an toàn'.

Người đứng đầu nhóm quản lý, vận hành bảo tàng này, ông Albert Ho nói với BBC rằng vụ kiện tụng kéo dài đã trở nên quá đắt đỏ.

Trung Quốc cấm tất cả mọi tham khảo, tìm hiểu liên quan cuộc đàn áp quân sự nhắm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ngày 04/6/1989.”(
ngưng trích)

Trước đó, bản tin VOA ngày 6-5-2015 kể về người tù cuối cùng trong hồ sơ Thiên An Môn, trích:

“Một tù nhân bị Trung Quốc giam cầm kể từ cuộc nổi dậy ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 có thể được phóng thích vào tháng 10, theo một tổ chức nhân quyền của Mỹ nói rằng ông ta là người cuối cùng được biết tới có liên quan đến những sự kiện ở Bắc Kinh vẫn còn ở tù.

Miêu Đức Thuận là một công nhân nhà máy 25 tuổi đến từ tỉnh Hà Bắc vào thời điểm những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và vụ trấn áp quân sự. Ông bị bắt giữ và bị buộc tội phóng hỏa vì bị cho là ném một cái giỏ vào một chiếc xe tăng đang cháy.

Một tòa án đã tuyên án tử hình đối với ông ta vào ngày 7 tháng 8 năm 1989, với việc hoãn thi hành án hai năm. Ông Miêu đã không kháng án, nhưng bản án được giảm xuống mức tù chung thân vào năm 1991 rồi sau đó còn 20 năm tù vào năm 1998.”(
ngưng trích)

May mắn, những gì nhà nước TQ muốn xóa sổ, hiện nay đã lưu giữ trên khắp InternetBạn có thể tìm thấy những hình ảnh biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, và cả hình ảnh xe tăng tràn vào giữa rừng người sinh viên và công nhân.

Mời bạn hãy vào trang: http://images.google.com/

Và gõ nhóm chữ: tiananmen 1989

Hoặc gõ nhóm chư: thien an mon 1989

Xin mời nhìn cho kỹ những ước mơ dân chủ tự do đang bị xe tăng trấn áp.

Và xin cũng đừng bao giờ quên, đã và đang có những Thiên An Môn cỡ nhỏ cũng đã và đang bị trấn áp một cách bí mật ở VN -- nhưng không có máy ảnh nào ghi kịp.

Theo Tự Điển Bách Khoa Mở, những cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, trong ngôn ngữ Trung Hoa được biết đến nhiều hơn với các tên gọi Sự kiện 4 tháng 6, Phong trào Dân chủ '89'… Đó là một loạt những vụ biểu tình lãnh đạo bởi tầng lớp sinh viên ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong mùa xuân năm 1989.

Các cuộc biểu tình dấy lên sau cái chết của Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, một nhà cải cách theo đường lối tự do bị phế truất vì đi ngược lại những đường lối bảo thủ của cuộc cải cách kinh tế và chính trị bấy giờ. Dân chúng xuống đường nhân tang lễ ông để tụ tập diễu hành và biểu tình chống lại tham nhũng, đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận và tái lập quyền kiểm soát của công nhân đối với ngành kinh doanh.

Tại đỉnh cao của những cuộc biểu tình, có khoảng một triệu người đã tụ tập tại quảng trường này.

Biểu tình chính thức là từ ngày 15 tháng 4, 1989, và bị quân đội giải tán vào ngày 4 tháng 6, 1989.

Những nơi biểu tình là thủ đô Bắc Kinh và 400 thành phố trên toàn Trung Quốc.

Có nhiều nguyên nhân: cái chết của Hồ Diệu Bang, đòi cải cách kinh tế, phản đối lạm phát, chống tham nhũng chính trị, cảm hứng từ những cuộc biểu tình chính trị ở Đông Âu…

Mục tiêu do sinh viên nêu ra khi biểu tình: "Một Đảng Cộng sản không có tham nhũng" – và đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ…

Đặc điểm: ngồi tọa kháng, tuyệt thực, chiếm đóng quảng trường công cộng.

Kết quả: Quân đội can thiệp, cuộc biểu tình bị đàn áp, những người cầm đầu bị lưu đày hoặc bỏ tù, Triệu Tử Dương bị thanh trừng, Giang Trạch Dân kế vị, Hoa Kỳ và phương Tây cấm vận vũ khí cho Trung Quốc, cải cách thị trường bị trì hoãn, siết chặt quản lý truyền thông.

Tình hình biểu tình có chính nghĩa tới nổi, các lực lượng quân đội trong thành phố Bắc Kinh từ chối đàn áp, và chính phủ phải đưa lực lượng từ xa vào thủ đô để đàn áp.

Binh sĩ và xe tăng thuộc Quân đoàn 27 và 28 Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được gửi tới kiểm soát thành phố. Quân đoàn 27 nằm dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan có quan hệ với Dương Thượng Côn. Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush đã thông báo những lệnh trừng phạt với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau những lời kêu gọi hành động từ phía các thành viên Nghị viện như Thượng nghị sĩ Jesse Helms. Tổng thống Bush cho rằng thông tin tình báo ông nhận được cho thấy một số chia rẽ trong giới chỉ huy quân sự Trung Quốc, và thậm chí cả khả năng những vụ xung đột bên trong quân đội trong những ngày đó. Các báo cáo tình báo cũng cho thấy các đơn vị thuộc Quân đoàn 27 và 28 đã được đưa tới từ các tỉnh bên ngoài bởi các đơn vị địa phương của Quân đội Giải phóng Nhân dân được cho là có cảm tình với những người phản kháng và nhân dân trong thành phố. Các phóng viên miêu tả các binh sĩ thuộc Quân đoàn 27 là nhân tố chủ chốt gây thương vong cho dân thường. Sau cuộc tấn công vào quảng trường, Quân đoàn 27 được cho là đã thiết lập các địa điểm phòng thủ tại Bắc Kinh - không phải là kiểu bố trí phòng ngự trước các cuộc tấn công của nhân dân, mà trước những cuộc tấn công của các đơn vị quân đội khác. Mặt khác, Quân đoàn 38 sở tại, được cho là có cảm tình với lực lượng phản kháng. Họ không được cung cấp đạn dược và được cho là đã tự đốt các xe cộ của mình khi từ bỏ chúng để tham gia cuộc phản kháng.

Hành động xâm nhập thành phố của quân đội bị nhiều công dân Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Những người biểu tình đốt cháy các xe buýt và sử dụng chúng làm phương tiện cản bước quân đội. Cuộc chiến tiếp tục diễn ra trên các đường phố bao quanh quảng trường, nhiều người phản kháng được cho là đã tiến về phía Quân đội Giải phóng Nhân dân và xây dựng các luỹ bằng xe cộ, trong khi quân đội tìm cách giải toả vật cản bằng hơi cay, súng và xe tăng. Nhiều người bị thương đã được các lái xe đang ở trong vùng trống giữa binh sĩ và các đám đông cứu thoát, đưa tới bệnh viện. Sau cuộc tấn công vào quảng trường, chương trình truyền hình trực tiếp về sự kiện cho thấy nhiều người mang băng đen trên tay phản đối hành động của chính phủ, tụ tập ở nhiều đại lộ đốt cháy các chiến luỹ. Trong lúc ấy, Quân đội Giải phóng Nhân dân thiết lập một cách có hệ thống các điểm kiểm soát bên ngoài thành phố, lùng bắt những người phản kháng và phong toả các khu vực trường đại học...

Bất thình lình tối sầm. Đèn trên Thiên An Môn bị tắt. Nhóm của Hầu Đức Kiện, vẫn còn đứng trước Viện bảo tàng, bắt đầu hoảng hốt. Rồi một sĩ quan mang lại lời hứa: "có thể giải tỏa trong hòa bình!"

Từ phía Bắc và phía Nam, quân lính tiến đến đài tưởng niệm với súng đã lên đạn. Những người biểu tình không nhìn thấy gì nhiều trong bóng tối...

5 giờ 40, Quân lính tụ họp trước Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, bắn chỉ thiên và hét to: “Nếu không ai tấn công tôi, tôi không tấn công ai.”

Sau cuộc đàn áp tại Bắc Kinh ngày 4 tháng 6, những cuộc phản kháng tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc lục địa trong nhiều ngày nữa. Có những cuộc biểu tình lớn tại Hồng Kông, nơi người dân mặc đồ đen tham gia biểu tình. Có những cuộc biểu tình tại Quảng Châu, và có những cuộc biểu tình lớn tại Thượng Hải và một cuộc tổng đình công. Cũng có những cuộc biểu tình tại các nước khác với nhiều người đeo băng tang đen. Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát. Dù không có thông báo về những vụ giết hại với số lượng lớn khi các cuộc biểu tình chấm dứt ở những thành phố khác, một cuộc thanh trừng chính trị đã diễn ra trong đó các quan chức chịu trách nhiệm về việc tổ chức hay tha thứ cho những cuộc biểu tình đều bị mất chức, và các lãnh đạo cuộc biểu tình bị tống giam.

Cuộc đàn áp biểu tình đã được truyền thông phương Tây lan truyền với đoạn video và những bức ảnh nổi tiếng về một người đàn ông đơn độc mặc áo sơ mi trắng đứng trước một đoàn xe tăng đang tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Được chụp ngày 5 tháng 6 khi đoàn xe đang đi trên giao lộ thuộc Đại lộ Trường An, với hình ảnh một người không vũ khí đứng ở giữa đường, cản bước đoàn xe tăng. Anh ta được cho là đã nói: "Tại sao các anh lại ở đây? Các anh không mang lại gì ngoài sự nghèo khổ." Khi người lính lái tăng tìm cách đi vòng tránh, "Người biểu tình vô danh" tiếp tục cản đường. Anh ta tiếp tục đứng trước đoàn tăng trong một khoảng thời gian, sau đó leo lên tháp pháo chiếc xe dẫn đầu và nói chuyện với những người lính bên trong. Sau khi quay về vị trí chặn đường, anh ta bị những người xung quanh kéo ra, có lẽ họ sợ anh ta sẽ bị bắn hay bị đè nát. Time Magazine đã đặt cho anh cái tên "Người biểu tình vô danh" và sau này coi anh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Bản tin ngắn trên tờ Sunday Express của Anh đã cho rằng đây là sinh viên Vương Duy Lâm, 19 tuổi, tuy nhiên, sự chân thực của tin này còn đang bị nghi ngờ. Điều gì đã xảy ra với "Người biểu tình vô danh" sau cuộc phản kháng vẫn chưa được biết. Trong một bài phát biểu trước President's Club năm 1999, Bruce Herschensohn — cựu phó trợ lý đặc biệt của Tổng thống Richard Nixon — đã thông báo rằng anh ta đã bị hành quyết 14 ngày sau đó. Trong cuốn Red China Blues: My Long March from Mao to Now (Những nỗi buồn Trung Quốc Cộng sản: Cuộc Trường chinh của tôi từ Mao tới Hiện tại), Jan Wong đã viết rằng người này vẫn đang sống và giấu mặt tại Trung Quốc đại lục. Trong Tử Cấm Thành, tác gia viết cho trẻ em người Canada William Bell tuyên bố rằng người đàn ông đó tên là Vương Ái Dân và đã bị giết hại ngày 9 tháng 6 sau khi bị bắt giam. Tuyên bố chính thức cuối cùng từ phía chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về "Người biểu tình vô danh" là của Giang Trạch Dân trong một cuộc phỏng vấn năm 1990 với Barbara Walters; khi được hỏi về "Người biểu tình vô danh", Giang đã trả lời "chàng thanh niên đó không bao giờ, không bao giờ bị giết."

Các nhà báo nước ngoài, những người chứng kiến vụ việc thì lại tuyên bố có ít nhất 3.000 người chết.

Một "nhân viên Chữ thập Đỏ Trung Quốc giấu tên" ước tính rằng tổng cộng 5.000 người chết và 30.000 bị thương.

Tổng cộng 10.000 người chết, theo các ước tính của Khối Xô viết.

Theo Next Magazine, tin tình báo của Mỹ có được qua tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số người thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó 10.454 người bị giết.

Nhân loại sẽ không quên Sự kiện Thiên An Môn.

Từ sau 1989, CSTQ sẽ không cho xuất hiện những cuộc biểu tình đông như thế nữa.

CSVN cũng tương tự, dập tắt những cuộc biểu tình bằng cách cấm tụ tập 5 người.






No comments:

Post a Comment