Giáp Văn Dương
Thứ Hai, 29/5/2017, 17:06 (GMT+7)
(TBKTSG
Online) - Con tôi hay hỏi những câu như "con không muốn thế, nhưng quy định
phải thế, thì con chọn cái nào?". Thay vì lảng tránh những câu hỏi này,
tôi thường chọn cách phân tích rốt ráo cho con hiểu và để con đưa ra lựa chọn.
Vì tôi cho rằng, sau khi đã hiểu thì phải chọn, đó là lựa chọn cá nhân, tôi
không can thiệp. Nhưng trước khi chọn thì phải hiểu, vì một lựa chọn chỉ thực sự
là một lựa chọn ở trong tự do và sau khi suy xét.
Câu hỏi của con tôi là một câu hỏi hóc búa. Con
không muốn thế, tức con đã cảm thấy có gì đó không ổn, thấy có gì đó không đúng
ở chỗ này, con không muốn tuân thủ. Cái đó là tiếng nói từ bên trong, thuộc về
tự do cá nhân, thuộc về lương tâm. Còn quy định phải thế lại thuộc về ràng buộc,
thuộc về luật pháp.
Câu hỏi của
con tôi, thực chất là câu hỏi: Giữa lương tâm và luật pháp, con nên chọn bên
nào? Đây là câu hỏi lớn, không chỉ với trẻ con, mà với cả
những nhà làm luật. Nhưng không vì thế mà né tránh không trả lời.
Muốn trả lời
câu hỏi này, thì phải trả lời câu hỏi: Lương tâm và luật pháp đến từ đâu? Nói cách khác, phải thấu hiểu bản chất của lương tâm và luật pháp thì mới
có thể đưa ra lựa chọn.
Ngoài ra, tưởng chừng không liên quan, mà hóa ra lại
rất liên quan, là trong các lựa chọn đó, cần phải trả lời một câu hỏi cốt yếu
khác. Đó là: “Tôi là ai?” trong tình huống mà tôi đang đối mặt đó. Trả lời được
câu hỏi “Tôi là ai?” này thì sẽ đưa ra được lựa chọn tương ứng. Nếu không, sẽ
ra thành chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia, tưởng đúng, tưởng hợp logic, mà hóa
ra lại sai, vì sai ngay từ đầu, từ cái “Tôi là ai?” này.
Lương
tâm bắt nguồn từ đâu?
Câu hỏi này vừa to vừa khó. To vì ngoài nó ra có còn
mấy vấn đề nhân sinh to hơn nó nữa đâu. Khó vì nó không định lượng được, nên chỉ
có thể cảm nhận bởi người trong cuộc. Tuy không không cân, đo, đong, đếm được,
nhưng khi đánh mất lương tâm, ta sẽ cảm nhận được ngay tức thì, vì nó chính là
ta. Nó làm cho ta trở thành một con người. Mất nó, ta không còn là ta nữa, nên
ta nhận ra ngay tắp lự.
Tạm bỏ qua những lý luận dài dòng, ta đi thẳng vào vấn
đề để trả lời một cách ngắn gọn: Lương tâm bắt nguồn từ tự do nội tại của mỗi
người. Không có tự do sẽ không có lương tâm. Nhờ có tự do đó, thể hiện trước hết
ở tự do nội tại mà mỗi người có được quyền lựa chọn làm và sống với những điều
họ cho là thiện hảo, đúng, thật. Nếu không làm vậy, họ sẽ bị dằn vặt, bị lương
tâm cắn rứt. Vì sao? Vì lương tâm chính là mình, lương tâm tạo ra mình với tư
cách một con người. Không có nó, mình không còn là mình, mình cũng không còn là
người, nên bị dằn vặt và cắn rứt.
Nhưng điều mà mỗi người cho là thiện hảo, đúng, thật
đó lại thuộc về chủ quan của mỗi người. Điều thiện hảo, đúng, thật của anh khác
của tôi. Và vì là chủ quan nên người ngoài không thể truy nhập được. Nhưng người
trong cuộc thì biết và cảm nhận rất rõ.
Vậy nên, cái gì đã thuộc về lương tâm thì hãy để mỗi
cá nhân tự quyết định. Đó là tự do cá nhân, không thể ép buộc. Nếu ép buộc họ
phải làm trái với điều mà họ cho là thiện hảo, đúng, thật đích thị là đang bắt
họ làm những việc trái với lương tâm. Điều này, chắc không ai muốn.
Theo cách nhìn đó, lương tâm là cội nguồn của đạo đức.
Luật
pháp đến từ đâu?
Trong mối quan hệ với luật pháp thì lương tâm là cơ
sở của luật pháp. Tuy nhiên, lương tâm không phải lúc nào cũng trùng khít với
luật pháp. Lý do là lương tâm của một người là vấn đề thuộc về chủ quan của người
đó, không có lương tâm chung cho tất cả mọi người. Cái ta gọi là lương tâm
chung của mọi người, trên thực tế là một thứ khác, đó là luân thường đạo lý.
Luân thường đạo lý cũng giống như đạo đức, bắt nguồn từ lương tâm nhưng không
phải là lương tâm. Còn luật pháp là vấn đề khách quan, có được thông qua đồng
thuận. Vì thế, với luật pháp, tất cả mọi người điều phải hiểu, và lý tưởng nhất
là phải hiểu giống nhau, và phải tuân thủ.
Vì luật pháp có được thông qua đồng thuận, nên vấn đề
của luật pháp là không bao giờ có được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả mọi
người. Con người vốn dĩ khác nhau, cùng một vấn đề thì trăm người trăm ý. Ngay
cả khi có sự đồng thuận của đa số thì vẫn còn một nhóm nhỏ không đồng thuận.
Cho nên, dù đã thành luật, thì luật đó lý tưởng nhất
cũng chỉ là kết quả của sự động thuận của đa số, mà sự đồng thuận đó cũng chỉ
có được gián tiếp thông qua người đại diện của họ. Rất phổ biến trường hợp ý kiến
của người đại diện không phải là ý kiến của người dân mà họ đại diện cho. Trong
trường hợp đó, dù luật có được Quốc hội thông qua đi chăng nữa, thì luật đó
cũng chỉ là luật của một thiểu số, không phải là luật của đa số người dân.
Chưa kể, bản thân luật pháp bao giờ cũng mang trong
mình sự thiên vị có tính cách nội tại. Đó là sự thiên vị không thể tránh khỏi
mà ở đó, quyền lợi của nhóm người làm ra luật sẽ được ưu tiên hơn so với quyền
lợi của số đông còn lại. Đó là bản chất của nhận thức và của con người. Con người
luôn có xu hướng ưu tiên cho quyền lợi của chính mình hơn cho quyền lợi của kẻ
khác. Vậy nên, nếu tôi là người làm luật, thì luật đó sẽ phù hợp với tôi hơn là
lẽ đương nhiên. Đó là lý do vì sao mà cùng một dự thảo luật, mà nhóm này đồng ý
thông qua, còn nhóm khác lại nhất định chống. Mà kể cả khi đã thông qua thành
luật rồi, khi nhóm khác lên nắm quyền, thì có thể họ lại tìm cách bãi bỏ luật
đã thông qua đó. Chuyện này xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thiết nghĩ, không cần
phải bàn thêm.
Nếu
lương tâm xung đột luật pháp, chọn bên nào?
Câu hỏi đặt
ra: Nếu có xung đột giữa lương tâm và luật pháp, thì ta nên chọn bên nào?
Nếu là tôi, tôi sẽ chọn lương tâm thay vì luật pháp.
Luật pháp có thể thay đổi, luật pháp mang trong mình sự thiên vị nội tại, nhưng
lương tâm thì không.
Lý luận là thế. Nhưng lý luận chỉ là lý luận, nếu
không với đến được thực tế thì cũng chỉ để giải trí. Thực tế là gì, thực tế ở
đây là một chủ đề nóng hổi đang diễn ra trong nghị trường: Luật sư có nên tố cáo thân chủ của
mình hay không, trong trường hợp luật sư đó biết thân chủ của mình phạm tội xâm
phạm an ninh quốc gia, hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng? Nói thế cho đầy
đủ bối cảnh của vấn đề, thay vì chỉ nói là phạm tội chung chung.
Theo quy trình tố tụng, khi luật sư đã nhận lời tham
gia bào chữa cho thân chủ của mình, thì thân chủ của luật sư đã bị tạm giam hoặc
bị truy tố. Khi đó, hẳn các cơ quan tố tụng đã có bằng chứng về sự phạm tội của
đương sự, nên không cần luật sư tố cáo nữa.
Còn nếu một luật sư biết một người nào đó phạm tội
trước khi tham gia nhận lời bào chữa cho người đó, thì khi đó người luật sư chỉ
là một công dân như bao công dân khác nên có quyền và trách nhiệm tố cáo theo
luật định.
Nhưng đó chỉ là sự tố cáo của một công dân bình thường,
đã được quy định bởi pháp luật, chứ không phải với tư cách một luật sư bào chữa.
Trong cả hai
trường hợp trên, luật pháp đều không cần đến sự tố cáo với tư cách luật sư mà vẫn
có thể vận hành hiệu quả đúng như dự định. Thêm điều khoản luật sư tố cáo
thân chủ này vào chỉ làm cho luật pháp thêm rối, lại ảnh hưởng đến đạo đức nghề
nghiệp của người luật sư, vì thế làm cho luật pháp trở nên kém hiệu quả.
Vấn đề sẽ trở nên khó xử hơn trong một trường hợp
khác, khi người luật sư đã ký hợp đồng tư vấn pháp lý với thân chủ của mình thì
biết thân chủ đã phạm tội, hoặc có ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người
luật sư đó có nên tố cáo thân chủ của mình hay không?
Câu trả lời trong trường hợp này lại không đến từ
vai trò luật sư, mà đến từ việc trả lời câu hỏi “Tôi là ai trong tình huống tôi
đang đối mặt này?”. Người luật sư sẽ chỉ được quyền chọn một trong hai câu trả
lời: Tôi là một luật sư; hoặc Tôi là một công dân. Không thể đánh đồng hai vai
trò này trong một tình huống cụ thể đang nói đến, vì chúng xung đột với nhau.
Nếu anh chọn là luật sư, thì anh không nên tố cáo
thân chủ của mình. Như thế là vi phạm hợp đồng dân sự anh đã ký kết, lại trái với
đạo đức nghề nghiệp của người luật sư. Trong trường hợp anh thấy tội của thân
chủ quá nghiêm trọng, bắt buộc phải tố cáo nếu không thì lương tâm cắn rứt, thì
anh phải từ bỏ vai trò luật sư để trở thành một công dân bình thường, và thực
hiện việc tố cáo đó với tư cách một công dân chứ không phải với tư cách một luật
sư.
Tuy nhiên, khi làm vậy, anh phải lường trước cái giá
phải trả cho sự bất tín của mình với tư cách luật sư đối với thân chủ hiện thời
và với các thân chủ tiềm năng khác. Có thể từ đó về sau sẽ không còn ai ký hợp
đồng tư vấn pháp lý với anh nữa. Nhưng bù lại, anh có được sự thanh thản lương
tâm, vì anh thấy việc tố cáo đó là một điều thiện hảo, đúng, thật, anh cần phải
thực hiện. Anh phải cân nhắc giữa cái giá phải trả và lợi ích mà anh thu được,
trong sự soi rọi của lương tâm, rồi anh mới quyết định.
Anh không thể vừa làm luật sư bảo vệ thân chủ của
mình, vừa tố cáo thân chủ của mình để tròn vai công dân được. Ép buộc luật sư phải tố cáo thân
chủ của mình là trái với đạo đức nghề nghiệp của người luật sư.
Những lập luận ở trên cho thấy, việc một luật sư có
tố cáo thân chủ của họ hay không là một vấn đề thuộc về lương tâm, thuộc về lựa
chọn cá nhân, xuất phát từ tự do cá nhân và từ việc trả lời câu hỏi “Tôi là ai
trong tình huống mà tôi đang đối mặt?” của người luật sư. Đó là những vấn đề
thuộc về phạm trù chủ quan và cá nhân. Vì thế, không thể ép buộc và càng không
thể đưa thành luật định.
No comments:
Post a Comment