Tuesday, March 21, 2017

ĐÀ NẴNG & TINH THẦN CÔNG DÂN (FB Lê Trọng Vũ)






Lãnh đạo có tài sản “khủng” không quan trọng bằng thái độ của người dân về chuyện ấy.

Tâm lý cho phép “ăn được làm được” thật ra đáng ngại hơn nhiều việc ngân sách quốc gia bị thất thoát, nó “hợp pháp hoá” hành vi tham nhũng của chính trị gia, một dạng tâm lý kiểu “hội chứng Stockholm”, nơi nạn nhân thông cảm và ngưỡng mộ ngay chính những thủ phạm gây ra thiệt hại cho mình. Xây cầu hay mở vài con đường là công việc chứ không phải công lao, chưa kể nếu xã hội minh bạch, cây cầu và con đường ấy nhiều khả năng sẽ được xây dựng to đẹp và đưa vào phục vụ những người đóng thuế hiệu quả hơn.

Giữa những cuộc “luận kiếm” của lãnh đạo ĐN gần đây, nhiều người hồi tưởng về thời kỳ hoàng kim nhất của thành phố mà không biết rằng nó là hệ quả từ những “di sản” mà những người tiền nhiệm để lại.

Năm 2014, Quy hoạch bán đảo Sơn Trà do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM), tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới thực hiện đã nhận được Giải thưởng xuất sắc của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ. Trong bản quy hoạch này, một loạt đề xuất chiến lược nhằm tạo ra một công viên quốc gia mới cho Việt Nam, một điểm đến cho du lịch sinh thái đồng thời bảo vệ những tài sản thiên nhiên độc đáo ở nơi đây. Bản quy hoạch tạo ra vùng cấm xây dựng nghiêm ngặt đối với khu vực có độ cao trên 100m đồng thời để đảm bảo rằng khung cảnh thiên nhiên vẫn là hình ảnh chủ đạo khi quan sát từ xa, vị trí xây dựng các dự án trong tương lai được giảm thiểu bằng cách bố trí trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ, nơi mà công trình có thể được “dấu” vào trong các tầng lá xanh ngắt. Ngoài ra, bản thiết kế cũng đề xuất các hoạt động đi bộ, đạp xe hay leo núi với việc bổ sung thêm hệ thống đường mòn nhỏ nhằm giảm thiểu tác động của phương tiện giao thông.

Một đồ án tôn trọng thiên nhiên tuyệt vời như vậy mà sau khi nghe SOM báo cáo, cố bí thư Nguyễn Bá Thanh phát biểu: “đề bài” đặt ra là phải “biến” bán đảo Sơn Trà thành thành phố sinh thái kết hợp giữa các khu vực ở, công trình du lịch, vui chơi giải trí, tham quan, chữa bệnh… Độ cao nghiên cứu không chỉ dừng ở 100m (từ mặt biển trở lên) mà có thể lên 200m – 300m, thậm chí lên đến các đỉnh 600 – 700m. 

Và thực tế đã đặt ra câu hỏi, ai đứng đằng sau việc can thiệp thô bạo vào công tác quy hoạch bán đảo Sơn Trà?

Sun Group đã “may mắn” nắm được hầu hết những vị trí kim cương của Đà Nẵng, từ Bà Nà huyền ảo đến Sơn Trà hoang sơ, từ làng biệt thự lấn sông Euro Village đến khu đô thị sinh thái ở Hoà Xuân, tất cả đều có “dấu giày” của Sun Group. Nhưng nếu trách nhà đầu tư một thì phải trách chính quyền hai vì nhà đầu tư thì chỉ nghĩ đến lợi nhuận còn chính quyền phải là nơi đại diện người dân giám sát việc triển khai dự án theo quy định pháp luật. Đành rằng nhà đầu tư có thể “chạy chính sách” từ Trung ương nhưng nếu địa phương có trách nhiệm và bản lĩnh vẫn có thể “câu giờ” hay kéo dài thời gian cấp phép những dự án thiếu bền vững với tương lai.

Những gì diễn ra ở ĐN gần đây cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền đã đành mà trách nhiệm công dân cũng mờ nhạt ko kém. Chỉ khi nào người dân nhận thức đúng quyền lực của mình, liên tục nghi ngờ, đặt câu hỏi và thường xuyên gây áp lực lên các cơ quan công quyền, nơi mọi hoạt động đều sử dụng ngân sách từ chính tiền thuế của dân, thì khi ấy quyền lợi của mình mới may ra được lắng nghe và đảm bảo.


-----------

VTC.VN|BY VTC NEWS

DOTHIVIETNAM.ORG




No comments:

Post a Comment