Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-04-26
2017-04-26
Kết quả vòng đầu của bầu cử Tổng thống tại Pháp vào
ngày Chủ Nhật 23 khiến các thị trường cổ phiếu quốc tế vọt tăng giá trong mấy
ngày liền vì các nước tưởng là đã đẩy lui được một cơn khủng hoảng sẽ có ảnh hưởng
toàn cầu. Nhưng sự thật đôi khi lại không được lạc quan như vậy vì những gì xảy
ra cho nước Pháp chỉ báo hiệu nhiều cơn địa chấn kinh tế và xã hội trong tương
lai.
Ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp, Emmanuel Macron
(giữa) tại Paris ngày 26 tháng 4 năm 2017. AFP
photo
Bầu cử
tại Pháp
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tiết mục chuyên đề của
chúng ta thường tập trung vào khu vực Á Châu hay các biến cố có ảnh hưởng kinh
tế đến Á Châu và Việt Nam. Nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này lại được
thế giới quan tâm vì chi phối tương lai Âu Châu cùng các khu vực khác và kết quả
của vòng đầu khiến các thị trường cổ phiếu toàn cầu vọt tăng giá như vừa thoát
được một cơn khủng hoảng cho nên kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho việc đó.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi thiển nghĩ các thị trường quá sớm lạc quan
mà chẳng thấy ra nhiều chấn động sắp tới vì những gì xảy ra cho nước Pháp không
thu hẹp vào quốc gia này. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một cơn địa chấn kinh
tế và xã hội âm ỉ trong nhiều quốc gia, vì vậy, sau khi phân tích những yếu tố
đặc thù của nước Pháp và Âu Châu, ta nên nhìn rộng ra ngoài và nhìn vào Việt
Nam.
Nguyên
Lam: Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày
về những đặc thù của Pháp, rồi của Âu Châu trước khi rút tỉa một số kết luận
cho các quốc gia khác, kể cả cho Việt Nam.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trước hết, các thị trường mừng rỡ vì hai ứng
viên tranh cử Tổng thống Pháp đạt nhiều phiếu nhất trong vòng đầu để vào vòng
chung kết mùng bảy tháng tới lại là một sự chọn lựa dễ dàng. Đa số đều đoán ông
Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước thuộc xu hướng gọi là trung dung và ủng
hộ Âu Châu sẽ đắc cử Tổng thống với khoảng 60% số phiếu. Còn bà Marine Le Pen của
đảng Mặt Trận Quốc Gia theo xu hướng cực hữu và chống Âu Châu chỉ được tỷ lệ
40% thôi. Tôi trộm nghĩ là người ta mừng quá sớm vì kết quả chưa hẳn như vậy, vả
lại Pháp còn bầu cử Hạ viện vào hai ngày 11-18 Tháng Sáu với một ách tắc chính
trị nữa là Tổng thống Macron thuộc cánh tả được gọi sai là trung dung có khi lại
phải thỏa hiệp với đảng đối lập đa số và một Thủ tướng thuộc cánh hữu. Cho nên
sự thể tại Pháp vẫn chưa ổn định và sẽ còn chi phối các cuộc bầu cử ở nước khác
trong Liên hiệp Âu châu, kể cả nước Đức.
Nguyên
Lam: Như vậy, phải chăng người ta còn cần theo dõi
nhiều cuộc bầu cử khác rồi mới có thể kết luận là nên mừng hay nên lo sau cuộc
bầu cử tuần qua tại Pháp?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi nghĩ là người ta nên lo chứ đừng vội mừng
vì biến động tại Pháp còn phản ảnh nhiều hiện tượng đáng ngại hơn thế trong lâu
dài. Thứ nhất, dư luận dễ đả kích bà Marine Le Pen là của một đảng có xu hướng
phát-xít mà không thấy xã hội Pháp vỡ đôi, khi 40% dân số không hài lòng với hiện
trạng kinh tế, xã hội, văn hóa đến độ hoài nghi lý tưởng toàn cầu hóa, kinh tế
thị trường và đòi trở lại tinh thần bảo hộ mậu dịch hay chủ nghĩa quốc gia.
Thứ hai, ứng cử viên đảng Xã Hội đang cầm quyền tại
Pháp chỉ thu được 7% số phiếu là điều chưa từng thấy bao giờ và lãnh đạo đảng
Xã Hội là Tổng thống François Hollande không ra tái tranh cử vì thành tích quá
tệ mà cũng chẳng dám công khai ủng hộ ông Macron trong vòng đầu vì sợ ứng viên
này bị vạ lây.
Thứ ba, từ chấn động kinh tế vào năm 2008, các đảng
phái truyền thống, thuộc cánh trung tả hay trung hữu đã thay nhau cầm quyền đều
mất tín nhiệm và xu hướng cực tả hay cực hữu có tinh thần đại chúng hay mị dân
lại được nhiều người ủng hộ hơn trước.
Thứ tư, từ nước Pháp mà nhìn ra, ta thấy cánh tả tại
nhiều nơi như Anh, Mỹ, Hà Lan, Ba Lan, Hung, Tây Ban Nha đều gây thất vọng vì họ
xa rời lý tưởng bảo vệ quần chúng lao động thời xưa mà đề cao các giải pháp xã
hội trừu tượng và xa lạ với cuộc sống lầm than của giới bình dân. Kết luận ngắn
gọn, có vẻ khó hiểu mà thật ra lại đáng sợ ở đây là ta đang thấy một xung đột lớn
giữa quyền dân với chủ quyền quốc gia do nhà nước thể hiện.
Xung đột
giữa quyền dân và chủ quyền quốc gia
Nguyên
Lam: Ông nêu một kết luận quả là hơi khó hiểu cho nhiều
thính giả của chúng ta. Thưa ông, thế nào là sự xung đột giữa quyền dân và chủ
quyền quốc gia khi mà quốc gia là một tập thể dân tộc, của người dân?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Chúng ta hãy khởi sự cũng từ Pháp với cuộc
cách mạng chính trị vào năm 1789 có ảnh hưởng toàn cầu. Lý tưởng cách mạng khi ấy
kết tinh vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, văn kiện được nhiều nước
khác học theo, kể cả Việt Nam. Nó khởi sự ở Điều Một là “con người ta sinh ra
ai cũng có tự do và quyền bình đẳng”. Khi nhìn vào Pháp hay nơi khác, ta thấy
gì? Sau cuộc cách mạng, quyền dân lại bị chà đạp hơn trước. Tại Pháp, người ta
chặt đầu ông vua rồi mở ra thời kỳ khủng bố và dựng lên một Đế chế với Hoàng đế
Napoléon gây chiến khắp Âu Châu.
Lý tưởng “tự do, bình đẳng và bác ái” của Pháp không
thể hiện ở chế độ thực dân đế quốc cũng của nước Pháp. Các cuộc cách mạng khác,
tại Nga, Tầu hay Việt Nam cũng nhân danh tự do, độc lập hay công bằng xã hội mà
sau cùng lại đàn áp người dân qua nạn khủng bố được nhà nước định chế hóa. Tại
sao như vậy? Vì Điều Ba trong văn kiện lịch sử này của Pháp cũng được nhiều nước
viện dẫn, đó là, tôi xin tạm dịch “Nguyên tắc chính yếu nằm ở chủ quyền quốc
gia”. Tức là không cơ chế nào hay cá nhân nào có bất cứ thẩm quyền gì mà không
bắt nguồn từ quốc gia. Điều Một của Tuyên ngôn vạch ra lý tưởng cho toàn nhân
loại, Điều Ba tìm cách bảo vệ lý tưởng chung bằng phạm trù riêng là quốc gia.
Từ đó, nhân danh chủ quyền quốc gia hay tập thể nhân
dân, nhà nước có thể xâm phạm lý tưởng đó. Bây giờ, ta thấy ra sự va chạm hay
thậm chí xung đột giữa quyền dân và chủ quyền quốc gia qua mâu thuẫn giữa Điều
Một và Điều Ba của bản Tuyên ngôn nguyên thủy.
Một ví dụ dễ hiểu cho dân ta là Điều 4 của Luật Đất
Đai xuất phát từ Điều 53 của Hiến pháp, rằng “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Thế rồi một nhà nước đại
diện nhân dân hay giai cấp hoặc chủ quyền quốc gia lại quản lý theo kiểu cướp đất
khiến nông dân phải khiếu kiện và nổi loạn như đã và đang xảy ra.
Nếu người dân thấy tay chân nhà nước lại còn hút cát
trong sông ngoài biển để bán cho Trung Quốc làm đảo nhân tạo trên vùng quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa đã cướp của Việt Nam thì họ có quyền nêu câu hỏi về chủ
quyền quốc gia. Câu hỏi ấy dẫn tới Điều Một của Hiến pháp: “Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” và câu trả lời về
mâu thuẫn đó nằm trong Điều Bốn về đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ chế mới thật sự
có toàn quyền.
Ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen
trên kênh truyền hình Pháp TF1 ngày 25 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Nguyên
Lam: Khi trở ngược lên cuộc Cách mạng Pháp và bản
Tuyên ngôn Nhân quyền của năm 1789 rồi dẫn tới chuyện ngày nay trên thế giới và
tại Việt Nam vào thế kỷ 21, ông kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Ta có thể rút tỉa nhiều kết luận. Thứ nhất,
người Việt Nam sớm có khái niệm về độc lập dân tộc từ hơn ngàn năm trước, khi
giành lại chủ quyền sau ngàn năm Bắc thuộc. Câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” có
thể là tuyên ngôn điển hình, và tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc ngày nay về
kinh tế lẫn chính trị là một nghịch lý. Nhiều người Việt ngày nay đã hết tin mà
cũng hết sợ đảng cầm quyền nên tình hình có thể biến thái rất nhanh.
Nhìn vào Âu Châu thì sau cuộc Cách mạng Pháp năm
1789, khái niệm quốc gia dân tộc mới thành hình, nhưng lại dẫn tới xung đột và
chiến tranh liên miên mà cao điểm chính là hai trận đại chiến biến ra thế chiến
trong Thế kỷ 20. Sau Thế chiến II, các nước dân chủ Tây phương mới rút tỉa kinh
nghiệm mà lập ra nhiều định chế quốc tế với hứa hẹn bảo vệ nhân quyền và dân
quyền, hay nói chung là quyền tự do của cá nhân trong một thế giới hòa bình.
Liên Hiệp Quốc rồi Liên Âu cũng thuộc vào loại định chế quốc tế đó.
Nhưng thật ra các định chế ấy đều thất bại vì hòa
bình chưa có, xung đột và nội chiến vẫn bùng nổ ở nhiều nơi, riêng tại Liên Âu
thì quyền dân lại bị các định chế quốc tế thu hẹp làm người dân hoài nghi lý tưởng
hội nhập. Riêng thất bại kinh tế tại Pháp với đà tăng trường thấp, thất nghiệp
lên tới 10%, thậm chí 25% trong giới trẻ dưới 24 tuổi, khiến các đảng truyền thống
vẫn cầm quyền mới bị cử tri chối bỏ.
Nhìn rộng ra ngoài, ta còn nên lo sợ một chiều hướng
khác là trong từng quốc gia thống nhất lại có trào lưu ly khai hay độc lập. Sau
khi Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Âu, xứ Scotland lại đòi ra khỏi Vương quốc
Anh thống nhất, đất Catalonia thì đòi ra khỏi xứ Tây Ban Nha. Tại Ý, tuần qua
hai vùng Lombardy và Veneto ở miền Bắc cũng đòi tổ chức trưng cầu dân ý về quyền
tự trị. Hiện tượng phân cực tại Pháp chỉ là mặt nổi của những chuyển động đáng
ngại hơn ở dưới. Nếu lại kể thêm cuộc khủng hoảng của thế giới Hồi giáo và nạn
khủng bố thì có lẽ các thị trường tài chính sẽ xét lại chứ không thể lạc quan
như mấy ngày qua.
Nguyên
Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, vẫn là về Việt Nam.
Tương lai rồi sẽ ra sao trong cái thế giới đang có quá nhiều phân hóa như vậy?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Một ngẫu nhiên là biến động dồn dập này của thiên hạ
lại xảy ra khi Việt Nam nhớ tới biến cố 1975, 42 năm về trước. Trong Thế kỷ 20,
Việt Nam gặp một cuộc chiến lâu dài và đắt đỏ nhất vì mục tiêu được minh danh
là độc lập. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì kinh tế bị 10 năm khủng hoảng.
Việc đổi mới kinh tế ba chục năm trước có dẫn tới thay đổi mà chưa phải là canh
tân và phát triển, nhưng nền độc lập lại dần dần tiêu vong vì tình trạng quá lệ
thuộc vào Trung Quốc.
Khi thấy các nước Âu Châu tranh luận về quyền của
con người do quốc gia bảo vệ và lâm vào mâu thuẫn giữa dân quyền với chủ quyền
thì ta đừng quên rằng đảng và nhà nước Việt Nam lại nhân danh chủ quyền quốc
gia mà xâm phạm quyền của con người trong khi lũng đoạn tài nguyên quốc gia rồi
bán dần cho một xứ láng giềng có nhiều tham vọng bành trướng. Khi người dân thấy
là bị quá nhiều oan ức thì Việt Nam cũng sẽ bất ngờ gặp cơn địa chấn kinh tế và
xã hội.
Nguyên
Lam: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment