Việt Hà, phóng viên RFA
2017-04-25
2017-04-25
Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây xác định tình trạng viêm gan B và C trên toàn
thế giới đang là một mối đe dọa đáng sợ cho sức khỏe cộng đồng và kêu gọi các
nước phải có một đối phó khẩn cấp với mối đe dọa này.
Một hộp vắc-xin ngừa viêm gan B. AFP photo
Báo cáo mới được công bố vào hôm 21 tháng 4 của WHO
cho thấy có khoảng 325 triệu người trên toàn thế giới đang phải sống chung với
virut viêm gan B và C nhưng chỉ có rất ít người biết được mình đang nhiễm bệnh.
Vì vậy, trong báo cáo mới của mình, WHO đã xác định hai căn bệnh viêm gan B và
C là mối nguy hiểm đáng sợ đối với sức khỏe cộng đồng cần phải có đối phó khẩn
cấp.
Mối
nguy cho sức khỏe cộng đồng
Báo cáo của WHO có đoạn viết ‘hàng triệu người
đang có nguy cơ bệnh tiến triển thành bệnh gan kinh niên, ung thư, hoặc tử
vong’ do không được xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Theo WHO, viêm gan B là căn bệnh phổ biến ở khu vực
Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Malaysia, và Đông Nam Á. Ước tính có khoảng
115 triệu người trong khu vực này nhiễm virut viêm gan B.
Riêng đối với viêm gan C, con số ước tính gần đây của
WHO là khoảng 170 triệu người trên toàn thế giới, trong đó 94 triệu ca bệnh là ở
khu vực châu Á.
Bác
sĩ Trâm Trần, chuyên gia các bệnh về gan thuộc Trung tâm Y tế
Cedars-Sinai ở California, Hoa Kỳ cho biết:
Viêm gan C ở châu Á từ lâu đã là một vấn đề và điều
quan trọng hơn nữa là nhiều người không biết là mình mắc bệnh viêm gan C vì bệnh
lúc đầu thường không có triệu chứng gì. Vì thế họ cứ nghĩ là họ vẫn khỏe mạnh
và không biết mình đang mang bệnh.
Người nhiễm virut viêm gan B và C không được điều trị
kịp thời sau này có thể bị xơ gan hoặc thậm chí ung thư, dẫn đến tử vong. Bác
sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết hiện ở Việt
Nam, hai loại virut viêm gan B và C đang phát triển mạnh và là những nguyên
nhân hàng đầu gây ung thư gan ở Việt Nam :
Hiện giờ theo số liệu chung thì virut viêm gan B và
C đang phát triển nhiều. Hai con virut đó chịu trách nhiệm chính về ung thư
gan. Ung thư gan ở đàn ông cùng với ung thư phổi là cao nhất, 40 người trên
100,000 người đàn ông. Con số đó ở phụ nữ chỉ chiếm 1/3.
Theo Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây
Thái Bình Dương, Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao. Ước tính có khoảng
hơn 8 triệu người nhiễm virut viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B mạn tính
được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Theo bác sĩ Trần Văn Sáng, chuyên khoa Nội, đồng
thời cũng là phát ngôn nhân của Hội Bảo vệ Sức khỏe người Châu Á tại Hoa Kỳ,
virut viêm gan B là loại hết sức nguy hiểm và dễ lây lan :
Siêu vi trùng gan B tương đối rất nguy hiểm, so với
vi trùng gây ra bệnh AIDS nó nguy hiểm hơn rất nhiều lần, và nó chỉ nằm trong
máu mà thôi thành ra nó chỉ truyền qua đường máu, tức là trong những trường hợp
nào có sự xuất hiện của máu. Thí dụ như chúng ta sử dụng những bàn chải đánh
răng làm chảy máu răng, hay những vết cắt, những nơi có thể chảy máu của người
đang có bệnh thì điều đó có thể gây ra sự nhiễm trùng cho người khác.
Ví dụ như người phụ nữ trong thời kỳ có kinh thì
cũng tạo ra môi trường gây ra truyền nhiễm như vậy vì siêu vi trùng viêm gan B
có thể sống trong môi trường có máu ngoài cơ thể như vậy có thể đến 7 ngày. Và
đặc biệt nhất theo các nghiên cứu, cách truyền bệnh của nó 90% là từ người mẹ
sang con, chỉ có 10% là lây từ người này sang người khác. Chính vì vậy phần lớn
những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ có bệnh đều bị nhiễm bệnh này từ lúc sơ
sinh.
Tường tự như viêm gan B, virut viêm gan C cũng lây
truyền qua đường máu. Bác sĩ Trâm Trần cho biết:
Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu. Ở Việt Nam
lây nhiễm chủ yếu qua tiêm chích, truyền máu mà không được kiểm tra viêm gan C.
Ngoài ra người ta cũng có thể nhiễm virut vì dính máu qua những việc thông thường
như cạo gió chẳng hạn. Nếu họ tiếp xúc với máu và các dịch cơ thể có nhiễm
virut thì họ đều có nguy cơ bị lây nhiễm.
Theo WHO, việc thiếu hiểu biết về hai loại virut
viêm gan đã dẫn đến sự lây lan nhanh của cả hai loại virut.
Bác
sĩ Trần Văn Sáng gọi viêm gan B là kẻ giết người thầm lặng vì người
mắc bệnh thường không biết mình có bệnh khi đã quá muộn :
Phần lớn những người mang mầm bệnh siêu vi trùng gan
B hoàn toàn không biết gì về sự có mặt của con siêu vi trùng này. Bởi vậy người
ta mới nói đó là những con siêu vi trùng rất nguy hiểm. Cho tới giai đoạn chót
tức là khi người ta đến tuổi 40, 50 trở lên và khi bắt đầu có triệu chứng chai
gan và ung thư gan thì lúc đó bắt đầu mới có triệu chứng, thì thường sự chữa trị
là quá trễ.
Theo WHO, viêm gan B và C khiến khoảng 1,34 triệu
người thiệt mạng trong năm 2015, tương tự như số tử vong do HIV và lao phổi.
Nhưng khác với HIV và lao phổi, con số tử vong do viêm gan đã gia tăng trong
các năm qua. Con số người tử vong do viêm gan đã tăng 22% trong giai đoạn từ
năm 2000 đến năm 2014.
Cơ
may với người bị viêm gan
Việc điều trị và phòng ngừa đối với hai loại virut
viêm gan trên thực tế có những điểm khác biệt. Theo bác sĩ Trần Văn Sáng, virut
viêm gan C thường không gây ra ung thư gan nếu không làm hư hại gan đến mức bị
chai gan, trong khi virut viêm gan B có thể gây ra ung thư gan ở bất cứ giai đoạn
nào trong sự phát triển của bệnh.
Viêm gan B nếu được điều trị bằng thuốc có thể làm
giảm đáng kể rủi ro bị chai gan hoặc ung thư gan ở người bệnh. Nói về cách điều
trị viêm gan B, bác sĩ Trần Văn Sáng cho biết:
Với sự tiến bộ hiện nay, có những loại thuốc rất mạnh,
có khả năng làm cho vi trùng trong máu giảm xuống gần như không tìm thấy được tức
ở mức 0. Trong trường hợp này thì hầu như những biến chứng về ung thư và chai
gan giảm đi rất nhiều. Có những bằng chứng khoa học cho thấy có những người được
chữa trị trong giai đoạn bị chai gan thì sau một thời gian uống thuốc từ 4 đến
5 năm mức độ chai gan cũng giảm xuống.
Tuy vậy, các loại thuốc điều trị viêm gan B hiện nay
vẫn chưa có khả năng tiêu diệt toàn bộ virut viêm gan B. Vì vậy nếu người bệnh
đã uống thuốc mà ngừng thuốc thì virut có khả năng phát triển trở lại.
Viêm gan B hiện cũng có thể được được chủng ngừa bằng
vaccine. Tại Việt Nam, trẻ sơ sinh hiện cũng đã được tiêm vaccine ngừa viêm gan
B trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Riêng với viêm gan C, khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều
nước trên thế giới đã bắt đầu áp dụng điều trị bệnh với những loại thuốc mới có
tỷ lệ thành công lên đến 95%, giảm phản ứng phụ của thuốc. Những nghiên cứu mới
đây tại Mỹ cho thấy hơn 90% người bệnh uống thuốc mới đã khỏi bệnh hoàn toàn, tức
không còn virut viêm gan C trong máu.
Tuy nhiên, bác sĩ Mark Sulkowski, Giám đốc
Trung tâm về Viêm gan thuộc trường đại học John Hopkins cho biết dù được điều
trị khỏi viêm gan C, người bệnh vẫn phải cẩn trọng để tránh lây bệnh trở lại từ
người khác:
Loại điều trị này là dứt điểm nên chúng tôi trông đợi
là bệnh không quay lại với hai điều kiện. Thứ nhất là người ta vẫn có thể lây
nhiễm bệnh trở lại cho nên khi họ điều trị khỏi thì vẫn nên cẩn trọng. Thứ hai
là với những người dù đã hết virut nhưng đã có chai gan tiến triển thì chúng
tôi vẫn phải theo dõi bệnh gan của họ để tranh cho họ bị bệnh gan sau này. Với
những người có virut viêm gan C trong máu những đã được chữa khỏi hoàn toàn thì
có thể không cần theo dõi sau đó, nhưng với những người đã bị chai gan thì cần
phải theo dõi những biến chứng sau đó có liên quan đến chai gan.
Tại Mỹ, giá một lần điều trị viêm gan C ước tính khoảng
40 ngàn đô la. Ở những nước kém phát triển hơn như Việt Nam, thuốc cũng đã được
nhập về từ Ấn Độ với giá thấp hơn. Chi phí cho một liều điều trị trong vòng 6 đến
12 tuần được ước tính khoảng 48 triệu đồng.
Khác với viêm gan B, virut viêm gan C hiện không có
vaccine phòng ngừa. Bác sĩ Trâm Trần cho biết:
Chúng ta đã có vaccine dùng cho viêm gan B nhưng
chưa có vaccine dùng cho viêm gan C vì virut viêm gan C biến đổi gene rất nhanh
cho nên việc làm một loại vaccine cho viêm gan C là rất khó khăn. Tôi không
nghĩ là chúng tôi có thể tìm ra được loại vaccine nào đối với viêm gan C trong
tương lai gần.
Trong báo cáo mới của mình, WHO kêu gọi các nước phải
gia tăng nỗ lực phòng chống hai loai virut viêm gan. Mục tiêu mà WHO đặt ra là
chậm nhất đến năm 2030, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 80% người nhiễm những
virut này được điều trị.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin về các vấn đề y tế,
sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
No comments:
Post a Comment