May 28, 2017
VĨNH
LONG, Việt Nam (NV) – Dẫu sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long càng
lúc càng nghiêm trọng nhưng một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác cát. Đó
là lý do dân Vĩnh Long, Cần Thơ tự đứng dậy bảo vệ mình.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì cuối tuần vừa
qua, dân chúng các xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, và Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh,
cùng thuộc tỉnh Vĩnh Long đã tập hợp xuồng, ghe, gom góp tiền bạc để mua xăng dầu,
thực phẩm, cắt cử người trực, ngăn Hợp Tác Xã Khai Thác Cát Tân Bình Minh múc
cát tại đoạn sông Hậu chạy ngang khu vực này.
Hợp tác xã này do ông Trần Vĩnh Hạ, cựu phó chủ tịch
huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh), điều hành.
Dân chúng địa phương cho hay, hoạt động của hợp tác
xã là nguyên nhân chính khiến hàng trăm công đất ở cồn Công sụp xuống sông, vườn
tược, ao cá, thậm chí các con đê nhằm ngăn sạt lở do dân chúng tự bồi đắp cũng
bị xóa sổ.
Sau một thời gian dài kêu cứu, năm ngoái, do tác động
của báo giới, hợp tác xã tạm ngưng hoạt động nhưng mới đây đã hoạt động trở lại
vào ngày 27 Tháng Năm.
Đó cũng là lý do dẫn đến cảnh “thanh niên, phụ nữ,
người già mang bánh, nước xuống ghe, chạy hết tốc lực về đầu cồn Công, canh chừng
xáng cạp (tức là sà lan trang bị gàu sắt “cạp” một gàu cát [đất] rồi quăng cát
[đất] vào khoang chứa hay lên bờ. Sà lan, một loại tàu có khoang chứa rộng thường
dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc…, là phiên âm của chữ
“chaland” trong tiếng Pháp, nhưng người miền Nam hay dùng từ “xà lan” và khi Việt
hóa từ này thì trở thành “xáng”).
Báo Tuổi Trẻ cho hay, khi xáng cạp xuất hiện, dân
chúng địa phương vừa gọi điện thoại báo cho chính quyền xã, công an huyện,
thanh tra Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, vừa đổ ra vây xáng cạp. Đáng chú ý là
trên xáng cạp có khoảng 20 người đổ ra thị uy và xáng vẫn vung gầu cạp cát. Tới
lúc đó thì có thêm 20 xuồng, ghe của dân chúng cư ngụ bên bờ sông Hậu phía Cần
Thơ đổ ra tiếp sức cho dân Vĩnh Long.
Lúc xáng cạp tạm ngưng múc cát, gác gàu, cử người
vào bờ đưa công an xã Mỹ Hòa ra “giữ trật tự” thì công an huyện Trà Ôn, cảnh
sát giao thông đường thủy tỉnh Trà Vinh và thanh tra sở này mới xuất hiện.
Tường thuật của tờ Tuổi Trẻ cho thấy, các nhân viên
công lực chỉ có mặt để ngăn chặn xung đột chứ không ngăn cản khai thác cát. Lực
lượng thực thi luật pháp lập luận, xáng cạp hoạt động trên phần sông thuộc… thị
xã Bình Minh nên họ “không làm gì được” và chỉ có thể “thông báo cho cấp trên!”
Giữa dân chúng và lực lượng thực thi luật pháp đã xảy
ra tranh luận gay gắt. Phóng viên tờ Tuổi Trẻ kể rằng họ đã gọi điện thoại cho
bí thư tỉnh Vĩnh Long. Nhân vật này hứa sẽ “chỉ đạo xử lý ngay để ngăn chặn
tình huống đáng tiếc.” Một phó chủ tịch của thị xã Bình Minh thì nói “nếu dân
chúng phản ứng gay gắt quá thì phải cho dừng ngay việc khai thác cát tại khu vực
này.” Viên phó chủ tịch xác nhận hợp tác xã có giấy phép khai thác cát…
Cần nhắc lại rằng, sạt lở ở ven sông, bờ biển đang
trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu
Long nói riêng. Riêng với vùng đồng bằng này, các chuyên gia cảnh báo khu vực
này đang phân rã. Hàng trăm ngàn gia đình nơi đây mất cả nơi cư trú lẫn sinh kế
vì sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái đồng
bằng, cho biết sạt lở bờ biển diễn ra nhanh và mạnh vì “lớp áo giáp” bảo vệ bờ
biển của khu vực này đang mỏng dần.
“Lớp áo giáp” mà ông đề cập là lượng phù sa từ đồng
bằng sông Cửu Long đổ ra biển. Lượng phù sa ấy tạo ra một vùng nước đục, cách bờ
chừng 20 cây số. Bởi vì nặng hơn nước trong, vùng nước đục khiến sóng biển giảm
cường độ, hạn chế tác hại. Do lượng phù sa giảm nhanh và nhiều khiến “lớp áo
giáp” mỏng đi, sạt lở gia tăng thì quá trình bồi đắp yếu đi và quá trình tan rã
bắt đầu.
Xuồng, ghe của dân chúng hai xã Phú Thành (huyện Trà Ôn) và Mỹ Hòa (thị
xã Bình Minh), tỉnh Vĩnh Long, trước giờ đổ ra sông chặn xáng cạp. (Hình: Báo
Tuổi Trẻ)
Ông Dương Văn Ni, làm việc tại khoa Môi Trường-Tài
Nguyên Thiên Nhiên của Đại Học Cần Thơ, giải thích thêm, vùng biển tại các cửa
sông ở đồng bằng sông Cửu Long tạo ra những thềm cát, chúng giống như một lớp
kè dưới chân khu vực này. Vào mùa lũ, cát được cuốn ra, tích tụ ở các cửa sông.
Tới mùa gió chướng sóng biển sẽ tái phân phối cát từ các thềm cát. Do tác động
của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và việc cho phép khai thác cát
quá mức, lượng cát bù đắp giảm dần và sóng biển mạnh hơn nên sạt lở trở thành dữ
dội hơn.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ
Thiên Nhiên, từ 2003 đến 2012, mỗi năm vùng đồng bằng này mất khoảng 5 cây số
vuông đất do sạt lở.
Trong thập niên vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc
nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản
hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ, chính quyền Việt Nam vẫn làm
ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương đến địa phương thi nhau cấp giấy phép
hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp thi nhau khai thác cát.
Ngoài việc móc cát từ lòng sông, suối, giới hữu
trách tại Việt Nam tiến thêm một bước, cho phép móc cát ở khu vực ven biển để
xuất cảng dưới chiêu bài “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn.”
Theo các số liệu của Tổng Cục Hải Quan, từ năm 2007
đến 2016, Việt Nam đã xuất cảng 67 triệu mét khối cát.
Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ
yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng
khoảng 24 triệu mét khối.
Do bị các chuyên gia và dân chúng phản ứng kịch liệt,
cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát. Đến năm 2013, Bộ Xây Dựng
tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh
nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng”
cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ này gọi đây là con đường
“xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải!”
Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ
Quốc Phòng với những dự án nạo vét luồng lạch tại các quân cảng. Kế đó là chính
quyền 11 tỉnh ven biển gồm Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú
Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
Các “chủ đầu tư” này đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng
250 triệu khối cát trong lòng biển để xuất cảng. Từ 2013 đến cuối năm 2016, Việt
Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore.
Trước sự giận dữ của dân chúng, thủ tướng đã “yêu cầu
chấn chỉnh” việc xuất cảng cát nhiễm mặn và khai thác cát ở các các sông để
cung cấp cho những công trình xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên “yêu cầu chấn chỉnh”
này không có hiệu lực trên thực tế vì khai thác cát nói riêng và khai thác
khoáng sản nói chung đang do các băng nhóm giống như mafia thao túng.
Hồi Tháng Ba vừa qua, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh phải đề
nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Công An điều tra xem những ai trong hệ thống công quyền
từ trung ương đến địa phương đang đứng phía sau “dự án nạo vét luồng đường thủy
nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.”
Kể từ khi chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị
tạm ngưng thực hiện dự án, vì việc tận thu cát khiến hữu ngạn sông Cầu bị sạt lở
nghiêm trọng, hàng chục chuyên viên, lãnh đạo Sở Tài Nguyên-Môi Trường, kể cả
chủ tịch tỉnh bị hăm dọa.
Hiểu như thế sẽ thấy tại sao Hợp Tác Xã Khai Thác
Cát Tân Bình Minh có thể tung hoành trên sông Hậu. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment