Tuesday, February 28, 2017

TỔNG THỐNG MỸ ĐỌC DIỄN VĂN TRƯỚC QUỐC HỘI HOA KỲ (tin tổng hợp)


Đăng ngày 28-02-2017
Giống như những người tiền nhiệm, vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một tháng sau khi nhậm chức, vào tối nay, 28/02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn quan trọng đầu tiên trước Quốc Hội, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Theo AFP, về mặt kỹ thuật, đây không phải là một thông điệp về tình hình Liên bang gửi tới quốc dân, nhưng động thái này có cùng mục tiêu như một thông điệp. Ông Trump trình bày phương hướng, những nét chính trong chính sách của tân chính quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Một số nhà quan sát cho rằng đây cũng là dịp để nguyên thủ Hoa Kỳ tiếp xúc một cách trực tiếp với ngành lập pháp mà ông rất cần để có được sự ủng hộ trong việc thực hiện các chương trình của chính phủ.
Một trong những nội dung quan trọng của bài diễn văn hôm nay đã được ông Trump cho biết từ trước, đó là việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
« Barack Obama giảm, Donald Trump tăng lên : Ngân sách quốc phòng sẽ được bổ sung 54 tỷ đô la, tức là tăng gần 10% so với mực hiện nay. Như vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ muốn thực hiện lời hứa là bảo vệ các công dân Mỹ. Ông nói : Ngân sách này sẽ tập trung vào lĩnh vực công an và an ninh quốc gia. Chi ngân sách sẽ tăng ở mức kỷ lục trong lĩnh vực quốc phòng để tái xây dựng quân đội Hoa Kỳ vào một thời điểm mà nước Mỹ đang cần nhất.
Liệu có thực sự cần tăng ngân sách quốc phòng với quy mô lớn như vậy hay không ? Các chuyên gia quân sự không hẳn tin như vậy. Đương nhiên, các quan chức bộ Quốc Phòng chắc chắn sẽ vui mừng vì họ phàn nàn là quân đội suy yếu do việc giảm ngân sách và phải trải qua nhiều thập niên chiến tranh.
Phần ngân sách mới được bổ sung sẽ chi cho việc đóng tàu chiến, chế tạo máy bay, qua đó, củng cố sự hiện diện của Mỹ trên các tuyến hàng hải quan trọng, như eo biển Ormuz và Biển Đông.
Để có thêm khoản tăng ngân sách quốc phòng này - mà việc thông qua tại Quốc Hội sẽ rất khó khăn – ông Trump đề nghị cắt giảm ngân sách của các bộ và các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này, là cơ quan bảo vệ môi trường và bộ Ngoại Giao : Ngân sách của bộ Ngoại Giao có thể sẽ giảm tới 30% với hậu quả là các quỹ viện trợ quốc tế sẽ bị giảm đáng kể ».
Cũng tại Mỹ, nhà tỉ phú Wilbur Ross hôm qua 27/02 đã được Nghị Viện phê chuẩn cho chức bộ trưởng Thương Mại. Mặc dù Wilbur Ross bị chất vấn về mối liên hệ với các quan chức cấp cao của Nga, nhưng nhà tỉ phú 79 tuổi này vẫn được tới 72/100 phiếu thuận của các thượng nghị sĩ, trong đó có nhiều thượng nghị sĩ phe Dân Chủ.
------------------------
28/02/2017
Tổng thống Donald Trump sẽ phát biểu trước phiên họp chung của hai viện Quốc hội và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ chiếu tối hôm nay, thứ Ba 28/2. Đây sẽ là bài phát biểu quan trọng đầu tiên của ông kể từ khi ông nhậm chức tổng thống hồi tháng trước. Ông Trump theo trông đợi sẽ nói về các ưu tiên dự chi ngân sách cho năm tới, trong đó sẽ tăng mạnh cho chi tiêu quốc phòng và giảm mạnh các chương trình viện trợ nước ngoài và chi tiêu nội địa.
Từ thủ đô Washington, thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường trình:
Tổng thống Trump đã nói sơ lược phát biểu của ông sẽ đọc trước Quốc hội trong cuộc họp với các thống đốc bang tại Tòa Bạch Ốc.
"Kế hoạch ngân sách này được lập theo hứa hẹn của tôi là sẽ tập trung vào mục tiêu bảo vệ an toàn cho nhân dân Mỹ, không để khủng bố lọt vào, không để tội phạm lọt vào, và tống giam những kẻ vi phạm bạo động, và trục xuất tất cả bọn chúng."
Phân tích gia John Fortier của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nói ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng và giảm chi tiêu cho các chương trình nội địa, các nhà lập pháp cũng hy vọng sẽ nghe tổng thống nói về vấn đề cải tổ thuế và chăm sóc sức khỏe.
"Nhưng tổng thống và Quốc hội do Ðảng Cộng hòa chiếm đa số nhìn chung đồng ý với việc bãi bỏ Obamacare, giảm thuế và sửa đổi luật lệ về an ninh biên giới. Và đó là những vấn đề sẽ gắn kết các đồng nghiệp Cộng hòa với nhau."
Phe Dân chủ trông có vẻ ở trong tư thế sẽ chống lại nhiều sáng kiến của Tổng thống Trump.
Tân chủ tịch Ðảng Dân chủ, ông Tom Perez, cựu Bộ trưởng Lao động, nói:
"Ông Donald Trump, ông không vì nước Mỹ. Ông Donald Trump, chúng tôi sẽ không cho phép những giá trị đó gây chia rẽ nước Mỹ và đó là những gì chúng tôi sẽ thống nhất hành động trong đảng của chúng tôi, theo những giá trị của chúng tôi."
Tại nhiều cuộc họp cử tri của các nghị sĩ trong mấy ngày gần đây cho thấy nhiều nỗi tức giận về ông Trump và nhiều người lo sợ về những thay đổi trong chính sách chăm sóc sức khỏe, như trong cuộc họp do Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ khối Cộng hòa ở Thượng viện, chủ trì.
"Các cựu chiến binh bị bệnh! Các cựu chiến binh cần được chăm sóc sức khỏe và họ không nhận được những gì họ cần."
Tổng thống Trump trông có vẻ sẵn sàng giao chiến, không chỉ với bên Dân chủ mà với cả truyền thông báo chí.
"Chúng ta phải chiến đấu, các bạn à, chúng ta phải chiến đấu chống truyền thông báo chí. Họ rất tinh khôn, họ rất xảo quyệt, và họ rất bất lương."
Một số đảng viên Cộng hòa cho rằng việc tấn công truyền thông là một hành động gây mất tập trung không cần thiết. Nhưng như nhận xét của chiến lược gia Ðảng Cộng hòa John Feehery, thì đó cũng là một phần của tính khí khó đoán của Tổng thống Trump.
"Ông ấy tỏ ra khó đoán có chủ đích. Đó là toàn bộ chiến lược của ông, và đó là một sự khác biệt lớn so với hầu hết các tổng thống thực sự tỏ ra có thể đoán trước. Và điều đó đảo lộn tất cả những thói quen trước đó và khiến có giới lãnh đạo trong Quốc hội phải mất một thời gian để nghiệm ra cách đối phó."
Tổng thống Trump cũng có thể sẽ dùng bài phát biểu trước Quốc hội để trấn an cử tri sau sự khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông thỉnh thoảng có hỗn loạn, và để vực lại tỉ lệ ủng hộ ông vốn đang ở mức thấp đối với một tân tổng thống.
---------------------------
February 27, 2017
WASHINGTON DC (NV) – Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên từ ngày Tổng Thống Donald Trump nhậm chức, cựu Tổng Thống George W, Bush nói về việc ông Trump tấn công truyền thông, chính sách gây tranh cãi về di dân, và vụ tai tiếng Nga tin tặc.
Theo chương trình truyền hình Today, ông Bush bắt đầu với việc bên vực ngành truyền thông và nói rằng tự do báo chí là “điều không thể thiếu được đối với nền dân chủ.”
Phát biểu với nhà báo Matt Lauer của Đài Truyền Hình Today, ông Bush nói: “Chúng ta cần một truyền thông độc lập để người như tôi phải nghĩ đến trách nhiệm.”
“Quyền lực dễ làm cho người ta say mê và thoái hóa,” ông Bush nói tiếp.
Cựu Tổng Thống Bush được hỏi về vai trò của truyền thông trong bối cảnh Tổng Thống Trump gần đây gọi họ là “kẻ thù của người dân Hoa Kỳ.”
Ông Bush nói, trong suốt hai nhiệm kỳ, ông từng bỏ ra nhiều thời gian để tìm cách thuyết phục Tổng Thống Nga Vladimir Putin hãy khuyến khích một nền báo chí độc lập.
Ông Bush cũng đề cập đến vấn đề gây tranh cãi, về các cố vấn của ông Trump và vai trò mà họ có thể có dính vào vụ tai tiếng liên quan đến tin tặc Nga tìm cách can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên ông dành câu trả lời, liệu có cần một công tố viên đặc biệt để điều tra vụ tai tiếng đó, cho các lãnh đạo của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, và chỉ nói: “Theo tôi tất cả chúng ta đều cần câu trả lời.”
Cựu Tổng Thống Bush cũng được hỏi về sắc lệnh gây tranh cãi về việc cấm di dân từ những nước có đa số dân Hồi Giáo của ông Trump và rằng ông ủng hộ hay chống lại sắc lệnh đó, thì ông Bush trả lời rằng “tôi ủng hộ một chính sách mở rộng cửa đón nhận di dân và duy trì luật pháp.” (TP)
------------------------------

No comments:

Post a Comment