26-5-2017
Triết
lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay
vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do
là đích đến của giáo dục.
Tôi đã dành 22 năm của cuộc đời mình để đi học.
Trong đó, 17 năm học phổ thông và đại học ở Việt Nam, và 5 năm sau đại học ở nước
ngoài. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã trực tiếp trải nghiệm ba nền giáo dục
khác nhau.
Tôi cũng là một phụ huynh có ba con nhỏ. Con đi học,
tôi vì trách nhiệm và vì tò mò mà dành thời gian tìm hiểu chương trình, rồi học
cùng con ở hai quốc gia khác nhau nữa. Vậy tính ra, tôi đã đi qua năm nền giáo
dục Á - Âu, cả trực tiếp và gián tiếp.
Vậy tôi thấy gì khác nhau trong năm nền giáo dục đó?
Và quan trọng hơn, bài học nào sẽ được rút ra từ những trải nghiệm thực tế đó.
Tôi thấy rằng, dù khác nhau về văn hóa, thể chế và
tôn giáo, nhưng mục tiêu giáo dục nơi đâu cũng chỉ chia ra thành hai loại: Đào
tạo con người công cụ và đào tạo con người tự do.
Hai mục tiêu này không tách bạch tuyệt đối, thường lồng
ghép xen lẫn vào nhau theo chủ ý hoặc vô thức do tập tục. Tùy theo mức độ công
cụ hay tự do nhiều hay ít, mà hệ thống giáo dục đó sẽ tạo ra con người công cụ
hay con người tự do theo cách tương ứng.
Như mọi hệ thống sản xuất khác, một hệ thống chỉ có
thể vận hành trơn tru hiệu quả và không rơi vào hỗn loại khi hình dung đích xác
được sản phẩm đầu ra có những thuộc tính nào. Với giáo dục, thì đó chính là việc gọi
tên triết lý giáo dục thông qua việc trả lời câu hỏi cốt yếu: Hệ thống
giáo dục hướng đến việc đào
tạo con người nào?
Câu trả lời cho câu hỏi này không là gì khác, mà
chính là triết lý giáo dục. Chỉ khi nào câu hỏi này được trả lời rõ ràng, dõng
dạc và chính danh thì triết lý giáo dục mới tỏ lộ và trở thành tư tưởng và kim
chỉ nam cho mọi hoạt động của hệ thống giáo dục. Nếu không, giáo
dục sẽ rơi vào bế tắc.
Với cách hiểu
về triết lý giáo dục như thế, với việc phân tích nội dung chương trình giáo dục
và với những trải nghiệm về hệ thống giáo dục hiện hành, tôi hoảng hốt nhận
ra rằng, triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ.
Đó là lý do vì sao tôi đã gặp nhiều khó khăn khi ra
nước ngoài du học trong những ngày đầu. Tôi gần như phải tự đào tạo lại từ đầu,
không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà còn là những quan niệm về bản thân mình và cuộc
sống, và cả những giá trị mà một xã hội cần hướng tới.
Tôi hiểu rất rõ cái giá mà tôi phải trả trong suốt
thời gian đó. Và sau khi tỉnh ngộ ra điều đó, tôi bắt đầu gây dựng và theo đuổi
một triết lý giáo dục mới, phát biểu giản dị rằng:Con
người tự do là đích đến của giáo dục.
Nói
cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” sẽ ngắn gọn là: Học để làm người tự do.
Vấn đề đặt ra: Con người tự do là gì? Và vì sao giáo
dục lại cần hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do như vậy?
Con người tự do, như tên gọi của nó, thể hiện trước
hết ở việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt yếu “Tôi là ai?”. Đó chính là tự do tư tưởng. Tư tưởng về chính bản thân mình.
Con người khác với con vật ở chỗ con người biết hỏi
“Người là gì, tức Tôi là ai?”, còn con vật thì không. Chính việc tự do đi tìm
câu trả lời cho câu hỏi này là cội nguồn của văn minh nhân loại, hình thành nên
nhân tính và xã hội con người.
Mà muốn vậy, điều kiện tiên quyết là họ phải có được
tự do tư tưởng để tư duy và trước khi đi đến câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai
của riêng họ đó.
Mà để tư duy hiệu quả và chính xác, họ cần thông tin
như những nguyên liệu đầu vào. Vì thế, tự do tư tưởng đòi hỏi tự do thông tin
như một điều kiện cần. Nếu không có tự do thông tin, sẽ không có tự do tư tưởng.
Trong giáo dục, điều này có nghĩa, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận
với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều
bộ sách giáo khoa khác nhau được lưu hành.
Trong lớp học, học sinh phải được tự do bày tỏ ý kiến
và diễn giải của mình. Nội dung bài học vì thế không được phép đóng cứng vào một
diễn giải cụ thể nào, dù đó là diễn giải của người thầy đáng kính. Nếu không, học
sinh sẽ mắc kẹt vào một diễn giải cụ thể, làm thui chột sáng tạo và trở nên máy
móc. Việc học rõ ràng không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp của thầy cô, mà là
tìm được bao nhiêu giải pháp theo cách của riêng mình cho vấn đề mình đang đối
mặt.
Tự do tư tưởng vì thế gắn liền với việc dịch chuyển
nhận thức để không bị đóng cứng vào một nhận thức đã có. Chỉ khi đó, người học
mới có khả năng mở ra những nhận thức mới, tương thích với thời đại mới, thời đại
mà những người sinh ra và dạy dỗ họ không có cơ hội để bước vào.
Việc thi cử khi đó cũng không đi theo hướng có học
thuộc, biết đúng điều đã được dạy để thi hay không, mà trở thành thước đo cho sự
trưởng thành của người học, mà quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy
của họ, biểu hiện qua một năng lực cốt yếu: Năng lực tư duy độc lập.
Vì sao như vậy, vì nếu không có năng lực tư duy độc
lập, một người dù đã bạc đầu, vẫn cần phải cậy nhờ đến tư duy của kẻ khác, do
đó trên thực tế vẫn là trẻ vị thành niên. Đất nước không cần nhiều trẻ vị thành
niên bạc đầu như vậy. Đất nước cần những con người trưởng thành, có tư
duy độc lập, để xây dựng một đất nước độc lập và trưởng thành.
Rồi nữa, sau khi có tự do tư tưởng, thì lại phải có
một hình thức nào đó để biểu đạt cái tự do tư tưởng đó, vì thế mà tự do ngôn luận
phải được hình thành. Nếu không, tự do tư tưởng chỉ diễn ra trong đầu của mỗi
cá nhân, bị giới hạn bởi chính nhận thức chủ quan của cá nhân đó, do đó không
mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội.
Con người khác con vật chủ yếu ở khả năng nhận thức
và tư tưởng, trong đó có nhận thức và tư tưởng về chính bản thân mình. Vì thế,
tự do tư tưởng là tầng thứ nhất, là nền móng quan trọng nhất của con người tự
do.
Tầng thứ hai của con người tự do là tự do lựa chọn. Lựa chọn là cấp độ cơ bản nhất
của hành động. Nhìn thật kỹ chúng ta sẽ thấy mọi hành động có nghĩa đều bắt đầu
bằng một lựa chọn. Ngay cả khi không lựa chọn cũng là một lựa chọn. Vì thế, để
cho sức mạnh và sự hữu ích của tự do tư tưởng được hiện thực hóa, cần thiết phải
có tự do lựa chọn.
Vì sao? Vì sau khi đã có tự do tư tưởng, đã có thể
tư duy độc lập, thì ta phải làm điều gì đó chứ? Không ai trả lương cho người
lao động vì họ biết gì và nghĩ gì trong đầu. Người lao động được trả lương vì họ
tạo ra được giá trị gì cho người sử dụng. Nếu giáo dục chỉ đào tạo ra những thế
hệ học nhiều thi giỏi mà không biết làm việc, không có khả năng lựa chọn thì rõ
ràng nền giáo dục đó đã sai đường.
Với giáo dục, tự do lựa chọn thể hiện trước hết
trong việc được quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với mình. Vì thế, bên
cạnh những loại hình trường hiện có, loại hình homeschooling, tức học tại nhà, cần được thừa nhận về mặt pháp lý. Trẻ vì lý do gì đó, như sức khỏe yếu, mới ở nước ngoài về, hoặc đơn giản
là muốn thay đổi cách học một thời gian, mà chọn hình thức học tại nhà thì cần
được thừa nhận, miễn sao có cơ chế kiểm tra đánh giá.
Quyền tự do lựa chọn còn thể hiện ở việc được lựa chọn
chương trình học tập. Vì lẽ đó, cần phải có nhiều bộ sách giáo khoa, thay vì chỉ
một bộ sách giáo khoa như hiện giờ. Rồi xa hơn thế, người học cần được quyền lựa
chọn giáo viên phù hợp. Vì thế hệ thống giáo dục cần phải tổ chức sao cho lựa
chọn này thực hiện được, ví dụ bỏ biên chế suốt đời. Không thể nào một giáo
viên kém, nhưng vì lý do nào đó, vào được hệ thống giáo dục, thì nghiễm nhiêm ở
đó gần 40 năm cho đến lúc về hưu mà không có cách nào để thay thế.
Tự do lựa chọn được đặt cơ sở trên tự do
tư tưởng. Tự do tư tưởng diễn ra ở bên trong bản thân mình, còn tự do lựa
chọn là sự thể hiện cái tự do bên trong đó ra bên ngoài thông qua lựa chọn. Nhờ
đó, tự do bên trong mỗi người được thể hiện ra đời sống, và hòa cùng tự do của
người khác, trên cơ sở tôn trọng tự do của chính người khác đó.
Nhờ có tự do lựa chọn mà một người có khả năng tự
quyết về cuộc đời mình, do đó làm chủ cuộc đời mình, và do đó tự chịu trách nhiệm
về cuộc đời mình như một hệ quả tất yếu. Đó là sự trưởng thành đích thực. Đó là
điều mà giáo dục hướng tới. Nếu không, xã hội sẽ thì là một tập hợp những kẻ vị
thành niên, dù đầu đã bạc và khi đi học thì điểm cao ngất ngưởng.
Nói cách khác, một người có tự do lựa chọn là một
người đã có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách
nhiệm về sự làm chủ đó. Đó chính là những phẩm chất mà một người học cần hướng
tới. Lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình là thước đo cho sự trưởng thành
thực sự cho người học.
Sau khi đã có được tự do tư tưởng và tự do lựa chọn,
chúng ta đã thành con người tự do ở cấp độ cơ sở nhất. Nhưng con người không chỉ
có tư tưởng. Con người còn có cơ thể này và muôn vàn cảm xúc và các trạng thái
tinh thần đi kèm. Mỗi sự thay đổi trạng thái của cơ thể, trạng thái cảm xúc, trạng
thái tinh thần thì đều tạo ra một sự trở thành mới. Nguồn gốc của những sự trở
thành mới này là sự tương tác của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài
mình, cũng như sự kết nối của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình
đó.
Tầng thứ ba của con người tự do sẽ
là tự do trở thành, tức được tự do trong việc
quyết định trở thành người mình chọn để trở thành. Nó bao gồm tự do thân thể, tự do biểu đạt cảm
xúc, tự do biểu lộ tinh thần. Sự thay đổi của chúng chính là sự thay đổi của
chúng ta. Người học phải nhận biết và làm chủ được những sự thay đổi đó,
thông qua lựa chọn trong tự do và sau khi suy xét.
Vì thế, tự do trở thành đặt cơ sở trên tự do lựa chọn
và tự do tư tưởng.
Cho đến nay, tự do thân thể đã được pháp luật bảo hộ,
nhưng nhiều khi còn mâu thuẫn khi triển khai. Quyền tự do thân thể chưa được nhận
thức đúng. Bạo hành trong gia đình và nhà trường, một sự xâm phạm tự do thân thể
điển hình, vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực học đường bùng phát cũng là chỉ dấu
xấu cho thấy tự do thân thể đã bị xâm phạm ngay trong môi trường trong sáng nhất
là nhà trường.
Còn tự do biểu đạt, dù là cảm xúc hay tinh thần, gần
như ít khi được xét đến. Một phần do văn hóa truyền thống, một phần do giáo dục
đã bỏ qua thứ tự do trở thành này, nên con người không được sống thật với cảm
xúc và các giá trị tinh thần của mình, lại càng không dám biểu đạt chúng ra cho
người khác thấy. Tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe tâm thần, cho
sức sáng tạo, và rộng hơn là cho một xã hội lành mạnh.
Vì sự trở thành có nguồn gốc từ sự kết nối và phản ứng
với những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, tự do trở thành vì thế
là cơ sở cho sự triển khai việc sống của một người ở trong đời sống. Nhờ đó, một
người có thể tự phát triển bản thân mình, tự hoàn thiện việc sống của mình trở
nên lịch lãm, tinh thông và đẩy việc sống trở thành một nghệ thuật đáng ngưỡng
mộ.
Khi đó, người ấy không chỉ trả lời được câu hỏi “Tôi
là ai?”, mà còn có thể trả lời được câu hỏi cốt yếu khác, như: Ý nghĩa cuộc sống
là gì? Ta đang đi qua cuộc sống này như thế nào?, Ta sẽ làm gì với cuộc đời
mình? Trên tất cả, những câu trả lời này sẽ không chỉ đến được từ lý trí nhờ tự
do tư tưởng, mà đến từ toàn bộ khối trải nghiệm của mình ở trong đời sống, chân
thật như một phần của đời sống đang-là.
Tầng thứ tư của con người tự do
là tự do kiến tạo, có được trên nền móng từ ba thứ tự do đã nói ở
trên. Tương lai của một con người, tương lai của một quốc gia, nằm ở thứ tự
do kiến tạo này.
Vì con người ta chỉ có thể sống ở thì hiện tại, tức ở
cái bây-giờ, nên cả bốn tầng bậc tự do này đều diễn ra ở thì hiện tại. Tuy
nhiên, tự do kiến tạo lại có mục tiêu hướng đến tương lai, cụ thể là kiến tạo một
tương lai tốt đẹp hơn so với những gì đang có.
Tự do kiến tạo vì thế là tự do trong việc tư tưởng,
lựa chọn và trở thành một tương lai mới tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, xứng đáng
hơn. Điều này là cần thiết, vì nếu không, mỗi người và do đó cả xã hội, sẽ chỉ
giậm châm tại chỗ mà không tiến lên được bước nào trên hành trình phát triển.
Tuy nhiên, có được tương lai kiến tạo không hề dễ. Một
người chỉ có thể kiến tạo tương lai nếu tương lai đó đã được kiến tạo trong tâm
trí mình trước hết. Do đó, tự do kiến tạo lại trở về với nền móng ban đầu của
nó, đó là tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng sẽ không có tự do kiến tạo.
Vì nhận thức của con người là kết quả của một chuỗi
những trải nghiệm mà họ đã kinh qua, nên họ chịu giới hạn bởi chính những trải
nghiệm họ đã kinh qua đó. Nói cách khác, nhận thức của chúng ta bị giới hạn bởi
chính nhận thức của chúng ta ở trong quá khứ. Vì thế, nếu không ra khỏi quá khứ,
tương lai sẽ bị giam hãm bởi chính quá khứ. Lịch sử của đất nước chúng ta trong
mấy chục năm gần đây đã minh chứng cho điều này, rằng quá khứ vẫn còn đang ngự
trị. Với giáo dục thì điều này lại càng trở nên rõ nét, khi cải cách giáo dục cứ
mãi sa vào sự vụ hết lần này đến lần khác mà không ra khỏi được bế tắc do chính
quá khứ mang lại.
Vì vậy, để có được tự do kiến tạo, giáo dục phải là
cho người học có khả năng vượt qua những rào cản nhận thức gây ra bởi quá khứ.
Nói cách khác, giáo dục phải có khả năng làm cho người học vượt thoát khỏi những
giới hạn do chính giáo dục mang lại. Điều này thể hiện trước hết ở khả năng
thay thế những nhận thức cũ, giá trị cũ, tham chiếu cũ băng những cái mới. Nhờ
đó, chúng ta có thể vượt qua chính mình để tạo chính mình.
Thực tế cho thấy, ai không làm chủ cuộc sống sẽ bị
cuộc sống làm chủ. Ai không làm chủ tương lai sẽ bị tương lai gạt bỏ ngoài lề.
Tự do kiến tạo vì thế là thứ tự do vượt thoát chính mình để tồn tại và phát triển.
Một
con người tự do như thế, tức một con người có tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự
do trở thành và tự do kiến tạo, là một con người của thời đại mới. Và cũng chỉ
một con người tự do như thế mới có khả năng sống một cuộc đời đáng sống, cho
mình và xã hội.
Đó là lý do vì sao tôi luôn tâm niệm rằng, triết lý
giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì
đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời.
Con người tự do là đích đến của giáo dục.
---
Ghi
chú: Bản rút gọn của bài này đã đăng trên mục Góc
nhìn của Vnexpress.net.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
26-5-17
No comments:
Post a Comment