Lê Phan
February 25, 2017
Các thủ đô của Âu Châu vẫn còn phân vân mặc dầu Phó
Tổng Thống Mike Pence đã được gửi sang trấn an đồng minh. Bởi trong tuần lễ
ngay trước khi phó tổng thống Mỹ viếng thăm Brussels và Munich mang theo hứa hẹn
quyết tâm “bền vững và kiên định” của Hoa Kỳ cho Liên Hiệp Âu Châu, chiến lược
gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon đã gặp một nhà ngoại giao Đức và đưa ra
một thông điệp khác hẳn.
Ông Bannon, theo những người này, đã đưa ra chỉ dấu
cho đại sứ Đức ở Washington là ông coi Liên Hiệp Âu Châu như là một kiến trúc
có quá nhiều lỗi và muốn chọn có liên hệ với Âu Châu trên căn bản song phương với
các quốc gia thay vì với toàn Liên Hiệp.
Theo nguồn tin mà Reuters nhận được thì trong cuộc gặp
gỡ với Đại Sứ Peter Wittig, ông Bannon đã nói rõ lập trường của ông về tình
hình thế giới. Thông điệp của ông không khác gì thông điệp ông đã gửi đến Hội
Nghị Vatican hồi năm 2014 khi ông vẫn còn là người điều hành của website cánh hữu
Breitbart News. Trong lời tuyên bố đó, được gửi đến qua Skype, ông Bannon đã tỏ
ra hưởng ứng phong trào dân túy ở Âu Châu và diễn tả một ao ước chủ nghĩa quốc
gia bởi những người “không tin vào cái thứ Liên Hiệp Liên Âu Châu này.” Tây Âu,
ông khẳng định, được xây dựng trên nền tảng của một phong trào quốc gia mạnh mẽ,”
và thêm “Tôi nghĩ đó sẽ là điều hướng dẫn chúng ta về tương lai.”
Cuộc gặp này đã làm chính phủ Đức bất an, một phần bởi
một số các viên chức đã hy vọng là ông Bannon có thể giảm thiểu lập trường của
ông một khi vào chính quyền và sẽ có một thông điệp uyển chuyển hơn với Âu Châu
trong chỗ gặp gỡ riêng. Một nguồn tin nói cuộc gặp gỡ này đã xác nhận lập trường
là Đức và các nước bạn Âu Châu phải chuẩn bị cho một chính sách “thù nghịch với
Liên Hiệp Âu Châu.”
Nguồn tin thứ nhì đã bày tỏ với Reuters quan ngại là
chính phủ này không biết đến vai trò của Liên Hiệp Âu Châu trong việc tạo dựng
và bảo vệ một Âu Châu hậu chiến hòa bình và phồn thịnh. Nguồn tin này nói “Có vẻ
như không có một sự hiểu biết trong Tòa Bạch Ốc là sự tan rã của Liên Hiệp Âu
Châu sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Không có bản ghi lại của cuộc đối thoại này. Những
nguồn tin này diễn tả là cuộc đối thoại tử tế và nhấn mạnh là không có bằng cớ
nào là ông Trump chuẩn bị đi xa hơn là những cuộc tấn công qua tweet về Liên Hiệp
Âu Châu – ông đã nhiều lần ca ngợi việc Anh Quốc quyết định rút lui khỏi Liên
Hiệp Âu Châu.
Nhưng lo sợ trước lập trường của Tòa Bạch Ốc đã khiến
Ngoại Trưởng Jean-Marc Ayrault của Pháp và ông Wolgan Ischinger, chủ tịch của Hội
Nghị An Ninh Munich, đưa ra một lời kêu gọi bất bình thường yêu cầu Phó Tổng Thống
Pence khẳng định trong chuyến đi thăm Âu Châu là Hoa Kỳ không nhắm đến việc gây
tan rã cho Liên Hiệp Âu Châu.
Trong khi đó, các chính trị gia Âu Châu đang ngày
càng cảm thấy họ đang xem phim kinh dị: Câu chuyện của một chính phủ Hoa Kỳ với
hai cá tính, một là Frankenstein, một là người bình thường. Và tất cả trong khi
sự tồn tại của chính Liên Hiệp Âu Châu và uy tín của Liên Minh NATO đang trong
đường tơ kẽ tóc với những chính trị gia mị dân như Geert Wilders ở Hòa Lan và
Marine le Pen của Pháp có tiềm năng giành uy quyền trong các cuộc bầu cử sắp tới
đây.
Tổng Thống Trump và các thành viên trong nội các. (Hình: Getty Images)
Tờ Le Monde, tờ báo đứng đắn nổi tiếng bên cánh tả của
Pháp, đã diễn tả chính phủ Trump là một chính phủ có “nội chiến ở đầu não” giữa
“những người hữu lý” và những người “quá khích.” Trong thời gian gần đây, những
người “lý trí” – Phó Tổng Thống Mike Pence, Bộ Trưởng Quốc Phòng John Mattis,
Ngoại Trưởng Rex Tillerson, Bộ Trưởng Nội An John Kelly, đều đã đến Âu Châu để
tìm cách nói là tổng thống thực sự không định nói những gì ông đã nói. Không, họ
cả quyết, NATO không phải lỗi thời. Đúng, Hoa Kỳ ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu.
Và những người hữu lý này có thể thành công trong việc
thuyết phục các đồng minh thân cận nhất ở Âu Châu là quyết tâm của Hoa Kỳ
nghiêm chỉnh như những điều họ lý luận – cho đến khi Âu Châu thấy đoạn video của
Tổng Thống Donald Trump, hoặc là “vận động tranh cử” với những người ủng hộ ở
Florida, hay hăng say khẳng định chính những điều đó tại Hội Nghị CPAC của nhóm
cực bảo thủ của đảng Cộng Hòa.
Trong hoàn cảnh như vậy, tất cả các đồng minh của
Hoa Kỳ đều đang tìm cách kiếm một cách nào khác để tự bảo vệ.
Với ngày càng ít tin cậy hơn vào sự ủng hộ của siêu
cường quốc Hoa Kỳ, nhiều lãnh tụ ở Âu Châu đang tìm cách có thể có một thỏa thuận
nào đó với Tổng thống Vladimir Putin mà có thể ảnh hưởng xấu đến sự đóng góp của
họ cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Trong khi đó, ở bên kia bờ Thái Bình Dương,
một đồng minh quan trọng khác của Hoa Kỳ, Úc, đang tìm cách theo đuổi một sự
dung hòa nào đó với Trung Cộng nếu người Úc nghĩ là họ không còn có thể trông cậy
vào Hoa Kỳ nữa.
Với những liên minh truyền thống đang tan rã, Nga và
Trung Cộng đang trở thành những thế lực vùng và thế giới ngày càng mạnh hơn.
Thành ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov, ở
cùng Hội Nghị An Ninh Munich nơi các nhân vật Hoa Kỳ tham dự, tuyên bố sự khởi
đầu của một “trật tự thế giới hậu Tây phương.”
Và phản ứng từ phía các đại diện của Hoa Kỳ thì sao?
Một phần của truyền thống của Hội Nghị Munich từ hơn một nửa thế kỷ nay là những
diễn giả trả lời câu hỏi sau khi họ trình bày những lời tuyên bố soạn sẵn trong
bầu không khí thân mật của một cuộc hội thảo hơn là một hội nghị chính thức.
Nhưng phái đoàn Hoa kỳ từ chối. Le Monde giải thích: “Những người Mỹ chọn để khỏi
đặt mình vào một vị thế khó chịu vì không biết phải nói làm sao cho đúng.”
Trong một thế giới đang cố đối phó với nhiều cuộc khủng
hoảng, cảm tưởng nói chung từ thế giới bên ngoài là con tàu USS Trump là con
tàu không có ai cầm lái. Đặc Sứ Staffan de Mistura của Liên Hiệp Quốc cho hòa
bình ở Syria phân vân: “Câu hỏi chính là Hoa Kỳ ở đâu trong tất cả mọi sự?” Bản
thân ông không có câu trả lời. Cựu tổng thư ký Liên Minh NATO và cựu ngoại trưởng
của Liên Hiệp Âu Châu Javier Solana thì bảo ông Pence nói chuyện với Hội Nghị Munich
như là nói chuyện với một bầy trẻ con: “I love you, I love you, nhưng không có
nội dụng gì khác.”
Những người khác nhận thấy một làn sóng ngầm nổi loạn
ở hội nghị. Ngay vào lúc đầu, Thượng Nghị Sĩ John McCain đã đọc một bài diễn
văn phân định rõ giữa một vị tổng thống không nêu tên và một nội các chuyên môn
và hữu lý hơn.
Ông McCain lên án những ai “quay mặt đi với những
giá trị phổ cập và tiến về phía những liên hệ huyết thông, chủng tộc và giáo
phái.” Ông lên án: “Sự gia tăng tức tối của chúng ta đối với di dân, dân tỵ nạn
và các nhóm thiểu số, đặc biệt là người Hồi Giáo.” Ông ghi nhận với lo ngại “sự
gia tăng thiếu khả năng, hay ngay cả thiếu ý muốn, để phân biệt sự thật và giả
dối,” và mức độ mà “ngày càng nhiều các công dân chúng ta đang muốn chơi với độc
tài và tiểu thuyết hóa nó như là có thể tương xứng về đạo lý với chúng ta.” Nhắm
thẳng đến các ông Pence, Mattis và Kelly, ông McCain nói là cả ông lẫn họ sẽ
không “từ bỏ gánh nặng của lãnh đạo toàn cầu.” Và khi Tòa Bạch Ốc loan báo Tướng
H R McMaster được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, ông McCain đã chào đón việc
đó như là vừa thêm được một cầu thủ mới cho đội tuyển của ông.
Một trong những người tham dự Hội Nghị Munich đã tỏ
vẻ ngạc nhiên về cách ăn nói của phó tổng thống. Một quan sát viên nhận xét là
những câu nói của ông Pence “có chủ đề và động từ – một việc chúng tôi không
quen được nghe.” Một người khác bảo ông Pence có vẻ đang đưa mình vào vị thế của
ông Gerry Ford, vốn là người thay thế Tổng Thống Richard Nixon năm 1974. Người
ta bảo ông Pence cho cái cảm tưởng là “nếu chuyện gì xảy ra, sẽ có người lớn lo
liệu.”
Ít nhất đó là điều mà Âu Châu hy vọng.
-----------------------
Tác giả: Ronald L. Feinman - Newsweek
Dịch giả: Trần Văn Minh
Tác giả: Daniel Benjamin - Politico
Dịch giả: Thạch Đạt Lang & Trần
Văn Minh
No comments:
Post a Comment